Vườn Địa Đàng và trái cấm ngủ mê
VNTN - Thi thoảng, những người nhà hàng xóm cũ trở về với ông giáo già và cô gái câm, ồn ào, thoáng chốc rồi đi. Người đến chưa kịp vui, người đi chưa kịp nhớ…
Tôi nghĩ như thế khi đứng bên bờ rào nhà mình tò mò ngó sang nhà hàng xóm, những người cuối cùng chào cha, chị, và bác, rồi trèo lên xe máy, phóng vút đi.
Người tiễn ngẩn ngơ, người không tiễn cũng ngẩn ngơ.
Lén lút ngó sang nhà người ta là một hành vi xấu. Tôi biết là rất xấu, nhưng không cưỡng được. Có quá nhiều điều hấp dẫn tôi: Một khu vườn đầy hoa trái, một người phụ nữ đẹp ngồi thêu những cánh chim, một ông già đọc thơ trong vườn. Có quá nhiều thứ mà tôi muốn biết.
Ngôi nhà, khu vườn ấy ngăn cách với nhà tôi bằng một bờ rào cây găng gai nhọn hoắt, nhưng khi nở hoa, chúng buông từng chùm màu tím, rất đẹp. Mẹ tôi muốn chặt hàng giậu găng ấy đi, xây một bờ tường gạch, cho sạch sẽ, hiện đại, nhưng cha tôi lừng khừng. Vì thế, tôi hay lẻn sang khu vườn ấy bằng cách vạch một lối đi nhỏ xuyên qua những thân găng um tùm. Và khu vườn nhà ông giáo giống như vườn Địa Đàng trong Kinh Thánh mà thằng Vũ bạn tôi thường thao thao kể. Cả nhà Vũ theo đạo Thiên chúa. Trong mấy ngôi làng ven sông của chúng tôi có một xóm đạo nhỏ, với cái tháp chuông nhà thờ cao vút và bình lặng. Vũ ở làng ấy, ngày nào nó cũng đi tắt mấy thửa ruộng dài qua rủ tôi đi học. Vũ bảo nó thích đến rủ tôi đi học, nói đúng hơn, khi đến nhà tôi, nó có thể kiễng chân ngắm vườn Địa Đàng giây lát.
Khu vườn không phải bí mật với riêng tôi và Vũ, trái lại, nó còn rất nổi tiếng trong đám trẻ. Chưa hề có đứa trẻ nào tôi biết nói rằng nó chưa từng bí mật lẻn vào khu vườn ấy, tống phồng mồm những trái táo thơm lựng vàng ươm mùa táo chín. Một quy ước ngầm trong đám trẻ: Dù thế nào cũng không được “tận diệt” khu vườn, dù thế nào cũng không để lại dấu vết.
Khi những trái chín cuối cùng của mùa thu còn sót lại qua mùa đông đã rụng, và hoa mùa xuân đã bung nở, cha đưa tôi theo sang nhà ông giáo chơi. Chủ khu vườn, ông giáo già đã nghỉ hưu từ lâu, dẫn cha con tôi đến ngồi dưới gốc mít na giữa vườn. Ông bảo tôi là đứa trẻ hàng xóm im lặng nhất mà ông từng gặp. Ông thắc mắc rằng tại sao bọn trẻ không đến chơi với ông, ông sẽ mời chúng hoa quả. Quả nhà ông năm nào cũng sai trĩu cành, nhưng ông không bán, cũng chẳng có ai xin, thành ra chim về ăn hết cả. Những quả chim không ăn đến thì chín nục, rụng đầy quanh gốc.
Rồi ông làm thơ về chúng.
Tôi nghe ông đọc thơ, và nghĩ đến “bầy chim” ăn trái chín mà mình quen biết. Lũ trẻ không công khai đến chơi, vì chúng sợ phải ngồi hàng giờ nghe ông đọc thơ. Trong vườn, thấp thoáng sau những nụ đào phai nở sớm là bóng một người phụ nữ. Ấy là con gái ông giáo. Ông giáo đã già lắm rồi, và cô con gái cũng đã đứng tuổi. Cô chưa lấy chồng. Những người trong làng bảo cô không lấy được chồng, dù thời trẻ cô cũng xinh xắn, bởi vì cô bị câm điếc, lại còn hâm nữa. Người làng cũng bảo tuy thế ông giáo sẽ di chúc lại cho cô ngôi nhà và khu vườn. Người đàn ông nào cam chịu lấy cô, sẽ có cả một gia tài.
Có nhiều người đàn ông, cả muộn vợ, ế vợ, vợ bỏ, vợ chết đều tìm đến ướm hỏi. Họ chẳng yêu gì cô đâu, họ chỉ cần gia tài của cô thôi, người làng bảo vậy. Nhưng cô không lấy ai cả. Cô bảo cô chỉ lấy một người thôi. Người ấy tên là Quân. Quân là tên… cha tôi.
***
Mùa hè, tôi đến nhà ông giáo chơi. Ông giáo ngồi dưới gốc cây mít giữa vườn. Dưới tán lá sum suê của nó, ông bày một bộ bàn ghế bằng đá rất giản dị nhưng mát mẻ, để ông uống trà cùng những người bạn già của mình. Cô câm điếc và bị hâm vẫn đun nước chè xanh cho ông và những ông bạn già của ông uống. Rồi cô lui về một chỗ mát trong sân, nơi những đóa hoa loa kèn đỏ nở rộ. Cô thêu thùa, cứ như quanh năm cô bận bịu không ngừng nghỉ. Những mũi kim và những sợi chỉ màu qua tay cô, dần hiện lên những bức tranh tuyệt đẹp, những cánh chim, những bông hoa sống động như cảnh thật.
Ông giáo hay đọc thơ. Tôi cố để lắng nghe những bài thơ mà tôi không hiểu, rồi nghĩ về cô gái câm của ông. Người ta sẽ ra sao nếu câm điếc? Hẳn là người ta rất buồn khổ. Và để người ấy không buồn khổ, ông trời lại khiến người ấy bị hâm. Người hâm thì vô tư lắm, họ không có thời gian để u sầu, họ không biết mình bất hạnh. Cha tôi bảo vậy. Cha tôi là giáo viên dạy văn. Ông cũng thích những khu vườn.
Có thể khi còn nhỏ, cha tôi và cô gái câm ấy từng là một đôi bạn hàng xóm thân thiết. Trong tâm hồn trong trẻo và mãi mãi trong trẻo của mình, cô ấy chỉ nghĩ về cha tôi như một người duy nhất trên đời trái tim cô yêu dấu. Cô không biết việc cha tôi lấy mẹ tôi, sinh ra chúng tôi đã khiến cuộc đời ông không bao giờ thuộc về cô. Nhưng cô không quan tâm điều đó, trái tim cô chỉ có một tình yêu trong sáng vĩnh cửu, không sở hữu.
Tôi không nghĩ ra được một giả thuyết nào khác nữa về cô, về tình yêu (có thật hay do tôi tưởng tượng) ấy, nên tôi mãi giữ nó trong lòng.
***
Vũ là một đứa trẻ đặc biệt, hơi u sầu, cô đơn và thích đắm mình trong những suy tư. Thi thoảng nó làm thơ, những bài thơ ngớ ngẩn và bảo chỉ một mình tôi được đọc. Tôi chẳng thấy hân hạnh gì khi đọc những bài thơ của nó, nhưng tôi mặc kệ. Năm tôi và Vũ mười lăm tuổi, một lần nó hỏi:
“Mày đã bao giờ nhìn thấy đàn bà khỏa thân chưa?”
Tôi khẽ rùng mình. Một luồng điện nhẹ của sự tò mò chạy rần rật qua trái tim. Tôi không trả lời, mà hỏi lại:
“Mày nhìn thấy rồi à?”
Vũ cũng không trả lời. Mà lại hỏi:
“Mày đã bao giờ sang bên ấy vào đêm tối chưa?”
“Bên ấy là bên nào?” - Tôi vờ vĩnh, Vũ không đếm xỉa, chỉ thở dài.
Cuối cùng, nó rủ tôi lẻn vào vườn nhà ông giáo. Đêm ấy trăng sáng như ảo ảnh.
Bấy giờ là tiết tháng giêng, trăng sáng và ủ đẫm hơi sương. Những cây bưởi đang trổ hoa và tỏa hương ngào ngạt. Chúng tôi lẻn sang vườn. Khu vườn yên tĩnh, không một tiếng động nào ngoài tiếng gió khẽ xôn xao. Khi đã sang vườn ông giáo, Vũ không hề giống một kẻ lén lút vụng trộm, nó đứng lặng, vai xuôi, hai tay buông thõng, mặt hơi ngửa lên nhìn trời, khuôn mặt nó đẫm ánh trăng. Cứ như khu vườn là gia tài của nó, cứ như nó là chủ nhân, và cả khu vườn huyền bí đẫm hương hoa kia phải phục tùng nó.
Có thể Vũ muốn tôi xem cô câm và điếc và bị hâm ấy khỏa thân. Người làng nhiều đồn đại về cô lắm. Ngoài chuyện đồn ông giáo kén chồng cho cô bằng khu vườn và ngôi nhà, còn đồn đêm trăng nào, dù đông buốt hay hạ nồng, cô đều khỏa thân đi trong vườn, như một hồn ma cô đơn.
Tôi và Vũ không phải là những đứa sợ ma. Những chiều đi thả trâu, Vũ thường úp nón lên mặt, nằm ngửa trên những ngôi mộ xanh cỏ để ngủ.
Tôi thân với Vũ, và không bao giờ phân biệt nó là một thằng con trai, tôi là một đứa con gái. Mười lăm tuổi, ngực tôi nhú mầm như măng, và mặt thằng Vũ đã lún phún râu. Nhưng nó tuyệt đối nghĩ tôi cũng như nó, ngay cả việc nó rủ tôi lén sang vườn nhà hàng xóm.
Vũ nằm trên đất vườn, đặt hai tay lên bụng, mắt nhắm lại, dưới lưng nó là một lớp lá khô rụng, hơi ẩm ướt vì sương lạnh. Tôi bước chân dưới vòm lá xanh mướt của những cây táo đang trổ hoa lặng lẽ.
“Đừng có đi như voi giày thế, yên lặng, không làm Du giật mình bây giờ.”
“Du là ai?” - Tôi ngơ ngác.
“Du là… giấc mơ của tao.”
Hóa ra Vũ thường lén vào khu vườn nhà ông giáo và ngủ trong đó, suốt những buổi trưa hè yên ả. Nó bảo mỗi lần nó ngủ dậy, lại thấy một bát nước chè xanh sóng sánh đặt bên cạnh, và những bông hoa hái trong vườn, hoa găng tím. Nó không biết ai đã đặt hoa và nước chè cho nó, chỉ có thể là cô gái câm điếc và bị hâm ấy, mà xét theo tuổi tác, nó phải gọi bằng cô.
Tất nhiên, giấc ngủ nào cũng dẫn nó đến những cơn mơ, và nó đặt tên cho những cơn mơ của mình là Du.
Tôi và Vũ không gặp người đàn bà khỏa thân nào đi trong vườn nhà ông giáo. Đêm khuya dần, sương rơi nặng hạt, và hương hoa đẫm ngát. Vũ ngủ say, như là Du dắt nó đi suốt chặng dài mê ảo. Không đánh thức nó dậy, tôi vạch vòm lá găng um tùm và lặng lẽ trở về nhà.
***
Chúng tôi học xong cấp hai với một chấn động dữ dội. Bài văn tốt nghiệp của Vũ đã bị hủy kết quả. Cả một bài thi bốn trang giấy, Vũ chỉ viết về Du trong khu vườn Địa Đàng nhà ông giáo. Ai cũng cho rằng Du chẳng phải ai khác chính là cô gái câm điếc và bị hâm. Và Vũ yêu cô ấy. Một tình yêu đẫm dục vọng thể xác. Điều mà một cậu học sinh thôn quê mười lăm tuổi làm đó, khiến cả gia đình và nhà trường bổ ngửa.
Cha tôi đã làm mọi cách để bênh Vũ, nhưng Vũ vẫn không thể tốt nghiệp, cộng với việc cha mẹ nó kéo sang nhà ông giáo làm ầm ĩ, họ đổ lên đầu người phụ nữ câm điếc và bị hâm, người ngang bằng tuổi tác với họ, cái tội làm hỏng đời một đứa trẻ trai, rằng cô đã dụ dỗ, mê hoặc nó, cô chính là con ma trong vườn như vẫn đồn, chứ chẳng ai khác.
Vũ bỏ quê, theo đám trai làng đi làm thợ xây tứ xứ.
Nhiều năm sau, Vũ trở thành một nhà văn trẻ, sáng tác nhiều truyện ngắn và những bài thơ tình đẫm lệ. Nhưng Vũ vẫn chỉ là một anh thợ xây nghèo, lang thang hết công trình này đến công trình khác.
Tôi gặp Vũ trong một lần tình cờ đến thăm đơn vị thi công một cây cầu bắc ngang một dòng sông lớn. Tôi hỏi Vũ về khu vườn ngày xưa, về Du. Du có thật không? Có phải Vũ ảo tưởng, tự mê về cô gái câm điếc và bị hâm ấy và để cô hóa thân thành Du không? Thậm chí, chuyện những đóa hoa găng tím và những bát nước chè xanh mùa hạ kia có thật?
Vũ trả lời tôi bằng im lặng, và một dòng nước mắt.
Tôi, cũng như Vũ, đã lớn lên, đã đi xa khỏi quê nhà. Tôi vẫn nhớ về giọt nước mắt ảo ảnh của Vũ mỗi khi buồn. Và tôi biết rằng trong khu vườn Địa Đàng kia không có ông tiên nào bất tử, không có thiên thần nào bất tử. Mùa xuân năm trước, tôi theo cha sang chúc Tết ông giáo và cô gái câm. Ông giáo đã già đi rất nhiều, tóc ông bạc trắng, và ông vẫn đọc thơ. Cô gái câm điếc và bị hâm đã sắp trở thành một bà già, và cô vẫn thêu những bức tranh về những cánh chim và hoa cỏ.
Lúc đó, tôi đứng trong sân nhà ông giáo ngắm nhìn khu vườn đang nức trổ lộc non. Một mùa hoa mới đang bắt đầu. Không hiểu sao tôi lại thầm mong cô gái câm điếc, bị hâm và thêu hoa ấy mãi mãi không lấy chồng. Cô ấy mãi mãi là trái cấm ngủ quên trong khu vườn Địa Đàng, nơi không một kẻ phàm trần nào tới được.
Truyện ngắn. Phạm Thanh Thúy
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...