Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
11:34 (GMT +7)

Vui buồn văn hóa ngoại du nhập

VNTN - Văn hóa “ngoại” du nhập “nội” hiện đã phủ sóng không chừa lĩnh vực nào, không những thế còn có nhiều tác động phức tạp trong đời sống xã hội, mang đến nhiều vui buồn trái chiều nhau. Cho dù có những khuấy động làm đảo lộn nhiều giá trị truyền thống, thì văn hóa “ngoại” như luồng gió tạo nên những giá trị mới tiến bộ phù hợp với xu hướng “hội nhập”, “toàn cầu hóa”, “thế giới phẳng”, “công nghệ cao”… Nhưng có gió lành thì cũng có gió độc, nếu có màng lọc, hãy tiếp nhận một cách thông minh…


Hơn 10 năm trước, từ “hội nhập”, “thế giới phẳng”… còn là sự ngập ngừng, e dè, thậm chí bị đối xử một cách nghi ngại, văn hóa “ngoại” du  nhập “nội” vẫn vấp phải cái nhìn ngăn cách, hạn chế… Thì ở năm thứ 17 của thế kỷ 21, văn hóa “ngoại” đã phủ sóng rộng khắp trong đời sống xã hội Việt Nam.

Các chương trình truyền hình thực tế hay gameshow Việt có format “ngoại” với nhiều nội dung khác lạ với văn hóa Việt chiếm sóng hầu hết giờ vàng. Các phim truyền hình, kể cả phim điện ảnh “mượn” kịch bản “ngoại” càng ngày càng phổ biến mang đến nhiều thú vị. Âm nhạc Việt cũng trở nên nhiều màu sắc khi giới V-Pop bắt kịp các xu hướng, trào lưu thế giới, nhiều MV còn tạo “sóng” trên mạng toàn cầu. Các loại hình nghệ thuật khác cũng có nhiều đổi mới, không còn “thuần Việt” theo kiểu truyền thống đơn điệu mà nhiều sáng tạo tích hợp đa dạng…

Đặc biệt văn hóa “ngoại” du nhập “nội” đã như làn sóng mới tạo nên nhiều giá trị mới khác biệt, có giá trị được chấp nhận như một thành tố tiến bộ làm thay đổi nhiều điều xưa cũ lạc hậu, có giá trị vẫn trong vòng tranh cãi “tồn tại hay không tồn tại”, có giá trị làm đảo lộn các truyền thống chân - thiện - mỹ gây hậu quả nghiêm trọng…

Cuồng vì sao Hàn hiện tượng không còn xa lạ ở giới trẻ          Nguồn: Internet      

Vui với gió lành nhập “nội”

Đã qua rồi thời kỳ quan niệm và hiểu một cách cứng nhắc, văn hóa “ngoại” là xấu. Trước dòng chảy xâm nhập ào ạt của văn hóa “ngoại” từ các nền văn minh trên thế giới, giới trẻ Việt đã biết nắm bắt lấy thời cơ, phát triển nền văn hóa dân tộc vốn đã giàu đẹp ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. Chính sự du nhập văn hóa “ngoại” đã góp phần cho Việt Nam văn minh hơn, bản sắc văn hóa Việt cũng trở nên đa dạng, phong phú, tạo nên sự pha trộn hài hòa cổ điển - hiện đại, dân tộc - hiện đại. Sự giao lưu và tiếp biến được coi là "nguồn gen tiến hóa" cho sự phát triển của văn hóa dân tộc trong giai đoạn giao lưu và hội nhập. Nền văn hóa internet, văn hóa online, văn hóa game, hay sự thay đổi của trào lưu nghệ thuật trên thế giới đã góp phần thay đổi tích cực về hình ảnh đất nước Việt Nam vốn vẫn được biết đến chỉ là nền văn hóa nông nghiệp.

Chính những ngọn gió lành văn hóa “ngoại” đã mang đến giới trẻ Việt Nam sự năng động, bản lĩnh, tự chủ, tự tin, sáng tạo… Và giới trẻ đã làm thay đổi bộ mặt văn hóa xã hội bằng những tiếp nhận văn hóa “ngoại” nhanh nhất, tạo nên sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, để Việt Nam “hội nhập” trong xu thế “toàn cầu hóa”, không lạc hậu với thế giới.

Lĩnh vực âm nhạc, các thể loại như: Jazz, Disco, Pop, Rock, Rap, Blues, Dance… đã trở nên quen thuộc rồi phổ biến trong giới trẻ, tạo nên một dòng V-Pop mang đặc trưng ngôn ngữ dân tộc, thêm sắc màu quốc tế. Các tác phẩm cổ điển theo dòng âm nhạc bác học của Mozart, Bethoven, Chopin, Tchaikovsky, Bach… được tiếp nhận thường xuyên chứng tỏ trình độ thưởng thức của bộ phận công chúng đã nâng cao. Nhiều đại nhạc hội âm nhạc quốc tế được tổ chức thành công ở Việt Nam. Lĩnh vực sân khấu có nhiều loại hình mới đã và đang được thể nghiệm như kịch hình thể, kịch đồng hiện, kịch giả tưởng, kịch kinh dị, kịch hiện thực tâm lý xã hội… Thể loại tiếp thu mạnh mẽ hơn cả là kịch xiếc đang cùng hướng đi với thế giới theo phương châm đa chiều, đa cực, dân gian và hiện đại, hậu hiện đại… với nhiều thể loại mới: Xiếc hình tượng, xiếc hài, ảo thuật… được trình diễn tổng hợp ngôn ngữ văn hóa với biểu tượng ký hiệu, kỹ thuật điện tử…

Mỹ thuật Việt tiếp thu nhiều thể loại mới như: Video art, Performance, Instalation, Body art, Body painting... Tiếp cận, học tập ngôn ngữ của nhiều trường phái, trào lưu, tạo ra sự phong phú về phương pháp thể hiện: Hiện thực, trừu tượng, biểu hiện, tối giản..., sự đa dạng về chất liệu: đồng, đá, kim loại, tổng hợp, gốm… Trong văn học, thuật ngữ “hậu hiện đại” đã tạo nên nhiều tác phẩm văn học Việt tiếp cận gần hơn với nền văn học thế giới…

Trong đời sống xã hội, văn hóa “ngoại” cũng tạo nên nhiều đổi mới văn minh hơn. Từ sự bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực đến những ứng xử giao tiếp trong cộng đồng mang tính nhân văn có tính thông dụng quốc tế. Ngay cả trong khi xây dựng những bộ luật có tính pháp quy của Nhà nước cũng mang nhiều yếu tố văn hóa “ngoại” phù hợp với xu thế chung của thế giới, để Việt Nam không đứng ngoài cách biệt với xu thế chung.

Sự tiếp nhận, ảnh hưởng văn hóa giữa các quốc gia không chỉ giúp thắt chặt thêm mối quan hệ đối ngoại mà còn làm tăng cường vốn hiểu biết, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của công dân mỗi nước. Tuy nhiên, sự du nhập văn hóa một cách quá đà, thiếu chọn lọc đến mức đẩy cán cân văn hóa vào thế "nhập siêu" sẽ là "lợi bất cập hại". Tình trạng này không chỉ gây ra tâm lý "sùng ngoại" mà còn làm giảm khả năng được tiếp cận công chúng và bảo vệ di sản của những sản phẩm văn hóa truyền thống trong nước

Buồn khi nhập “nội” chưa lọc gió

Sự xâm nhập ồ ạt, khó kiểm soát, đồng thời không có sự chuẩn bị đón nhận trong tâm thế chủ động có chọn lọc, nên ảnh hưởng gió “độc” của văn hóa “ngoại” diễn ra trên hầu hết các khía cạnh của đời sống. Thêm sự tiếp tay tích cực của truyền thông đa phương tiện và sự bùng nổ của mạng xã hội. Việc “sùng ngoại”, “sính ngoại” đã và đang dẫn đến nhiều nguy cơ đe dọa việc kế thừa, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Sự mai một nghệ thuật văn hóa truyền thống, sự xuống cấp, đảo lộn những giá trị đạo đức, những biểu hiện lệch lạc trong lối sống như vô cảm, sống gấp, thích hưởng thụ, ưa bạo lực… của một bộ phận trong giới trẻ “nhiễm độc” văn hóa “ngoại” không còn là nguy cơ mà đang diễn ra khá nguy hiểm như một cuộc “xâm lăng văn hóa”, mất bản sắc dân tộc, gây tác hại xấu đến các thế hệ kế tiếp...

Theo một số liệu thống kê năm 2016, có thời điểm, 56 đài truyền hình Việt phát sóng phim Hàn Quốc, trung bình 20 bộ phim/ ngày. Những trào lưu “lai” Hàn tràn từ thời trang, đến đặt tên khai sinh cho trẻ. Không hiếm cảnh mỗi khi có “sao” Hàn sang Việt Nam, thì cac fan Việt khóc cười như “lên đồng” tập thể, có những hành vi “cuồng” với thần tượng Hàn của mình. Phim lịch sử Trung Quốc trên sóng truyền hình nhiều đến mức giới trẻ Việt rành sử Trung Quốc hơn sử Việt, lẫn lộn các nhân vật lịch sử Việt với Trung Quốc…

Những ca khúc Việt ít có cơ hội quảng bá đến quốc tế trong khi ca khúc “ngoại” xuất hiện dày đặc trong những chương trình âm nhạc trên sóng phát thanh, truyền hình, các website, gameshow âm nhạc. Ngay trong một cuộc thi tìm kiếm giọng hát Việt gần đây, hầu hết thí sinh tham dự đều tự chọn hoặc được giám đốc âm nhạc, huấn luyện viên chỉ định lựa chọn các ca khúc “ngoại” để thể hiện thay vì hát bằng tiếng Việt bởi cho rằng thế mới xứng tầm "đẳng cấp"- format “ngoại” của cuộc thi...

Văn hóa đọc cũng diễn ra tình trạng xâm nhập một cách mạnh mẽ. Trên các kệ sách, sách “ngoại” tràn ngập, thậm chí có lúc cả một dòng văn học “ngôn tình” của Trung Quốc gây tác động không nhỏ đến cây viết trẻ của Việt Nam… Sách thiếu nhi, lĩnh vực truyện tranh, có tới hơn 90% trên thị trường là dịch “ngoại”, nhiều nhất là Nhật Bản.

Trong sinh hoạt cộng đồng, giới trẻ Việt bị văn hóa “ngoại” đầu độc, xem nơi công cộng như ở nhà riêng, nam nữ thân mật nhau như thế giới chỉ có 2 người. Trang phục hở, tụt, lộ, trong suốt… phổ biến trong giới showbiz Việt trên sân khấu, trang phục như bikini đi ngời ngợi ngoài phố là bình thường. Ngôn ngữ giao tiếp không chỉ lai “ngoại” mà còn kém thanh lịch trở thành thảm họa cả ở nơi công sở…

Văn hóa “ngoại” du nhập “nội” không phải sự tiếp nhận một chiều những giá trị “ngoại” mà còn là sự quảng bá giao lưu những nét đẹp văn hóa “nội” truyền thống của dân tộc tới bạn bè thế giới. Việc văn hóa “ngoại” du nhập “nội” ồ ạt, thiếu chọn lọc, buộc chủ thể - người Việt tiếp nhận phải tỉnh táo, thận trọng với những giá trị thật, giá trị ảo, hòa nhập chứ không hòa tan để đánh mất bản thân.

Đây cũng là thách thức trong quản lý đối với các cơ quan có trách nhiệm với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa Việt trong thế kỷ 21, “đối thoại với các nền văn minh”, giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế. Cần phải có chiến lược tiếp cận, chọn lọc, hòa nhập, tạo những giá trị tinh hoa mới của văn hóa Việt, đáp ứng được nhu cầu văn hóa - tinh thần của công chúng.

 

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy