Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
21:09 (GMT +7)

Vui buồn các khu vui chơi cho trẻ em ở Thành phố Thái Nguyên

VNTN - Thành phố Thái Nguyên dẫu là đô thị loại 1, nhưng thật khó để tìm ra một khu vui chơi công cộng dành cho trẻ em, ngoại trừ một số công trình nhỏ cơ sở vật chất thiếu thốn, đồ chơi ít ỏi ở trường học hay một vài nhà văn hóa cấp tổ, còn lại hầu hết là của tư nhân, muốn chơi phải trả phí.


Sức hấp dẫn của các khu vui chơi tư nhân

Trên địa bàn thành phố hiện có một số khu vui chơi trẻ em trong nhà do tư nhân đầu tư đang thu hút được đông đảo phụ huynh đưa con em mình đến chơi. Đây là loại hình dịch vụ còn khá mới mẻ, có thể kể ra vài điểm như: Đông Á Palaza, Bibi World, Thế giới trẻ thơ... Các điểm vui chơi này có giá dao động từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng một lượt chơi, không hạn chế thời gian. Ở đây có các trò: nhà vận động liên hoàn với cầu trượt, nhà bóng, lưới nhảy; khu hướng nghiệp nơi trẻ có thể chơi các trò nhập vai như bác sĩ, nấu ăn, đi chợ...; khu xếp hình logo phát triển trí thông minh… hay khu xúc cát hạt muồng muồng - một mô hình đồ chơi an toàn dành cho bé.

Có thể nói, khu vui chơi trong nhà là một thế giới muôn màu. Đến đây trẻ không những vui chơi mà thông qua hình dạng, màu sắc, âm thanh của các trò chơi trẻ nhanh chóng phát triển các giác quan, khám phá sở thích, và khả năng sáng tạo. Từ những trò chơi lành mạnh mang hơi hướng giáo dục, phụ huynh có thể thấy tiềm năng và năng khiếu của con mình. Ưu điểm của những khu vui chơi này còn là sạch sẽ, thoáng mát, không lo mưa nắng hay bụi bẩn. Chị Phạm Thị Tú Oanh, chủ cơ sở Thế giới trẻ thơ chia sẻ: “Dù diện tích rộng tới 400m2, nhưng ngày nào cũng phải lau chùi sàn nhà và các đồ chơi của trẻ, 6 máy điều hòa phải mở hết để không khí trong phòng lúc nào cũng mát.”

Một góc khu vui chơi

Nhưng trẻ em rất hiếu động, luôn muốn khám phá những điều mới mẻ bên ngoài. Với trẻ, mọi thứ ở thế giới ngoài kia đều lạ lẫm, sống động, và cuốn hút, kích thích trí tò mò. Khu vui chơi ngoài trời cho trẻ cảm giác thoải mái không bị gò bó, được tận hưởng niềm vui, sự thú vị từ những món đồ chơi, qua đó kết nối trẻ với môi trường xung quanh. Bởi vậy các khu vui chơi ngoài trời ở Nhà thi đấu, Đông Á plaza, Cung văn hóa thiếu nhi... thường xuyên thu hút rất đông các vị khách nhí. Trẻ tham gia chơi trò nào thì thu phí trò đó. Giá của mỗi trò chơi khoảng từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng với các trò: nhảy nhà phao, nhà bóng, đi xe đụng, chạy tàu hỏa, câu cá hay tắm bể... Nếu đến những điểm này vào buổi tối sẽ thấy một thế giới về đêm sáng rực đèn màu, những tiếng nhạc vui nhộn đan xen tiếng cười nói, vui đùa của trẻ con và người lớn tạo nên bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt.

Có thể thấy, những khu vui chơi trong nhà hay ngoài trời đều đem đến niềm vui cho trẻ. Nhìn trẻ thích thú nhảy tưng tưng trên nhà phao, cười tít mắt với ô tô đụng, hay khoái chí nghịch nước ở bể bơi... hẳn bố mẹ nào cũng thấy hạnh phúc. Những trò chơi này giúp giải tỏa căng thẳng, tạo ra sự phấn khích, cùng với sự vận động góp phần cho trẻ phát triển cả về thể chất, tinh thần và trí tuệ.

Còn nhiều bất cập

Dù mở ra kinh doanh, đạt lợi nhuận cao và ổn định nhưng điều dễ nhận thấy là vẫn còn nhiều bất cập ở các khu vui chơi này.

Khu vui chơi trong nhà được phân chia thành nhiều khu nhỏ với các trò chơi khác nhau nhưng hầu hết chúng chỉ phục vụ cho sở thích của các bé từ 1 đến 7 - 8 tuổi, những trẻ lớn hơn dường như không có đất chơi. Cháu Đỗ Phương Quỳnh (12 tuổi, đang trông em ở Bibi World) lắc đầu: “Cháu không thích chơi ở đây. Mấy trò này không phù hợp với tuổi của cháu, chán lắm!”. Bên cạnh đó, dù thu hồi vốn nhanh nhưng hầu hết các chủ cơ sở chỉ đầu tư một lần, đồ chơi vẫn còn nghèo nàn, chưa thật phong phú, mới lạ nên trẻ rất nhanh chán. Với chi phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng, cũng đã cố gắng tìm tòi, bổ sung thêm trò mới nhưng Thế giới trẻ thơ vẫn lâm vào tình trạng không khả quan hơn các cơ sở khác. Chị Nguyễn Thị Hà Thu (phường Phan Đình Phùng) có con trai 3 tuổi đang chơi tại đây, cho biết: “Dù giá vé là 50.000 đồng nhưng hầu hết các trò ở đây, ở trường mầm non của cháu đều có. May có trò hạt muồng muồng là mới nên cháu còn thích. Nhưng chỉ được một thời gian, nếu không có thêm trò mới chắc cháu cũng chán.”

Cũng cùng chung tình trạng trò chơi nghèo nàn, không có sự đổi mới, các khu vui chơi ngoài trời còn không đồng bộ, đặc biệt thiếu vệ sinh và nhanh xuống cấp. Những quả bóng bạc phếch, bẹp dí nằm dưới đáy, chủ chẳng buồn thay. Những chiếc ô tô điện, tàu hỏa, thú nhún bạc màu, tróc sơn, còn nhà phao bụi phủ đầy trên bề mặt đợi các em nhỏ đến chơi “lau sạch”. Chưa kể những thùng xốp, xô chậu nhựa đựng đồ chơi nhem nhuốc, vỏ chai, vỏ bánh rải rác khắp nơi. Các trò chơi ngoài trời gồm nhiều trò chạy bằng điện, không ít trò chơi đã có dấu hiệu hư hỏng nặng, cùng với đó dây điện được mắc ngổn ngang nên nguy cơ cháy nổ là rất cao. Đội ngũ nhân viên cũng không được đào tạo bài bản chỉ đơn giản là thuê nhân công về làm phục vụ nên việc quản lý, giám sát trò chơi còn lỏng lẻo.

Khu vui cho trẻ em trong nhà được nhiều phụ huynh lựa chọn.

Hẳn, chẳng bố mẹ nào muốn cho con chơi ở những chỗ không an toàn lại mất vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Thái Thanh (huyện Đồng Hỷ) chia sẻ: “Tôi không thích cho con chơi nhà bóng hay nhà phao ở mấy khu vui chơi ngoài trời, vì thấy rất bẩn, chỉ cho con chơi ô tô, tàu hỏa với xe đụng. Tôi có hai cháu, mỗi lần đi chơi mất đến cả trăm nghìn nhưng nói thật các cháu chơi không đã!”. Anh Nguyễn Văn Nam (phường Đồng Quang) lại bày tỏ: “Quanh quẩn chỉ có mấy trò đã cũ mà lại còn quá tải, đưa con đi chơi mà phải chen chúc đến ngạt thở, ở bể bơi cũng đông cứng, rất mất vệ sinh!”.

Nói là “quá tải” với “đông cứng” không phải vì các khu vui chơi tư nhân mở ra ít, không phục vụ đủ nhu cầu vui chơi của các em, mà đang xảy ra thực trạng nơi đông đúc chỗ vắng hoe. Khu vui chơi tại Nhà thi đấu Thái Nguyên luôn chật kín các em thiếu nhi đến vui chơi, trong khi cách đó không xa, ở Nhà thiếu nhi, ngoại trừ bể bơi ra thì cả khu vui chơi trong nhà và ngoài trời đều vắng khách. Với 800 triệu vốn đầu tư, diện tích rộng 300m2, không gian sạch sẽ, thoáng mát, gồm nhiều trò chơi, lại tọa lạc ở bể bơi Cung thiếu nhi luôn đông các em nhỏ đến bơi lội ngày hè nhưng đến Bibi World chỉ thấy vài em nhỏ đang chơi. Anh Huy, chủ cơ sở giãi bày: “Cơ sở của mình nằm ở trục đường thưa dân, lại nằm trên tầng 2, phụ huynh và các em chỉ chú ý đến bơi, ít người để ý có khu vui chơi trẻ em trên tầng.” Phải chăng, thêm một lí do phụ huynh và các em cũng có sự so sánh giữa việc bỏ ra 40.000 đồng để chơi trong nhà hay 20.000 đồng để bơi thỏa thích dưới nước?

Khách quan mà nói, các khu vui chơi tư nhân mở ra đã phần nào đáp ứng được nhu cầu vui chơi cho các em. Nhưng mức phí khá cao so với mức sống trung bình của người dân, điều đó rất khó để các em được chơi thoải mái. Chị Nguyễn Thu Hoài (phường Đồng Quang) than thở: “Cũng muốn cho cháu đi chơi thường xuyên nhưng lương cả hai vợ chồng có mấy triệu. Đi lần nào cháu cũng đòi chơi đủ trò, chỉ riêng ô tô đụng cháu đòi chơi tới 6 lần, không cho thì cháu khóc nằng nặc, còn nếu cho thì mất mấy trăm!”

Vậy, nếu không có điều kiện để thường xuyên đến những khu vui chơi mất phí thì bọn trẻ sẽ chơi ở đâu trong những ngày hè này? Quanh quẩn ở nhà với ti vi, điện thoại; hoặc chúi đầu vào những quán game online; hay chọn lòng đường, vỉa hè làm nơi vui chơi, đá bóng...? Bởi tìm đâu một chỗ chơi công cộng cho các em khi mà công viên, vườn hoa vốn đã ít ỏi lại đang bị hàng quán chiếm dụng, nhà văn hóa thì chỉ để dùng hội họp... Còn những khu vui chơi mang tên “phúc lợi công cộng” ở thành phố Thái Nguyên hình như chỉ còn là chuyện kể “ngày xửa ngày xưa, đã lâu lắm rồi…”

Bích Hồng - Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy