Vui buồn Bảo tàng Thái Nguyên
VNTN - Sưu tầm, lưu giữ những hiện vật tiêu biểu để tuyên truyền, giáo dục cho người dân truyền thống lịch sử của Thái Nguyên là nhiệm vụ của Bảo tàng tỉnh- một trong ba Bảo tàng đứng chân trong thành phố Thái Nguyên (cùng với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Quân khu Một) nhưng dường như không được nhiều người biết đến.
Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, thành lập ngày 23/12/1991 với tên gọi Bảo tàng tỉnh Bắc Thái, năm 1997 tách tỉnh thì đổi tên thành Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.
Với người không quan tâm đến bảo tàng, sẽ cho rằng công việc này thật nhàm chán và vô vị, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn với những đồ vật vô tri vô giác như mảnh gỗ, cục đá, hay đồ gốm sứ… Nhưng thực tế, những thứ đó đều mang trong mình những giá trị, ý nghĩa lịch sử vô giá.
Đến Bảo tàng, được mắt nhìn hiện vật - tai nghe thuyết minh, chính là cách để tiếp cận, tìm hiểu lịch sử một cách chính xác, chân thực nhất. Ấy là bộ bàn ghế cũ kỹ, Bác Hồ từng ngồi làm việc, đưa ra những chiến lược đúng đắn để lãnh đạo nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Thái Nguyên. Bộ bẫy chông bằng tre, một chiếc súng kíp thô sơ, hay đơn giản chỉ là một thanh gỗ đầu nhọn… là vũ khí của người dân Thái Nguyên anh hùng đã sử dụng, làm cho kẻ thù xâm lược phải khiếp sợ…
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Thái Nguyên đã liên tục phấn đấu và có những đóng góp đáng kể. Từ 300 tài liệu hiện vật ngày đầu thành lập, đến nay Bảo tàng tỉnh đã có trên 30.000 đơn vị hiện vật, trong đó có nhiều bộ hiện vật tiêu biểu và quý hiếm. Bảo tàng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày theo chuyên đề khắp tỉnh, phục vụ bà con nhân dân và các hoạt động chính trị xã hội lớn; mỗi năm đón hàng chục ngàn lượt khách đến tham quan, học tập và khai thác thông tin tư liệu…
Bước tiến đáng kể nhất của Bảo tàng tỉnh là sau Liên hoan trà Quốc tế lần thứ nhất năm 2011, đã được UBND tỉnh giao quản lý và khai thác Không gian văn hóa trà, được xây dựng trên diện tích gần 27.000 m2 của vùng chè nổi tiếng Tân Cương. Nơi đây trưng bày trên 500 hiện vật, tranh ảnh, dụng cụ giới thiệu những tinh hoa văn hóa vật thể và phi vật thể của trà Thái Nguyên. Trong số đó có nhiều nhóm tài liệu, hiện vật quý về trồng, chăm sóc, chế biến chè; nhóm hiện vật ấm trà cổ... Cây chè là nhân vật chính, như một nhân chứng về lịch sử, nét văn hóa mang đậm truyền thống của người dân Thái Nguyên. Sau quá trình tham quan, được nghe, tiếp xúc và cảm nhận từ khâu nuôi trồng, chăm sóc, thu lượm và chế biến chè, khách tham quan sẽ có thêm vốn hiểu biết sâu sắc hơn về đất trồng, cây chè, sản phẩm trà và nét văn hóa trà độc đáo được lưu giữ. Hàng năm, Không gian văn hóa trà được đón tiếp hàng trăm các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Những người cặm cụi với nghề
Chị Ma Thị Quyên, hướng dẫn viên, đưa chúng tôi đi tham quan một vòng. Qua lời chị, từng hiện vật, các dấu mốc, sự kiện lịch sử được tái hiện một cách sinh động. Không chỉ gói gọi trong không gian trưng bày, rất nhiều kiến thức lịch sử tổng hợp của Thái Nguyên mà chúng tôi băn khoăn cũng đều được chị giải thích cặn kẽ. Khi chúng tôi tỏ ý thán phục, chị Quyên chia sẻ: “Khác với các bảo tàng chuyên ngành, Bảo tàng tỉnh là loại hình tổng hợp, bao quát tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống, nên nhất thiết chúng tôi phải nắm được không nhiều thì cũng phải tàm tạm. Kiến thức lịch sử vô vàn lắm, làm bảo tàng là phải liên tục tìm hiểu, trau dồi”.
Các cán bộ Bảo tàng Thái Nguyên khai quật khảo cổ học tại xã Bình Long, huyện Võ Nhai
Công việc sưu tầm là khâu quan trọng đối với Bảo tàng, bởi hiện vật là cơ sở cho mọi hoạt động, là yếu tố để bảo tàng tồn tại và phát triển. Những vật dụng sinh hoạt của người dân từ thời kỳ cổ đại đến trước giải phóng; những hiện vật gắn với các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm tại Thái Nguyên…, chúng đều rất hiếm, khó tìm, đã vậy không phải hiện vật nào cũng đặc trưng và thật. Vì vậy có thể nói, đi sưu tầm chẳng khác nào “tìm kim đáy bể”. Việc này, đòi hỏi cán bộ sưu tầm phải mầy mò, hỏi han khắp mọi nơi. Anh Vũ Tiến Hiểu (Phó phòng Sưu tầm, trưng bày, tuyên truyền) chia sẻ: “Có những chuyến may mắn, sẽ được cán bộ địa phương đưa đi, nhưng nhiều khi cũng phải tự dò hỏi. Lạ người lạ đường có khi phải gõ cửa từng nhà, hỏi rất nhiều người mới tìm được đến nơi. Có những chuyến, đi cả chục nhà, chỉ tìm được 1 - 2 hiện vật, thậm chí là không được cái nào, công sức thành công cốc, nhưng vẫn phải làm”.
Thường xuyên lên vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, ngã - người xe văng mỗi nơi mỗi nẻo là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng mọi người vẫn nhắc vui về chuyện của chị Nguyễn Thị Tám trong chuyến đi sưu tầm tại xã Vô Tranh, Phú Lương vào đúng đợt mưa gió. Đường đi trơn trượt, thành từng luống, rãnh, cả người và xe bay xuống một hốc đất ven đường. Người thì xây xát nhẹ, nhưng xe thì bị hỏng nặng không thể nổ máy được. May quá, kiếm được ít sóng điện thoại “rơi” điện về cầu cứu cơ quan. Mọi người tá hỏa lên ứng cứu nhưng lúc này đường còn xấu hơn không vào được. Cuối cùng phải huy động cả xe tải vào để “hộ tống” chị về.
Tạm gác lại những lo toan gia đình để tham gia những chuyến sưu tầm diễn ra trong nhiều ngày, dù nắng bụi, mưa lầy hay đường sá xa xôi cũng không ngăn nổi đam mê của những người làm nghề sưu tầm hiện vật. Với họ, cái khó nhất là làm thế nào để thuyết phục người dân vui vẻ trao tặng hiện vật cho Bảo tàng để nhận lại một số tiền bồi dưỡng nho nhỏ theo quy định của Nhà nước. Không ít lần những cán bộ sưu tầm bị bà con nhầm là những người buôn đồ cổ, nên đòi bán hiện vật với giá “trên trời”.
Anh Hiểu kể, có lần anh tìm đến một người từng tham gia kháng chiến chống Pháp và còn lưu giữ được một vài kỷ vật như: áo trấn thủ, bi đông đựng nước, cà mèn đựng thức ăn… Sau khi thuyết phục, giải thích, người đó đã bằng lòng tặng lại cho Bảo tàng. Nhưng đúng lúc đó thì con trai ông về. Anh ta nhất quyết không đồng ý và đòi nhiều tiền… Lại phải kiên trì giải thích rất lâu, thì anh ta mới chịu cho một, hai hiện vật.
Chị Lương Thị Duyên (Trưởng phòng trưng bày kiểm kê bảo quản) bộc bạch: “Cái vui nhất của những người làm nghề sưu tầm là được tận tay mang những hiện vật gốc về. Vui hơn là được gặp những nhân chứng lịch sử, được nghe các cụ kể chuyện ngày xưa nên bản thân hiểu thêm về lịch sử hào hùng. Và không ít lần, chúng tôi nhận được sự nhiệt tình tiếp đãi của người dân nên cảm nhận được sự gần gũi, cái tình của người dân quê”.
Mỗi hiện vật khi sưu tầm sẽ được phòng kiểm kê bảo quản lập hồ sơ và lên phương án bảo quản. Quy trình bảo quản rất phức tạp bởi hiện vật thuộc nhiều chất liệu khác nhau và đều có tuổi đời cao nên đòi hỏi phải thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn thận. Đã vậy, lại thường xuyên phải tiếp xúc với các chất độc hại, có mùi khó chịu như phoóc môn bảo quản xác động vật, xăng dầu, hóa chất bảo quản… Chị Bàn Thị Hà (Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản) gắn bó với Bảo tàng tỉnh lâu năm nhất, ngay từ những ngày đầu thành lập. Hầu hết hiện vật đang có tại Bảo tàng chị đều nắm rõ. Chị tâm sự: “Đối với chúng tôi, các hiện vật cũng giống như những người bạn thân thiết, lâu lâu không được tiếp xúc còn cảm thấy nhớ. Đây đều là những người bạn đã “lớn tuổi” và “vô giá” một khi mất đi sẽ không bao giờ tìm lại được nữa. Chúng tôi luôn ý thức, không được làm qua loa, bởi rất có thể sẽ làm hỏng, ảnh hưởng đến chúng”.
Vất vả là thế, nhưng đời sống vật chất cũng rất ngọn ngằn. Chị Ma Thị Quyên đã gắn bó với Bảo tàng được 10 năm, ngày đầu làm hợp đồng chỉ được vài trăm ngàn một tháng, đến nay lương được 3 triệu đồng, ngoài ra rất ít các khoản thu nhập khác. Nếu không yêu nghề thì rất khó gắn bó với nó. “Mỗi lần hướng dẫn các em học sinh, người dân tộc, khách nước ngoài được họ cảm ơn và bày tỏ cảm xúc thán phục đối với đất và người Thái Nguyên, tôi lại cảm thấy hạnh phúc và tự hào về công việc của mình”, chị Quyên bảo với tôi như thế.
Tiếp xúc với các thế hệ cán bộ ở đây tôi nhận ra rằng, dù gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, chế độ đãi ngộ chưa tốt, nhưng bằng tình yêu nghề, họ vẫn đang nỗ lực từng ngày để hoàn thành tốt sứ mệnh của mình.
Khách Phần Lan tham quan Không gian văn hóa trà thuộc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên
Sưu tầm hiện vật tại xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ
Hiện trạng đáng buồn
Nhìn sang Bảo tàng một số tỉnh như Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, mới thấy ngậm ngùi cho Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên. Tiếng là Bảo tàng của một tỉnh trung tâm vùng miền núi phía Bắc nhưng nhiều năm nay cơ ngơi của Bảo tàng chỉ là tòa nhà cũ của Chi cục Thuế trước đây để lại, nằm ngay sát Chợ Thái. Một thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu tìm hiểu truyền thống lịch sử địa phương của nhân dân và tham quan của du khách lại “bị mang ra chợ” như giới văn nghệ sĩ tỉnh nhà vẫn nói, quả thực không hợp lý chút nào.
Do sử dụng nhà cũ không phù hợp với hoạt động đặc thù nên hiện tại Bảo tàng chỉ trưng bày hai chuyên đề: “Bác Hồ với Thái Nguyên” và “Di sản văn hóa Thần Sa và tiềm năng thiên nhiên Thái Nguyên” với số lượng không đến 1.000 tài liệu hiện vật
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...