Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
08:01 (GMT +7)

Vực thuồng luồng

VNTN - Khi Trâu Tẩn Pán tay xách, vai vác những món đồ nghề phăm phăm trên đường đi đánh cá ở Rằng ngươc thì người bản Thua Luồng đang tập trung ở Rằng mjêt xem ông thầy tào thi triển pháp thuật nhằm cứu những linh hồn đứa trẻ đã trốn khỏi thể xác xuống dưới vực sâu. Già trẻ gái trai tầng tầng lớp lớp đứng ngồi lố nhố quanh Rằng mjêt. Không một tiếng động nhỏ, chỉ nghe được tiếng lẩm bẩm của thầy tào.

Ông thầy tào mặc chiếc áo của người làm tào thêu hoa văn đủ sắc. Trên nền áo của ông ta thêu nhiều hình thù từ ông già tiên đến tượng Phật. Ông đội chiếc mũ hình chín ngọn núi. Ở giữa chiếc mũ gắn một chiếc gương nhỏ, mỗi khi ông nghiêng đầu cái gương nhỏ lại sáng lấp lánh. Thầy tào một tay cầm ba que hương đang cháy đỏ, một tay cầm kiếm đang làm đủ các động tác đâm, chém, chọc, bổ quay cuồng không khác gì người ta làm xiếc ảo thuật. Không ai nghe rõ lời ông thầy tào. Đại thể như thầy tào đang kính cẩn mời Long Vương hiện thân để thụ hưởng lễ vật gồm xôi, thịt, hoa quả, kim ngân châu báu ngọc ngà, tiền thật, tiền giấy, từng xấp được người làng dâng lên. Khi Long Vương đã thụ lễ, từ nay về sau không được bắt hồn trẻ thơ con dại để trẻ chết non chết yểu. Một khi Long Vương đã nhận lễ mà vẫn bắt hồn trẻ thơ, thì thầy tào - sứ giả của Hồng Quân Lão tổ sẽ sử dụng đến ấn soái và thanh kiếm Minh Nhật chém kẻ “nghịch thiên hành đạo”. Thầy tào hành lễ xong, mặt nước trong xanh phẳng lặng bỗng nổi sóng dập dềnh. Những ngọn gió xối lên từ mặt nước làm ngọn nến trên mâm thất quả phụt tắt. Ngọn gió lạ nổi lên từ miệng Rằng mjêt khẽ khàng lướt trên mâm quả làm chúng lăn rơi từ trên mâm xuống mặt đất rồi biến mất một cách kỳ lạ. Có ai đó thốt lên “Long Vương hiển linh rồi, Long Vương hiển linh rồi”. Lại có người không đồng tình nói “chắc thầy tào làm phép nhằm bịt mắt thiên hạ để kiếm tiền”. Có người nghe thấy vậy vội vàng xua tan ý nghĩ vô thần của kẻ vừa nói ra những lời lẽ bất kính kia. “Phỉ phui cái mồm độc mồm thối kia đi là vừa”. Hôm nay dân làng tổ chức dâng lễ Long Vương là làm điều tốt điều lành, phàm là con dân bản Thua Luồng không được nói lung tung làm thần linh nổi giận, lòng người oán than. Nhiều người thậm chí còn nói những ngôn từ rất thời sự: “Tất cả vì tương lai con em của chúng ta”, tương lai của những người kế cận bản Thua Luồng. Mấy cụ già đưa tay vuốt vuốt chòm râu bạc nửa tin nửa ngờ. Không biết thầy tào đây có thật sự cao tay để trừ được họa cho dân làng này? Người làng Thua Luồng đã mời không biết bao nhiêu thầy tào về cúng tế, làm đàn hóa phép, nhưng vẫn đâu vào đấy. Năm nào cũng có một hai người trẻ tuổi bị Rằng mjêt nuốt chửng phần hồn. Có người lấy được xác, có người mất tích, phải làm mộ gió để tảo mộ dịp mùng ba tháng ba. Thầy nào cũng nói mình có mấy gánh chữ đổ lên người dùng mãi không hết, phép thuật thất linh. Cả đời kỳ công, năng học hỏi mới có được phép thuật cao tay như thế. Vậy mà chẳng ai trừ được cái họa đến từ Rằng mjêt này.

-Ông có tin lần này trẻ con bản ta sẽ không còn “khoăn ni” xuống Rằng mjêt không? Một ông già mái tóc bạc phơ nói.

-Khó nói lắm. Phải đợi sang năm mới biết được pháp thuật của thầy tào có thật cao tay không. Ké Sú nói.

-Phải, đã bao lần cúng tế làm đủ mọi hình thức khấu cần theo thầy tào thầy bụt, nhưng trẻ con vẫn bị bắt mất hồn đấy thôi. Sau nhiều lần thấp thỏm tin tưởng đến độ như đinh đóng vào cột nghiến giữa nhà vậy mà trẻ nhỏ vẫn thường xuyên bị chết yểu. Các ông còn có niềm tin à? Ngo (danh xưng mà những người cùng độ tuổi khi nói chuyện với nhau) buồn lắm khi phải nói những lời này, nhưng lại không thể không nói. Một ông già nói một mạch như thổ lộ hết gan ruột của mình cho mọi người biết vậy. Một người khác nói.

-Vẫn phải tin ao ke ạ. Có tin thì có linh thiêng, có kiêng mới có lành mà. Không lẽ cả thế gian này lại không có được một ông thầy cao tay nào có thể hàng phục được con quái vật chuyên đi bắt hồn trẻ con hay sao chứ?

-Ừm đúng thế mà, đúng thế mà.

Buổi cúng tế kết thúc khi bóng người co tròn lại dưới chân thành một chấm nhỏ. Thầy tào cùng người làng lững thững đi về bản. Mới đi được vài bước chân họ nghe được một tiếng nổ đùng rất lớn từ phía xa xa. “Tiếng gì vậy, tiếng gì vậy”. Họ hỏi nhau bằng ánh mắt ngạc nhiên ngờ vực, ai cũng thấy trong lòng bồn chồn bất an, tựa như tiếng nổ xé toang bầu không khí yên bình đang nổ trong lòng. “Tiếng mìn nổ, hình như nổ ở Rằng ngươc thì phải”. Đám đông đồng tình với nhận định của một thanh niên vừa nói ra câu đó. Đúng rồi, chẳng phải có Pán đi đánh cá để đem đi chợ bán hay sao? Ngày mai đã là mồng hai tháng hai rồi. Về nhanh thôi đi xem thằng Pán đánh được nhiều cá không? Đến nhanh còn vớt được vài con làm đĩa cá rán đem đi cúng ông bà tổ tiên. Tiếng chân bước rầm rập, tiếng nói cười râm ran càng tăng thêm không khí ngột ngạt, oi nóng đầu hè. Trâu Tẩn Pín là người đi sau cùng, bất giác quay lại nhìn Rằng mjêt. Và Pín gần như thót tim, run rẩy. Nước Rằng mjêt dâng lên rồi lại sụt xuống, màu nước cũng chuyển dần sang tím đỏ. Trong làn nước đỏ Pín còn ngửi thấy mùi tanh tanh. Không phải mùi tanh của máu, chẳng phải mùi tanh của loài cá tôm. Một mùi tanh lạ hoắc mà Pín chưa từng ngửi thấy bao giờ. Nhớ đến anh trai Pán đang đánh cá ở Rằng ngươc, lo lắng trong lòng Pín tăng lên gấp bội. Lẽ nào Rằng ngươc (tương truyền là nơi tụ tập của loài thuồng luồng vua chúa) lại thông với Rằng mjêt?

Lời suy đoán vu vơ không có cơ sở khoa học của Pín nhưng đó lại là sự thật.

Rất nhiều năm về trước có một người phụ nữ bản Cáy Khuya mang cái đa địu con ra ngoài bến nước cạnh Rằng ngươc giặt. Người đàn bà sơ ý đã để dòng nước cuốn cái đa đi. Dường như trong dòng nước có một luồng sức mạnh vô hình nào đó đã kéo cái đa đi. Người đàn bà tiếc cái đa mới được thêu thùa hoa văn rất đẹp mắt đã lao đi hòng kéo lại đa địu con. Nhưng dòng nước sâu lại chảy mạnh, trong nháy mắt cái đa đã biến mất vào dòng nước sâu như đang xoáy tít. Tháng tư trận mưa to đầu mùa, nước từ trên các lũng đổ dồn, những con nước lớn to hung hãn ào ào đổ về chỗ trũng thấp. Ở những cái roỏng vào mùa khô không có lấy một giọt nước, không kiếm đâu ra cái vũng nước để trâu đằm mình chống nóng. Vậy mà lúc này nước lớn cuồn cuộn, người ta tựa như có thể đi bè kéo lưới được. Bầu trời như đang nổi giận, bốn bề mây mù cuộn dâng, ở trên trời đang có bao nhiêu nước đều trút xuống nhấn chìm vạn vật trong nhân gian. Trận mưa đầu mùa đầy cuồng loạn và phẫn nộ, mãi đến gần trưa ngày hôm sau mưa mới chần chừ ngừng lại. Mấy cái bó đíp bó thai (mỏ nước theo mùa) cũng theo trận mưa cuồng loạn mà thi nhau phụt lên. Vào trận mưa đầu mùa, nước mới đỏ ngầu là mùa lễ hội của các loài cá. Chúng theo dòng nước tung tăng bơi đi các ngả, đó là thời gian tốt nhất để đánh bắt cá. Người mang cần câu, người mang lưới, đó ra đồng bắt cá. Rằng mjêt là hang ổ của các loài cá chép, cá chiên. Ở đây người ta có thể câu được những con cá lớn nặng vài chục cân là chuyện thường. Bởi vậy dù biết nguy hiểm đến tính mạng song cũng có không ít kẻ gan to lớn mật tới đây ngồi câu cả buổi để đánh cá. Trâu Tẩn Pán là người có lá gan to như lá cây mạy lùng, cái đi (mật) to như quả phăc mấn (bí đao) đã rủ mấy người bạn câu cùng tới Rằng mjêt câu cá. Nước mới đầu mùa lũ, lũ cá đang mải vui đùa giỡn với dòng nước mênh mang không ham muốn với mồi. Người câu cá phải tìm thứ mồi câu thơm ngon mới thu hút được lũ cá buồn ăn. Không sợ bẩn, Pán đã đem cứt trộn với cám gạo nếp hòa với dầu cải vo thành từng viên to bằng đầu ngón tay đem rang trên chảo lửa vừa chín tới. Thứ mồi đặc biệt này không chỉ có loài cá chép, cá chiên thích ăn mà ngay cả pia lài (loài cá có dấu chấm đỏ ở đuôi, theo quan niệm của người Tày khi cá già sẽ hóa Rồng) cũng rất háu ăn. Trâu Tẩn Pán cùng mấy người bạn chăm chú nhìn phao câu, không buồn để ý đến cảnh vật xung quanh. Mãi đến khi chiếc phao câu bất ngờ chìm nghỉm xuống sâu, Pán mới vội kéo dây câu lên, cảm giác tay nặng trịch, linh tính mách bảo với anh đã câu được một con cá lớn. Pán hy vọng con cá đã cắn câu là cá chiên, đã từ lâu lắm anh không được ăn thịt loài cá thơm ngon bổ dưỡng này rồi. Đánh vật một hồi lâu mà Pán vẫn chưa kéo được con cá lên khỏi mặt nước. Phải tìm điểm tựa mới được. Thế là Pán xoay người về hướng bụi mạy hóp (loài tre nhỏ có thể sống trong nước). Hai phần ba bụi mạy hóp đã chìm trong nước. Chỉ còn những ngọn cây cao nhô lên khỏi mặt nước. Ánh mắt Pán lướt qua bụi cây. Pán thấy có cái gì đó đen đen nằm cuộn trên tán lá mạy hóp. Pán thót tim, lẽ nào con rắn hổ mang chúa đang trốn dòng nước nằm cuộn tròn trên tán lá? Anh mà đánh thức nó há chẳng phải đem tính mạng của mình ra đánh đổi hay sao? Pán đã động vào bụi cây nhưng không thấy nó phản ứng. Có thể nó cũng sợ nước? Có thể nó cũng sợ anh cùng mấy người bạn đang thi nhau hò hét hòng tìm cách kéo con cá cắn câu lên khỏi mặt nước? Pán khẽ động thêm một cái vào bụi mạy hóp, nhưng vật đen đen kia vẫn bất động. Pán tiến lại gần để nhìn kỹ hơn. Vật đen đen đó có bốn cái tua lớn đính ở bốn góc. Mặt sau giữa là một miếng vải thêu nhiều hoa văn đẹp mắt. Do nhuốm nước đục ngầu hoa văn không còn được tươi mới. Hóa ra là một cái đa để địu trẻ con. Ai đã đem cái đa về treo trên bụi cây này? Mấy hôm trước sao không thấy nhỉ? Trâu Tẩn Pán nghĩ ngợi thần người ra một lát, nếu không có mấy người bạn nhắc nhở có lẽ anh đã quên mình phải làm việc gì rồi. Cuộc giằng co kéo dài gần nửa giờ, Trâu Tẩn Pán mới kéo được con cá chiên lên khỏi mặt nước. Nó gần như đã không còn sức chỉ vẫy vài cái rồi nằm im bất động. Dễ phải đến một yến, Pán ước chừng. Thấy Pán câu được con cá to, mấy người bạn câu thi nhau giăng mồi, chốc chốc lại kéo dây câu lên kiểm tra mồi câu. Nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy con cá nào cắn câu nữa. Chắc lũ cá đang mải mê mùa lễ hội mới đang bắt đầu. “Không có cá cắn câu thì đi về thôi”. Trâu Tẩn Pán nói. Con cá chiên nặng hơn chục ký cũng đủ để chia thịt để mấy người bạn có bữa rượu ra trò rồi.

Trâu Tẩn Pán cùng mấy người bạn câu không ngờ được rằng con cá chiên mà anh câu được vào trận mưa cuồng loạn đầu mùa năm đó lại là con cá cuối cùng cắn câu ở Rằng mjêt.

Trâu Tẩn Pán buồn lắm. Nhưng thầm nghĩ chỗ này không có cá mình sẽ tìm bỏ câu nơi khác. Chẳng lẽ người đẻ sòn sòn mà cá lại không vật đẻ gấp mười gấp trăm con người sao? Thế là Pán đi hỏi người già có kinh nghiệm thả câu hơn mình thả lưỡi câu ở chỗ nào thì trúng đậm. Pán cũng tự mình đi tìm lũ cá ở những hang đá dưới dòng sông, dòng suối quanh vùng. Trâu Tẩn Pán đã tìm đến Rằng ngươc trong một lần đi tìm đào củ cây mằn thất bán cho thương lái đem sang Tàu mỗi kg củ tươi được bốn mươi lăm tệ. Hai bờ sông Quy Sơn, cây mằn thất mọc nhiều, đào một lúc Pán đã được một gánh vừa tầm. Phen này Trâu Tẩn Pán sẽ có được nhiều triệu đồng, giàu to rồi. Đào gần chục cây, mỗi cây sâu khoảng một mét, đào được hơn chục khối đất lúc này Pán đã thấm mệt, đành tựa vào gốc cây nghỉ ngơi. Phía xa xa, thác nước đổ từ trên cao xuống réo rắt ầm ào. Trâu Tẩn Pán đứng cách đó cả chục mét nhưng những hạt bụi nước vẫn bắn lên người. Pán dõi mắt nhìn dòng nước từ trên cao đổ xuống. Anh vui sướng đến độ rơi nước mắt. Khúc sông này quả có nhiều cá. Từng đàn, từng đàn cá thi nhau bơi ngược lên thác nước trắng xóa, chúng cố sức bơi ngược lên được nửa thước đã bị dòng nước chảy xiết hất ngược trở lại vực nước xanh trong. Ở đây có nhiều cá sao không có ai đánh bắt nhỉ? Trâu Tẩn Pán nhủ thầm. Và anh cảm thấy mừng rỡ. Không có người bắt cũng tốt, có như thế anh mới bắt được cá tươi đem ra chợ bán. Số cá này nhất định thuộc về anh, tiền sẽ làm cho túi áo túi quần của anh phồng lên. Nghĩ đến mình sẽ có nhiều tiền, Pán thấy cơn mệt mỏi đã tan biến trong người. Anh dùng hai cánh tay chắc nịch nâng chiếc đòn gánh hất gánh mằn thất lên vai quay trở về bản.

Buổi tối sau khi cơm nước xong Trâu Tẩn Pán đến nhà cúng (ông) Xàu, người có tầm biết nhiều hiểu rộng của bản. Cúng Xàu là người thông thạo sông nước, con sông rộng trên một cây số song cúng chỉ lấy hai lần hơi là bơi qua được bờ bên kia rồi. Cúng am tường các khe, vực sâu của những con sông quanh vùng. Cúng Xàu được người trong vùng đặt cho cái tên “rái cá bản Thua Luồng”, giờ cúng đã già nhưng cái biệt danh đó không vì thế mà biến mất đi được. Cúng Xàu phân biệt được tất cả các loại cây trên núi, biết được các cây làm thuốc cũng như công dụng của nó đối với sức khỏe con người. Cúng Xàu cũng là một thợ câu cá lão luyện, biết được sở thích của từng loại cá, địa bàn cư trú, loại mồi mà chúng ưu thích nhất. Cúng đã già nhưng lòng đam mê giục giã thỉnh thoảng cúng vẫn cầm cần câu đi câu. Cúng Xàu đầu đội chúp xà (loại nón lá được làm từ lá cây mai) ngồi trên mỏm đá ung dung tĩnh tại, râu tóc bạc phơ bay theo làn gió trông cứ như một vị tiên giáng trần vậy. Ở quanh vùng Cô Sầu này có chỗ nào mà cúng Xàu chưa đặt chân đến? Có cái vực nào cúng chưa rình mò đâu. Vậy nhưng khi nghe Trâu Tẩn Pán nói đến Rằng ngươc, cúng Xàu lại chột dạ. Phải chỉ có vực Rằng ngươc là cúng Xàu chưa lặn xuống được tận đáy để khám phá những điều bí mật mà bao đời nay chưa một ai có thể giải đáp nổi. Không phải cúng Xàu không biết ở vực Rằng ngươc có cá. Cúng Xàu là người có lá gan lớn, quả mật to, lòng can đảm và dũng cảm quyết không thua kém Trâu Tẩn Pán bây giờ. Cách đây mấy mươi năm cúng đã gạt bỏ lời khuyên của những người già trong bản để đến Rằng ngươc thả câu. Nhưng ngồi cả ngày mà phao câu vẫn bất động. Ở đây không phải không có cá nhưng tại sao chúng lại không cắn câu mặc dù mồi câu Xàu đã mất công chế biến rất công phu mới có được.

Cúng Xàu không biết Rằng ngươc sâu mấy trượng, chỉ nghe người ta nói trước đây có một anh bộ đội vì muốn biết Rằng ngươc sâu đến độ nào đã nhờ một số thanh niên trong bản Cáy Khuya chặt một cây tre dùng để làm thước đo. Nhưng cây tre đã ngập đến ngọn mà gốc như chưa chạm đến đáy. Anh bộ đội kia cũng thuộc lớp người gan dạ đã cởi quần áo lao mình xuống vực sâu. Nhưng dường như nước ở Rằng ngươc có sức đẩy thì phải. Anh bộ đội vừa lặn xuống được hơn hai mét đã không thể lặn xuống sâu được nữa, cảm giác như người bị đánh bật trở lại. Lặn xuống mấy lần đều không đạt kết quả, anh bộ đội lên bờ mặc quần áo chỉnh tề, trầm ngâm như đang toan tính điều gì đó. Sẵn có khẩu K44 bên cạnh, không ngần ngại anh đưa khẩu súng lên hướng nòng súng 900 so với mặt nước, anh nín thở và bóp cò. Đùng, một tiếng nổ lớn, viên đạn vụt qua nòng súng rẽ một đường ngọt xuống nước. Nhưng đầu đạn không chạm bất cứ vật cản nào, đến cả bọt nước cũng không sủi lên, màu nước vẫn trong xanh ngăn ngắt. “Vực này sâu lắm. Hơn nữa vực này ẩn chứa những bí mật thần bí khiến con người ta không thể nào hiểu nổi”. Anh nói rồi buồn bã ra về.

Vậy mà hôm nay Trâu Tẩn Pán lại muốn đến Rằng ngươc giăng lưới thả câu. Nó còn muốn dùng thuốc nổ để đánh cá. Cúng Xàu không thể không ngăn Trâu Tẩn Pán có những hành động dại dột.

-Cháu không thể động vào Rằng ngươc được. Động vào đó cháu sẽ mom phoòng (có thể sẽ phải bỏ mạng sống) đó. Cúng Xàu nói.

-Nguy hiểm đến vậy hả cúng? Trâu Tẩn Pán nói.

Nhưng cúng Xàu chưa kịp nói thì Pán đã nói tiếp.

-Cháu không tin, cháu phải đích thân thử một lần để cho biết mới được. Người đời thường thêu dệt câu chuyện lên kỳ bí, chứ thực ra trên đời này làm gì có chuyện không thể nào giải quyết được bằng con đường kiểm nghiệm thực tiễn? Trâu Tẩn Pán lý sự với cúng.

-Cháu không được phỉ báng thánh thần. Đùa giỡn, coi thường thần linh sẽ mang họa vào thân đấy cháu ạ.

-Cúng cứ nói vậy, cháu thấy thời buổi bây giờ con người còn đáng sợ hơn thần linh gấp trăm gấp ngàn lần thần thánh. Thánh thần vật không chết người, chỉ có con người mới vật chết người cúng ạ.

-Cúng biết điều đó, con người bây giờ thật đáng sợ và nham hiểm. Có nhiều người họ ăn thịt mà không thèm nhả xương ra.

-Cúng nói phải lắm. Cúng cũng quan tâm đến chuyện thời sự đấy chứ, thế mà cháu cứ tưởng…

-Tưởng cúng già rồi nên không biết gì chứ gì? Vậy là cháu nhầm rồi, hằng ngày cúng vẫn nghe đài, xem ti vi đấy. Điều này thì Pán biết, vì từ lâu cúng Xàu đã coi chiếc đài bán dẫn là vật bất ly thân.

Nói chuyện trên trời dưới biển, khi Trâu Tẩn Pán ra về, cúng Xàu vẫn không quên lời dặn anh không được cả gan đụng vào Rằng ngươc. Cúng không biết đến lời nguyền nào đó trong sách cổ, chẳng biết có tồn tại lời nguyền hay không? Nhưng cũng nghĩ tránh được thì nên tránh. Động vào đó không chỉ hại đến bản thân mà còn liên lụy đến người thân. Đấy là chưa nói đến chuyện dùng thuốc nổ để đánh bắt cá là vi phạm pháp luật của nhà nước. Cho dù khúc sông này chảy trong thung lũng cách xa đường quốc lộ thì con người cũng không nên tự tiện hành động theo cảm tính được. Trâu Tẩn Pán nhớ lại những chuyện cúng Xàu kể cũng thấy bất an trong người. Nhưng khi nghĩ đến đàn cá bơi lội ngược không thắng nổi dòng nước thì sự bất an trong người liền biến mất. Lời cúng Xàu đối với Pán chẳng khác gì như cơn gió thoảng qua vành tai chứ không đọng lại trong đầu.

***

Dòng người kéo nhau ra Rằng mjêt tế lễ, Trâu Tẩn Pán đau bụng nên không đi được. Em trai Trâu Tẩn Pín thấy anh đau bụng quằn quại, không nói không rằng lắc đầu một cái rồi theo bước chân cha mẹ đi xuống cầu thang nhà sàn. Đợi bố mẹ và em trai đi khỏi Trâu Tẩn Pán cũng đi ra khỏi nhà, bên nách còn ôm một bọc ni lông lớn. Pán không đi Rằng mjêt mà nhằm hướng Rằng ngươc đi tới. Anh vừa đi vừa nhảy chân sáo tựa như có hàng trăm bông hoa đang nở trong lòng. Nghĩ đến cá, đến tiền trong lòng Pán thấy ấm lên một cách kỳ lạ. Đến nơi Pán dừng lại trên bãi cát vàng ven sông, thản nhiên tra thuốc nổ, dây cháy chậm vào kíp. Một thỏi mìn được Pán ném xuống Rằng ngươc một cách chuyên nghiệp. Một phút, hai phút rồi ba phút trôi qua, không một tiếng nổ được vang lên, căng mắt ra nhìn một lát sau trên mặt nước sủi lên như que tăm, trong giây lát mặt nước lại phẳng lặng không một gợn sóng. Không bóng một con cá nào nổi lên. Ở đằng xa lũ cá vẫn thi nhau kéo ngược lên thác nước. Thác cao đổ xuống ba chục mét thì làm sao cá có sức để vượt qua? “Một thỏi không đủ để bọt nước sủi lên, vực này quả sâu thật”. Vậy thì ta sẽ tăng lên mười thỏi. Nghĩ là làm, Pán tháo thuốc nổ từ mười cái thỏi giấy đổ ra mảnh vải mưa rồi gói lại thật kỹ, chỉ chừa lại một lỗ nhỏ đủ để đặt kíp và dây cháy chậm ra ngoài. Để cho chắc chắn Trâu Tẩn Pán còn lấy dây cao su buộc ngang rồi lại buộc dọc khối thuốc nổ TNT. Dây cháy chậm cũng được anh cắt dài hơn thường lệ. Pán muốn khối thuốc nổ được buộc thêm hòn đá để tăng thêm sức nặng chìm nhanh xuống vực nước sâu. Pán muốn khối thuốc nổ xuống gần chạm đáy mới nổ tung, khi đó những con cá to đang trú ngụ dưới vực sâu mới say thuốc mà nổi lên để anh tha hồ vớt xác gom lại thành một đống lớn. Trong khi chờ thuốc nổ Trâu Tẩn Pán châm một điếu thuốc lá thản nhiên nhả khói vòng tròn trong tâm thế nhàn nhã. Khi điếu thuốc cháy quá nửa Pán nghe một tiếng “bụp”, nước bắn lên cao hai mét. Nước trong Rằng ngươc chấn động, lắc lư, trong giây lát Pán có cảm giác như trời đất ngả nghiêng. Ánh mắt Pán nhìn chằm chằm vào vực nước sâu. Vẫn không có một con cá nào nổi lên mặt nước. Vực nước này không có cá. Thật vô lý. Trâu Tẩn Pán làu bàu không dứt. Trong khi anh đang làu bàu bực mình vì mất không mười một thỏi thuốc nổ mà không kiếm được con cá nào. Trâu Tẩn Pán định ra về thì vực nước lại một lần nổi sóng, nước dâng lên rồi ngụp xuống một cách kỳ lạ. Anh ngạc nhiên đến thất sắc. Trước mắt anh một con vật lớn to như cái rằm đung (tấm cót mà bà con dùng để phơi thóc) dài gần chục sải tay nổi lên trên mặt nước. Con vật kỳ lạ có thân màu tro nhưng nhìn kỹ lại giống màu hồng đỏ. Nó vùng vẫy vài cái trên mặt nước, toàn thân duỗi thẳng rồi lại chìm xuống vực nước sâu. Lẽ nào là Tua Ngươc mà người già hay nói đến? Nếu thế chẳng phải Pán đã giết chết Tua Ngươc vua rồi sao? Mà giết được cũng tốt, nó có giúp ích lợi gì cho con người đâu? Nhưng lại nghĩ giết chết loài thủy quái đại kỵ, linh thiêng với con người há chẳng phải là sự lựa chọn hạ sách nhất? Nghĩ mà thấy rùng mình. Trong mấy ngày mà những người trong dòng họ Trâu thi nhau lên cơn đau vật vã rồi chết trong giây lát. Nhận được tin báo ở bản Thua Luồng có những cái chết kỳ lạ trong một dòng họ, cơ quan chức năng đã xuống hiện trường. Một mặt họ lấy mẫu đi xét nghiệm liệu người chết có phải bị đầu độc hay không? Họ mổ tử thi để kiểm tra. Khi mổ vào bụng những tử thi, vị bác sỹ pháp y cùng những người có mặt ngạc nhiên đến kinh hồn bại vía. Toàn bộ phủ tạng của những người xấu số đều bị đứt đoạn, một số bộ phận như có ai đó cắt bỏ đi một phần. Tất cả đều không thể tin vào mắt mình. Cũng không ai có được câu trả lời cho mối hoài nghi trong lòng. Thương số phận những người xấu số, người làng đã đóng góp công sức của mình để lo cho sáu đám tang cùng một lúc. Cuộc đại tang của bản Thua Luồng mà trước đây chưa bao giờ có tiền lệ.

Song những cái chết của những người dòng họ Trâu chỉ mới là bước khởi đầu của những cái chết đầy bí ẩn sau này. Một năm sau khi tế lễ ở Rằng mjêt, số trẻ con trong bản bị chết ngày càng nhiều hơn. Các bác sỹ không tìm được căn nguyên của nguồn bệnh để có phương án chữa trị một cách tốt nhất. Có những đứa trẻ được đưa về tận trung ương để các bác sỹ có tay nghề cao chữa trị nhưng vẫn không thể tránh được truy sát của Diêm Vương. Một ông thầy tào lại được mời đến thi triển phép thuật hàng ma phục yêu cứu nhân độ thế. Không giống mấy thầy tào trước hay khoe khoang tài nghệ của mình, thầy tào Đoàn Quyền Thế rất ít nói. Thầy đến bản Thua Luồng cùng với thằng con trai mười tám tuổi khuôn mặt khôi ngô. Khác với khuôn mặt của tào cha, anh tào con có khuôn mặt ngang tàng của kẻ ngạo mạn. Người bản Thua Luồng coi thầy tào Đoàn Quyền Thế như người trong bản. Theo sự gợi ý của cúng Xàu, người cao tuổi có uy tín nhất bản Thua Luồng, đích thân ông trưởng bản đứng ra hô hào bà con đóng góp công sức làm một ngôi nhà cho thầy tào trú chân trên phần đất chung của bản. Ba tháng sau ngôi nhà sàn dành cho bố con thầy tào đã hoàn thành. Vào ở nhà mới được ba tuần bố con tào Thế chọn một ngày đẹp trời cùng dân làng ra Rằng mjêt bắt quái trảm yêu. “Thầy xem qua rồi, đối với con quái vật này dùng lễ tế không xong đâu. Phải bắt được nó đem chém thành chín khúc vứt ra chín phương trời thì mới trừ được mối họa tận gốc được”. Người trong bản hỏi thầy cần những thứ gì để bắt quái trừ yêu để người làng chuẩn bị. Thầy tào Thế xua tay nói không cần rườm rà, không cần vật phẩm cúng tế, xôi thịt. Những thứ đó để sau khi trừ yêu diệt quái xong mới cần để lễ tạ đất trời. Còn lúc này thầy chỉ cần một chiếc dây thừng mới dài mười sải tay thôi. Thế là đủ. Thầy tào một tay cầm thẻ hương một tay cầm cuộn dây thừng. Thằng con trai đi theo sau tay cầm thanh kiếm sắc. Dân làng theo bước chân hai cha con thầy tào hướng Rằng ngươc mà đi. Đến nơi thầy tào Đoàn Quyền Thế lấy từ trong túi đồ nghề của mình ra chiếc áo dài màu vàng nhạt, sau lưng có in hình bát quái lớn hai màu đen trắng. Ở giữa phần đen có chấm một chấm trắng, giữa phần trắng chấm một chấm đen. Viền áo là hình các vị tiên, chư phật người cầm kiếm người cầm đao, hồ lô… Thầy mặc áo xong đội chiếc mũ như mũ của Đường Tăng trong phim Tây Du Ký. Trước khi hành lễ thầy nói với con trai. “Lát nữa xuống đến dưới đáy vực nếu thấy cái gì đó bất thường thì con cũng tuyệt đối không được lên tiếng. Cứ lặng lẽ đi theo bố, mặc bố làm gì thì làm, nghe rõ không”. Thằng con thầy tào vẻ mặt ngang ngược tỏ vẻ đồng tình. “Bố yên tâm còn có chuyện lạ nào mà con chưa được chứng kiến đâu. Trái tim con gan lỳ rồi, không còn biết sợ là gì nữa. Bố cứ yên tâm làm việc của bố”. Thằng con nói mà không thèm nhìn mặt bố, không quan tâm đến thái độ của ông ra sao.

Người làng đứng quanh hồi hộp lo lắng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Có người không tin thầy Thế có thể bắt được con quái vật - thủ phạm bắt mất hồn của lũ trẻ thơ để trừng trị nó, chém xác nó thành muôn mảnh. Họ nghĩ nhưng không nói ra mồm chỉ lẳng lặng quan sát tỉ mỉ cách làm của bố con thầy Thế. Thầy châm thẻ hương, đặt sợi dây thừng mới trước mặt mình ngay trước mặt miệng Rằng mjêt. Thầy lạy mười phương trời miệng lầm rầm khấn cầu thần linh tiếp cho ông sức mạnh phi thường. Khấn xong thầy cầm dây thừng lên, thầy dùng ba nén hương trên tay, nín thở viết vào không khí hai chữ Thần Phục. Khi nét chữ cuối cùng được viết xong thầy bước một bước mạnh xuống Rằng mjêt. Cứ mỗi bước chân thầy lại viết hai chữ, bước chân thầy xuống đến đâu nước liền rút theo đến đó. Những người có mặt trong buổi sáng hôm đó kinh ngạc xúc động mạnh. Họ không thể tin vào mắt mình. Họ cho là thầy tào đang biểu diễn xiếc ảo thuật. Thầy tào hiểu được ý nghĩ của người bản Thua Luồng, nhưng ông không quan tâm. Thầy đang dành toàn tâm toàn lực vào việc mình đang làm. Thằng con trai thầy Thế cũng bước từng bước sau lưng bố. Rằng mjêt có con đường đi xuống thoai thoải. Khi xuống gần đến đáy vực ba cây hương trên tay thầy tào đã cháy hết hai phần ba thân. Xuống sâu không còn ánh sáng mặt trời soi sáng, con trai thầy tào phải dùng đèn pin soi đường. Đáy vực đây rồi. Một bãi cát vàng mịn. Trên nền cát vàng rõ ràng vẫn con đang ươn ướt. Trước mắt thầy tào cách vài bước chân con quái vật đang nằm bất động. Thân nó to bằng một người ôm dài phải đến năm sải tay. Thầy tào đang trổ hết tài nghệ bình sinh để bắt quái vật. Khi ông đang làm phép lên sợi dây thừng, toan định trói con quái vật lại. Thằng con thầy tào tưởng bố định bước lên, nó đưa chân lên giẫm vào gót chân bố. Nó không úp mặt vào sau lưng ông mà cố rướn mặt sang bên trái bố. Cặp mắt tinh anh của nó bắt gặp con quái vật thuồng luồng khổng lồ đủ màu sắc đang nằm bất động trước mặt bố. Theo phản xạ thằng con thốt lên một câu rất khẽ. “Bố ơi con thấy hơi sợ”. Âm lượng câu nói không đủ lớn, thầy tào không nghe rõ, song nó đã làm cho phép không còn linh nghiệm. Thầy tào khẽ giật mình, trên tay ông, sợi dây thừng đứt từng khúc từng khúc rớt xuống nền cát vàng ẩm ướt. Thầy khoa chân múa tay, miệng phun nước phì phì trấn át nhưng nước từ các khe bắt đầu dâng lên mặc cho thầy nín thở viết chữ chân dẫm mạnh cũng không chần chừ ngừng lại. Nước mỗi lúc một dâng cao, thầy buông thõng đoạn dây thừng còn xót lại trên tay nói một câu đầy bất lực. “Chỉ vì một câu nói mà hỏng đại sự”. Nói xong thầy bảo con phải nhanh rút lui lên miệng vực. Bước chân của thầy vừa lên đến bậc cuối cùng nước cũng ngập mênh mông. Tay phải thầy tào vẫn cầm ba cây hương nhưng đã tắt ngấm từ lúc nào không biết. Thằng con Đoàn Quyền Lực mặt cúi gằm tâm trạng đang chấn động lo lắng không ngừng. Người làng thấy vậy hỏi thầy tào.

-Thầy có phải…

-Hái dà, mưu sự tại người mà thành sự cũng tại con người cả. Chỉ vì thằng Lực lá gan quá nhỏ mà làm hỏng chuyện của thầy. Thầy… tai họa… Thầy tào không muốn nói tiếp.

-Không bắt được quái vật, nhất định nó sẽ đến quấy rối khiến người làng không có được ngày tháng yên bình. Thầy phải giúp dân làng chúng tôi mới được. Trưởng bản nói với vẻ lo lắng.

-Bà con yên tâm, ngày nào chưa bắt được quái vật tôi sẽ không trở lại làng Phija Phủ.

Nghe thầy nói vậy người làng cảm thấy yên cái bụng lắm. Bà con lục tục đi về. Thầy tào Thế đi sau cùng. “Không một ai quay lại nhìn Rằng mjêt”, thầy nói với người làng. Về đến làng ai về nhà nấy. Bố con thầy Thế về ngôi nhà mà người làng dựng cho. Thầy tào vừa ngồi xuống ghế chưa kịp uống chén nước, thằng Lực đã hốt hoảng nói với bố.

-Bố ơi rắn, nhiều lắm, chúng đang bò lên từ hai mươi tư cột nhà cột nào cũng có.

Thầy tào nhìn xuống chân cột nhà quả nhiên những con rắn to bằng bắp tay đang bò lên sàn nhà. Không kịp suy nghĩ thầy đi đến vại nước tay với cái gáo múc một gáo đầy đưa lên miệng nhấp một ngụm nhỏ, miệng mím chặt, nín thở tay viết chữ, thầy thổi phù một cái, những con rắn đồng loạt rớt xuống nền đất. Nhưng chúng không chết. Chỉ một lát chúng lại vươn mình bò lên các cột nhà. Thầy Thế lại nhấp một ngụm nước, tay viết chữ rồi thổi phù những con rắn lại rơi xuống. Thầy làm động tác này rất nhiều lần. Nước trong cái vại đã cạn. Không được phút nghỉ ngơi, không được ăn cơm. Một mình thầy chiến đấu với bầy rắn quái trong ba ngày đã kiệt sức. Thầy dùng hết sức lực bình sinh làm phép lần thứ một ngàn, nhưng thầy không đủ sức để thổi phù làm nước bay ra khỏi miệng được nữa. Thầy quỵ xuống, nước và nước bọt chạy ra từ khóe miệng. Thằng Lực chạy lại đỡ bố, nhưng ông đã tắt thở. Người làng đứng quanh ngôi nhà thầy quan sát, khi thằng Lực gào khóc gọi bố ơi bố ơi họ biết thầy chiến đấu với loài ác quái dẫn đến kiệt sức đã qua đời. Gần như đồng thời, những con rắn đủ mầu sắc đang bò lên từ những cột nhà cũng đồng loạt rơi xuống biến mất vào trong lòng đất một cách kỳ lạ. Cúng Xàu, một người tự cho mình là hiểu rộng biết nhiều nhưng tận mắt chứng kiến những chuyện kỳ quái này cúng cố mở con mắt đục ngầu thật lớn để xem cho rõ. Nét mặt cúng dãn ra rồi lại nhăn lại, chứng tỏ tâm trạng cúng đang bị kích động lớn đến run rẩy cả người.

Sáng hôm sau một người ra đồng sớm hốt hoảng chạy về báo tin ở gần miệng Rằng mjêt có một con rắn có màu đỏ rực như mào gà to lớn không biết đã chết tự bao giờ. Người làng kéo đến nơi, chẳng ai dám vào gần, họ đứng cách xa cả chục mét để ngắm nhìn con quái vật khổng lồ đã bắt rất nhiều hồn của trẻ thơ. Có ai nói hình như con rắn có mào này giống với con rắn khổng lồ mà Trâu Tẩn Pán đã nổ mìn làm nó phải ngoi lên mặt nước Rằng ngươc năm nào. Trưởng bản nhớ lại câu nói lấp lửng của thầy tào hôm bắt yêu quái không thành công. Thì ra tai họa mà thầy nói là vận vào bản thân chính thầy, thầy phải chết cùng với con quái vật khổng lồ. Ông thầy tào giỏi nhất đã ra đi như thế. Thầy ra đi để đổi lại sự bình yên cho những người bản Thua Luồng…

Nông Quốc Lập

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 1 tuần trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước