Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
06:00 (GMT +7)

Vòng quanh Hà Nội: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…

VNTN - Xin Đại văn hào Nguyễn Du thứ lỗi khi hậu sinh mượn một câu Kiều của Người để minh họa cho những điều trái tai gai mắt ở Thủ đô Hà Nội, dưới góc nhìn du khách phương xa.


Thời gian qua, đã có rất nhiều phản ảnh về những thói xấu của người Hà Nội, hành hạ các kiểu, từ “chém”, “chặt” các dịch vụ với giá trên trời, đến thái độ phục vụ kém văn hóa văn minh với du khách. Đã có nhiều trường hợp lãnh đạo Hà Nội phải đứng ra xin lỗi khách, có trường hợp đích thân Bộ trưởng Bộ VHTTDL lên tiếng, rồi những quy chế văn bản mang tính luật pháp để hạn chế và nghiêm trị những hành vi thiếu văn hóa … Nhưng xem ra mọi thứ vẫn như “nước đổ lá khoai”, chẳng thấy tiến bộ hơn, thậm chí còn biến tướng theo chiều hướng tệ hại.

Chèo kéo khách du lịch mua đồ lưu niệm   Nguồn: Internet

Khi chủ nhà nổi lòng tham

Ít có Thủ đô quốc gia nào lại có thói xấu như Hà Nội của chúng ta, hễ gặp khách lạ lơ ngơ là ra tay “thịt” bằng những cái giá dịch vụ trên trời và chất lượng thì chỉ có trời mới biết. Người viết bài này cũng từng là nạn nhân của lòng tham. Đã phải cắn răng trả gần 100.000đ cho một tô bún riêu lỏng lẻo vài con ốc ở vỉa hè ngay ngõ Phất Lộc, phố cổ Hà Nội, nếu không muốn được (hay bị) nghe một bài “dân ca Bắc bộ” rất hè phố. Trước đó, vừa đọc trên truyền thông chính thống về vợ chồng du khách Nhật cũng phải nghiến răng trả gần 1 triệu đồng cho 2 tô phở vỉa hè Hà Nội, rồi không chịu nổi sự vô lý đã tìm đến vị lãnh đạo Hà Nội khiếu nại. Hay một cuốc xích lô cho du khách Pháp chưa đầy 1 km qua vài con phố cổ phải trả 100 USD. Tệ hơn, khách đi xe bus vì có giá vé quy định nên không thể thu cao hơn, nhưng nhà xe lấy cớ khách có vali hành lý nên đòi trả thêm 1 suất vé (dù số tiền không cao). Rồi ngay cả với taxi hãng cũng rình để làm tiền khách nếu khách không biết gì. Từ việc đi lòng vòng để tăng số km đến việc lừa khách để lấy tiền…

Lòng tham còn thể hiện cả ở những người trực tiếp làm các dịch vụ du lịch như ở các tour, khách sạn… Ví dụ mới nhất khi đoàn chúng tôi gồm 7 người thuê chiếc xe điện du lịch phố cổ Hà Nội trong 1 giờ với giá 300.000đ ở điểm chợ Đồng Xuân, do dừng lại chụp ảnh hơi lâu ở nhà cổ Mã Mây, khi về chúng tôi quá mất 25 phút. Thay vì chỉ phải trả thêm một “gói” 30 phút nhưng cô nhân viên ở đó nhất định đòi chúng tôi phải trả thêm 1 giờ vì theo đồng hồ của cô ấy chúng tôi đã đi quá 31 phút… Thêm 150.000đ không là vấn đề gì lớn, nhưng nó là một trải nghiệm không hề đẹp trong mắt mấy học trò của tôi lần đầu tiên ra Hà Nội.

Việc “hét” giá với du khách ở Hà Nội đã trở thành thói quen, khi luôn quan niệm khách là “con mồi”, đã đi du lịch chắc là nhiều tiền và là cơ hội để những người bán hàng kiếm lợi nhuận bất chấp đúng sai, thể diện.

Quán ăn trên vỉa hè ở Hà Nội    Nguồn: Internet

Và khi chủ nhà kém văn hóa ứng xử

Có lẽ chẳng đâu như ở Thủ đô của Việt Nam có cháo chửi, phở quát, xe lưu thông không chịu nhường đường cho người đi bộ... Cũng chẳng có Thủ đô nước nào như Hà Nội mà du khách nội địa thường không được tôn trọng và phục vụ đúng như là “Thượng đế”, cho dù phải trả tiền dịch vụ không hề rẻ. .. Ngoài những chuyện tưởng chừng là nhỏ nhặt, vụn vặt này, ừ thì cho là những người buôn bán hay sốt ruột vì khách khó tính…. Nhưng ngay cả ở những địa điểm du lịch mang tiếng là nơi tượng trưng cho “Đạo” học, “Đạo” chữ, “Đạo” làm người của tổ tiên, của quốc gia, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thì những người phục vụ ở nơi này cũng rất thiếu văn hóa ứng xử. Từ những cô bán vé vào cửa tham quan, không cần biết khách già, trẻ, cứ trống không lạnh lùng hỏi “mấy vé”, đến mấy nhân viên soát vé vào cửa cũng kiệm lời chỉ một chữ “vé” và xé cái “soạt”… Ngẫm mình nghĩ đến xứ khác, ngay từ ngoài cửa đã có nhân viên tươi cười chào mừng và phát cho du khách tấm brochure giới thiệu di tích, rồi nhân viên bán vé lịch sự thưa quý ông, quý bà, quý cô, quý anh…, đến khi ra về còn được nhân viên chào tạm biệt, cảm ơn quý khách đã ghé tham quan, chúc hành trình du lịch tiếp theo vui vẻ…

Một cái kém văn hóa khác của Hà Nội là việc ít ai để ý đến những điều nhỏ mà không nhỏ. Một Thủ đô có rất nhiều du khách nước ngoài, và với họ thì việc phải chen lách và ngồi vào những cái bàn ghế nhỏ ở các hàng quán phố cổ Hà Nội quả là một thách thức và trải nghiệm không mấy dễ chịu. Chưa hết, vì tiết kiệm không gian, ngay cả ở khách sạn, các phòng tắm cũng quá bé nhỏ so với họ, dù chỉ là để tắm và vệ sinh cá nhân một cách đơn giản nhất. Hay hè phố, để tham quan phố cổ Hà Nội là một sự dũng cảm khi luôn phải đi dưới lòng đường với rất nhiều xe gắn máy, xe ô tô lưu thông, bởi hè phố đã bị chiếm giữ làm nơi bán hàng, để xe… Mà nếu vô tình đi trên hè phố va quệt vào hàng hóa thì nhẹ cũng bị một ánh mắt “mang hình viên đạn”, nặng hơn là một câu chửi, thậm chí tệ hơn nữa là có thể bị bắt vạ trả tiền do làm hư hỏng đồ (dù chẳng hư gì hết).

Một kiểu kém văn hóa ứng xử khác là ở các địa điểm tham quan mang tính tâm linh, khách nội có ý thức, đều khá chỉn chu trang phục, nhưng khách ngoại thì khá phóng túng, nhất là các cô Tây, anh Tây, cứ áo dây, quần short ngắn hồn nhiên trước các ban thờ tí toách chụp ảnh… Chẳng có ai nhắc nhở hay có một cái gì cho họ mượn tạm khoác lên cho nghiêm túc nơi thờ tự… Không lẽ chỉ vì họ là “Tây” mà các nhân viên quản lý, bảo vệ làm ngơ? Hay ý thức văn hóa của ngay chủ nhà quá kém nên xem nhẹ vấn đề. Điều mà ở các quốc gia châu Á lân cận lại xem rất quan trọng và luôn thực thi nghiêm cẩn đối với du khách.

Chỉ lướt qua vài hiện thực về du lịch Hà Nội, đã 'vấp” phải nhiều điều không đẹp. Có lẽ nào người Hà Nội không hiểu mình đang là chủ nhân của một di sản lớn về văn minh, văn hóa quốc gia, và là hình ảnh đại diện cho quốc gia trong mắt đồng bào cả nước và bè bạn quốc tế, mà có những ứng xử kém văn hóa ở nhiều phương diện? Để đến nỗi khách đến với Hà Nội, cho dù ai cũng công nhận một Hà Nội rất nhiều khám phá thú vị về văn hóa, văn minh… nhưng chỉ một lần đến và ít khi ai dám trở lại nếu như chỉ đơn thuần là du lịch tham quan.

Một khi “chủ nhà” không có được sự trang bị kiến thức văn hóa văn minh tối thiểu để tròn vai trò chủ nhà, thì chắc chắn còn xảy ra rất nhiều “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Thiết nghĩ các lãnh đạo Hà Nội và nhất là những người làm trong ngành du lịch ở Hà Nội nên đề ra những quy tắc cho công dân Thủ đô đặc biệt với du khách, như ở một số quốc gia đã từng có. Và những nơi nào ở Hà Nội có di tích thì cũng nên giáo dục cư dân nơi đó có thái độ thân thiện, hiếu khách, tử tế và không nên làm xấu đi bộ mặt của mình bằng những chiêu trò thiếu văn hóa ứng xử với khách.

Mong sao, người Hà Nội luôn xem Hà Nội như ngôi nhà của mình và tất cả khách đến Hà Nội như khách quý đến nhà mình để có cách đón tiếp, ứng xử, đãi đằng một cách văn minh, văn hóa từ những chi tiết nhỏ nhất để xứng tầm với ý nghĩa của hai chữ Thủ đô.

Minh Châu

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy