Vòng bánh chưng ngày ấy
VNTN - Đã 60 năm trôi qua mà tôi vẫn nhớ như in, câu chuyện như vừa hôm qua thôi vậy. Tết Tân Sửu ấy - năm 1961, tôi mới lên 5 tuổi, đứa trẻ nhà quê lam lũ nên nom già trước tuổi. Những cái Tết của tuổi ấu thơ sao mà bí hiểm, lung linh đến vậy, nhà nào cũng háo hức về những công việc của ngày giáp Tết, cả làng lao xao câu chuyện ăn Tết thế nào. Đi đến đâu cũng nghe thấy câu chuyện lo ba ngày Tết.
Làng tôi rất nghèo, nhà nào cũng nghèo, quanh năm ăn đói, mặc rách nhưng Tết đến thì nhà nào cũng cố lo cho có nồi bánh chưng, không to nhưng cũng phải kha khá, có nhà gói cả yến gạo. Cũng vì thương đàn con lam lũ, cả năm mới được nếm hương vị của chiếc bánh chưng. Đầu xuân đến chúc Tết nhà nhau, sau câu chúc là câu hỏi nhà có gói nhiều bánh chưng không. Để chứng tỏ nhà ăn Tết to hay nhỏ là nhìn vào số lượng bánh chưng. Nồi bánh chưng vừa thể hiện sự khá giả của gia đình, vừa thể hiện sự thiêng liêng của ngày Tết.
Có được nồi bánh chưng phải kể đến công lao vất vả của các thành viên trong gia đình, một nắng hai sương để làm ra hạt thóc, hạt gạo. Và để nói rằng hạt thóc, hạt gạo đã trả công cho con người ra sao. Năm đó tuy còn bé nhưng tôi cũng mang máng hiểu rằng hạt gạo và những chiếc bánh chưng quý giá đến mức nào với người nông dân. Sự đói nghèo, thiếu thốn đã khắc vào khuôn mặt, cuộc sống của từng người, khắc vào tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Mỗi khi Tết đến xuân về, cảm giác ấy lại quặn lên trong tôi, nhói vào tim tôi trong cái giá rét cuối năm.
Tết ấy, u tôi bảo năm nay được mùa nên nhà mình gói nhiều bánh chưng hơn mọi năm. Mới chiều 28 Tết, bọn nhóc chúng tôi mặt mũi đứa nào đứa nấy cũng nhọ nhem, đầu tóc bù xù, vây quanh nồi bánh đang sôi sùng sục trên bếp lửa ở góc sân, manh áo mỏng phong phanh không đủ ấm, chân không giầy dép cứ co ro, xòe hai bàn tay khẳng khiu về phía ngọn lửa để đón hơi nóng từ bếp tỏa ra. Mùi lá dong quện hương gạo nếp trong nồi phả ra khiến đứa nào cũng thèm nhỏ rãi. Đến cuối chiều, những vòng bánh chưng tròn như mặt trăng rằm cũng được bầy ngay ngắn lên các đĩa, thầy tôi làm thủ tục thắp hương mời các cụ về thưởng bánh chưng và ăn Tết cùng con cháu. Sau khi thắp hương xong, mâm bánh được hạ xuống. U tôi gắp ra 5 vòng đặt vào cái bát và bảo tôi: Con mang chia cho con trâu, hai con cún và 2 con ỉn mỗi con 1 vòng. Tôi cười toác miệng tưởng u nói đùa, tôi chỉ vào mấy cái đầu đang xúm lại quanh mâm bảo, ủn và cún đây hả u? Vừa nói vừa nhấc vòng bánh chưng ra khỏi đĩa định chia cho mấy đứa. U tôi khẽ gắt, đã bảo mang cho "chúng nó", công của "chúng nó" vất vả cả năm kéo cày, trông trộm đấy. Lúc ấy tôi mới hiểu, vội vã mang chia cho hai con chó mỗi con 1 vòng, chúng đón nhận phần thưởng như một ân huệ, chúng càm ra mỗi con một góc vườn nhai nhai gặm gặm một cách ngon lành.
Đến chuồng trâu, con trâu gầy, đôi mắt đã sáng lên, nó hăm hở nhìn theo bước chân tôi. Đôi sừng va vào bờ chuồng hẹp kêu lộc cộc. Có lẽ nó đang mong được hưởng hương vị đặc biệt mà mũi nó ngửi thấy từ
sáng đến giờ. Còn cách cửa chuồng khoảng 3 bước chân tôi khựng lại, tiếng hai con ỉn rít lên, sự thèm khát không kìm nổi, chúng kêu rí rí, éc éc, bắc hai chân trước lên mấy cọc tre quây làm chuồng. Đột nhiên tôi thấy thương chúng quá, một trong hai chúng chỉ còn được sống đến sáng 30, u tôi bàn với thầy, tôi đã nghe được. Vậy là còn hai ngày nữa thôi. Tôi lưỡng lự trước cửa chuồng trâu. Đôi mắt đen tròn chờ đợi, chỉ cần tôi thả vòng bánh chưng xuống là cái lưỡi dài kia sẽ tẻm một cái là xong, không biết nó có kịp cảm nhận thấy sự ngon ngậy của vị bánh chưng không nữa. Đắn đo một chút, tôi đã đi qua, đôi mắt nó chưng hửng nhìn theo tôi. Tôi thoáng cảm thấy trong đôi mắt ấy nỗi buồn nhưng vẫn mang cả 3 vòng bánh chưng đến chuồng lợn, miệng lẩm bẩm: Tao chả biết đứa nào ngày kia phải lên thớt, thằng trâu to thế kia, một vòng bánh chưng cũng chả thấm vào đâu, thôi ưu tiên cho hai đứa mày. Tôi thả 3 vòng bánh chưng vào máng rồi cầm bát đi nhanh qua cửa chuồng trâu trở lại chỗ mâm bánh. Hương vị bánh chưng cũng đang quyến rũ tôi đầy ma lực.
Thời gian thấm thoắt trôi đi, đã 60 mùa xuân không trở lại, tôi đã là bà lão sáu mươi lăm tuổi, con trâu con lợn ngày ấy đã không còn được ai nhớ nữa. Vẫn biết chúng sinh ra để phục vụ con người, vậy mà trong tôi vẫn luôn hiện về hình ảnh đôi mắt ướt tròn to nhìn tôi đầy trách móc. Có thể chỉ là cảm nghĩ của tôi mà sao cứ day dứt mãi. Lại một năm Tân Sửu đã tới, những con trâu bây giờ không phải đói khát như ngày xưa, mọi nhà cũng không coi nồi bánh chưng là "đẳng cấp", nhưng tôi vẫn chạnh nhớ về một vòng bánh chưng, một chút không công bằng đã làm tôi áy náy cả một đời.
Ngọc Thị Lan Thái
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...