Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
17:21 (GMT +7)

Vô tư vẽ, giản dị ước mong

VNTN - Cuộc sống đời thường còn nhiều lo toan, những dự định và đam mê vì nhiều lẽ phải gói ghém lại một góc, nhẩn nha chờ đợi ngày vơi tất bật. Cầm cọ bất cứ khi nào rảnh rỗi, vẽ chậm và ít, nhưng họa sĩ Dương Văn Chung là người hiếm hoi đã tạo nên dấu ấn đáng nể từ sự chậm rãi ấy.


Niềm vui lớn nhất trong năm qua của Dương Văn Chung, là vinh dự đoạt giải Ba Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam 2018 với tác phẩm “Hương rừng”, lụa. Giải thưởng được tuyển chọn từ lượng lớn các tác phẩm tham dự Triển lãm Mỹ thuật lần thứ 23 tại 8 khu vực trên cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh và Bến Tre). Trước đó, “Hương rừng” cũng đã đoạt giải C tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc). Thành tích của anh quả là niềm tự hào cho giới họa sĩ Thái Nguyên nói riêng, cho Văn học nghệ thuật tỉnh nhà nói chung. Gần đây nhất, tham gia Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915 Anh hùng, do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên tổ chức, tác phẩm “Thăm lại chiến trường xưa” (sơn dầu) của anh đã xuất sắc đoạt giải A. Nhắc về những thành quả, anh cười nhỏ nhẹ: Rất mừng vì đã có một năm thành công trong sáng tác. Có thời gian là cứ vẽ thôi chứ chẳng nghĩ gì nhiều cả.

Tiếp xúc với Dương Văn Chung, không khó để cảm nhận được cái chất hiền lành, mộc mạc qua từng cử chỉ, giọng cười, tiếng nói. Được anh mở lòng trò chuyện thì sẽ hiểu thêm rằng, sau cái “vỏ” hiền lành ấy là một thế giới nội tâm luôn chất đầy những khao khát, mạnh mẽ và kiên định. Khá thành công với các chất liệu nho mài, sơn dầu, lụa; đề tài mà anh thích thú và thể hiện nhiều là về miền núi và cuộc sống đời thường. Là người dân tộc Nùng (Văn Lăng, Đồng Hỷ), cái nét - sắc của người vùng cao đã tự nhiên thân thuộc; cộng với nhiều năm sống và trưởng thành ở môi trường phố thị, tiếp cận những trào lưu, xu hướng hội họa mới mẻ đã giúp những sáng tạo của Dương Văn Chung có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, vừa có tính hàn lâm, học thuật, vừa có sự tươi mới mang hơi thở thời đại.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam (2002), Dương Văn Chung về công tác, giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc từ đó đến nay. Ngoài thời gian đứng lớp, anh còn đảm nhiệm công việc quản lý Khoa Mỹ thuật, bận bịu nên việc sáng tác vì thế mà hạn chế rất nhiều. Tự nhận mình là người vẽ chậm và ít, khiêm tốn chỉ có khoảng 3 - 5 bức tranh/năm, 16 năm đồng hành với niềm đam mê hội họa, Dương Văn Chung có trên 50 tác phẩm. Chậm và ít thật, song anh không nghĩ ngợi gì nhiều, bởi bức vẽ nào khi hoàn thiện cũng khiến anh thực sự hài lòng. Với anh, đã không vẽ thì thôi, cầm cọ lên rồi là nhất mực tập trung, đầu tư hết sức lực. Trong hội họa, yếu tố thời gian không quan trọng mà chủ yếu là không gian. Nhiều năm, nơi ở của vợ chồng, con cái diện tích khá nhỏ và chật chội, nên anh không thể có phòng vẽ tại nhà. Thấy ở trường có dư phòng học bỏ trống, anh xin phép lãnh đạo tận dụng thành không gian vẽ. Rất nhiều những tác phẩm ấn tượng đã ra đời từ căn phòng tận dụng ấy.

Phong thái điềm tĩnh, Dương Văn Chung nói chuyện nhẹ nhàng, chân phương. Anh bảo, “mình là người sống và nhìn nhận các vấn đề khá đơn giản. Mọi chuyện được mất xảy đến trong cuộc sống hay nghề nghiệp, đều an nhiên đón nhận”. Tận tâm tận lực trong lao động và sáng tạo, nên khi gánh trên vai trách nhiệm Trưởng Khoa Mỹ thuật nơi công tác và nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, anh không khỏi nặng lòng trăn trở. Mong muốn về một không gian dành cho mỹ thuật, một Gallery để họa sĩ có nơi triển lãm, treo tranh, bán tranh không chỉ của riêng anh, mà là ước muốn của rất nhiều người đam mê hội họa. Hiện nay, mỗi khi có triển lãm, anh em họa sĩ chỉ có thể trưng bày trong không gian của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nắng cũng không tốt, mà mưa thì lại càng xót ruột bởi ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tác phẩm.

Ở tuổi 40, Dương Văn Chung nhận mình là “người cũ”. Lớp người ảnh hưởng những suy nghĩ và lối sống truyền thống. Nói rằng anh “an phận” cũng đúng. Gắn bó sâu sắc với chuyên môn giảng dạy là sự nghiệp giúp anh lo toan cuộc sống cho gia đình. Chuyện sáng tác để tạo ra giá trị kinh tế là điều không dễ dàng, thế nên anh chưa thể đặt mình toàn tâm toàn ý với đam mê nghệ thuật. Chưa thể, song tư duy luôn chuyển động, anh vẫn say sưa tìm tòi, lĩnh hội và thử nghiệm trên nhiều chất liệu, nhiều phong cách biểu đạt khác mới. Dương Văn Chung đặc biệt thích sử dụng thủ pháp đồng hiện trong sáng tác, bởi thế mạnh lồng ghép được nhiều bối cảnh khác nhau. Ở đó, người họa sĩ có cơ hội được thoải mái thể hiện với những mảng màu của quá khứ, hiện tại. Được gợi nhớ ký ức và phác vào tranh những nét thường nhật hôm nay.

Ai khi cầm cọ mà không mong muốn mình có được thành quả như các danh họa Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm?… Vì thế khát khao tạo được phong cách và cá tính trong tranh vẫn là điều Dương Văn Chung đau đáu kiếm tìm. Nhận ra mình trưởng thành, là không còn vẽ bằng cảm xúc đơn thuần như xưa mà đã có định hướng, lý trí hơn. Không vẽ chỉ để thỏa mãn chính mình hay thỏa mãn một điều gì đó, mà có sự trau chuốt, chắt lọc để định hướng công chúng. Nhưng đồng thời anh cũng thấy mình loay hoay khi cảm xúc và lý trí chưa được cân bằng trong sáng tác. Góp mặt trong nhiều cuộc thi, triển lãm nghề nghiệp với tâm thế “thi thố”, nhiều khi anh còn bị chi phối, vẽ để hoàn thiện theo chủ đề, tiêu chí, quy định…, của ban tổ chức. Nói ra và thẳng thắn đối diện, Dương Văn Chung bộc bạch rằng: họa sĩ Tề Bạch Thạch (Trung Quốc) từng nói rằng, “vẽ thực quá là mị đời, vẽ hư quá là dối đời. Nghệ thuật là phải vừa hư vừa thực”. Tôi nghĩ không chỉ riêng hội họa, mà bất kể chuyên ngành sáng tác nào cũng cần cả hai yếu tố cảm xúc và lý trí nếu muốn tạo ra cái hư - thực hài hòa. Chỉ khác nhau ở cách cân bằng chúng của mỗi người như thế nào mà thôi. Nhận thức rất rõ về điều ấy, tôi đang cố gắng từng ngày để điều chỉnh.

Sáng tác ít nhưng thành quả mà Dương Văn Chung đạt được không hề ít. 2 giải B trong 2 kỳ Giải thưởng VHNT 5 năm tỉnh Thái Nguyên (từ 2002 - 2012); giải Nhất tranh cổ động Liên hoan Trà Thái Nguyên - Quốc tế lần thứ Nhất (2011); nhiều tác phẩm xuất sắc đoạt giải trong các kỳ triển lãm khu vực và toàn quốc như: “Quá tải”, nho mài (giải C Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2010), “Nhịp điệu mới”, sơn dầu (giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực III - 2014), “Mùa đông trên cao nguyên” (giải Khuyến khích Triển lãm Mỹ thuật khu vực III - 2015), “Hương rừng”, lụa (giải Ba Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam - 2018)… Và còn nhiều những giải thưởng ở các cuộc thi lớn nhỏ trong tỉnh, trong nước mà anh khiêm tốn chưa kể hết.

Không đặt cho mình các điều kiện, mục tiêu quá lớn khi sáng tác, Dương Văn Chung vô tư vẽ và giản dị ước mong, rằng có cơ hội sẽ tổ chức cho mình và mọi người những chuyến đi thực tế, trải nghiệm nhiều hơn. Đợi thêm khoảng thời gian nữa, khi việc gia đình, con cái bớt tất bật, sẽ dành nhiều thời gian hơn cho hội họa. Anh tin, mọi ý nghĩ tích cực và những nỗ lực, sớm muộn đều sẽ có vị trí xứng đáng

Lê Đình

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục