“Võ Nhai nơi cội nguồn”
Tối 17/3, huyện Võ Nhai đã tổ chức khai mạc Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” năm 2023, kỷ niệm 86 năm thành lập tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai (Mùa xuân năm 1937 – Mùa xuân năm 2023); 78 năm Ngày thành lập Chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai (21/3/1945 - 21/3/2023).
Dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ Tiền khởi nghĩa; đại diện thân nhân gia đình người có công với cách mạng; đại diện lãnh đạo các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đồng chí Phạm Hoàng Sơn gióng hồi trống khai mạc Lễ hội
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 và đã trở thành lễ hội thường niên của huyện. Không chỉ là Lễ kỷ niệm, ôn lại truyền thống các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của đảng bộ và chính quyền huyện mà còn là nơi giao lưu, hội tụ văn hóa đa sắc màu của 8 dân tộc anh em trên địa bàn.
Đây là dịp để huyện quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các tiềm năng du lịch của địa phương.
Tri ân lịch sử
Chương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc Lễ hội
Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Hà Thị Bích Hồng, Bí thư Huyện uỷ đã ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của huyện: Mùa xuân năm 1937, tại xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng, tổ chức Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai được thành lập, gồm 3 đồng chí: Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ và Nông Văn Cần. Sự ra đời của tổ chức Đảng đã đánh dấu bước tiến mới trong phong trào đấu tranh của Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ, từ cuối năm 1938 đến năm 1940, các tổ chức cơ sở Đảng ở Võ Nhai phát triển nhanh chóng. Uy tín và ảnh hưởng của các tổ chức Đảng ngày càng lan rộng.
Hàng nghìn người dân Võ Nhai và du khách có mặt trong đêm khai mạc Lễ hội
86 năm trôi qua, từ 3 đảng viên ngày đầu thành lập, đến nay Đảng bộ huyện Võ Nhai đã có 33 tổ chức cơ sở trực thuộc trực thuộc với trên 5.100 đảng viên.
Sau sự kiện ngày 23/2/1941, tại thôn Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn đội du kích Bắc Sơn được phát triển thành Cứu Quốc quân, làm lực lượng nòng cốt xây dựng và bảo vệ khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Được sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, ngày 15/9/1941, Đội Cứu quốc quân II được thành lập tại khu rừng Khuôn Mánh - xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai. Ban chỉ huy Trung đội do đồng chí Hoàng Quốc Việt chỉ định gồm 3 đồng chí: Chu Văn Tấn là Chỉ huy trưởng, Trần Văn Phấn là Chỉ huy phó và đồng chí Nguyễn Cao Đàm là Chính trị viên.
Lễ hội được tổ chức với nhiều điểm nhấn đặc sắc
Nhận định trước tình hình địch, đêm 3/11/1945, Ban Chỉ huy Cứu Quốc quân và Đảng bộ địa phương triệu tập Hội nghị tại Làng Phật, xã Phú Thượng, phân tích, đánh giá tình hình, quyết tâm chuẩn bị đội ngũ nổi dậy giành chính quyền. Đêm 20/3, quân ta bí mật tiến xuống bao châu lỵ La Hiên. Trước sự tấn công dũng mãnh của Cứu Quốc quân và lực lượng áp đảo của quần chúng nhân dân, chính quyền địch ở La Hiên đã bị xóa bỏ. Châu lỵ Võ Nhai được giải phóng.
Ngày 21/3/1945 một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại châu lỵ La Hiên, Ủy ban Dân tộc Giải phóng lâm thời châu Võ Nhai chính thức ra mắt trước quần chúng nhân dân (Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ra đời ở tỉnh Thái Nguyên), đánh dấu mốc son chói lọi trong trang sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai.
Từ ngày 21/3/1945 đến trung tuần tháng 4/1945, ở toàn châu Võ Nhai, chính quyền các xã đều thuộc về nhân dân. Thắng lợi này là kết quả của một quá trình đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân các dân tộc huyện Võ Nhai, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của tổ chức Đảng đầu tiên tiên và Cứu Quốc quân II. Đồng thời là sự tiếp nối tiếng súng của Cứu Quốc quân I và phong trào cách mạng của khu căn cứ địa Bắc Sơn - Võ Nhai.
Rất nhiều công dân "nhí" của Võ Nhai đã được bố mẹ cho tham gia Lễ hội truyền thống của quê hương
Sau 78 năm thành lập, từ quyền chính cách mạng non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính quyền huyện Võ Nhai ngày càng phát triển vững mạnh.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ, chính quyền huyện Võ Nhai đã tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của gần 70 nghìn người, trong đó có trên 72% là dân tộc thiểu số không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Đặc sắc phần hội
Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tham gia thi cắm trại từ ngày 17/3
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 và đã trở thành lễ hội thường niên của huyện. Không chỉ là dịp kỷ niệm, ôn lại truyền thống các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của đảng bộ và chính quyền huyện mà đây còn là nơi giao lưu, hội tụ văn hóa đa sắc màu của 8 dân tộc anh em trên địa bàn.
Lễ hội là dịp để quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa, lịch sử, các danh lam thắng cảnh độc đáo của huyện tới đông đảo người dân và du khách. Võ Nhai tự hào với 5 di tích lịch sử văn hoá, danh thắng cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Trong đó đáng chú ý là Di chỉ khảo cổ Mái Ngườm (xã Thần Sa) - nơi cư trú của người Việt cổ; Dõng Là Ghè xã Liên Minh - tự hào là nơi đón Bác Hồ và Chính phủ về ở lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tháng 10 năm 1947; khu rừng Khuôn Mánh, nơi ra đời Trung đội Cứu Quốc quân II; hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà với những phong cảnh tuyệt tác; thác nước Nậm Dứt, thác nước 7 tầng; Hang Ốc, Hang Huyện và nhiều danh lam thắng cảnh đẹp khác.
Nhiều tác phẩm nghệ thuật được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của các thành viên tham gia hội trại
Lễ hội “Võ Nhai nơi cội nguồn” sẽ diễn ra trong 2 ngày 17 và 18 tháng 3. Trong khuôn khổ lễ hội du khách sẽ được tìm hiểu những nét đẹp trong cuộc sống, phong tục tập quán của 8 dân tộc tộc anh em trong huyện; được trải nghiệm một không gian chợ quê ẩm thực đặc trưng với những món ăn ngon, lạ miệng, mang đậm phong vị của một huyện vùng cao; được tham gia một số môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian như: tung còn, chọi gà, bắt mắt bắt vịt, kéo co, bắn nỏ...
Có mặt tại nơi tổ chức Lễ hội từ chiều 17, anh Nông Văn Toán không giấu được sự hào hứng, anh chia sẻ: Nhà mình cách trung tâm huyện gần 30 cây số. Từ hôm nghe tin sắp có hội, ngày nào mình cũng mong. Hôm nay, xuống thị trấn sớm xem các đội dựng trại, thấy trại nào cũng đẹp.
Du khách thích thú khi được trải nghiệm với mô hình giã gạo thủ công khi xưa
Chiều dần buông, dòng người đổ về Công viên cây xanh, hồ sinh thái trung tâm huyện Võ Nhai mỗi lúc một đông hơn. Mặc cho cơn mưa bất chợt lúc nhá nhem đủ làm cho nhiều người ướt áo, nhưng vẫn không làm giảm đi sự náo nức của người dân đi hội. Tôi gặp bà Bàn Thị Sao trên tay đang lễ mễ nào bánh chưng, bánh tẻ. Hỏi chuyện tôi biết, hôm nay, bà được đi hội cùng con gái và cháu ngoại.
Các món ăn đặc trưng của từng dân tộc trong không gian chợ quê thu hút sự qua tâm của nhiều người
Bà Sao bảo: Lâu lắm rồi mới được đến chỗ đẹp và vui thế này. Bánh của các xã, thị trấn làm bán ở chợ quê này ngon lắm. Tôi phải mua về cho ông nhà tôi ở nhà. Hai đứa trẻ thì thích thú khi vừa được mẹ cho ăn quà tại “không gian chợ quê ẩm thực” và tha hồ khám phá không khí của chợ ẩm thực ngày Xuân.
Không gian chợ quê ẩm thưc thu hút đông đảo người về trảy hội
Thêm một điều đặc biệt, tại Lễ hội năm nay, Ban Tổ chức đã tạo dựng một “Không gian 3D về đặc trưng văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai” để du khách và nhân dân trong huyện có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Võ Nhai qua lăng kính trải nghiệm thực tế ảo. Thông qua việc đeo chiếc kính đặc biệt, dù đứng tại chỗ du khách vẫn có thể nhìn ngắm rất nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn huyện và nghe những lời then bay bổng…
Các đại biểu và du khách trải nghiệm tại "Không gian 3D về đặc trưng văn hóa các dân tộc huyện Võ Nhai"
Chị Nguyễn Thị Thuý, du khách đến từ huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn sửng sốt: Thật kỳ diệu. Con người giờ giỏi quá. Sao tôi đứng im tại đây mà lại được ngắm bao nhiêu cảnh đẹp thế này chứ. Thật không ngờ được!.
Tại Lễ khai mạc, du khách còn được xem một chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia của nhiều ca sĩ nổi tiếng như: Tân Nhàn, Lê Mận, Đăng Thuật, Quỳnh Như, Thu Hà và các diễn viên của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc. Chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với chủ đề Ca ngợi đảng, ca ngợi Bác Hồ, quê hương, đất nước, ca ngợi về quê hương Võ Nhai.
Ca sĩ Tân Nhàn - một giọng ca để chiếm trọn yêu thương của đông đảo người hâm mộ - thể hiện ca khúc "Tình Đất" tại đêm khai mạc
Nối tiếp những điều đặc sắc trong đêm khai mạc Lễ hội là sự xuất hiện một cách đầy bất ngờ của “Thần Bóng Đêm” và “Thần Lửa” trong phần đốt lửa trại. “Thần Bóng Đêm” có điệu cười và hình hài ghê rợn xuất hiện kèm theo những lời đe doạ sẽ mang đến khổ đau, chết chóc cho loài người. Ngay lập tức “Thần Lửa” xuất hiện, tuyên bố sẽ đẩy lùi thế lực tàn ác, xua đi màn đêm u ám.
Sự hiện diện của “Thần Lửa” ngụ ý thể hiện sức mạnh đoàn kết, mưu trí và anh dũng của người dân Võ Nhai. Võ Nhai - mảnh đất địa linh chưa bao giờ khuất phục trước kẻ thù, dù kẻ thù kẻ thù hôm qua là chiến tranh, đói rét hay kẻ thù hôm nay trá hình trong bao bao hiểm hoạ, tệ nạn mà xã hội đang lên án. Ngọn lửa bùng cháy như một sức mạnh được kết tinh từ sự đoàn kết của người dân Võ Nhai.
Các đội sạp nhảy múa quanh đống lửa mang lại không khí vô cùng náo nhiệt
Hân hoan, người dân Võ Nhai và du khách nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa trên 78 đôi sạp của 15 đội sạp đại diện cho các xã, thị trấn của huyện. Đây cũng là chương trình múa sạp lớn nhất từ trước đến nay của huyện. 78 đôi sạp, tượng trưng cho 78 năm hình thành và phát triển của chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai.
Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ Tiền khởi nghĩa và các thân nhân đảng viên Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện nhận những món quà tri ân từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Võ Nhai
Nhân dịp này, đồng chí Phạm Hoàng Sơn và lãnh đạo huyện Võ Nhai đã trao những phần quà tri ân ý nghĩa cho bà Dương Thị Đành - Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, ông Nông Sán Hoa - Cán bộ Tiền khởi nghĩa và các thân nhân đảng viên Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện.
Kim Ngân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...