Vịt trời ở lại
VNTN - Gió bỗng dưng trườn từ ở đâu đến, thổi từ bờ sông ngược lên. Gió như con mụ điên huơ tay múa chân chạy qua bãi ngô cuối đông thổi ràn rạt vào cánh đồng làng Khoai ngun ngút. Gió cuốn luôn mọi thứ trên đường đi. Gió ngật ngưỡng quật lại rồi cuốn tất cả mọi thứ kể cả những hạt bụi nhỏ li ti. Những con vi rút không màu, không mùi, không vị rất khó nhận ra mà gây nhức buốt, tê dại, rét run lên từng đợt, đau nhức toàn thân, cay mắt, khô chân. Nước mắt, nước dãi ứa ra nhểu từng giọt dài, cổ rụt lại, phổi khô rút, khò khè, không thở được…
Đàn gia cầm vợ chồng nhà Tiến đang nuôi mơn mởn trong chuồng, sáng ra vẫn vỗ cánh vươn mình nhao nhao giành nhau ăn. Vậy mà chập chiều rã đàn, từng con một kẹp đầu vào cánh, đôi chân run liêu xiêu dúm dó rồi vỗ cánh phành phạch, vỗ vài cái là ngã vật xuống ruộng nằm im, bất động. Những con khỏe mạnh hơn thì gường gượng đứng lên, nhưng cuối cùng cả đàn ngắc ngoải. Chỉ vài cơn gió mà như trận bão táp qua làng Khoai.
Ấm ức mà không khóc được. Tiến nhìn đàn gia cầm mơn mởn bấy lâu nuôi bao ước vọng đã ràn rạt xõa cánh, chết tức tưởi, quặn lên đau từng cơn như có bão trong lòng. Những cơn đau của Tiến ước chừng như trong cơ thể đàn gia cầm cộng lại, trong mỗi con gà, ngan, ngỗng trúng gió độc, thúc quặn từ dưới lên, trên dội xuống, uất nghẹn. Đôi vai Tiến xuội hẳn xuống, đôi mắt trũng sâu, tóc tai bù xù, hàng ria mép lâu ngày không cạo lởm chởm như gai nhọn, quần ống thấp ống cao, bắp chân trần te tua bùn đất nhão nhoét, chiếc áo cũ bạc sờn đứt mấy cúc toang hoác cả mảng ngực trần sạm nắng. Trông Tiến lúc này không ai nghĩ là một thanh niên điển hình được xã đoàn, huyện đoàn vinh danh thanh niên tiêu biểu trong phong trào nông thôn mới.
Trong đời chưa khi nào Tiến khóc ngoại trừ mùa hè đau đớn mẹ đột ngột ra đi vì cơn sốt thương hàn khi Tiến chỉ còn vài tháng nữa là hết nghĩa vụ quân sự. Lần ấy, Tiến còn ở đảo xa, tàu gặp gió lớn vào bờ chậm lại thêm chặng xe về quê cách trở, không kịp về chịu tang được. Hôm về tới đầu làng cũng vừa đủ ba mươi hai tiếng đồng hồ (theo quy định của xã người chết chỉ được để hai bốn tiếng trên dương gian hậu sự) là lúc người làng Khoai đưa mẹ ra tới đồng. Đi quanh mộ mẹ mấy vòng, gập người phủ phục trước nấm mộ mới đắp, Tiến nấc nghẹn gọi mẹ, lòng quặn từng cơn, khóc vì thấy ngun ngút tủi buồn, ân hận. Lần ấy, Tiến khóc to thành tiếng, khóc như mưa giữa cánh đồng làng Khoai hoang vắng trong cơn mưa sụt sùi. Thế mà lần này mất của, tiếc công không khóc nổi. Chỉ bất giác ngửa mặt lên trời gọi lớn.
- Có thực sự là trúng gió độc không? Hử! Hừ! Hừ? Ai!? Đứa nào đầu độc? Sao nên cơ sự này? Sao lại ác với tôi thế này? Ông trời ơi! Gió độc ở đâu!? Tiến đưa tay tự đấm ngực thùm thụp. Tiếng gào khóc của Tiến như vọng vào cái chum khổng lồ không đáy, bất lực nhìn về phía chân trời đỏ áu phía đằng tây.
Những câu hỏi bện xoắn như ngàn con ong quay trong đầu Tiến, chất chồng, ngun ngút. Từng đợt vỗ cánh ngắc ngoải của gia cầm càng làm ruột gan Tiến như ai cào xé mà chưa rõ nguyên nhân. Đêm nằm mải nghĩ, lúc thiếp đi Tiến mơ thấy mẹ về. Tóc mẹ xõa xuống, đôi mắt mẹ trong veo trìu mến nhìn Tiến. Đôi bàn tay mẹ trắng hồng thon thả lay vai gọi. “Kẻ gieo gió ngay cạnh con. Nó bạc ác thì trời có mắt. Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Tiến tỉnh dậy mồ hôi vã như tắm. Lúc đầu Tiến không nghĩ ra, khi hình dung cái lò giết mổ phía trước đồng làng Khoai là thủ phạm thì nghĩ ngay có lẽ mẹ đã báo mộng đúng. Ngẫm ngợi một lúc, Tiến sực nghĩ mọi việc không thể kết luận vu vơ được. Những năm thực hiện nghĩa vụ quân sự cho Tiến chút vốn liếng kiến thức nhìn nhận đánh giá xem xét mọi vấn đề điềm tĩnh khách quan hơn. “Dù sao đó cũng là cơ sở giết mổ tập trung được chính quyền cấp phép, được đầu tư hẳn hoi từ một chính sách đúng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Kiện nó mình phải có chứng cứ. Thiếu chứng cứ buộc tội có khi mình dễ ở tù trước vì tội vu khống”. Những gì đã diễn ra quá nhanh ngoài sức tưởng tượng, không kịp phản ứng theo bản năng chứ trang trại của Tiến có đầy biện pháp phòng hộ từ ngoài vào trong. Tiến bước đi ra khỏi lều canh trang trại đi về phía làng Khoai ngẫm nghĩ những người cùng trang lứa với mình. Lòng vời vợi buồn từng cơn không dứt. Thoáng thấy bóng Tiến từ xa trên đường vào làng, Hiển lẩm bẩm “Rách việc” rồi lánh đi đường khác.
***
Hiển “hí” cầm tờ quyết định có triện đỏ chót ủy ban cấp phép xây lò giết mổ tập trung theo chủ trương chung mô hình xây dựng nông thôn mới. Huyện có hai chục xã, vài chục ngàn nhân khẩu nên bố trí ba lò giết mổ tập trung là nhiều. So nhiều nơi thì dân cư xã của Hiển chưa bằng, nhưng với nhiều lợi thế và là xã có cái chợ truyền thống, lại có cánh đồng làng Khoai nhiều ruộng bỏ hoang, nên được ưu tiên đầu tư xây lò giết mổ tập trung vào đó là quá hợp lí.
Sau mấy buổi đôn đáo chạy ngoại giao. Chiều cuối tuần xong công việc, cầm được tờ quyết định trên tay, buổi tối Hiển tổ chức một chầu nhậu ăn mừng, tất nhiên có vài người nhà, vài người anh em họ gần có vai vế trong công tác xã hội. Sau vài chén đã ngà ngà say, lúc rúc vào giường nằm Hiển khoe với vợ.
- Cũng phải đi mất dăm lần bảy lượt kèm phong bao phong bì dày cộp kèm thêm vài bữa bia tươi thịt dê túy lúy kèm thêm nhậu xong còn đi hát với nhau có tay vịn ở quán karaoke mụ Oanh váy ngắn ngoài đường cái quan mới kí được cái quyết định này đấy. Gớm! Mấy tay ấy bây giờ á, tay nào chẳng thèm rau sạch, thịt sạch đồng quê!? Ý Hiển ám chỉ ai vợ Hiển thừa biết. “Thôi đi ông ơi. Đây còn lạ gì cái bài ca kèm theo của ông nữa, một giuộc với nhau cả. Ngủ đi cho tôi nhờ”. Hiển tưng hửng thoáng chốc đã thấy răng nghiến trèo trẹo cùng với bễ lò rèn kéo đến ngay đầu mồm rớt dãi nhai chóp chép.
Việc đầu tư xây lò giết mổ tập trung ở xã nhà thì cả họ nhà Hiển đều mừng vì mấy đời ông bà cha mẹ nhà Hiển đều làm nghề giết mổ kèm tỉa lô giữa chợ làng Khoai. Hiển bỏ học từ sớm rồi lêu lổng khắp làng ghẹo gái, có khi còn trộm cắp vặt chanh ổi trong xóm người ta biết cả nhưng không ai chấp nhặt chuyện trẻ con. Chỉ đến khi Hiển “hí” trở thành chàng thanh niên mới lớn với tuyên bố xanh rờn mới làm người ta chú ý. Hiển từng tuyên bố hắn sẽ không đi bộ đội và không ai ép được hắn. “Chẳng dại gì vào đó mà tự đọa đày kiếp trai”. Thế mà hắn trốn thoát nghĩa vụ quân sự. Nhưng cái cách để hắn trốn được không hề đơn giản. Phải một tay lọc lõi như ông Hạp mới làm nổi. Lần đến tuổi khám, thấy thằng con ngước mắt lên giời nhưng kì thực nếu Hiển không ngước lên thì rất khó lòng nhìn được đường mà đi. Ông Hạp cứ tưởng thằng con hớn hở tí tởn nên đã chỉ thẳng mặt Hiển đay nghiến: “Mày nghĩ đi nghĩa vụ sướng lắm hử? Làng này thằng nào đi về khá lên mà học đòi tí tửng?”.
- Thì con có muốn đi đâu! Đang muốn trốn chẳng được, bố nói thế! Hiển vặc lại. “Lòng khòng như thằng Tiến mà hôm nọ khám sơ tuyển còn được loại một thì cỡ sức khỏe của con á, vào đó nhất định là một cộng nhá. Bố yên tâm”.
Hiển chưa dứt lời ông Hạp đã nghiến răng kèn kẹt. Ông đang rít dở hơi thuốc lào, lửa bén đóm cháy mạnh tọt thẳng vào ống nõ điếu, khói đã bung qua kẽ răng ra hai mép, may nhả ra kịp không thì tí nữa ộc vào cổ họng sặc khói. “Mày ngu lắm con ạ, sáng mai tao sẽ có cách!”. Cuộn khói thuốc lào đặc quánh vờn lâng lâng theo mồm ông Hạp chửi thằng con trai ngu đang tỏa ra quanh bậc thềm nhà ông trước khi bay lên không trung.
- Làm gì hả bố?
Ông Hạp trợn mắt.
- Làm gì khắc biết!
Hiển thừa biết bố mình khôn lõi đời ở cái làng này nên cụp mắt xuống lủi vào ngồi lên bậu cửa nhìn ra lơ đễnh. Dù chưa hiểu hết thâm ý của bố nhưng đố Hiển dám cãi lại câu nào vì ông Hạp đang lăm lăm con dao chọc tiết lợn trong tay. Đương nhiên Hiển muốn trốn nghĩa vụ nên bố nói thế nào thì nghe vậy. Nếu đó là một quỷ kế như ông Hạp đã từng làm với chú nó trước đây thì Hiển chấp nhận đày mồm mình theo quỷ kế bố vạch ra.
Tờ mờ sáng, sau tiếng lợn kêu chưa đầy hai mươi phút, đã thấy ông Hạp bưng tô tiết canh. “Đây, ăn vào sẽ tốt cho sức khỏe!”. Hiển nhắm mắt nhắm mũi húp hai tô tiết canh trộn ớt. Quả là hiệu nghiệm thấy rõ. Chưa đầy nửa tiếng sau mồm đã đỏ lựng như trái cà chua chín mọng, rộp như phải bỏng, mặt gay gắt phừng phừng. Hiển xách con Exiter 135 phóng vèo đến chỗ khám. Tới nơi mọi người đông đủ, Hiển đã vờ ôm cổ nôn ọe, khạc nhổ ra mấy sợi đỏ đỏ. Anh Tùng cán bộ xã đội phó dẫn thanh niên đến chỗ trạm xá khám lo lắng vì Hiển khai thêm rằng tiền sử mắc bệnh tim mạch. Anh Tùng nghĩ ngộ nhỡ có chuyện thì không hay ho chút nào nên đã động viên Hiển vào nghỉ một lát rồi khám sau, đợi mọi người cùng về. Đến lượt Hiển vào khám quả nhiên hiệu nghiệm. Với sức khỏe loại ba do áp huyết cao, trượt vỏ chuối là không phải bàn cãi. Lòng Hiển mừng như mở cờ nhưng vẻ mặt đầy tính kịch Hiển làm vẻ nản chí, đưa tay chống cằm đờ đẫn buồn rười rượi. Lần ấy tuyển hai nhăm người, trượt một, đi hai bốn. Trong đó có Tiến khòng là người sinh cùng tháng cùng năm, nhà sát vách. Tiến nhập ngũ, Hiển nghĩ ngay đến món nợ chưa đòi được. Nghĩ là làm, Hiển ở lại dùng uy thế danh gia tỉa lô giết mổ hòng cưa đổ Hiền nhưng không được vì Hiền và Tiến đã hứa hôn trước ngày Tiến nhập ngũ.
Cơ quan chức năng kết luận Hiển không đủ tiêu chuẩn sức khỏe nhập ngũ đợt này. Ngay sau mấy ngày đó, ông bà Hạp đã gấp gáp bố trí sắp xếp cho Hiển đi học lớp thú y cấp tốc ngắn ngày trên phố huyện. Sau một năm, Hiển trở về và nhanh chân kiếm được vị trí bán chuyên trách ở xã, phụ trách hai việc vừa chạy dự án kiêm thú y, vừa kiếm mối lái đưa gia súc gia cầm về lò giết mổ. Việc ngon ơ nhưng trong lòng Hiển đầy hận mà chưa có dịp.
***
Vừa cuối tháng trước mùa gặt vãn, đàn gia cầm mơn mởn mướt lông, ăn lao xao, nô đùa khắp trang trại. Những con mái tơ vàng óng, ngan, ngỗng béo mũm. Thảng hoặc có thêm đàn vịt trời sà xuống giành thức ăn vịt nhà rồi ngủ qua đêm giữa đầm nước trang trại nhà Tiến. Đến thời kì đẻ trứng, cứ sáng sớm là từng cặp đôi râm ran, tình tứ theo cách riêng của chúng. Chiều rỗi việc đứng ngắm, vợ chồng Tiến rưng rưng thắp dậy bao dự định, ước mơ đổi đời. Ngày những chú gà mái tơ cục tác tìm chỗ đẻ thì Hiền cũng biết mình có tin mừng. Sáng dậy râm ran tiếng gà nhảy ổ, Tiến ôm vợ thơm lên tóc bảo: “Rồi mình sẽ không phải dè xẻn nữa. Sắp có rất nhiều trứng gà so, trứng ngỗng bồi dưỡng mẹ con em rồi đấy. Mà người ta nói phụ nữ mang thai ăn trứng ngỗng con sẽ thông minh”. Hiền quay người qua đấm yêu chồng: “Buông em! Chặt quá con mệt đấy, nỡm ạ”. Hiền nằm im thở rồi cả hai chìm vào những dự định của riêng mình.
Lòng Hiền thức dậy giấc mơ bay cùng chồng. Chưa nghĩ đến rồi đây sẽ giàu có, nhưng ít nhất cũng đủ trang trải nợ nần giống vốn, thêm tích lũy đàn, sửa sang chuồng trại, dư chút đỉnh chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Niềm vui nhân đôi, Tiến nhảy cẫng lên sung sướng. Hiền nghiêm mặt, giọng chùng xuống: “Mà khoan vội mừng. Trời để cho ăn thì còn may. Ngộ nhỡ…”. Tiến quả quyết: “Em đừng gở mồm sinh lo lắng”. Trấn an vợ nhưng lòng Tiến lo hơn.
Dịch cúm gia cầm gia súc đang hoành hành nhiều nơi trong khi lò giết mổ người vào ra nườm nượp. Kì thực gọi cho có lò giết mổ tập trung, chứ ở giữa làng giữa xã này ai lạ gì tay Hiển thú y ấy. Dự án xây lò giết mổ người nhà Hiển trúng thầu. Hiển lại làm chân thú y của xã. Ngày xưa cán bộ thú y đi tiêm ngừa dịch bệnh, đi thiến, hoạn lợn cho từng hộ, tuyên truyền, cấp phát thuốc phòng dịch. Ngày nay cả làng cả xã chăn nuôi, không chỉ một con hai con mà có khi cả đàn, cả trang trại làm sao mà đi xuể.
Hiển lí sự thế và chỉ mỗi việc ở nhà phụ vợ bán thuốc thú y, Hiển kiểm dịch, đóng dấu. Cứ có tiền khắc có dấu kiểm dịch, không cần biết dịch thế nào, nguồn đưa từ đâu, mỗi con hai chục, nhỏ to đổ đều, cứ thế tính tiền. “Có gì tôi chịu”. Hiển bảo thế.
Vợ nhắc nhở Hiển phải cẩn thận, đừng để mất nghề kiếm cơm lại mang tai tiếng với làng với xã. Hiển vênh vang.“Ôi dào, mẹ mày cứ lo. Mấy khi đoàn thanh tra kiểm tra về. Mà có về thì cũng đừng mơ nhé. Cả nhà ông mỗi nhà một bò, dăm lợn, trăm gia cầm vào lò thì mỗi ngày đó là thịt sạch đồng quê. Mà đã là thịt sạch đồng quê thằng nào chả thèm!
Trang trại Hiền - Tiến đi vào hoạt động hơn năm, cũng ngần ấy thời gian vợ chồng cun cút lo toan gầy dựng, ngày đêm chăm bẵm. Ban đầu chỉ với một số ngan, gà nhưng giống tốt, phát triển nhanh, Tiến mở rộng đàn, mua thêm vịt cỏ, thêm đàn lợn giống. Đồng làng Khoai quạnh vắng mùa gặt vãn, côn trùng, cua ốc, thóc rụng ăn không xuể, không cần mua nhiều ngô, cám bã vẫn đủ cung cấp. Con nào con nấy béo mẫm. Mô hình thanh niên lập thân lập nghiệp làng Khoai lớn dần, được tuyên dương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng chính sách xã hội về thẩm định rồi cho vay vốn làm ăn. Giờ, sự tình nông nỗi thế, trong khi chưa biết xoay xỏa thế nào thì cái bụng Hiền lớn vượt mặt choán gần hết lối đi trong lán nhỏ vợ chồng.
Của đau con xót nhưng vốn điềm đạm, Tiến nhẹ nhàng, lựa lời cho Hiền khỏi sốc. Khi biết đàn gia cầm trúng gió độc, Hiền không tin, cô ngồi bần thần trên bậc thềm nhà lán được cất lên trong trang trại làm nơi tá túc của hai vợ chồng rấm rứt khóc. Tiếng khóc người phụ nữ mất của xa xót làm sao. Hiền kể lể bao công lênh vốn liếng, của hồi môn cha mẹ cho, dồn vào, vay thêm ngân hàng hơn trăm triệu nữa, bỗng chốc tan thành mây khói. Khóc chán Hiền quay ra trách chồng: “Đã bảo rồi chứ! Liều lĩnh quá đi. Thư thư chút rồi nuôi. Mà có nuôi thì nuôi in ít thôi. Cứ muốn thỏa chí làm trai ham nuôi cho lắm vào. Giờ mất sạch rồi, giời ơi là giời! Sao khổ thân tôi thế này. Hu hu”...
- Việc đã thế, em nín đi kẻo ảnh hưởng đến con. Khóc nhiều phỏng ích gì? Hẳn là đã có đứa hãm hại chúng ta! Tiến chẳng nói gì thêm, chỉ thở dài sườn sượt mà lòng trĩu nặng khật khưỡng đi vào làng. Nguồn cơn từ đâu chưa rõ, nhưng nhiều người biết người nhà Hiển mua gia cầm ngoài vùng giáp biên về trà trộn gà vịt của làng giết mổ bán kiếm lời. Sự thể chưa đầy mười ngày dịch lan nhanh quanh xóm ra cả làng Khoai. Những hộ nuôi nhỏ lẻ, chết vãn, tắp lự. Trận gió mùa cuốn theo rác rưởi mầm bệnh tanh hôi từ lò giết mổ phát tán, gia cầm nhà Tiến chết như ngả rạ. Tiến làm đơn báo chính quyền nhưng phỏng ích gì. Đoàn kiểm tra có đến nhưng không đủ căn cứ kết luận. Không truy nguyên được từ lò giết mổ bởi quy trình khép kín. Được thể, Hiển “hí” vênh cái mặt dạy đời: “Muốn mở trang trại thì phải có khoa học kĩ thuật, nuôi cán bộ thú y nhé, không thì đừng mơ. Yên thì ông để cho làm ăn. Còn không thì sạt nghiệp. Đừng tưởng bở”. Đấy cũng là câu nói trước khi diễn ra cái cơ sự làng Khoai có hơn chục người phải cấp cứu vì căn bệnh lạ đời xưa nay chưa từng có.
Món khoái khẩu mà bổ rẻ là tiết canh, người nhà Hiển sáng nào cũng đánh chén trước khi mang thịt ra chợ bán tỉa. Sau đợt kiếm chác trúng mánh, bữa tiết canh lòng lợn ăn mừng có đông đủ mấy tay anh chị có máu mặt ở ủy ban và quản lí thị trường tham dự. Tiệc sáng thì gần trưa đã thấy xe cấp cứu rú inh ỏi đầu làng. Một người, hai người, ba người… nhiều người nôn thốc nôn tháo, chủ yếu là đàn ông. Triệu chứng lâm sàng mắt vằn lên từng tia máu, cổ đỏ lựng dần xuống bụng, chân tay chuyển thâm đen, tím tái. Kết luận của bệnh viện là nhiễm khuẩn liên cầu lợn.
Nhà Hiển năm người nhiễm. Hai người nặng nhất không cứu vãn được là ông bà Hạp. Hôm Tiến vào viện thăm, ông chẳng nói được lấy nửa câu vì mồm còn cắm sâu ống thở, đôi mắt khép hờ hướng về phía Tiến như đang muốn nói. Hẳn là sự trăng trối, hối lỗi, hàm ơn hoặc cầu xin gì đó mà không nói ra được. Tiến động viên mấy câu rồi để hai lốc sữa lên đầu giường bệnh buồn lặng chào về. Hai hôm sau chiêng trống nổi lên giữa đồng chiều làng Khoai…
Đêm gió lặng, Tiến buồn bã xách đèn pin ra đầm giữa trại, nghe thấy đằng xa hàng trăm tiếng kêu cạc cạc như là vịt. Đúng là vịt trời thật. Lặng lẽ dõi theo, cho thức ăn và chỉ hơn tháng sau đã được những quả trứng đầu tiên. Tiến nhặt lên nâng niu, để dành. Khi được hơn trăm quả, đem vào lò ấp thử. Những chú vịt con đầu tiên hé mắt nhìn trời. Tiến quyết định sửa sang lại lồng chuồng, nghiên cứu tập tính và liên tục nhân giống cả hàng ngàn con. Buổi sáng, đàn vịt trời bay lên không trung lượn mấy vòng rồi trở về trang trại. Tiến cười mà khóe mắt ầng ậng nước.
Truyện ngắn. Nguyễn Minh Đức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...