Thứ năm, ngày 06 tháng 02 năm 2025
03:43 (GMT +7)

Việt phục cổ trang – vẻ đẹp Việt trong ngày Xuân Thái Nguyên

Trang phục của người Việt có nhiều loại mang nét đặc trưng riêng biệt thể hiện sự đa dạng, độc đáo của văn hóa dân tộc qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Trên quê hương xứ trà, các loại trang phục Việt không chỉ có áo dài mà còn có trang phục của nhiều dân tộc khác sinh sống, thậm chí bộ áo nâu sồng của người Kinh đồng bằng Bắc Bộ xưa cũng được nhiều người mặc tạo nên những nét văn hóa đặc trưng. Mỗi dịp Tết đến xuân về, các loại trang phục Việt bên các nhành hoa xuân khoe sắc càng làm đẹp thêm mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Diện áo dài đi chơi Tết
Diện áo dài đi chơi Tết

Hiểu thêm nét đẹp văn hóa của Việt phục

Trang phục truyền thống thuần Việt (gọi tắt là Việt phục), nhiều người còn gọi là Việt phục cổ trang có bề dày lịch sử lâu đời, được sáng tạo từ thời xa xưa và phát triển theo thời gian. Hẳn nhiên, trong cộng đồng các dân tộc anh em trên đất nước ta, mỗi dân tộc có một nét đặc trưng riêng về trang phục. Tự thân mỗi loại trang phục cũng có loại mặc trong thực hiện nghi lễ, lễ hội, hiếu hỷ, có loại mặc trong lao động sản xuất. Trong phạm vi bài viết, tôi chỉ đi sâu phản ảnh một hiện tượng đang tạo hiệu ứng mang yếu tố văn hóa nguồn cội là trang phục áo dài.

Chúng ta có thể khẳng định áo dài Việt có rất từ lâu đời. Các nhà khảo cổ học khai quật, phát hiện trống đồng Đông Sơn, một loại trống biểu tượng của nền văn minh, văn hóa Âu Lạc của người Việt cổ và đã làm sáng tỏ nhiều giả thiết. Hoa văn, họa tiết trên trống đồng Đông Sơn đa dạng, khắc họa những nét sống động về kinh tế, văn hóa xã hội với các hình ảnh trang phục như khố, váy, mũ lông chim và hoạt động của con người: Giã gạo, đánh trống, hình vũ nữ… Điểm đáng chú ý về trang phục là hình người mặc váy dài, có hai vạt tỏa ra hai phía.

Các bộ áo dài cách điệu được các em học sinh ưa thích
Các bộ áo dài cách điệu được các em học sinh ưa thích

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, đến nay chúng ta vẫn chưa thể xác định được chính xác nơi bắt nguồn của tà áo dài. Thời phong kiến, người dân còn bị các luật lệ về phân tầng giai cấp hà khắc chi phối, thậm chí có những sắc lệnh về trang phục để phân biệt thường dân với quan lại. Trải qua quá trình dài thay đổi và phát triển, chiếc áo dài mang đậm dấu ấn văn hóa của người Việt được hình thành. Áo dài có nhiều kiểu dáng, có thể kể đến một số loại tiêu biểu như: Áo Giao Lĩnh, áo Nhật Bình: áo Ngũ Thân, áo Tứ Thân…

Trong nhịp sống hiện đại, chọn một bộ trang phục đại diện cho người Việt còn có những ý kiến khác nhau. Viện dẫn về vấn đề trên, nhiều người cho rằng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch từ nhiều năm trước đã đề xuất chọn áo dài cho cả nam và nữ trở thành lễ phục nhà nước dành cho công chức, viên chức mặc thực hiện các nghi lễ.

Lớp người lớn tuổi mặc áo dài làm lễ tạ ơn vua Lý Nam Đế tại chùa Hương Ấp, xã Tiên Phong, TP Phổ Yên
Lớp người lớn tuổi mặc áo dài làm lễ tạ ơn vua Lý Nam Đế tại chùa Hương Ấp, phường Tiên Phong, TP. Phổ Yên

Trong khi áo dài nữ nhận được sự đồng tình của dự luận, thì áo dài nam lại vấp phải sự phản ứng trái chiều của dư luận. Không ít ý kiến cho rằng do có sự đứt gãy về văn hóa do những thăng trầm của lịch sử, bộ trang phục áo dài nam ít mang nét truyền thống, lại gắn liền với những định kiến. Ngày xưa áo dài nam chủ yếu một số đối tượng mặc như: Quan lại triều đình, thầy cúng, thầy bói, phú ông, lý trưởng, hương lão, thầy đồ, nho sinh, hoặc liền anh Quan họ… Nếu chọn một bộ quốc phục mang tính đại diện cần xem xét kỹ các yếu tố về lịch sử, văn hóa, kiểu cách. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào về lễ phục hay quốc phục.

Mặc dầu vậy cùng với tà áo dài của nữ, lựa chọn trang phục nam được phục dựng theo hình thức cổ trang hiện nay không hẳn quá khó. Các nhà thiết kế thời trang, nhà may có thể cách tân tạo nên những bộ trang phục khá đẹp mắt và không kém phần lịch lãm, trang trọng.

Trong các lễ hội, cưới hỏi, khu vui chơi, chương trình ca nhạc, áo dài nam và nữ đã trở nên quen thuộc. Thậm chí trong đám hỏi, nam thanh nữ tú mặc áo dài thực hiện nghi lễ còn là trang phục không thể thiếu. Sự phong phú trong phong cách “ăn mặc” của con người cho ta cảm giác chiêm ngưỡng một vườn hoa với nhiều loại cây trồng và màu sắc khác nhau. Áo dài đã đi vào thơ ca, nhạc, họa, mang bản sắc dân tộc Việt và là niềm tự hào của mọi người Việt Nam.

Các đám cưới hỏi, thanh niên nam nữ đều mặc áo đài
Tại nhiều đám cưới hỏi, thanh niên nam nữ đều mặc áo đài

Áo dài nam và nữ song hành cùng nhau và được nhìn nhận như một nét đẹp trong bản sắc văn hóa dân tộc. Thuật ngữ “Việt phục cổ trang” chỉ sự cách tân hẳn có lý, bởi khi chưa thống nhất ý kiến về quốc phục, sự “trăm hoa đua nở” từ phiên bản trang phục gốc để có những kiểu dáng mới và được số đông người đón nhận là điều rất đáng quý.

Áo dài được nhiều người mặc đi lễ chùa đầu năm
Áo dài được nhiều người mặc đi lễ chùa đầu năm

Rực rỡ sắc màu mùa xuân xứ Trà

So với các thành phố lớn khác như Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, trào lưu mặc Việt phục cổ trang tại Thái Nguyên không quá muộn. Ngay từ giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, vẻ đẹp của những tà áo “tân thời” đã xuất hiện trong nhiều sự kiện và từng bước lan rộng thành phong trào mặc áo dài của chị em tại các cơ quan, đơn vị, nhất là dịp Quốc tế phụ nữ 8/3, hay Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… Tuy nhiên, trang phục áo dài nam và trẻ em gần đây mới thực sự nở rộ. Hình ảnh những người lớn tuổi, thanh niên nam nữ và trẻ em mặc Việt phục cổ trang tạo nên một khung cảnh và bầu không khí sinh động, đa dạng sắc mầu và đầy sức hấp dẫn.

Một số nữ văn nghệ sĩ Thái Nguyên
Một số nữ văn nghệ sĩ Thái Nguyên "khoe sắc"

Trao đổi với những người thiết kế, sản xuất và kinh doanh thời trang Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Chiếc áo dài đang trong quá trình phục hưng và được sự quan tâm của cả cộng đồng. Các mẫu áo dài do đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp từ nhiều vùng miền trên cả nước thực hiện, màu sắc đa dạng, chất liệu vải cũng khá phong phú như chiffon, lụa, gấm, nhung, đũi, thổ cẩm, ren, voan... Mỗi tấm áo là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Thị trường Thái Nguyện hiện có tới hàng trăm mẫu áo dài đáp ứng lựa chọn của khách hàng. Người mặc có thể may đo hoặc sử dụng hàng may sẵn với đủ loại kích cỡ.

Thiếu nhi vui xuân trên Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên
Thiếu nhi vui xuân trên Quảng trường Võ Nguyên Giáp, TP Thái Nguyên

Điểm nổi bật của áo dài nữ là có sự cách tân ở cả cổ áo, tay áo và thân. Không chỉ có cổ cao truyền thống mà áo dài nữ còn có các kiểu áo cổ cách điệu, cổ tròn, cổ thuyền, cổ vuông, cổ sơ mi, cổ trái tim... Phần tay áo có thể là tay áo xòe, tay áo ngắn. Thân áo cũng nhiều kiểu dài ngắn khác nhau tùy sở thích người mặc. Chân váy có loại như váy đầm. Các họa tiết từ dệt máy, thêu thủ công, in nổi, in chìm, in 3D, đính ngọc… phù hợp với gu thẩm mĩ của từng người. Áo dài nữ cũng được thiết kế riêng cho các độ tuổi khác nhau song đều làm cho người mặc có dáng uyển chuyển, thướt tha, tạo nên sự trẻ trung, thanh lịch, sang trọng và thích hợp cho việc phối đồ.

Tà áo dài trên phố
Tà áo dài trên phố

Giống như áo dài nữ, áo dài nam cũng từng bước trở thành một xu hướng thời trang. Các nhà thiết kế đã kết hợp giữa cổ điển và hiện đại tạo ra những phiên bản áo dài cách tân mới, giữ nguyên phần cơ bản của áo dài truyền thống nhưng thêm vào những chi tiết, kiểu dáng mới. Các thiết kế tinh tế, tôn dáng, sang trọng giúp người mặc tự tin, khỏe khoắn, lịch lãm. Lẽ dĩ nhiên, chiếc khăn đóng như cha ông xưa ít người đội và chỉ xuất hiện tại đình chùa cần sự nghiêm cẩn khi thực hành nghi lễ.  

Cảm hứng mùa xuân tạo nên ngôn ngữ thời trang đặc trưng của các nhà thiết kế. Điểm nhấn trong sắc màu, họa tiết mang dấu ấn riêng của từng tấm áo. Trong những ngày xuân, các thành phố Thái Nguyên, Sông Công, Phổ Yên và các thị trấn huyện lỵ, trung tâm cụm xã luôn rực rỡ sắc màu, mỗi người mặc áo dài như những bông hoa tươi thắm.

Nếu như trước kia, áo dài chủ yếu được sử dụng như một trang phục biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, hoặc đồng phục tại một số công sở, trường học, giờ đây áo dài được mọi người tự tin mặc trong bất cứ hoạt động nào, kể cả khi đi mua sắm Tết.

Khung cảnh sống động của nhiều bộ trang phục bừng lên sức sống mới làm cho mùa xuân càng thêm xuân. Nhiều điểm vui chơi các em nhỏ được bố mẹ sắm cho những bộ trang phục màu sắc tươi sáng chụp ảnh, dựng clip và cuốn hút, quyến rũ nhiều du khách, kể cả khách quốc tế ghi hình, xin check in kỷ niệm.

Thái Nguyên - vùng đất giao thoa văn hóa giữa miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cũng là nơi hội tụ nét tinh hoa và bản sắc văn hóa dân tộc từ lâu đời. Trong công cuộc đổi mới đất nước, Thái Nguyên đã có bước phát triển quan trọng về nhiều mặt. Sự cách tân trên cơ sở trang phục truyền thống tạo ra những phiên bản đẹp. Hy vọng kiểu dáng và sắc màu ấn tượng của Việt phục cổ trang sẽ làm đẹp thêm hình ảnh về mảnh đất và con người Thái Nguyên.

Phan Thái

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Hội Xuân trên vùng đất địa linh

Xem tin nổi bật 2 ngày trước

Tiếng khèn gánh núi ngân lời ngàn xưa

Xem tin nổi bật 5 ngày trước

Tết ở miền Tây

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Người Tày thêu sắc gói hương vào Tết

Xem tin nổi bật 6 ngày trước

Năm Tỵ tản mạn chuyện rắn

Xem tin nổi bật 1 tuần trước

Tết đang ở rất gần…

Xem tin nổi bật 1 tuần trước