Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
12:32 (GMT +7)

Về những đồng nghiệp của tôi

Kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (1987 - 2017)

VNTN - Hội tròn ba mươi tuổi, cũng là hai nhăm năm tôi được là người của cơ quan Văn phòng Hội. Có thể nói, cả cuộc đời công tác của tôi gắn bó với nơi này, vậy nên tình yêu tôi dành cho Hội, là trọn vẹn…


Những đồng nghiệp lớn tuổi

Người nhận tôi về Hội là nhà thơ Hà Đức Toàn. Hồi ấy, tôi 22 tuổi, mừng khôn tả vì sau hai năm thất nghiệp đã được đi làm. Công việc chính của tôi là tạp vụ, nhận bài, chi trả nhuận bút, gửi báo biếu, sửa mo - rat và học việc biên tập (thi thoảng tôi còn có nhiệm vụ nhảy qua cửa sổ sang nhà ông Hợi mua rượu cho Chủ tịch tiếp hội viên). Công việc nhàn rỗi, vì mỗi tháng chỉ có 1 số báo 8 trang, nên chủ yếu đến cơ quan chỉ để quét nhà, rửa ấm chén và ngồi nghe các bậc tiền bối nói chuyện văn chương. Hồi đầu, tôi rất lấy làm lạ vì công sở gì mà chả giống công sở, phòng Chủ tịch không mấy khi vắng khách, toàn hội viên đến chơi, cười nói ha hả, chuyện trò, thơ phú, tiếu lâm râm ran... Cứ vui thoải mái, nhưng những lúc vào việc thì cũng đâu vào đấy.

Nhà thơ Hà Đức Toàn là Chủ tịch Hội, kiêm Tổng biên tập. Ông nói nhanh, làm nhanh, đi thoăn thoắt. Lúc rảnh rỗi thì chơi “tẹt ga”, nhưng khi có việc, ông “guồng” như một chiếc máy công suất lớn. Ông thường quán triệt: chơi ra chơi, làm ra làm, lúc “nhà có việc” thì phải nêu cao tình thần tự giác, gặp gì làm nấy, phải lăn xả vào tìm việc mà làm. Tính ông cũng nóng, nên mọi người thường lựa, chả dại gì để ông phải nặng lời.

Nhà văn Hồ Thủy Giang, Phó Chủ tịch Hội nói năng chừng mực, nhẹ nhàng, ít khi làm mếch lòng bạn văn. Nhà báo Lê Thế Thành, Phó tổng biên tập thì vô cùng hài hước và thoải mái, ông luôn dễ dãi với nhân viên nhưng bản thân thì xông xáo trong mọi việc, đúng chất phóng viên chiến trường. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Khánh Hạ, Chánh Văn phòng thì lúc nào cũng cặm cụi, mẫn cán với một mớ việc không tên. Nhà báo Minh Hằng, Thư kí tòa soạn lại hết sức chỉn chu và trách nhiệm. Chị viết rất khỏe, đủ các dạng bài. Đam mê cũng là một phần, nhưng thực chất chị viết để lấp đầy các trang báo. Bởi hồi đó, bài vở hội viên gửi đến từng nào biết từng ấy, chứ có cơ cấu chuyên trang chuyên mục, đặt bài gì đâu. Là Thư kí tòa soạn phải “lên mâm” cho đủ, nên hễ trống chỗ nào thì cứ phải tự giác “nhả chữ” cho kín vào thôi. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nông Phúc Tước, Trưởng ban biên tập thì ít nói ít cười, suốt ngày thả hồn vào đám chữ Nôm Tày và những câu chuyện dân gian. Ông nổi tiếng bởi sự khắt khe trong khâu sửa mo rát. Một nguyên tắc được Nông Phúc Tước đặt ra khi sửa bông là, mỗi trang A4 phải đọc đủ 5 phút, như vậy mới đảm bảo không bị sót lỗi... Xêm xêm tuổi tôi lúc ấy là Đặng Vương Hạnh, biên tập viên kiêm vẽ ma két báo, một cây bút trẻ vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự đang “ém quân” chờ cơ hội ra “biển lớn”. Hạnh chỉn chu và cẩn trọng, suốt ngày chuyên chú vào đống giáo trình tự học tiếng Pháp và sáng tác văn chương, chả chơi bời giao du với thanh niên, quanh đi quẩn lại chỉ “kết giao” với họa sỹ Tuấn Vinh và vợ chồng chị Minh Hằng, Khắc Thiện. Sau này, khi Hạnh đã đầu quân cho Trường viết văn Nguyễn Du thì họa sĩ Thế Hòa trở lại cơ quan làm công việc trình bày báo (trước đó anh nghỉ làm kinh tế). Anh Hòa dễ tính, xuề xòa và nhiệt tình với mọi người... Rồi Dương Quốc Hải, nổi tiếng “a ma tơ”, có khi ngủ một lèo hai ngày liền, nhưng cũng có lúc thức trắng vài đêm để hoàn thành một truyện ngắn. Nhiều lần, Chủ tịch Hội tưởng như không thể chịu đựng Hải được thêm nữa, nhưng rồi sau cái gãi đầu gãi tai rất hối lỗi của “bị cáo”, ông lại bỏ qua… Rồi kế toán Nguyễn Đắc Thế suốt ngày cau có bên đống chứng từ, nhưng nhờ sự “khéo co” của anh mà Hội không lâm vào tình cảnh thiếu trước hụt sau. Và “người đẹp” Phương Châm với “ngón nghề” đánh máy điêu luyện như múa trên máy chữ và biệt tài dịch chữ, dù viết xấu cỡ nào vào tay chị cũng được giải mã hết…

Lãnh đạo Hội qua các thời kỳ

Vật đổi sao dời, sau này cơ quan lại có thêm những thành viên mới giữ những vai trò chủ chốt. Chủ tịch - nhà thơ Ma Trường Nguyên luôn giữ thái độ bình thản trong mọi tình huống. Không vội vàng hấp tấp, ông thường bảo: “việc quái gì phải vội, rồi đâu khác vào đó”. Chủ tịch Đàm Thế Du, có phần gắt gao hơn, bởi thói quen lãnh đạo cơ quan công quyền nhiều năm, nhưng lại quan tâm đến quyền lợi của cấp dưới. Chủ tịch Triệu Văn Doanh thì hiền lành, nhưng khi cần có chính kiến thì cũng đanh thép ra trò. Và Phó Chủ tịch - Tổng biên tập - nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, tính tình bộc trực, có thể xuê xoa mọi chuyện nhưng riêng chuyên môn thì luôn yêu cầu cao, cương quyết không nhượng bộ với những gì kém chất lượng... Mỗi người đều có những quan điểm, cách làm và thế mạnh riêng, song tất cả đều chung một điểm là yêu Hội, muốn dốc sức để xây dựng Hội ngày một phát triển...

Những người trẻ hôm nay

Nhìn lại chặng đường cũ, thấy giờ đây Hội thực sự lớn mạnh. Rất nhiều đầu việc được thực hiện và thực hiện tốt, trong đó phải kể đến Lễ hội Thơ Thái Nguyên được tổ chức hàng năm với quy mô hoành tráng, thu hút nhiều người yêu thơ đến thưởng lãm. Là những cuộc thi, triển lãm, hội thảo, trại sáng tác, tổ chức cho hội viên đi thực tế; rất nhiều công sức đã được bỏ ra để tham mưu với Tỉnh xây dựng cơ chế giải thưởng, cơ chế hỗ trợ sáng tạo VHNT từ nguồn đầu tư của Trung ương sao cho đảm bảo tốt nhất quyền lợi của hội viên…, những việc làm đó tạo những “cú hích” hiệu quả để hội viên sáng tạo và công bố tác phẩm. Là sự phát triển vượt bậc của Báo Văn nghệ Thái Nguyên. Với việc xuất bản báo in hàng tuần, cùng phiên bản điện tử vannghethainguyen.vn thu hút được nhiều người đọc và người viết, thì đã có thể coi là hết tầm của một tờ văn nghệ địa phương.

Làm được những việc trọng đại đó, là bởi Hội có được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh và nhiều ban, ngành, địa phương; có đường hướng đúng đắn của lãnh đạo Hội, sự ủng hộ của hội viên, cộng tác viên, nhưng một phần quan trọng không kém là những người thực hiện - những đồng nghiệp trẻ của tôi. Từ bộ phận Văn phòng Nguyễn Thái Thanh, Đào Khánh Duy, Ma Thúy Hường không quản ngại khó khăn, hoàn cảnh riêng nhiều khi không thuận lợi, vẫn tận tâm với nhiệm vụ cơ quan giao. Đến bộ phận Báo: Lê Đình, Đào Anh Tuấn, Trần Danh Khải, Lê Anh Tú, Thanh Tâm, Triệu Anh Thắng, Nguyễn Bích Hồng, luôn ý thức rõ vai trò của mình, cặm cụi trong chuyên môn, miệt mài tự học, nỗ lực vươn lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Áp lực công việc lớn, họ gắng gỏi vượt qua, không kêu than, nản chí. Với họ, khái niệm thời gian chỉ là tương đối, ngày nghỉ, ngày lễ hay đêm khuya, hễ lãnh đạo giao nhiệm vụ, họ đều không từ nan. Các bác bảo vệ đã quá quen với việc 10, 11 giờ đêm bộ phận Báo mới lục tục kéo nhau xuống nhà xe vào mỗi dịp cuối năm, làm báo Tết.

Tập thể cơ quan Văn phòng Hội

Vất vả là vậy, thu nhập cũng chẳng đáng là bao, nhưng họ vẫn hết lòng với công việc. Điều đó là gì, nếu không phải là tình yêu với cơ quan, là sự hi sinh bản thân để đem về cái lớn hơn cho tập thể? Đừng nghĩ là do mưu sinh, vì nếu chỉ đơn giản thế thì họ không thể đủ bền bỉ để đi trên con đường này.

Và những điều đọng lại

Hai nhăm năm gắn bó với Hội, có biết bao điều tôi được chứng kiến và trân trọng. Đó là sự ấm áp, sẻ chia của mọi người với nhau trong những lúc vui, buồn. Đó là sự chung tay giúp nhau vượt qua những gập ghềnh giữa cuộc đời sóng gió. Hay đơn giản chỉ là đọc đỡ nhau một bản bông; mang giúp nhau vài món chứng từ ra kho bạc khi con ốm, chồng bệnh, gia đình có việc đột xuất… Hoặc một lời động viên, hỏi han đúng lúc; thậm chí là một lời nhắc nhở, phê bình đúng mực, cũng tiếp thêm bao sức mạnh cho nhau. Những đồng nghiệp của tôi từ bao năm nay đã luôn làm như thế. Tôi sẽ không bao giờ quên, ngày cưới của mình, cả cơ quan xúm vào lo toan từ việc trang trí rạp cưới đến thịt gà, tiếp khách hộ gia đình. Rồi việc chồng tôi không may bị chó cắn, tối hôm ấy, không ai rủ ai mà hầu hết cơ quan đều có mặt trong căn phòng tập thể bé tí tẹo nhà tôi và cùng thở phào khi biết tin con chó đó không bị dại. Những sự quan tâm ấy cho tôi cảm giác được chở che, bao bọc như trong gia đình và nó là một thứ “tài sản” tinh thần của tôi bao năm qua.

Giờ đây, cuộc sống ngày càng phát triển, người ta không cần chia sẻ với nhau những công việc cụ thể trong ngày cưới, hoặc đến tận nhà hỏi han khi gặp sự cố như câu chuyện của tôi kể trên, bởi dịch vụ đã phát triển hoàn hảo, công nghệ thông tin đã quá tối ưu để ngồi ở nhà cũng có thể nắm bắt mọi chuyện mình muốn biết, nhưng tôi chắc chắn rằng, những đồng nghiệp của tôi vẫn luôn dõi theo nhau trong mọi trường hợp. Bởi chúng tôi “là người một nhà”.

Ôi, những đồng nghiệp của tôi!

 

Thu Huyền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy