Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
21:45 (GMT +7)

Về nhà

VNTN - Khoang đã hai mươi tư tuổi. Ở bản Tổng Lăng, thanh niên bằng tuổi anh đã con bồng con bế. Ấy mà, Khoang vẫn dửng dưng. Mé bảo cái thằng đẻ tuổi trâu thì khổ, lầm lũi cả đời cày cuốc may ra thì đủ gạo đổ vào nồi. Nhưng Khoang nghĩ làm ăn cốt hơn nhau ở cái đầu. Người ta bảo con không cha như nhà không nóc, lớn lên không nghiện hút cũng thành giặc. Khoang nghe nhiều thành quen. Mé bảo ngày người bản Tổng Nả đóng cổng, ném nắm tro trộn muối, vứt chổi rơm theo sau lưng khi biết mình đến báo đang mang một sinh linh bé nhỏ, bà đã làm việc quần quật tối ngày. Cái bụng phềnh ra thách thức mọi lời đàm tiếu, cánh tay chỉ trỏ của bản Tổng Lăng. Gái người chê mà chửa. Đủ tháng nằm ổ, trời rét cắt da cắt thịt, bà ngoại đổ đi mấy chậu nước đun sôi đợi đến nguội ngắt, hơ mấy lần dao trên lưỡi lửa mà thằng bé vẫn không chịu ra. Dả Phái lật đật đặt tay lên bụng mé, mặt cắt không còn giọt máu, phán một câu xanh rờn:

- Xoay ngang, trời đất ơi! Mẹ Hoa phạt rồi!

 

Mé nó bặm môi, nghiến răng nắm lấy thành giường mà rặn, tiếng khóc cũng bật oe oe! Dả Phái lật đật xuống báo cho người bản Tổng Nả biết. Họ cho con trai của họ lên, nhìn qua hai mẹ con một lượt rồi ra nói chuyện với bà ngoại cho thằng bé mang họ Nông nhưng không được hưởng mảnh ruộng nào. Bà ngoại gật đầu, nhìn lên bàn thờ chồng rồi gạt nước mắt. Đầy tháng, mé đặt tên là Khoang. Nông Văn Khoang. Giấy khai sinh đầy đủ từng dòng. Về Tổng Nả, mé địu Khoang lên rẫy trồng lạc, xuống ruộng cấy hái cày bừa. Pá thường xuyên ra chợ phiên ngồi uống rượu với mấy người bạn tồng. Khi đã ngà ngà, lày cỏ hết hơi, họ bắt đầu lè nhè:

- Bát này là bát của tao, tao không ăn đồ thừa.

- Ờ, đồ thừa toàn nước dãi thôi, ghê bỏ mẹ.

Những cây củi bổ vì thế quất lên lưng mé, dằm đâm vào da, mảnh áo chàm rách tướp. Hôm sau, người đàn ông trong bản thấy mé ở cọn nước loay hoay bắc máng dẫn vào ruộng. Họ ái ngại xắn quần lội xuống suối làm giúp. Pá nhìn thấy mé cười. Hành hạ mé nguyên một đêm. Khi Khoang ba tuổi. Pá bỏ vào Nam rồi biệt tích. Một năm, hai năm chẳng cánh thư về. Người đi xây dựng vùng kinh tế mới có dịp trở lại thăm quê thấy mé lúi húi bó rơm ngày ba mươi Tết ở đồng thì xót xa bảo.

- Nó lấy vợ mới rồi lô! Gái miền biển.

Mé năn nỉ hỏi địa chỉ. Sau Tết Đắp Nọi, mé về nhà bà ngoại xin bán con trâu lấy tiền đi đường. Ôm Khoang ngồi xe khách ba ngày hai đêm vào Tây Nguyên tìm chồng. Pá dấm dúi ra gặp vợ con ở nhà anh trai là bác Khiêm được tuần thì bà hai biết. Chẳng hiểu họ nói gì với nhau mà pá uống say về dí ngón tay vào giữa trán Khoang lừ lừ bảo:

- Mày là đồ con hoang!

Nhìn đôi mắt mọng của em dâu, bác Khiêm bàn bạc với vợ, bán đi mấy bao cà phê rồi lôi hai mẹ con ra bến xe khách bảo:

- Về nhà đi thím. Nó không thành người rồi. Thím cầm chút tiền này về quê, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, nuôi con khôn lớn.

 

Mé về Bắc, ra ủy ban đổi giấy tờ sang họ Hoàng cho Khoang và dắt con về bản Tổng Lăng.

Đấy là câu chuyện mà bà ngoại kể đi kể lại cho Khoang cho đến khi bà khuất núi. Căn nhà Khoang ở Tổng Lăng luôn ngăn nắp và ngỏ cửa. Mé dệt vải chàm, thổ cẩm đem ra chợ bán. Học hết cấp ba, Khoang xin mé theo chúng bạn xuống miền xuôi làm công nhân than. Đi sâu vào lòng đất, Khoang thấy lòng tĩnh lặng, không ai lấy câu chuyện người khác để giết thời gian. Mỗi người mỗi quê, hết ca, ai cũng chỉ còn thấy hai con mắt sáng và hàm răng trắng. Khi ngủ, Khoang hay mơ khung cửi của mé. Con suốt chao qua chao lại trên tay. Mé dệt không biết bao nhiêu tấm vải rằm khấư (*) nhuộm hai màu cho người con trai dâng lên cha mẹ vợ trong ngày cưới nhớ ơn chín chữ cù lao nhưng chưa tấm vải nào dành cho mình. Mé dệt thổ cẩm làm chăn cưới, làm địu êm. Lời ru của mé thường nghẹn, câu đứt giữa chừng, đục ngầu trong tiết Đông Chí. Đôi tay mé thoăn thoắt làm, chỉ có chim chóc đậu trước sàn, chỗ mấy cành lê trắng. Có lần chú Ân gọi điện xuống hỏi thăm, bảo mé Khoang ốm. Đêm ấy, Khoang mơ thấy mé nằm trên giường, tóc xõa sượi, bếp nhà sàn nguội ngắt. Nồi cơm treo trên vách. Chẳng ai rang cám đánh gió cho. Khoang bỏ hầm than, nhảy xe tải về. Khoang đi gặt thuê, xây mương, vác gỗ. Ngày nông nhàn thì sang nhà chú Ân học đàn tính. Chú Ân bảo:

- Con gái bây giờ chẳng thích người hát hay đâu. Họ xem nhà mình có xe Ếch chưa thôi? Mày không thấy thanh niên bây giờ họ đi làm điện tử giàu cỡ nào sao. Tao được mời đi ăn đồ nướng ngoài thị trấn nhé. Có tiền, người ta dâng thịt ngập mồm, uống say vắt lưỡi, gái bu trong lòng. Rồi chú thì thào: - Đi vác hàng với tao đi. Lên Phja Luông có con đường mòn. Tao dẫn mày đi vài lần cho thuộc. Làm đêm đấy, không được bấm đèn đâu!

- Người ta trả mình thế nào? Hở chú?

- Khoán. Sức mày, làm quen cũng ăn dày. Tao đây ngót bốn mươi chia đều công năm lít.

- Hàng gì họ trả cao thế chú?

- Đếch biết. Thân trâu ngựa. Cứ thồ qua núi là lấy tiền. Nhưng mày nên nhớ, lên núi dễ, xuống núi, không chủ quan nhá!

Sau ba ngày leo lên leo xuống cho thạo đường mòn giáp biên giới. Khoang nói với mé là đi chơi với bạn về khuya. Mé dặn đừng theo người ta đi gây sự. Tối hôm ấy, chú Ân hẹn anh ở cửa hang Ca Ghìa, chú bắt mối được thì quay xuống đón. Sương khuya lạnh buốt. Khoang thu người vào hốc đá cho lá cây đỡ rớt nước xuống đầu. Miệng hang Ca Ghìa cạnh con đường mòn dẫn sang biên giới, dơi cũng không buồn bay ra. Đang thiu thiu ngủ, Khoang nghe tiếng bước chân người đi ngang qua. Dưới ánh sáng nhờ nhờ của trăng tháng Chạp, anh thấy bóng người chật vật gù xuống, trên vai vác một khối hộp dài. Bóng đen dò từng bước một. Miệng há ra thở. Đá tai mèo lởm khởm, chỉ cần sẩy chân một cái là cả người lẫn hàng lăn xuống vực sâu. Lòng Khoang nóng như lửa đốt, chú Ân chắc tranh thủ vài cuốc nên chưa thấy xuống gọi mình. Anh đang định trườn người ra khỏi hốc đá thì nghe thấy tiếng hô: - Chạy đi. Bắt được là chết cả nút, chúng mày ơi! Kẻ vừa qua vứt thùng hàng đánh phập rồi lẩn nhanh vào hang Ca Ghìa. Tiếng bước chân đi qua từng đợt. Phja Luông lại im phăng phắc. Khoang thu mình trong hốc đá như thế cho đến khi trời sáng bạch mới dám bước ra ngoài. Chú Ân cùng đội cửu vạn bị bắt vì tội vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Dả Phái khóc cạn nước mắt. Mé với Khoang sang an ủi. Hai người đàn bà chẳng nói với nhau được câu nào. Bờ vai họ run lên bần bật. Một đêm thức trắng nhưng Khoang không tài nào chợp mắt nổi. Anh nhìn ra cánh đồng có những cây rơm khô nghĩ lại chuyện hồi sáng. Nếu mình cũng bị bắt thì mé biết ra sao? Cả bản Tổng Lăng họ lại được dịp nói ra nói vào. Ngày mai mình làm gì? Bạn tồng mời ăn mừng vào nhà mới. Những đồng tiền đi gặt thuê đã hết. Mé lại giở túi vải ở thắt lưng rút thừa thêm vài tờ nhưng không thể cứ đưa tay nhận mãi.

- Nhà mình cơm vẫn đủ ăn. Mình con chưa có kinh nghiệm, vay tiền ngân hàng về chăn nuôi, ngộ nhỡ.... Thôi, con ơi.

- Con đăng kí lớp tập huấn trên huyện rồi mé. Học rồi đi xem người làm ăn giỏi, họ sẽ chỉ cho con.

Ngày ra huyện kí lấy tiền, mấy anh bạn cùng bản rủ Khoang vào chợ phiên uống rượu nhưng anh từ chối. Câu chuyện bà ngoại kể về pá lúc nào cũng ngà ngà rượu khiến Khoang ghét cả những buổi tụ tập. Tiền ngân hàng là vốn, miệng ăn núi Phja Luông còn lở. Khoang về nhà, anh cán bông giúp mé, nói chuyện với mé dự định của mình và đi khắp nơi xin giống cỏ mía trồng. Tròn một năm, người bản Tổng Lăng trầm trồ khen đàn trâu bò nhốt chuồng của Khoang béo núc. Sáng sáng, cá nổi đen mặt ao đớp thức ăn. Ngăn bên kia, nơi một nhánh suối được đắp lại, xây thành bể, ít người biết ốc nhồi và chạch lẩn dưới bùn. Lứa gà thứ hai đậu kín gò đất gần nghìn mét quây lưới, cây ăn quả hồi rễ vươn xanh. Mảnh rẫy, bờ ao, ven đường ngập um cỏ mía. Đất không còn nơi nào trống. Dây lang bò với bí đỏ. Bốn con lợn đen nằm ngủ trên sân. Chúng đã ủi ở bãi đất mới san toàn đá sỏi sau nhà về mệt. Lim dim đôi mắt, phe phẩy cái đuôi bé tí. Mé dệt vải ở đầu sàn, thỉnh thoảng ngẩng lên nhìn Khoang đang ghi chép nhật kí chăn nuôi vào sổ. Đài báo tin dịch bệnh ở khắp nơi rồi chuyển sang bản tin dự báo thời tiết. Ngày mai, miền Bắc có đợt không khí lạnh. Chuông điện thoại reo. Đầu máy bên kia, một người đàn ông rè rè cất lên sau vài lần hắng giọng:

- Khoang à? Chuẩn bị Tết đến đâu rồi con? Năm nay, bác Khiêm về Bắc ăn Tết đấy. Con dành chút thời gian xuống Tổng Nả chơi. Pá không... về được.

Cuộc gọi kết thúc. Khoang biết men say đôi khi đánh thức được vài phút cho người ta chợt nhận ra những uẩn ức sâu thẳm trong lòng mà khi tỉnh không bao giờ dám hé môi. Bao nhiêu năm nay, mé ở vậy nuôi anh. Ngoài bác Khiêm thỉnh thoảng gửi cho anh tiền mua quần áo, bánh kẹo thắp hương bà ngoại thì người trong dòng họ Nông ở Tổng Nả không ai nhắc đến một giọt máu rơi rớt ở Tổng Lăng. Cách nhau chiếc cầu và con suối mà như gặp nhau đi chợ thì rẽ sang đường khác tránh mặt. Mé hỏi:

- Ai gọi thế Khoang?

Anh cười trừ: - Người ta gọi nhầm số, mé à.

Mé nhìn anh một lát rồi lại đạp khung cửi lách cách. Khoang vươn vai đi cất sổ sách, tính ra đồng lấy ít rơm khô về bện ổ cho vài con gà mái mới đẻ trứng thì Dả Phái cắp nón, chống gậy đến cầu thang gọi với lên:

- Mé thằng Khoang ởi, thằng Ân được về nhà rồi lố! Chị bán cho tôi một con gà về nấu cho nó bát canh gừng.

Khoang bảo:

- Dả lên nhà uống nước với mé để em đi bắt gà cho. Lát nữa mé làm xong cho khách vào lấy vải thì em với mé sang. Em cho Dả con gà, Dả nấu thêm vài bơ gạo nữa, Dả nớ!

Hai người đàn bà lại tíu tít hỏi han. Khoang biết đợt này chú Ân về nhà là ở hẳn. Ăn ngô, ăn sắn cũng chịu. Khoang nhốt con gà vào lồng rồi buộc miệng chắc chắn. Lăn nó để dưới gầm sàn và dặn với lên. Đoạn, anh rút cây đòn xóc bước xăm xăm ra đường. Gió từ núi thổi qua cánh rừng sau sau ràn rạt, lá đỏ chao xuống đám ruộng đã ải đất xám xốp. Nhà sàn ai đã bật nhạc xuân xập xình. Tết đã về đến chợ. Năm nay, mé bán được nhiều vải hơn. Hai phiên chợ cuối năm, nhà Khoang có đến tám buồng chuối tiêu già, nải nào nải nấy được chăm sóc, che sương muối, quả khum đều tăm tắp. Đàn gà để bán trống có, mái có, thiến có cũng đã nhiều người đặt mua hết tận nhà. Mé thủ thỉ bảo Khoang mua con xe máy thể thao cho bằng bạn bằng bè nhưng anh thấy con xe số mẹ dành dụm tiền mua cho mình đi mấy năm nay vẫn mới. Nó nhanh gấp nhiều lần chiếc xe đạp cũ hồi còn học ngoài thị trấn. Anh vẫn có thể chở phân tro, cám tấm, hoa quả, vẫn có thể lái nó vượt con dốc Kéo Đăm đón mẹ đi chợ mua Tết về nhà

-------------------------------

(*)Vải rằm khấư: Khi người mẹ nuôi con còn nhỏ, trong đêm, lúc con bị ướt người mẹ sẽ thay tã và chuyển con nằm ở chỗ khô, còn bản thân sẽ nằm bên bị ướt. Tấm vải mang ý nghĩa tượng trưng, hàm ý rằng người mẹ nuôi con phải chịu bao vất vả, đắng cay, được chú rể người Tày, Nùng dâng lên cha mẹ vợ trong ngày cưới.

Truyện ngắn. Hoàng Thị Hiền

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước