Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
13:23 (GMT +7)

Về một nhân vật hài hước trong Truyện Kiều

Truyện Kiều, bên cạnh bút pháp hài hước về một xã hội trên quá trình suy tàn với các sự kiện, Nguyễn Du đã dày công xây dựng nhiều nhân vật mang tính hài hước: Thúy Kiều, Thúc Sinh, Hoạn Thư, ông quan tòa xử vụ kiện của Thúc Ông... Đầu tiên và thâm thúy nhất là Kim Trọng.

Hình minh họa (nguồn: internet)
Hình minh họa (nguồn: internet)

Vì yêu quý Nguyễn Du cùng với các nhân vật của Truyện Kiều mà người đọc thường ngộ nhận và hiểu sai về mối tình Thúy Kiều và Kim Trọng.

Ngay ở hội Đạp thanh, chị em Thúy Kiều đã:

Trông chừng thấy một văn nhân

Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng

(Một chàng trai nho nhã, buông lỏng dây cương cho ngựa đi thong thả)

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh, cành dao.

Rõ ràng đây là một chàng công tử nho nhã, ấy là nho sinh:

Họ Kim, tên Trọng vốn nhà trâm anh.

Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chương nết đất, thông minh tính trời.

Phong tư tài mạo tót vời,

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa.

Một bức chân dung hết ý. Từ hình thức (phong tư) đến nội dung (tài mạo), từ đối nội (vào trong) đến đối ngoại (ra ngoài) đều tót vời.

Nhưng đấy là Kim Trọng của Nguyễn Du vẽ nên. Thực tế Kim Trọng người yêu của Thúy Kiều không phải thế. Ngay khi vẽ nên bức chân dung tuyệt đẹp ấy Nguyễn Du như đã cố ý khôi hài: “Văn chương nết đất, thông minh tính trời”, như vậy nhờ phát mồ mả (nết đất) mà anh ta học cao, còn thông minh là do trời ban (tính trời) cho. (Theo Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Nxb. Văn hóa Thông tin. 2000, tr.368).         

Nghĩa là Kim Trọng chẳng có gì đặc biệt. Ngay cả cuộc tình với Thúy Kiều - Kim Trọng luôn luôn là người thụ động.

Buổi đi tảo mộ, tiết Thanh minh “gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa” là cơ hội cho Kim Trọng, chàng trai mới lớn, con nhà gia giáo ấy gặp được chị em Kiều. Cả ba đều là những người ra đời và lớn lên trong gia đình nền nếp.

Trước khi có cuộc gặp gỡ này, tuy hai gia đình không xa nhau (“chung quanh vẫn đất nước nhà”) nhưng Kim Trọng cũng chưa từng gặp chị em nhà Thúy Kiều, dù có nghe tiếng hai người con gái nhà Vương ông: “Trộm nghe thơm nức hương lân”, nhà hàng xóm có hai người con gái xinh đẹp, ngoan: “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều”. “Hai Kiều” - hai cô gái đẹp, nghĩa là Kim Trọng cũng chưa biết ai với ai. Chàng chưa gặp, chưa biết nên không thể nói là chàng yêu ai. Khi  “bóng hồng nhác thấy nẻo xa” (bóng hồng - chỉ chung bóng hai người con gái chứ không phải là bóng của ai cả). Và cả hai người con gái cùng để ý đến Kim Trọng, cùng rung động trước Kim Trọng. Nguyễn Du viết: “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Hai Kiều chứ không phải “Thúy Kiều e lệ” hay “Thúy Vân e lệ”. Đứng trước hai người đẹp ấy, chàng thiếu niên mới lớn đã rạo rực ngọn lửa tình nhưng vẫn không dám bộc.

Rồi khi bóng chiều đến, Kim Trọng phải chia tay chị em nhà Thúy Kiều, để xảy ra cảnh “Khách đà lên ngựa người còn ghé theo”. “Người” là danh từ chung, có thể là Thúy Kiều, nhưng cũng có thể là Thúy Vân. Cả hai người e ấp ngượng ngùng “ghé” theo Kim Trọng chứ đâu có phải chỉ một mình Thúy Kiều… Như vậy là đã có một mối tình tay ba giữa Kim Trọng với Thúy Kiều và Thúy Vân(1).

Đến câu 286, Kim Trọng lấy cớ thuê nhà Ngô Việt thương gia để ở trọ học nhưng là để chờ dịp gặp lại hai người đẹp (hai Kiều), nhưng vẫn “tuyệt mù nào thấy bóng hồng vào ra”. Bóng hồng (chỉ con gái, đàn bà) chứ có phải là chờ Thúy Kiều đâu…

Dịp may ngẫu nhiên xảy ra “cách tường phải buổi êm trời/ dưới đào dường có bóng người thướt tha”. Kim Trọng vẫn không biết là bóng ai, Thúy Kiều hay Thúy Vân. Rồi bất ngờ chàng lại trông thấy: “Trên đào nhác thấy một cành kim thoa” và chàng “ngẫm âu người ấy báu này”. Có lẽ của “báu” này là của “người ấy” mà không biết người ấy là Thúy Kiều hay Thúy Vân.

Mãi đến câu 307 :

Tiếng Kiều nghe lọt bên kia,

“Ơn người quân tử sá gì của rơi”

Nguyễn Du mới cho ta biết người đi tìm thoa là Thúy Kiều. Như vậy là quãng thời gian nửa năm trời, gặp và yêu, Kim Trọng hoàn toàn ngẫu nhiên và bị động. Từ đây, sau thời gian gặp và yêu Thúy Kiều, mối tình trong sáng thơ ngây thật đẹp nhưng tất cả là do Thúy Kiều chủ động.

Từ buổi đầu gặp gỡ, trời vừa tối Thúy Kiều đã “tưng bừng sắm sửa áo xiêm/ biện dâng một lễ, xa đem tấc thành” và “thì trân thức thức sẵn bày”- nàng mang nhiều thức ăn quý (thì trân) sang nhà Kim Trọng (sẵn bày).

Tiếp đó Thúy Kiều lại chủ động vượt rào sang tìm Kim Trọng:           

Lần theo núi giả đi vòng,

Cuối tường dường có nẻo thông mới vào.

Xắn tay mở khóa động đào,

Rẽ mây trông tỏ lối vào Thiên Thai.

Rồi buổi tình tự giữa Kim Trọng và Thúy Kiều diễn ra vô cùng thắm thiết. Họ ngâm thơ, nghe nhạc, xem tranh... Thúy Kiều nức nở khen Kim Trọng:

Nàng rằng: “Trộm liếc dung quang

Chẳng sân ngọc bội cũng phường kim môn”

Kim môn là nơi Hán Vũ Đế gặp gỡ văn tài để trao đổi chính sự. Có nghĩa là Thúy Kiều muốn nói Kim Trọng không phải con nhà quan thì cũng là người học cao. Nhưng chữ “phường” nghe hài hước, Kim Trọng nghe như: “Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người”, “Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng”, “Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh(2).

Gần hết đêm, Thúy Kiều phải chia tay người yêu. Về nhà mới biết bố mẹ ở quê sinh nhật nhà ngoại chưa về, thế là lần nữa nàng lại “cửa ngoài vội rủ rèm the”, lại chủ động đi gặp Kim Trọng: “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”.

Lần gặp gỡ này, trong điều kiện thuận lợi, kín đáo, thân tình, đã có thời gian dành cho nhau, họ đã trao nhau kỷ vật tình yêu - “tóc mây một món dao vàng chia đôi”, gần gũi trai gái sau men rượu:

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,

Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.

(Dải áo bằng là lẫn hương vào nhau, trong gương 2 người lồng vào nhau thành một bóng, nghĩa là hai người ôm nhau) thế mà rồi chẳng đi đến đâu cả, bởi Kim Trọng “sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?”. Đúng là anh nhà nho “sợ bò trắng răng”. Anh ta không hiểu gì tâm lý phụ nữ cả.

Rồi khi Kim Trọng phải về hộ tang chú ở Liêu Dương, Kim Trọng than vãn, khóc lóc: “Ngại ngùng một bước một xa/ Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng”. Kim Trọng không tin ở tình yêu của Thúy Kiều nên khi chia tay đã dặn nàng:

“Gìn vàng giữ ngọc cho hay,

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời”

Nàng lại phải động viên, an ủi Kim Trọng:

“Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

Còn non còn nước còn dài,

Còn về còn nhớ đến người hôm nay.”

Anh ta ra đi, 6 tháng sau mãn tang trở lại sau khi gia đình Thúy Kiều gặp tai họa, nàng phải bán mình chuộc cha. Kim Trọng lại khóc lóc quá trẻ con. Khóc đến nỗi Vương Ông phải dỗ: “Nhẫn ngừng, ông mới vỗ về giải khuyên”.

Trong Truyện Kiều không có ai khóc nhiều, khóc to như anh chàng này.

Vật mình vẫy gió, tuôn mưa,

Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai!

Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi,

Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.

Rồi Kim Trọng khẳng định chắc chắn:

“Cùng nhau thề thốt cũng nhiều,

Những điều vàng đá phải điều nói không.

Chưa chăn gối cũng vợ chồng,

Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang”

Anh ta còn thề thốt: “Bao nhiêu của mấy ngày đàng/Còn tôi, tôi một gặp nàng mới thôi”, nhưng rồi chẳng làm gì thì đã cưới ngay Thúy Vân là em Thúy Kiều. Cho dù là do Vương Ông lo lắng, thu xếp nhưng nếu yêu Thúy Kiều thì Kim Trọng sao nỡ đồng ý. Bởi vì Vương Ông biết rõ khi nói:

Trót lời hẹn với lang quân,

Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.

Gọi là trả chút nghĩa người,

(Chỉ là trót lời nên mượn con em để trả nghĩa mà thôi). Kim Trọng cưới em người yêu nên Nguyễn Du tinh tế hạ câu thơ:

Tuy rằng vui chữ vu quy.

Vui này đã cất sầu kia được nào!

(Vu quy: Chỉ người con gái về nhà chồng; Định ngày nạp thái vu quy, câu thứ 651, Đào Duy Anh. Sđd, tr.631.). Kim Trọng cưới vợ chứ, hóa ra anh ta là đàn bà lấy chồng!

Mười lăm năm sau, khi đã vợ con đề huề, đã thi đỗ sắp đi làm quan anh ta mới ân hận, áy náy vì “lời xưa đã lỗi muôn vàn” và:

“Rắp mong treo ấn từ quan,

Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.

Dấn mình qua áng can qua,

Vào sinh ra tử, họa là thấy nhau.”

Nhưng cũng chỉ là rắp mong (dự định, mong) thôi chứ Kim Trọng có treo ấn từ quan đâu.

Khi ở Liêu Dương trở về, Thúy Kiều vừa mới bị bán chưa đến 6 tháng, sao Kim Trọng không đi tìm mà chỉ “cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe”:

“Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi”.

Là người được học hành tử tế, sao anh ta không thử tìm thêm nơi nào nữa ngoài Lâm Thanh. (Sau này khi đi nhậm chức tiện thể cùng với Vương Quan và Thúy Vân, Thúy Vân đâu có được học hành như Kim Trọng mà đã phát hiện ra Lâm Thanh không phải là Lâm Tri (nơi Thúy Kiều bị bán).

“Nọ Lâm Thanh với Lâm Tri,

Khác nhau một chữ, hoặc khi có lầm”.

Thúy Kiều là người thông minh nên sớm nhận ra tình yêu với Kim Trọng chỉ là tình yêu học trò, chẳng lấy gì là sâu đậm như chúng ta thường lầm tưởng. Chính vì vậy mà suốt 15 năm xa cách, nhiều lần nàng nhớ quê hương, nhớ gia đình và những người thân thích, thì chỉ một lần duy nhất nhớ tới Kim Trọng, ấy là khi mới bị bán vào nhà thổ của mụ Tú Bà, ở lầu Ngưng Bích, mà sự nhớ nhung người yêu cũ cũng hời hợt:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

(Thúy Kiều nghĩ đến lòng thủy chung sâu đậm của Kim Trọng ở nơi xa xôi. Nhưng nàng đã… nhầm, lúc này Kim Trọng đã lấy vợ rồi. Và Kim Trọng đã lấy chính Thúy Vân, em gái nàng).

Tình cảm và nỗi nhớ Kim Trọng chỉ có vậy, không như tình cảm của nàng đối với Từ Hải, nàng nhớ chồng khi xa cách:

Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

(Ngày ngày trông ngóng chồng tận trời xa đến mòn con mắt)

Sau những ngày xa chồng, gặp lại Từ Hải, Thúy Kiều đắm đuối ngắm nhìn chồng, ngạc nhiên từ áo quần (rỡ mình lạ vẻ cân đai) đến chi tiết, nét mặt Từ Hải: “hãy còn hàm én, mày ngài như xưa”.

Với Kim Trọng thì sau 15 năm gặp lại đủ mặt gia đình trong sự vui mừng, hồ hởi:

“Nhìn xem đủ mặt một nhà,

Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi.

Hai em phương trưởng hòa hai”

Nhưng với Kim Trọng là sự lạnh nhạt, hờ hững:

“Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa”

Rồi đến khi bố mẹ và Thúy Vân vun vén cho hai người kết hôn, Thúy Kiều đã nói thật lòng mình với Kim Trọng:

“Nói chi kết tóc xe tơ,

Đã buồn cả ruột, mà dơ cả đời.”

Và với sự quan tâm của gia đình và mong muốn của Kim Trọng, Thúy Kiều miễn cưỡng ưng thuận đám cưới, nhưng không có tình yêu mà chỉ vì nghĩa cũ và chỉ là chiều lòng mọi người mà thôi:

“Nghĩ chàng nghĩa cũ, tình ghi,

Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may.”

Cuộc sống vợ chồng nếu có với Kim Trọng chỉ là:

“Khéo là giở nhuốc bày trò,

Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi”.

Ta mới hiểu còn đâu là mối tình Kim - Kiều :

Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món dao vàng chia đôi.

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Còn đâu nhân vật Kim Trọng “hào hoa”, còn đâu là “tài mạo tót vời” của  “bậc tài danh” dưới ngòi bút hài hước của Nguyễn Du.

 

------

(1) Xem Lê Đình Cúc, Truyện Kiều - Thân phận con người và những tín hiệu của văn học hiện đại, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018.

(2) Có tham khảo Ngô Quốc Quýnh, Thử tìm hiểu tâm sự Nguyễn Du qua Truyện Kiều, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội, 2010.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy