Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:55 (GMT +7)

Về một lễ hội kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ

VNTN - Trong nhiều điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên, có một nơi hàng năm diễn ra đều đặn lễ kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ do chính quyền, nhân dân địa phương tổ chức. Đó là lễ hội di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu ở xóm Giếng, làng Vân Dương, xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên.


Đền Mẫu ở xã Hồng Tiến là ngôi đền cổ có từ xa xưa, cho đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định ngôi đền có từ bao giờ, song qua khảo sát bằng chứng vật chất các di tích ở làng Vân Dương cho biết cụm đền, đình, chùa, nghè Vân Dương trong đó có đền Mẫu đều được xây dựng từ thời hậu Lê, tu bổ tôn tạo thời nhà Nguyễn và được phục hồi lại vào thời gian gần đây. Đền Mẫu được nhân dân xây dựng ở ven đồi thuộc làng Vân Dương, tại đây những năm khoảng 1960 -1985 nổi tiếng với Đồi thông Vân Dương xanh ngắt tạo phong cảnh sơn thủy, hữu tình và đã đi vào thơ ca dân gian của nhân dân địa phương. Đền Mẫu nằm trên trục đường liên xã ở vị trí thuận lợi về đường đi, từ địa bàn xã Lương Sơn đi qua xã Hồng Tiến, từ đền Mẫu ra đường Quốc lộ 3 chưa đầy 1 km.

Bác Hồ ngồi nghỉ dưới gốc thông làng Vân Dương xã Hồng Tiến (Phổ Yên) ngày 01/01/1964.   Ảnh: TL

Trưa ngày 01/01/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp về thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên, trên đường về Hà Nội Bác đã vào thắp hương ở đền Mẫu và nghỉ chân ăn cơm tại đồi Vân Dương. Đi cùng với Bác Hồ còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Vũ Xuân Tứ, Trưởng công an huyện Phổ Yên. Chứng kiến sự kiện lịch sử này hiện nay còn có nhiều nhân chứng như: cụ Nguyễn Thị Nhi (80 tuổi) nguyên là công nhân vườn ươm thuộc Công ty Giống cây trồng Bắc Thái - đơn vị đóng tại khu vực đền Mẫu, cụ Trần Văn Phụng (84 tuổi) nguyên là thầy giáo người làng Vân Dương, cụ Dương Văn Chinh (80 tuổi) nguyên là Bí thư xã.

Các cụ cho biết, Bác Hồ mặc áo lụa màu gụ bên ngoài khoác áo ka ki màu trắng, đầu đội mũ cát màu trắng, chân đi đôi dép cao su. Vào đền Mẫu thắp hương xong, Bác xuống ngồi cạnh gốc thông lớn ăn cơm và nghỉ trưa ở đó. Sau đó Bác xuống thăm nhà trẻ vườn ươm. Bác hỏi thăm các cán bộ, công nhân. Bác khen ngợi cán bộ công nhân ở vườn ươm chăm sóc cây tốt lắm. Bác cũng căn dặn các cháu phải tiết kiệm từng que diêm. Thăm nhà trẻ mẫu giáo, Bác hỏi thăm, nói chuyện với các cô, các cháu. Bác lấy kẹo ở trong chiếc mũ chia cho các cháu nhỏ và không quên gửi cả kẹo cho các cháu vắng mặt ngày hôm ấy. Sau đó đồng chí Hoàng Cầm lên báo cáo Bác ra xe ô tô về thăm làm việc với đơn vị Sư đoàn 312.

 Hình ảnh Bác Hồ thăm đền Mẫu, thăm Vườn ươm luôn còn in đậm trong trái tim của mỗi người dân xã Hồng Tiến. Trong khoảng khắc thiêng liêng diễn ra sự kiện lịch sử ấy, một phóng viên nhiếp ảnh đi cùng với đoàn đã chụp được bức ảnh Bác Hồ ngồi dưới gốc cây thông ở làng Vân Dương. Bức ảnh vô cùng sinh động đã diễn tả được hình ảnh phong thái ung dung, tự tại của Bác:“Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút/ Trán mênh mông thanh thản một vùng trời” (Tố Hữu). Bức ảnh lịch sử này cũng được in phóng to treo trong đền Mẫu cạnh bàn thờ Bác, khẳng định ý nghĩa giá trị lịch sử sự kiện gắn với ngôi đền nơi in dấu chân Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, vị lãnh tụ vô vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, người đã đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho toàn thể dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Ngày 19/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác Hồ, lãnh đạo tỉnh đã về thăm đền và trồng cây đa lưu niệm.

Ngày Bác Hồ về thăm đền Mẫu cũng là lần cuối cùng trong đời Bác Hồ về thăm và làm việc với tỉnh Thái Nguyên. Sau ngày Bác mất, nhân dân xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên càng luôn ghi nhớ về công ơn của Bác Hồ đối với địa phương. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Hồng Tiến đã quyết định lấy ngày 19 tháng 5 dương lịch hàng năm là kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, là ngày lễ hội trọng đại của di tích đền Mẫu. Đây là một trong rất ít những nơi lấy ngày sinh của Người để tổ chức lễ hội. Làng Vân Dương là một làng xã có bề dày về lịch sử văn hóa và truyền thống cách mạng, nhân dân luôn có lòng ngưỡng mộ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đền Mẫu đã được UBND tỉnh quyết định xếp hạng là di tích lịch sử từ năm 2010 và dựng bia ghi sự kiện, tôn tạo công trình phụ trợ phát huy giá trị di tích. Năm 2011, đền tiếp nhận tượng đồng Bác Hồ do lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên công đức.

Một lễ hội rước ảnh tôn vinh Bác Hồ của nhân dân Thái Nguyên.

Trong ngày diễn ra lễ kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ tại đền Mẫu, dân làng tổ chức biện lễ đúng theo nghi thức truyền thống có đủ hương, hoa, trà, quả, thực. Phần lễ được thực hành trang nghiêm, thành phần tham dự có đại diện Đảng bộ, chính quyền địa phương, các cụ cao tuổi, các tổ chức đoàn thể xã hội của các xóm làng Vân Dương. Đoàn đại biểu dâng lễ Bác Hồ gồm một mâm lễ mặn đầy đủ hương, hoa, rượu, nước, nến đặt trước tượng đồng Bác Hồ trong đền, đại diện Ban Tổ chức đọc bài văn báo công với Bác Hồ: Trong dịp lễ sinh nhật của Người, Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã Hồng Tiến, thị xã Phổ Yên tưởng nhớ đến Người, cầu Người phù hộ cho quốc thái, dân an, dân khang, vật thịnh, cán bộ, nhân dân, con cháu công tác, học tập tiến bộ, nhân dân được mùa bội thu, trồng trọt, chăn nuôi phát triển. Phần hội diễn ra các trò chơi văn nghệ thể thao được tổ chức tại sân lễ hội cạnh đền, khách thập phương cũng đến lễ rất đông.

Làng Vân Dương là một trong những làng cổ còn bảo tồn gìn giữ nhiều di tích như đình, chùa, nghè cổ, nhà cổ, rừng cò; phong tục, lễ hội truyền thống như lệ “ông 59” được luân chuyển giữ sắc phong của làng, đặc biệt lễ hội kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ ở đền Mẫu vào ngày 19/5 hàng năm.

Lễ hội đền Mẫu kỷ niệm ngày sinh nhật Bác đã đi vào tâm thức nhân dân địa phương như một lẽ tự nhiên. Tuy Bác Hồ đã đi xa ngót gần một nửa thế kỷ nhưng hình ảnh Người về thăm cán bộ nhân dân huyện Phổ Yên tại đền Mẫu như còn mãi mãi trong tâm thức nhân dân. Qua lễ đền Mẫu lễ Bác Hồ, mỗi người đều ước mong Người hiển linh sẽ phù trợ cho làng xóm, gia đình khỏe mạnh, bình an, làm ăn ngày càng tấn tới, thuận lợi. Trong mỗi người dân Người là vị thần che chở độ trì để vượt qua bao khó khăn, hoạn nạn, Người trở thành vị ân nhân của muôn dân.

Lễ hội kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ ở di tích lịch sử văn hóa đền Mẫu cần được quan tâm trong quần thể các di tích lịch sử văn hóa làng Vân Dương. Đây có lẽ là lễ hội thuộc loại lễ hội tưởng niệm danh nhân cách mạng không nhiều ở Thái Nguyên gắn với sự kiện nhân vật lịch sử vĩ đại cần được khuyến khích bảo tồn và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa hiện nay.

 

Nguyễn Đình Hưng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy