Về một kỷ vật của Bác Hồ với người dân Định Hóa
VNTN - Một sự kiện có ý nghĩa lịch sử không thể nào quên với gia đình cụ Nguyễn Văn Mạc dân tộc Tày (thường gọi là cụ then Mạc) ở xóm Làng Tả, xã Tân Dương, huyện Định Hóa, đó là vào năm 1947 cách đây vừa tròn 73 năm (1947 - 2020), trong một chuyến đi công tác, Bác Hồ đã về nghỉ tại gia đình cụ Nguyễn Văn Mạc, Bác Hồ đã tặng cụ Mạc một chiếc áo đại cán.
Ông Nguyễn Văn Ky (70 tuổi), cháu nội cụ Nguyễn Văn Mạc kể:
Vào những ngày cuối năm 1947, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tại khu Đồng Chúng, làng Tả, xã Tân Dương thuộc ATK Định Hóa, bộ đội Trung đoàn Thủ đô đã về đây đóng quân. Các anh bộ đội diễn tập, bắn đạn thật, dựng Tháp Rùa để nhớ về Thủ đô Hà Nội yêu quý. Sau đợt diễn tập các anh tổ chức liên hoan văn nghệ tổng kết đợt diễn tập. Ngày tổng kết diễn ra thật nhộn nhịp, đông vui. Các em nhỏ, cụ già ở làng Tả và các vùng gần đấy đến xem các anh bộ đội làm sân khấu, tập múa hát cả ngày. Các chị, các mẹ còn mang bánh trái, hoa quả đến biếu các anh bộ đội.
Chiếc áo Bác Hồ tặng cụ Mạc hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu I
Vào đêm tổng kết khi mọi người về nhà nghỉ hết. Đêm đã về khuya, lúc này gia đình cụ Mạc hầu hết đã đi ngủ, chỉ còn cô cháu dâu đang ngồi khâu vá trong buồng. Nghe có tiếng nói rì rầm ở dưới cầu thang rằng: “Bác với các anh lên nhà ngủ. Đây là gia đình tốt”. Khi ấy gia đình cụ Mạc có 3 người con trai đi bộ đội là Nguyễn Văn Bạch, Nguyễn Văn Bòi, Nguyễn Văn Minh (Ông Bạch, ông Bòi sau đều là cán bộ hưu ở địa phương, ông Bòi là cán bộ Tiền khởi nghĩa). Các anh bộ đội nhẹ nhàng lên nhà bấm đèn pin để mắc màn. Cô cháu dâu cụ Mạc vặn đèn to lên mang ra cho sáng để các anh dễ mắc màn. Có tiếng người nói: “Chị đi ngủ đi, đêm khuya rồi, không mang đèn ra nữa”. Hồi đó, chưa đến tháng Chạp ta mà trời đã rét nhiều. Cụ Mạc ngủ ở góc nhà thỉnh thoảng ho lên một tiếng. Càng về sáng cụ càng ho nhiều hơn. Thường ngày cụ hay dậy sớm hơn mọi người. Hôm đó cũng vậy, cụ dậy sớm nhóm bếp lửa sưởi, bắc siêu nước lên đun nước uống. Lúc này các anh bộ đội cũng đã dậy, gấp chăn màn chuẩn bị lên đường đi công tác. Thấy cụ Mạc ngồi bên bếp lửa, mình mặc chiếu áo mong manh, một “bộ đội già” liền khoác lên mình cụ Mạc một chiếc áo kiểu áo đại cán và bảo: “Cụ mặc chiếc áo này vào thêm cho ấm”. Cụ Mạc cảm động, không nói nên lời, chỉ gật gật đầu. Sau đó các anh bộ đội tạm biệt cụ Mạc và gia đình lên đường đi công tác trước lúc trời còn chưa sáng.
Từ khi được “bộ đội già” cho chiếc áo ấm cụ Mạc luôn quý trọng nâng niu chiếc áo, thỉnh thoảng những ngày rét đậm mới đem ra mặc, mặc xong thay ra lại giặt sạch sẽ cất vào hòm. Mãi về sau Thiếu tướng Lê Quảng Ba, một người giúp việc cho Bác Hồ từ những ngày đầu về nước ở tỉnh Cao Bằng có dịp qua nhà cụ Mạc chơi cho biết “người bộ đội già” ấy chính là Bác Hồ, vị Chủ tịch nước kính yêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vào năm 1953, cụ Mạc qua đời, ông Bòi đã giữ lại chiếc áo đại cán Bác Hồ đã tặng cụ Mạc. Ông Bòi mất, con ông là Nguyễn Văn Hành được gìn giữ chiếc áo đó. Đọc báo Cựu chiến binh có mục: “Tặng kỷ vật kháng chiến, kỷ vật Bác Hồ cho bảo tàng” gia đình ông Hành đã báo cáo với Hội Cựu chiến binh huyện báo cáo với Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu I. Cán bộ Bảo tàng Quân khu I đã về tận nơi xin sưu tầm chiếc áo đại cán mà Bác Hồ đã tặng cho cụ Mạc năm xưa - ghi nhận một kỷ vật của Bác Hồ, tấm lòng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu đối với đồng bào các dân tộc ATK Định Hóa trong những năm kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nhưng chan chứa tình cảm quân dân. Ông Nguyễn Văn Ky, người cháu nội cụ Mạc cùng với hai anh em là ông Hành và Thuộc đã có lần về thăm Bảo tàng Lực lượng vũ trang Quân khu I để tận mắt nhìn thấy chiếc áo đại cán của Bác Hồ, kể cho con cháu nghe về một con người vĩ đại, với tấm lòng nhân hậu, đã tặng áo ấm cho một cụ già miền núi...
Ghi theo lời kể của ông Nguyễn Văn Ky, làng Kèn, xã Tân Dương (Định Hóa).
NGUYỄN ĐÌNH HƯNG
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...