Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:18 (GMT +7)
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915

Về một chuyến đi tìm lại lịch sử

VNTN - Công tác thu thập tư liệu để biên soạn cuốn sách lịch sử “Đại đội 915 - khúc tráng ca bất tử” là một nội dung quan trọng trong kế hoạch tôn tạo, phát huy Khu di tích lịch sử 915 - một hoạt động tâm điểm của Thái Nguyên đang rất được quan tâm trong thời gian qua. Chuyến đi thực tế về Bắc Cạn của đoàn công tác tỉnh Thái Nguyên đã để lại trong chúng tôi nhiều cảm xúc, kỷ niệm sâu sắc.


Chuyến đi ý nghĩa

Tổ công tác thu thập tư liệu để biên soạn cuốn sách lịch sử “Đại đội 915 - Khúc tráng ca bất tử” của tỉnh Thái Nguyên gồm có 5 nhóm. 2 nhóm thu thập tại Thái Nguyên và 3 nhóm tại tỉnh Bắc Cạn. Tại Bắc Cạn, 3 nhóm sẽ đi theo 3 tuyến thực hiện các nội dung: khai thác, sưu tầm tài liệu, hiện vật, thông tin về các thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915; cung cấp thông tin xây dựng phim tài liệu và các tác phẩm văn học nghệ thuật tái hiện lịch sử về sự hi sinh anh dũng của các liệt sĩ Đại đội 915… Mỗi nhóm gồm 7 thành viên, do các đồng chí cán bộ chuyên trách của Ban Tuyên giáo làm trưởng nhóm. 6 thành viên khác thuộc Báo Thái Nguyên, Đài PT-TH tỉnh, Bảo tàng tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Tỉnh Bắc Cạn cũng thành lập tổ công tác gồm các thành phần tương tự đi cùng để phối hợp và hỗ trợ đoàn Thái Nguyên. Lâu lắm rồi mới có một đoàn công tác đặc biệt như vậy. Đặc biệt từ ý nghĩa, mục đích đến thành phần tham gia và cách thức tiến hành.

Gặp gỡ gia đình thân nhân liệt sĩ
Gặp gỡ gia đình thân nhân liệt sĩ

Sáng 19/4, chúng tôi có mặt tại Thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, địa phương tập trung nhiều nhất các gia đình liệt sĩ, cựu TNXP của Đại đội 915. Lãnh đạo huyện đã tổ chức hội nghị gặp gỡ với đoàn công tác để thông tin nhanh về đặc điểm địa phương và chỉ dẫn tuyến đường đi khoa học, hiệu quả nhất. Kết thúc hội nghị cũng đã hơn 10 giờ sáng, huyện có nhã ý thu xếp chỗ ở cho đoàn để nghỉ ngơi, chiều hẵng bắt tay vào việc nhưng tổ công tác xin phép từ chối mà bắt tay ngay vào việc. Với chúng tôi “thời gian là vàng”, cần phải khẩn trương không được để lãng phí thời gian, tranh thủ làm được lúc nào hay lúc đó.

Đi được 1, 2 trường hợp quay về nhà khách huyện ủy đã quá trưa. Anh em nhận phòng, cất đồ, ăn uống nhanh rồi lại tiếp tục lên đường luôn. Chẳng kịp có thời gian nghỉ ngơi, có chăng thì tranh thủ chợp mắt hoặc, gà gật một ít trên xe nhưng cứ hễ đến nơi là lại bật phắt dậy và bắt nhịp ngay với công việc. Đến tối cả 3 nhóm tập trung ở nhà khách huyện ủy để dùng cơm. Chúng tôi thuộc nhóm 3, hơn 6 giờ tối về đến nơi, cứ tưởng là về muộn nhất ấy vậy mà 2 nhóm kia còn “tham việc” và trắc trở hơn. Nhóm 1 phải đến 9 giờ tối mới quay về. Mọi người tranh thủ và nhanh 1, 2 bát cơm cho xong bữa. Ai nấy đều thấm mệt, không mấy hào hứng với “trăm phần trăm xã giao” nữa. Cơm nước xong, mỗi người lại bắt tay vào công việc riêng. Người thì hoàn thiện phiếu ghi thông tin, bóc ghi âm để tránh việc nhiều trường hợp quá nên “râu ông này cắm cằm bà nọ”, anh em báo chí thì chuẩn bị tin bài gửi về cơ quan để kịp thời tuyên truyền. Người có gia đình gọi video cho vợ con rồi cũng thiếp đi lúc nào không hay. 5 ngày tổ công tác làm việc trên Bắc Cạn đều trôi qua như vậy. Sáng sớm xuất phát, tối mới về đến chỗ nghỉ. Ai nấy đều ý thức được trách nhiệm, ý nghĩa tầm quan trọng của công việc mình đang làm.

Đoàn công tác đến gặp cựu Thanh niên xung phong Cà Thị Phương tại xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn
Đoàn công tác đến gặp cựu Thanh niên xung phong Cà Thị Phương tại xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Cạn

Những kỷ niệm khó quên

Chuyến đi này, đoàn công tác Thái Nguyên gặp được khá nhiều thuận lợi. Lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp là các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo thường xuyên quan tâm, trực tiếp lên tận nơi để hướng dẫn, chỉ bảo. Chính quyền và nhân dân Bắc Cạn hết sức nhiệt tình hỗ trợ và phối hợp để đoàn công tác hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi huyện, xã đoàn đến công tác đều cắt cử cán bộ hướng dẫn đoàn. Các đối tượng đoàn công tác gặp gỡ chủ yếu là dân tộc Tày đều rất thân thiện, cởi mở. Mỗi khi đoàn đến thì không thể thiếu một chai rượu ngon, những đặc sản quê nhà như mận, bánh gai dân tộc… đó là cách thể hiện tình cảm chân thành nhất của bà con nơi đây. Cứ như vậy, các cuộc gặp gỡ cứ thế diễn ra thật ấm cúng, thân tình.

Nhưng bên cạnh đó, đoàn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc di chuyển, đi lại. Tính sơ sơ mỗi nhóm cũng di chuyển khoảng trên dưới 300 km một ngày. Phần lớn là thời gian ngồi trên ô tô, rong ruổi trên những cung đường ngoằn ngoèo, dốc đứng trơn trượt hoặc đi bộ trên những triền ruộng, đường bùn đất. Xe thỉnh thoảng khựng lại hoặc chết lịm máy giữa lưng chừng đèo khiến thành viên trong đoàn thót tim, sơ sẩy là bay xuống vực. Mấy anh em biết lái ô tô người cứng đờ, 2 chân đạp đạp giống như đang giẫm chân phanh và chân ga “run quá nên lái giả”. Rồi những con đường bé tẹo, xe máy, máy cày của người dân thì vô tư dựng giữa đường “của nhà mình” khiến tổ công tác phải mất rất nhiều thời gian để tìm chủ nhân chúng “cầu cứu”. Nhóm số 2 bị một phen “hú hồn” nhất. Khi đi vào gặp nhân vật tại huyện Ba Bể thì gặp một đống đất đá cản đường. Còn xa mới vào được đến nơi thế là tổ công tác vào nhà dân mượn cuốc xẻng để dọn đường. Lúc quay ra đúng chỗ này, trời mưa đường trơn, xe lại bị trượt một phần 2 bánh xuống mương phải dùng dây móc buộc vào xe khác kéo lên. Cũng may mới chỉ là hai bánh chứ nếu cả xe trượt xuống đó thì có khi bị lật nhào.

Đấy là với những đoạn đường ô tô còn vào được, chứ qua những đoạn đường nhỏ hoặc leo lên đồi cao thì đành chịu. Đoạn nào tàm tạm thì mượn xe máy để đi, còn xấu quá thì đành cuốc bộ. Cứ mỗi lần như vậy các chị em phụ nữ lại vất vả vô cùng vì không quen. Cậu em út trong đoàn tên Dũng quay phim ở Đài PT-TH thì mồ hôi nhễ nhại bởi cậu vác theo máy quay và chân máy nặng sơ sơ 12 kg. Thế nhưng tinh thần đoàn công tác chẳng hề giảm xuống. Dọc đường “hành quân” chỉ là những tiếng cười giòn tan do những câu chuyện hài, giọng kể tếu táo của các thành viên vui tính trong đoàn “chế” ra.

Ngày nghỉ cuối tuần, đoàn công tác vẫn hăng say với công việc. Thứ bảy, chúng tôi về xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể để gặp ông Lý Nguyên Bảo em liệt sỹ Lý Nguyên Thanh. Đồng chí Phó chủ tịch xã Hoàng Văn Tuệ cho hay: “ông Bảo là người dân tộc Dao, chủ yếu sống ở lán trên đồi. Từ trung tâm xã lên đó khoảng 4km nhưng là leo đồi. Mọi người trong đoàn không quen nên xã có thể triệu tập bác ấy xuống để thu thập thông tin”. Trưởng nhóm Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Báo chí Tuyên truyền Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy từ chối thẳng thừng ngay. “Chỉ cần gặp được thì bằng bất cứ cách nào chúng tôi cũng sẽ trực tiếp đến nơi. Dù có khó mấy thì cũng đi, đây là trách nhiệm của chúng tôi”. Nghe nói vậy anh Tuệ cảm kích lắm “thật ra tôi muốn thử lòng đoàn công tác các anh thôi. Không ngờ các anh nghiêm túc và trách nhiệm như vậy”. Rồi anh Tuệ nhiệt tình chuẩn bị 5 chiếc xe máy, triệu các anh em đoàn thể trong xã đưa chúng tôi lên bản người Dao ở trên đồi. Quả thật, con đường này cũng thật độc đạo, đường xi măng đấy nhưng rộng vỏn vẹn khoảng 40 phân! Nếu không phải dân bản địa thì chắc bò mãi cũng chẳng lên được đến nơi.

Dù đã tính toán kỹ trước những vấn đề sẽ phát sinh nhưng đến lúc đi thực tế thì mới thấy thật khó lường được hết. Phần lớn những thân nhân liệt sĩ đều là người dân tộc thiểu số. Người sống ở lán xa nhà nên phiếu điền thông tin mà tỉnh Thái Nguyên gửi đến trước đó một tuần bị chậm, chưa kịp điền đầy đủ. Thân nhân là em, cháu còn rất trẻ nên không thể nắm được nhiều thông tin. Mẹ, anh chị của liệt sĩ thì đã quá già lại không biết tiếng phổ thông, không biết viết chữ và có người thì bị lãng tai. Lúc này chúng tôi lại phải nhờ cậy đến bà con xung quanh làm phiên dịch. Tìm hiểu hết các thông tin qua họ hàng, hàng xóm, kiên trì khơi gợi lại kí ức trong họ. Với phương châm “Có thể làm chậm nhưng bằng mọi cách phải thu thập được đầy đủ thông tin, và thông tin đó đều phải là xác thực”.

Việc thu thập các di vật, hiện vật, ảnh chân dung liệt sĩ thì quả thực còn khó khăn hơn. Theo phong tục của những người dân tộc nơi đây, khi con chết trẻ, chưa lập gia đình thì sẽ hỏa táng hết các đồ đạc. Và cũng đã hơn 40 năm trôi qua, trải qua nhiều thăng trầm, biến cố gia đình, những đồ đạc còn sót lại quả thực rất hiếm hoi. Rất nhiều liệt sĩ chúng tôi tìm đến ban thờ chỉ có duy nhất là bằng “Tổ quốc ghi công”. Chính gia đình của các liệt sĩ cũng rất khổ tâm vì điều này, họ vẫn đang từng ngày tìm kiếm, dò hỏi bạn bè liệt sĩ với hy vọng có thể tìm được thứ gì, vật dụng gì đó liên quan.

Mỗi nhân vật, mỗi gia đình thân nhân là một câu chuyện khác nhau nhưng đều để lại trong chúng tôi những cung bậc cảm xúc khó tả. Từ ngậm ngùi khi nghe những câu chuyện về các liệt sĩ, rồi đến sự cảm phục họ, những con người nhỏ bé đã góp phần làm nên lịch sử của đất nước. Các TNXP Đại đội 915 khi lên đường làm nhiệm vụ, họ đều còn rất trẻ, mới chỉ ở độ 18, đôi mươi. Họ là những đoàn viên, thanh niên ưu tú, là niềm hy vọng lớn của gia đình. Khi đất nước lâm nguy, họ bỏ lại cả tuổi thanh xuân, tương lai của mình, thậm chí là người thân để cống hiến cho đất nước. Có rất người tự nguyện xin đi, có người đi thay cho anh, chị trong nhà, người lại được xã cử hoặc chơi thân với nhau cùng chí hướng… nhưng trên hết mục đích cuối cùng vẫn là vì Tổ quốc.

Để lại nhiều cảm xúc hơn cả đối với chúng tôi là cuộc trò chuyện cùng các Cựu TNXP may mắn còn sống sót sau trận ném bom chiều tối ngày 24/12. Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng những gì họ cùng các đồng đội đã phải trải qua ngày hôm đó mới chỉ như ngày hôm qua. Những vất vả, mất mát của họ cùng các đồng đội cứ thế hiện ra qua lời kể chân thực và xúc động. Với họ, những đặc điểm như tên tuổi, quê quán, khuôn mặt, giọng nói của các đồng đội thân thiết cùng tiểu đội ngày đó sẽ mãi mãi không bao giờ quên. Những cựu TNXP may mắn sống sót đều đã có tuổi, có người không còn khỏe mạnh nữa. Mỗi khi trái gió trở trời, có mưa giông sấm sét, gió to thì những kí ức đau buồn của ngày định mệnh đó lại ùa về, hình ảnh các đồng đội lại tràn ngập trong tâm trí họ…

Trao quà và gặp gỡ hai cựu Thanh niên xung phong của Đại đội 915
Trao quà và gặp gỡ hai cựu Thanh niên xung phong của Đại đội 915

Và còn rất nhiều những câu chuyện khác, mang đầy tính nhân văn. Những đôi “trai tài, gái sắc” đã hẹn ước cùng nhau nhưng vì chiến tranh mà phải tạm gác lại chuyện tình cảm. Người con trai lên đường nhập ngũ, còn cô gái thì đi TNXP. Họ cùng đóng quân ở Thái Nguyên nhưng chẳng thể gặp được nhau dù một lần. Rồi anh phải đi chiến đấu ở xa và mất liên lạc từ đó. Vài năm sau, anh xin được đơn vị nghỉ phép hơn chục ngày để về tổ chức đám cưới thì mới hay tin hôn thê của mình đã hy sinh. Chán chường, anh ở với bố mẹ được 2,3 hôm rồi quay lại đơn vị luôn. Anh đã lập gia đình khác và có những người con đã trưởng thành nhưng cả gia đình nhỏ của anh vẫn luôn coi gia đình cô như những người ruột thịt…

Bên cạnh những câu chuyện, chúng tôi cũng ghi nhận lại những hoàn cảnh, những mảnh đời không thật sự được may mắn. Họ cống hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước nhưng khi về xế chiều thì vẫn gặp không ít vất vả trong cuộc sống. Không ít gia đình TNXP, cựu TNXP vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Tất cả đều đã được đoàn công tác chúng tôi ghi lại một cách kĩ lưỡng. Là cơ sở để tham mưu với các cơ quan chức năng liên quan xem xét, tìm cách hỗ trợ.

Ở trong đoàn tôi được đoàn mệnh danh là người “độc ác” nhất bởi cứ mỗi khi tôi hỏi để tìm hiểu thông tin thì không ít nhân vật đã không thể kìm nén được cảm xúc mà khóc nấc lên từng tiếng. Lúc đó quả thực tôi thật sự cảm thấy mình có lỗi, đành phải tạm lái sang chuyện khác. Nhưng cũng thật khó để không nhắc lại những câu chuyện đó, bởi đó là trách nhiệm của chúng tôi. Đó là nguồn tư liệu quý giá để viết thành sách, bài báo, phim lịch sử tuyên truyền. Chúng sẽ là lời tri ân sâu sắc đối với các Liệt sĩ Đại đội 915 anh hùng và họ sẽ sống mãi trong tim mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng tôi.

Anh Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước