Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
18:51 (GMT +7)

“Về đường này thăm sóc Bom Bo”

VNTN - “Người đi xa vắng rồi cũng có ngày, về đường này thăm sóc Bom Bo. Lại nghe tiếng chày, nhịp nhàng trên sóc Bom Bo”. Âm hưởng và ca từ bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” của nhạc sỹ Xuân Hồng cứ văng vẳng bên tai tôi suốt nửa thế kỷ qua, thôi thúc một lần qua đường này thăm sóc Bom Bo, thăm đồng bào S'tiêng anh hùng, đắm mình trong giai điệu giã gạo chày đôi...

Vừa qua trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo Hội Nhà báo Bình Phước, đoàn Hội Nhà báo Việt Nam chúng tôi ngỏ ý muốn tới thăm huyện Bù Gia Mập, thăm di tích điểm cuối của đường ống dẫn dầu từ Bắc vào Nam trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại; thăm sóc Bom Bo nổi tiếng. Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Bình Phước - tiến sỹ Nguyễn Thị Nhâm cho biết: Để chủ động trong quản lý hiệu quả cũng như tìm cán bộ người địa phương quản lý di tích sóc Bom Bo, tỉnh giao về huyện Bù Đăng quản lý toàn diện. Tiến sỹ Nhâm nhấc máy gọi cho chị Điểu Hà Hồng Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng nói có đoàn Hội Nhà báo Việt Nam qua thăm. Thế là chúng tôi lên đường...

 

Đồng bào Bom Bo trong kháng chiến chống Mỹ. Nguồn: tinhuybinhphuoc.vn

Quốc lộ 14 chạy dọc Tây Nguyên, đi từ phía Nam lên đến huyện Bù Đăng của Bình Phước, rẽ trái 12 km sẽ tới sóc Bom Bo. Tiếp chúng tôi tại văn phòng Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo có quản lý Ngô Duy Hiển; Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phước Sơn (một xã lân cận), Hồ Thị Ngát, chị cũng chính là vợ của anh Phạm Anh Tuấn, Phó phòng văn hóa Bù Đăng, phụ trách Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo; và Điểu Cóc, chàng trai dân tộc S'tiêng nhân viên của khu bảo tồn... Sau ngày thống nhất 1975, anh Hiển không về quê Hà Tây mà ở lại với dân phum sóc nam Tây Nguyên.

Anh Hiển kể:

- Đến những năm sáu mươi, Bom Bo thuộc Tiểu khu Thủ Dầu Một. Nơi đây là quê hương của đồng bào S'tiêng, cần cù lao động, có tấm lòng yêu nước và luôn giúp đỡ cách mạng. Có lần đoàn cán bộ do Xứ ủy Nam Kỳ và Tỉnh ủy lâm thời Phước Long tập kết về đây và được đồng bào đùm bọc. Lúc ấy, có bao nhiêu gạo, đồng bào gửi nuôi bộ đội, đồng bào ăn củ rừng, rau lá bép, lá nhíp, đọt mây. Cán bộ mỗi người chỉ được nửa lon gạo một này cho nên căn cứ Bom Bo còn một tên gọi khác là “Căn cứ Nửa Lon”... Đặc biệt, những năm 1964, 1965, phong trào phá ấp chiến lược của Mỹ, Ngụy diễn ra ác liệt. Đêm 10 - 5 - 1965, ta đồng loạt tấn công địch ở Đồng Xoài, Phước Long. Đồng bào Bom Bo vừa trực tiếp chiến đấu, vừa làm hậu cần. Dân làng Bom Bo ngày lên rừng, lên rẫy làm nương, tối về đốt đuốc giã gạo, chỉ trong 3 ngày đêm được 5 tấn nuôi giải phóng quân. Thành tích ấy, tấm lòng ấy được ghi lại và ngày 28-4-2000, Bom Bo vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Về Bom Bo hôm nay là về với những giá trị lịch sử và văn hóa đã được lịch sử ghi nhận. Công lao của đồng bào với cách mạng thì chỉ nghe bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” là thấy hết tấm lòng đồng bào S'tiêng , còn văn hóa, phải đến đây mới thấy hết.

Bên di tích của sóc Bom Bo

Chàng trai Điểu Cóc đưa đoàn thăm toàn bộ khu bảo tồn. Khu này có tổng diện tích 114 ha, có vốn đầu tư giai đoạn 1 là gần 105 tỷ đồng. Sau gần 5 năm xây dựng, ngày 16-10-2015, Bom Bo tổ chức khánh thành giai đoạn 1 gồm giải phóng mặt bằng, công trình sân lễ hội và hệ thống điện, nước, nhà đón tiếp, các nhà dài truyền thống dân tộc S'tiêng, 4 nhà làng nghề truyền thống, 8 căn nhà cấp cho gia đình có công với cách mạng, già làng, các nghệ nhân... Khu trưng bày giới thiệu lịch sử, phong tục tập quán, văn hóa dân tộc; khu phục dựng hình tượng các cô gái S'tiêng và bộ đội giải phóng trong những đêm giã gạo chày đôi bên ánh lửa lồ ô bập bùng... Điểu Cóc bảo:

- Sắp làm giai đoạn 2 rồi. Có cả tượng nhạc sỹ Xuân Hồng.

Chị Hồ Thị Ngát thì tâm sự:

- Điểu Cóc nó vui cũng như đồng bào S'Tiêng vui. Họ rất biết ơn cố nhạc sỹ Xuân Hồng đã tôn vinh họ, làm cho Bom Bo xa vắng trở thành địa danh lịch sử không mấy người Việt Nam không biết, mà cả khách quốc tế giờ cũng biết.

Nhấp chén rượu “đồng bào” Bom Bo biếu, gắp những ngọn rau rừng vừa hái làm cơm đãi khách xa bữa trưa, ông Hiển chia sẻ:

- Bù Đăng có cây điều là cây chủ lực, 16 xã, thị trấn đều làm điều. Nhưng năm nay điều mất mùa, có đến nửa số xưởng sản xuất điều đóng cửa. Kinh tế gặp lúc khó khăn. Cả đời người đi đánh giặc rồi ở lại với đồng bào, tôi luôn bên họ, lúc khó khăn, lúc thuận lợi. Tôi luôn thấy người S'tiêng một lòng tin Đảng, theo Đảng. Ông mơ về một giải pháp nào đó “căn cơ” được Nhà nước dành cho mảnh đất nam Tây Nguyên này.

Sau giải phóng, người dân sóc Bom Bo vẫn ở lại, chủ yếu ở căn cứ Nửa Lon. Ngày 4-7-1988, Chính phủ quyết định tái lập huyện Bù Đăng, sóc Bom Bo thuộc về xã Đăk Nhau. Ngày 28-12-1997, chính phủ quyết định thành lập xã Bom Bo, sóc Bom Bo tên là xóm 1. Thế rồi từ tháng 5-2008, sóc Bom Bo nằm trong xã Bình Minh. Cho dù thế thì chúng ta vẫn thấy một Bom Bo của lịch sử hôm nay đang là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Với tôi, rời Bom Bo trong lưu luyến với các cô gái, chàng trai S'tiêng vẫn thấy tự hào là người “Dù nơi xa vắng rồi cũng có ngày, về đường này thăm sóc Bom Bo”.

Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy