Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
20:54 (GMT +7)

Văn nghệ Thái Nguyên trong tôi

VNTN - Một trong những điều tôi cho là may mắn của đời mình, ấy là tôi đã từng tới Thái Nguyên. Rồi được tiếp xúc với những đồng nghiệp ở Hội Văn học nghệ thuật và báo Văn nghệ Thái Nguyên, được họ coi là bạn bè, được quyền khen và chê một cách không cần nhìn trước ngó sau. Và cũng là người chứng kiến những thăng trầm của tờ báo này dù cách xa nhau cả ngàn cây số.

 

 

Nhà thơ Văn Công Hùng

Tôi có 40 năm làm tạp chí văn nghệ cấp tỉnh. Thời tôi làm người ta mặc định, văn nghệ cấp tỉnh là tạp chí. Hình như chỉ có 3 tờ báo là Người Hà Nội, Hạ Long và Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Các Tạp chí Văn nghệ địa phương thời ấy đa phần là lấy Tạp chí Văn nghệ quân đội làm hình mẫu để theo từ khuôn khổ tới cách phân chia nội dung...

Tạo sao lại như thế? Đơn giản vì, đa phần các tạp chí hồi ấy là 3 tháng một số, rồi 2 tháng rồi 1 tháng. Tờ Tạp chí tôi làm một thời cũng được yêu mến, cũng "này nọ" lắm, thế mà phấn đấu mãi mới xuống được một tháng một số, và là tờ hiếm hoi trên cả nước có dùng chữ chạy ngay bìa: Tạp chí phát hành ngày 15 hàng tháng.

Từ một tháng trở lên thì đương nhiên phải là tạp chí, báo mà một tháng một số nó chả ra báo nữa, tính báo không còn, chí cũng không có, thế nó là cái gì? Là người ta, cả tôi, mặc định thế.

Thế rồi một ngày đẹp trời, có thêm một tờ báo trong làng văn nghệ cấp tỉnh, là Văn nghệ Thái Nguyên.

Và tất nhiên, ban đầu nó cũng phải ra một tháng một số. Một số 8 trang.

Và tôi cũng là người... cười khẩy. Bởi nếu tôi nhớ không nhầm, các tờ báo kia cũng tháng một số nhưng dầy hơn, tức số trang nhiều hơn. Chứ một tháng có 8 trang báo thì in được những gì trong ấy? Và thông tin thì cập nhật thế nào?

Thế mà rồi, báo Văn Nghệ Thái Nguyên cứ lừ lừ tiến, trở thành thương hiệu. Từ 2014 tới hết 2020 nó đã là tuần báo. Hiện tại, Việt Nam ta đang có mấy tờ Văn Nghệ tuần báo là báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, tờ Người Hà Nội (cũng mấy phen chìm nổi), tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và tờ Văn nghệ Thái Nguyên.

 

 

Mọi so sánh đều khập khiễng, nhiều người nói thế nên tôi chả dại so sánh, nhưng có một thực tế là, rất nhiều nhà văn nhà thơ nhà báo coi việc được xuất hiện ở Văn nghệ Thái Nguyên là vinh dự.

Tôi cũng thế. Từ lâu rồi chứ không phải bây giờ.

Bởi nó được đánh giá nhìn nhận đúng.

Nó có một thực tế như thế này, ở các hội Văn học Nghệ thuật và các báo/tạp chí Văn nghệ cấp tỉnh ấy, không phải nơi nào cũng như nơi nào. Có nhiều nơi hội viên thì yếu, các cây bút hiếm và quan trọng, người cầm trịch, tức người làm chuyên môn ấy, cũng yếu nốt, nên những hoạt động ở đấy nó ngang... câu lạc bộ.

Tôi nhiều lần tự thấy, làm báo chí văn nghệ cấp tỉnh, nó có một điều đặc thù là, muốn làm cán bộ biên tập phải hội đủ ít nhất 2 điều kiện: Tốt nghiệp đại học văn chương và hai là có khả năng sáng tác (các báo khác thì phải tốt nghiệp trường báo). Người làm báo chí văn nghệ, ngoài việc phân biệt đúng sai như các báo khác, điều quan trọng và khu biệt là phải biết nhận xét hay dở xấu đẹp. Đây chính là điều tiên quyết, chính vì các yếu tố này mà rất khó tuyển người giỏi về làm báo/chí văn nghệ.

Thái Nguyên, may thay, có một đội ngũ làm báo khá vững nghề.

Mỗi báo có một đặc trưng riêng, sự khó khăn riêng. Báo văn nghệ cũng có sự khó của nó. Văn nghệ của Hội Nhà văn, dân ta hay quen gọi là Văn nghệ trung ương, là đầu tàu, là ngôi đền thiêng, với đầy đủ mọi thiên thời địa lợi nhân hòa mà hiện tại cũng rất lao đao, huống gì văn nghệ cấp tỉnh, vừa thiếu vừa ràng buộc đủ thứ?

Trước hết, nó phải làm phong trào. Nói gì nói, nó phải in tác phẩm của anh chị em hội viên, phát hiện và bồi dưỡng các cây bút mới, trẻ.

Rồi nó phải phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Cái này là một điều gì đấy rất mơ hồ.

Rồi nó phải làm chức năng thông tin Văn học Nghệ thuật.

Rồi phải phục vụ bạn đọc. Bạn đọc không cần biết tác giả này có phải hội viên hay không, tác phẩm này có phải phục vụ hay không, cái họ cần là, hay và đẹp.

Thế nhưng nó lại không phải là báo đơn thuần, vì nếu anh sa vào báo thì không thể cạnh tranh với các báo ngày và nó sẽ chết ngay, vì đấy không phải việc của báo chí văn học nghệ thuật. Tính báo chí là ở chỗ anh phát hiện ra các vấn đề văn học nghệ thuật, phát hiện ra các tác giả mới, phát hiện ra các tác phẩm hay...

Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã xử lý hài hòa được các "khối mâu thuẫn" ấy, tất nhiên không phải đã hoàn toàn tốt đẹp, nhưng để nó là một tờ báo được bạn viết tin cậy, bạn đọc đánh giá cao, thì trong thời buổi bây giờ, thiết tưởng cũng không thể đòi hỏi hơn?

Thời buổi bây giờ là gì? Là sự cạnh tranh khốc liệt giữa báo chí chính thống và "báo chí công dân", tức mạng xã hội. Mỗi cá nhân có thể là một tòa báo, mà tin lại hot, lại tươi. Là sự chiến đấu với thói quen "lười đọc" xuất hiện ở thời công nghệ số. Báo chí thời sự, xã hội còn phải phát triển thành đa phương tiện, làm sao phục vụ cao nhất nhu cầu nhanh gọn và cả... lười của con người hiện đại. Báo chí văn nghệ thì rất khó để làm việc này. Thơ, truyện... đọc là phải có thời gian, phải nghiền ngẫm vân vân các loại. Các tờ báo giỏi là phải biết cách bày ra một mâm cỗ để bạn đọc không ngán. Món này hỗ trợ món kia, mỗi món lại có gia vị khác nhau, cách bày mâm khác nhau, cách chủ nhà xoa tay mời khách khác nhau. Tôi ví dụ, hồi nhà văn Nguyễn Quang Lập với nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường làm tạp chí Cửa Việt, mời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm thơ và minh họa. Ngoài việc minh họa rất đẹp thì ở các chùm thơ, anh Tạo thường có cái sapo rất dễ thương. Nhiều người bảo, đọc sapo có khi thích hơn đọc cái mà sapo ấy giới thiệu. Tôi học những điều ấy từ các đàn anh, sau này rất chú ý tới những tiểu tiết, trong đấy có viết sapo. Mới nhất đọc cái giới thiệu Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên trên fb, tôi nhắn tin góp ý với một "vip": Giới thiệu chưa sinh động, lặp chữ nhiều (số này/ kỳ này), có thể viết dí dỏm hơn không, nó sẽ hợp với không khí online?

Báo chí văn nghệ đăng các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng nó không phải là tập sáng tác như cái thời lâu lắm rồi, các sở, ty Văn hóa hay có các tập "Sáng tác mới", mà nó phải mang đậm tính báo chí chuyên nghiệp, các tác phẩm trong ấy phải là những tác phẩm hay, tác phẩm phong trào để cho các tập san câu lạc bộ đảm trách. Tính địa phương của tờ tạp chí cần được xác định. Nền văn nghệ chung của nước nhà đã có những tờ báo chuyên ngành trung ương lo, báo chí văn nghệ địa phương phải có bản sắc riêng của vùng đất mình để góp vào nền báo chí chung thành một vườn hoa muôn sắc. Nhưng không phải như thế là sẽ bế quan tỏa cảng, bởi bạn đọc không cần biết điều ấy, mà điều họ cần là tác phẩm phải hay, phải thú vị. Vậy nên nó mới sinh ra ban biên tập, như người đầu bếp giỏi, có "của nhà giồng được", có thực phẩm nhập khẩu. Ngoài tác phẩm văn chương nghệ thuật thì mục văn hoá cũng rất quan trọng. Văn nghệ Thái Nguyên làm rất tốt việc này, cầm tờ báo là thấy cả vùng đất hiện ra. Nó khiến cho báo Văn nghệ Thái Nguyên khác các  tỉnh khác, không lẫn vào nhau khi mà tỉnh thành nào bây giờ cũng có một tờ tạp chí Văn nghệ. Khai thác bản sắc văn hoá vùng miền, cái đặc sắc của văn hoá bản địa, viết giỏi, đào sâu... cũng sẽ rất hấp dẫn.

Cũng là người từng làm báo chí văn nghệ cấp tỉnh, tôi đánh giá rất cao những gì báo Văn nghệ Thái Nguyên đã làm được, nhiều điều tôi mơ cũng không tới. Và tôi thích không khí làm việc ở đây, sự tôn trọng ủng hộ nhau, sự chịu khó tìm tòi vì cái chung, sự nhìn rất thoáng về những vấn đề rất dễ cục bộ (ví dụ sự cân đối bài vở tác giả địa phương/ ngoài tỉnh, sự hài hòa giữa vấn đề thời sự và cái nhìn sâu của nghệ thuật, tính định hướng vân vân...).

Cái cuối cùng còn lại của một dân tộc chính là văn hóa. Hạt nhân tinh túy của văn hóa chính là văn học nghệ thuật. Báo chí văn nghệ có thể không cạnh tranh thông tin với các phương tiện khác, kể cả... mạng xã hội, nhưng nó chính là chiều sâu văn hóa của dân tộc, của con người. Nó giúp con người lắng lại tâm hồn giữa cuộc đời vô cùng náo động và hiện đại hôm nay. Nó chính là cái làm nên bản sắc dân tộc, là cơ sở để phân biệt con người này với con người khác, dân tộc này với dân tộc khác trong thời buổi toàn cầu hóa hiện nay. Nó góp phần lưu giữ phần Người nhất trong mỗi con người hiện đại hôm nay. Cùng các loại hình báo chí khác, nó vất vả chống chọi giành giật người đọc với các phương tiện hiện đại khác, nhưng nó là phần không thể thiếu trong việc định hình nhân cách và phẩm chất văn hóa của mỗi con người. Con người sẽ không chết khi không có văn học nghệ thuật và báo chí văn nghệ, nhưng con người sẽ rất nghèo nàn và khập khiễng, sẽ có những khiếm khuyết về tâm hồn nếu không được tắm mát bằng các tác phẩm văn chương nghệ thuật và các tác phẩm báo chí dạng văn chương nghệ thuật.

Nhưng muốn như thế, lại cần phải có bạn đọc. Cái vòng tròn ấy nó luôn bắt những người làm báo chí văn nghệ phải động não, phải tư duy hàng ngày để luôn sản xuất ra những sản phẩm tốt. Báo, giờ là Tạp chí, Văn nghệ Thái Nguyên đang là một sản phẩm được yêu mến. Sáng nay tôi ngồi uống cà phê với một số nhà văn trẻ ở Pleiku, và các bạn ấy đều kể về Văn nghệ Thái Nguyên với thái độ trân trọng, cả với tư cách bạn đọc và tư cách người viết...

Nhà thơ Văn Công Hùng

(Nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy