Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
09:52 (GMT +7)

Văn nghệ sĩ và thị xã Thái Nguyên những năm đầu kháng chiến chống Pháp

VNTN - Trước khi là một thành phố, tỉnh lỵ tỉnh Thái Nguyên là một thị xã - thị xã Thái Nguyên.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thị xã Thái Nguyên có một vị trí đặc biệt: vừa là “vai trò một đội du kích canh gác cửa ngõ Việt Bắc”, vừa là “một nhân viên tiếp tế cho cả ngược và xuôi” (lời đồng chí Trường Chinh năm 1948).

Nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và các văn nghệ sĩ kháng chiến đã qua lại đây và ghi lại những dòng lưu bút trong cuốn sổ vàng của Ủy ban kháng chiến hành chính Thị xã lúc bấy giờ.

Trong phạm vi bài viết này, chỉ xin giới thiệu những suy nghĩ và tình cảm của một số văn nghệ sĩ tiêu biểu qua những dòng lưu niệm của họ.

Năm 1947

Định Hóa của Thái Nguyên được chọn là vùng ATK (An toàn khu). Thị xã Thái Nguyên đã thành cửa ngõ của chiến khu Việt Bắc.

Thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến”, hơn bốn trăm ngôi nhà ngói đã bị phá đổ; đường bị sẻ thành những hố sâu; cầu Gia Bẩy đã bị đánh chìm xuống dòng sông Cầu... Đến giữa năm, thị xã Thái Nguyên khang trang, xinh đẹp trước kia, nay chỉ còn là những đống gạch vụn. Người già, trẻ em tản cư hết.

Ngay từ trước khi các cơ quan văn nghệ Trung ương chuyển về Đại Từ, Định Hóa, hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi đi kháng chiến (trừ một số người hoạt động ở trong Nam) đều đã dừng chân ở thị xã Thái Nguyên.

Đến Thị xã, nhất là nghỉ qua đêm tại đây, trong cảnh phá hoại triệt để, các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ… những người vốn giầu cảm xúc, đều trào dâng trong lòng những rung động bi tráng.

Phạm Duy Nhượng tự nhận mình là “một người con nuôi” của mảnh đất này - và thực sự anh là con rể của một gia đình đã định cư tại thị xã Thái Nguyên từ lâu, về lại Thị xã sau ngày Quốc khánh đã viết bài “Thị xã Thái Nguyên thân yêu” với những lời thống thiết, hào hùng:

... Chốn thủ đô của chiến khu một hùng vĩ,

Muôn năm còn phảng phất anh linh Đội Cấn,

Ở đó tôi đã được đón cờ về

Giữa cái huy hoàng oanh liệt của khởi nghĩa

Nơi thành phố tươi đẹp

Đã hiên ngang tự hủy,

Trong một cuộc tiêu thổ cương dũng...

Trần Đình Thọ, hoạ sĩ của báo Cứu quốc Trung ương đến Thị xã, trông cảnh đổ nát, ngổn ngang thì “không biết viết gì hơn là ghi lại đây một vài nét bút tả lại cảnh phá hoại của tỉnh Thái Nguyên...”. Bức ký họa được vẽ trong sổ lưu niệm về một ngôi nhà ngói hai tầng đã bị phá đổ, còn trơ lại mấy bức tường gạch nham nhở, cạnh đó, cây bàng cứng cáp mùa thu vẫn đầy lá. Và lời đề của tác giả “cả tỉnh phá đi, rồi để xây lại một tỉnh Thái mới, huy hoàng để xứng đáng với thủ đô chiến khu I, miền đất sản sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa...”.

Cũng vào mùa thu năm 47, nhạc sĩ Phạm Duy “trên đường phụng sự Tổ quốc bằng những âm thanh” đến thị xã Thái Nguyên. Người nghệ sĩ với cây đàn đã có “nhiều dịp được phô diễn chút tài mọn” để “...sau đó lòng hăng hái hơn lên, ấm áp hơn lên...”. Một loạt ca khúc thời thượng hồi đó như “Nhạc tuổi xanh”, “Nhạc đường xa” rồi “Chiều thương binh”, “Nương chiều”... đã được Phạm Duy viết trên đường kháng chiến ở Việt Bắc và ở chính Thái Nguyên.

Còn nhạc sĩ Văn Chung, ngay trong thời điểm thị xã Thái Nguyên không còn một mái nhà ngói nào nguyên vẹn, vẫn chọn đây làm nơi nghỉ dưỡng bệnh. Văn Chung đã mô tả đất và người thị xã Thái Nguyên ngày đó như sau:

Thái Nguyên hoang tàn vắng ngắt, nhưng ngầm chứa một mãnh lực của những trai đất Thái đang luyện tập để giết giặc...  Những tiếng hô và hát từ mờ sáng đến nửa đêm đã làm tôi rộn lên những ý nghĩ kính mến...”. Nhạc sĩ cũng đã hòa mình “trong những giờ âm nhạc giữa sân phơi thóc nhà Thị xã... bao trùm giữa một trời sao sáng buổi đầu thu...” và Văn Chung đã vui suớng, cảm động: “tôi bằng lòng ở chỗ chọn đúng với nơi mình mong muốn...”.

Chỉ cách vùng địch chiếm có hơn ba mươi cây số, trong cảnh tiêu thổ tan hoang, lòng người dân Thị xã hẳn có xót xa, tiếc nuối, nhưng không hề có bi lụy và ngã lòng. Hơn thế nữa, đã biết tự mình vượt lên để đứng vững, để sống và kháng chiến. Sức sống ấy đã lan tỏa một ý chí quyết tâm giết giặc, một niềm tin tưởng ở tương lai tươi sáng ngày mai cho mỗi ai có dịp qua đây.

Năm 1948

Sau chiến thắng Thu - Đông năm 1947, cùng với sự củng cố vững vàng của chiến khu Việt Bắc, thị xã Thái Nguyên, người dân tản cư đã trở về ngày càng đông, các dãy nhà lá đã mọc lên, phố xá lại hình thành, chợ lại họp. Thị xã Thái Nguyên đã dần dần trở thành bộ mặt của “Thủ đô gió ngàn”.

Cuộc sống của một đô thị kháng chiến tuy vẫn luôn cảnh giác, khẩn trương, nhưng sự náo nhiệt, sầm uất đã ngày càng rõ nét.

Trần Hoạt - “Người sân khấu”, tháng 4 năm 1948 đến Thị xã, đã bị cuốn hút vào cuộc sống mới: “...Cái thú nhất là lúc nào cũng được thanh niên hỏi han về kịch, xin kịch, chép kịch, tất cả mọi chuyện đều kịch cả...”.

Thanh niên là những người trụ lại Thị xã, làm đủ mọi nghề để kiếm sống và tập luyện sẵn sàng chống giặc. Văn nghệ - trong đó có kịch là món ăn tinh thần của họ.

“Cái không khí đằm thắm và rất sốt sắng về kịch như thế đã khuyến khích tôi, đã bù đắp những cái gì thiếu thốn trong tôi và đã vỗ về rất nhiều một chàng kép kịch lang thang...”.

Hoàng Cầm, nhà thơ - chiến sĩ trong vòng một tháng đã hai lần đến thị xã Thái Nguyên. Lần thứ nhất, tháng 4 năm 1948, Hoàng Cầm ghi lại:

“Bên đống gạch vụn, để gửi lại Anh, tôi muốn ghi lại sức sống mãnh liệt vô cùng của dân tộc. Gạch ngói đã lên rêu, cây hoang trùm các ngõ, những mái gianh vẫn mọc, chợ họp về đêm. Bao nhiêu ngọn đèn là ngần ấy ngôi sao vàng. Sức sống thầm kín, sôi nổi đơn sơ mà không kém huy hoàng... Tôi đã nằm trong sức sống của dân tộc và tôi sẽ làm thơ, dù tôi đã làm thơ...”.

Một buổi sớm mùa hè tháng 5 năm 1948 - tháng có ngày sinh Hồ Chủ tịch, tại một quán cà phê tre lá sơ sài trên đường phố của Thị xã, Hoàng Cầm đã ngâm bài thơ do mình sáng tác nói về “nguồn sáng Hồ Chí Minh”. Bài thơ dài, xin trích mấy đoạn:

“... Hôm nay ngày mười chín

Tháng năm đang tụ về

Chúng ta đang kháng chiến

Tôi đọc thơ mình nghe

...Gần sáu mươi năm rồi

Nhớ lại ngày xa xôi

Mái gianh Nghệ Tĩnh thơm ngào ngạt

Nguồn lửa Hồ Chí Minh chảy xuống cõi đời...

...Tôi có cây bút thơ

Anh có bàn tay thợ

Anh có lưỡi cày dài

Anh có ngọn súng nhỏ

Chị có gánh ngô, khoai

Chị có lều họp chợ

Dù già, trẻ, gái, trai

Ai cũng có đốm lửa

Ấp trong lòng chan chứa

Nguồn sáng Hồ Chí Minh...”.

Nhiều hình ảnh và âm hưởng của bài thơ như cuộc sống thực của thị xã Thái Nguyên lúc bấy giờ.

Nhắc đến những văn nghệ sỹ đã qua Thị xã và lưu bút tại đây, trong năm 1948 phải kể về nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Đến Thái Nguyên vào tháng 8, lúc này cảnh và người nơi đây đã có nhiều nét mới:

“...Qua Thái Nguyên hôm nay, những căn nhà lá chen chúc, tiếng nhị một người hát sẩm - đồng bào ta, mối thù chung. Tiếng chuông một ông cụ gọi người xem ống nhòm ảnh. Tiếng ồn ào lâu ngày mới lại nghe của những đám đông. Bước chân đi những anh vệ quốc lặng lẽ. Ánh đèn hai dãy phố như sao. Bao nhiêu nét mặt cặm cụi bên ánh dầu...”. Những hình ảnh đó làm rộn lên bao tình cảm trong lòng nhà văn: “Tôi yêu dân tộc tôi quá, hiền lành, chịu thương, chịu khó, đau đớn, đùa giễu, anh dũng, yêu thương...

Những tiếng nổ liên thanh của bộ đội tập trận giả như pháo giao thừa. Bao nhiêu năm rồi, chúng ta đã xa những buổi đoàn tụ nhỏ trong một nhà để chóng đến buổi đoàn tụ lớn của dân tộc.

Ngày ấy gần rồi, ngày ấy đến nơi rồi. Tiếng pháo giao thừa đêm nay bảo thế, những nét mặt vui vẻ, tíu tít của đồng bào ngoài phố kia bảo thế... ”.

Cuộc kháng chiến mới đi được nghìn ngày, phải còn hai nghìn ngày gian khổ hy sinh nữa mới đến thắng lợi. Lòng tin tuyệt đối của nhà văn vào một chiến thắng đã đến gần, chắc chắn được làm nên một phần bởi hình ảnh của chiến sỹ và đồng bào thị xã Thái Nguyên lúc bấy giờ mà Nguyễn Đình Thi đã được tận mắt chứng kiến.

Cũng đến thị xã Thái Nguyên vào tháng 8 năm đó, ở một góc nhìn khác, kiến trúc sư Dương Hy Chấn lại có một cảm nhận của người chuyên làm đẹp cho cuộc sống. Từ khẩu hiệu chung: “Phá hoại để kháng chiến, Phá hoại để kiến thiết”, kiến trúc sư nói về thị xã Thái Nguyên:

“Hai dãy nhà lợp lá, lợp nứa sống “tạm bợ” trên những đống gạch vụn, cạnh những mảnh tường siêu “rách” ngày nay, mai đây phải là những nhà với một kiến trúc hợp với đời sống của dân tỉnh Thái thắng trận, hợp với địa thế của Thị xã trong khung cảnh của núi rừng hùng vĩ đặc biệt...”.

Kiến trúc sư hứa:

Tôi sẽ trở lại Thái Nguyên một khi tiếng súng kháng chiến toàn quốc thôi nổ, rồi sống với Thái Nguyên những ngày rộn rịp tưng bừng mai đây khi Thái Nguyên kiến thiết...”.

Không biết sau đó Dương Hy Chấn còn có dịp về Thái Nguyên để thực hiện lời hứa của mình hay không, nhưng những ý tưởng về kiến trúc, về xây dựng một đô thị mang những nét đặc sắc của trung du, miền núi thì rất đáng được những chủ nhân của thành phố Thái Nguyên hôm nay nhìn lại và suy ngẫm.

Năm 1949

Cuộc kháng chiến chống Pháp đã chuyển sang một giai đoạn mới. Thị xã Thái Nguyên tuy vẫn phải luôn đối phó với những cuộc ném bom, bắn phá của máy bay Pháp cả ngày lẫn đêm, đồng thời cảnh giác và sẵn sàng chuẩn bị mọi mặt để chống lại cuộc tấn công của địch một năm sau đó, nhưng đời sống về mọi mặt đã khởi sắc lên nhiều.

“Bút chiến đấu” - bút danh của nhà thơ trào phúng Tú Mỡ, trong một lần qua đây, đã ghi nhận từ thị xã Thái Nguyên:

“Dân tộc Việt Nam kháng chiến đánh thực dân Pháp khác các dân tộc khác trên thế giới là vừa đánh giặc vừa sống vui, sống nhộn, sống mạnh...”. 

Và Tú Mỡ đã viết những dòng có thể coi là “tuyên ngôn” của thơ trào phúng Việt Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.

“Dân tộc ta sẵn có tinh thần trào phúng hài hước từ xưa…

Ta đánh giặc bằng súng, lại đánh giặc bằng bút và cây bút trào phúng cũng là một khí giới khá mạnh”.

Nhà thơ Thế Lữ, trong những năm đầu kháng chiến, lại hoạt động nhiều ở lĩnh vực sân khấu. Một lần đoàn kịch “Chiến thắng” do Thế Lữ phụ trách tổ chức biểu diễn và làm lễ xuất phát tại thị xã Thái Nguyên. Trong đêm diễn đó, sân khấu thì dựng tạm, ánh sáng thì là của mấy chiếc bóng đèn pin mà nguồn điện lấy từ đi-na-mô xe đạp, nhưng đó là một đêm biểu diễn đặc biệt vì đó là đêm 19/8 kỷ niệm tổng khởi nghĩa…

Thế Lữ đã ghi lại cảm xúc của mình như sau:

“Đêm qua diễn kịch “Đề Thám xuất quân” nhân dịp cử hành lễ xuất phát của đoàn kịch Chiến thắng... lễ tế cờ nửa thế kỷ trước với những lời thống thiết của người Yên Thế hồi bấy giờ được hiển hoạt trên sân khấu nhờ có tinh thần kháng chiến của dân tộc trong giờ phút này...”.

Những lời đó nói về vở kịch và cũng nói về những người xem kịch - quân và dân thị xã Thái Nguyên - hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta lúc bấy giờ.

Nhiều hoạt động sân khấu sôi động, phong phú khác đều ghi đậm dấu ấn, công lao của các nhà nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp, đã có những ngày dừng chân ở thị xã Thái Nguyên.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hầu hết các văn nghệ sĩ có tên tuổi đi theo cách mạng đã qua lại Thị xã Thái Nguyên và lấy cảm hứng sáng tác từ đây.

Tập hợp tư liệu đầy đủ và tìm hiểu sâu hơn chắc sẽ rất có ý nghĩa và lý thú. Xin một dịp khác để được gặp đông đảo hơn những nghệ sĩ lớn đã viết về Thái Nguyên.

Ở bài viết này, mới chỉ điểm qua một số lưu bút của một số văn nghệ sĩ được nhiều người biết đến.

Tuy vậy, chỉ chừng ấy cũng đã giúp hình dung những cảnh, những người của một đô thị kháng chiến, những sức sống mãnh liệt và hiên ngang trong cái nhìn, trong cảm xúc của những người vẫn được xem là “nhân chứng của lịch sử” và “thư ký của thời đại” - những văn nghệ sỹ kháng chiến.

Và chúng ta, lớp người hậu thế bây giờ nhớ về những ngày xưa ấy với một tình cảm biết bao trân trọng và tự hào.

 

Đinh Quang 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy