Chủ nhật, ngày 06 tháng 10 năm 2024
09:01 (GMT +7)

Văn hóa Thái Nguyên qua tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” dù khắc họa thành công hình ảnh danh nhân Thái Nguyên nhưng đặc điểm văn hóa Thái Nguyên và tinh thần Phật giáo trong tác phẩm này dường như chưa được đề cập, làm rõ. Vì vậy, bài viết vận dụng phương pháp thi pháp học, cấu trúc và liên ngành nhằm nghiên cứu và phân tích một số đặc điểm văn hóa tỉnh Thái Nguyên, giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của Hồ Thủy Giang nhìn trong tương quan với các ý nghĩa nổi bật của Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh - một bộ kinh có ý nghĩa quan trọng nhưng còn ít được nghiên cứu, bàn bạc.

 1. Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh là bộ kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Bộ kinh này thường chỉ được nghiên cứu và trình bày trong các tài liệu thuyết giảng kinh văn Phật giáo, tiêu biểu như Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh Trực chỉ Đề cương - Giáo án Trung cao cấp Phật học của Thích Từ Thông, Giảng giải Kinh Duy Ma Cật của Lê Sỹ Minh Tùng, Kinh Duy Ma Cật giảng giải của Thích Thanh Từ, Tư tưởng Kinh Duy Ma Cật của Thích Viên Giác, Chư kinh tập yếu của Thích Duy Lực, Bản thể luận trong Kinh Duy Ma Cật của Thích Giác Hợp. Bên cạnh đó, các bài giảng Phật giáo cũng thường liên hệ, đưa các ví dụ được trích trong kinh này nhằm minh họa và so sánh. Cần lưu ý là dưới bản dịch và bình của Tuệ Sĩ thì Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh đã được nhìn dưới góc độ nghệ thuật và đậm tính kịch, song ứng dụng bản kinh này vào tiếp cận tác phẩm văn học dường chưa có tiền lệ.

Văn hóa Thái Nguyên qua tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Thái Nguyên là tỉnh trung tâm kinh tế chính trị xã hội vùng đông bắc, trung du miền núi phía Bắc, là trung tâm lớn về giáo dục, y tế chất lượng cao; văn hóa Thái Nguyên đã được nghiên cứu và đề cập nhiều, trong phạm vi tìm hiểu của chúng tôi, có thể kể đến một số công trình như: Văn hóa dân gian Tày (Hoàng Ngọc La, 2002), Biến đổi văn hóa của dân tộc Ngái ở tỉnh Thái Nguyên (Nguyễn Thị Quỳnh Lan, 2019). Ý thức được tính đa dạng và phong phú của nền văn hóa tỉnh nhà, nhiều nhà nghiên cứu đã đặt vấn đề bảo vệ giá trị, di tích văn hóa như Quỳnh Hoa (2011) - Di sản văn hóa - nét văn hóa trong lòng dân tộc, Mai Thị Hồng Vĩnh (2017) - Lễ Tết nhảy của người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Văn Tiến (2020) - Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc Dao (nghiên cứu trường hợp người Dao quần chẹt ở xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), Trần Trang (2021) - Thái Nguyên bảo tồn và phát huy hiệu quả di sản văn hóa… Trong số các nghiên cứu mang tính ứng dụng trên, những công trình định hướng khai thác du lịch trên nền văn hóa đã chạm đến nhiều vấn đề cốt lõi và hữu ích như công trình, bài viết của Lương Thị Thu Hà - Khai thác sản phẩm du lịch văn hóa vùng Việt Bắc (Qua nghiên cứu ở Bắc Cạn, Thái Nguyên) (2009), Mai Văn Nam, Bùi Lê Ban - Di tích Lịch sử - Văn hóa Thái Nguyên với việc dạy học lịch sử dân tộc ở trường Trung học phổ thông (2020), và Nguyễn Thị Quỳnh, Phan Đình Binh, Triệu Thị Hằng, Phan Kiều Chinh - Đánh giá tiềm năng phát triển Du lịch sinh thái gắn với khu di tích lịch sử Đền Đuổm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên (2021)

Tiểu thuyết lịch sử Tể tướng Lưu Nhân Chú (nhà văn Hồ Thủy Giang, xuất bản năm 2016) khắc họa hình tượng người anh hùng đất Thái Nguyên là Lưu Nhân Chú. Liên quan đến tác phẩm này, hình ảnh nhân vật lịch sử Lưu Nhân Chú đã được nhiều tác giả đề cập như Vĩnh Khánh - [Thông điệp từ lịch sử] Lưu Nhân Chú - “Tài năng như cây tùng, cây bách; chất người như ngọc...”; Vân Ngọc - Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước (Bài 5): Tể tướng Lưu Nhân Chú - chí như tùng bách, chất người như ngọc.

Trong hoàn cảnh tài liệu lịch sử ghi chép về nhân vật Lưu Nhân Chú dường như vẫn chưa đầy đủ - dù nhận được nhiều sự quan tâm của giới nghiên cứu - thì tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú đã góp thêm một mảnh ghép mới, được Phạm Văn Vũ quan tâm bàn luận trong Kiến giải lịch sử trong tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” của Hồ Thủy Giang với những luận điểm về người anh hùng áo chàm và tư tưởng hòa hiếu nhân văn của dân tộc, tính giải thiêng ở những góc riêng của người anh hùng như tâm tư thâm trầm theo tiếng sáo hay những người phụ nữ trong đời ông. Bên cạnh đó, từ góc độ nghệ thuật, Thân Thị Mai Linh Lan đã bảo vệ luận văn Đặc điểm tiểu thuyết Hồ Thủy Giang nhấn vào cảm hứng lịch sử và thế sự thể hiện qua nghệ thuật xây dựng nhân vật, ngôn ngữ, giọng điệu. Sau đó, Dương Thị Hiệu với luận văn Tiểu thuyết lịch sử của Hồ Thuỷ Giang và bài viết Về nhân vật người anh hùng tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú của Hồ Thủy Giang đã làm rõ cảm hứng lịch sử, nhân vật anh hùng thể hiện qua cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ.

Như vậy, nhìn chung, nghiên cứu về Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh chỉ giới hạn trong trường nghĩa Phật giáo, các tài liệu in ấn chưa nhiều, chưa được vận dụng để soi chiếu với tác phẩm văn học. Nghiên cứu về Văn hóa Thái Nguyên, các bài viết và công trình đi vào đặc điểm có sức khái quát và khai mở các chiều kích khác chưa nhiều. Tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú đã được quan tâm nghiên cứu ở một số góc độ, nhưng chưa gắn với đặc điểm văn hóa Thái Nguyên khi nhìn trên tinh thần Phật giáo nói chung và Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh nói riêng. Trong tình hình đó, bài viết này sẽ bàn về nền văn hóa Thái Nguyên thông qua tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú, nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh.

2. Tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, tư tưởng đáng chú ý. Trước hết, tư tưởng nhân đạo - một truyền thống tốt đẹp của dân tộc - được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm và nhân vật trung tâm Lưu Nhân Chú. Qua nhận xét của nhân vật này, tác giả nhấn mạnh cái đẹp, cái thiện trên đời: “ngót chục năm chinh chiến đã có tới mấy chục vạn linh hồn lìa khỏi xác”. Lưu Nhân Chú là danh nhân Thái Nguyên không chỉ ở phương diện võ công mà còn ở giá trị tư tưởng cũng như khả năng kết nối sức mạnh tổng hợp các dân tộc anh em trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Lưu Nhân Chú được cụ thể hóa bằng ngòi bút tiểu thuyết lịch sử của Hồ Thủy Giang với đầy đủ da thịt và tư tưởng lối sống qua hình ảnh một vị tướng quân đầy tài thao lược và dày dạn công trạng. Đặc biệt, đây là người anh hùng nhân dân Thái Nguyên gắn liền với chiếc áo chàm của đồng bào thiểu số.

Văn hóa Thái Nguyên qua tiểu thuyết “Tể tướng Lưu Nhân Chú” nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh

Khi ra trận Lưu Nhân Chú mặc áo chàm, đoàn quân Đại Từ của Slao huấn luyện cũng mang màu áo chàm tràn vào trận địa. Nhân vật này kết tinh các giá trị tốt đẹp của Thái Nguyên, giữ vai trò linh hồn của gia đình, quê hương, đất nước. Ông có tư duy chiến trận linh hoạt - “chiến thuật không tốn binh đao mà giặc phải quy hàng” đồng thời lại mang tâm hồn đậm chất triết gia nghệ sĩ, nhân đạo ái quốc: “Lê Nhân Chú tôi cùng phụ thân và em rể Phạm Cuống đến Lam Sơn này vì một nghĩa cả là đuổi giặc Ngô ra khỏi bờ cõi chứ đâu vì điều gì khác.”. Nét tư tưởng này khiến hình tượng Lưu Nhân Chú có nét tương đồng với Nguyễn Trãi; hai người gặp nhau trò chuyện, cùng tính kế mưu phạt tâm công, cùng đau đớn khi máu chảy đầu rơi trận Xương Giang… Cứ như vậy họ trở thành biểu tượng lương tri của cuộc chiến.

Hình tượng nghệ thuật tiêu biểu gắn liền với nhân vật Lưu Nhân Chú là tiếng sáo - một sáng tạo độc đáo của Hồ Thủy Giang. Tiếng sáo mang đậm tình yêu nước: “Anh mang theo cây sáo này là mang theo cả quê hương Đại Từ của chúng ta đấy.”, tiếng sáo còn thể hiện tình yêu với người vợ giỏi giang là Ngọc Tiêm, là tâm trạng rối bời và đau xót sau khi chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi, là tất cả tâm sự không nói hết thành lời được dồn cả vào tiếng sáo. Ý nghĩa này Duy Ma Cật từng nói với Tu Bồ Đề “Tất cả ngôn thuyết đều chẳng lìa tướng huyễn hóa. Cho nên người trí chẳng dính mắc văn tự.”.

Tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú thể hiện ba đặc điểm văn hóa Thái Nguyên gồm dân cư đa dạng, giàu truyền thống văn hóa và nồng nàn tinh thần cách mạng.

Trước hết, với tỉ lệ 46/54 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Thái Nguyên, nền văn hóa tỉnh hết sức đa dạng và phong phú. Đi vào tiểu thuyết, nét đẹp của đồng bào các dân tộc miền cao được lưu giữ thông qua cách tính ngày - “anh Lưu Nhân Chú đã đi được bảy mùa hoa mảy mạy rồi đấy.”, cách nói chuyện -“nói thật cái bụng”, và trong lễ hội Lồng Tồng của dân Đại Từ với nhiều trò: đánh đu, kéo co, hát sli… Cảnh ném còn “hàng nghìn người quần áo đủ các màu sắc, chen nhau trên một bãi đất rộng nằm dưới chân một dải núi đá lớn, cao chọc trời. Giữa bãi đất dựng một cây còn cao vút...” và lời hát lượn “Ong bướm bay đi về đại ngàn, Biết ngày nào hoa rơi lại nở, Ong lại được vui xuân cùng bạn, Như em ước với anh cùng về.”… là những đoạn đậm màu sắc đời sống miền núi phía Bắc trong văn Hồ Thủy Giang.

Nổi bật nhất trong tiểu thuyết là nhân vật Slao: cô gái tài sắc, giỏi ném còn, hát lượn, làm bao chàng trai si mê nhưng đồng thời cũng là một nữ tướng oai hùng “tay cầm song kiếm chặn đường tiến của Liễu Thăng”; đặc biệt cô lại chung tình và tình nguyện dâng hiến mạng sống cho người thương, cho nghiệp lớn. Nhân vật Slao là biểu tượng cho khối đoàn kết của các dân tộc anh em gắn bó khăng khít vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước.

Thứ đến, truyền thống văn hóa Thái Nguyên hiện lên trong tác phẩm với những điểm như gắn bó với núi rừng của Lưu Nhân Chú lúc chơi lễ Lồng Tồng, lúc đêm khuya thanh vắng đầy tâm trạng: “Ánh trăng mờ tỏ, mỏng như một dải lụa bao phủ trên khu đất mênh mông của sơn trại họ Lưu làm không gian càng trở nên u tịch”. Qua tiểu thuyết, người dân Thái Nguyên được khắc họa với nét sống đơn giản, yêu thương rạch ròi; tiểu biểu nhất là chi tiết áo chàm “phải hàng năm trời các mé, các noọng mới làm được một cái…” nhưng phụ nữ cả làng sẵn sàng xén áo để làm túi đựng gạo nuôi quân; đó là những người phụ nữ tài năng và chịu thương chịu khó (Slao, Ngọc Tiêm).

Thứ ba, tinh thần cách mạng nồng nàn bắt nguồn từ tình yêu nước trong sáng, thủy chung của nhân dân Thái Nguyên đã hình thành tâm trạng: “Còn đang ngồi trên đất quê hương mà cớ sao bỗng thấy nao lòng nhớ quê hương đến thế.”. Thế nên nỗi nhớ nhà làm tăng thêm tình yêu thương và chí khí quyết tâm diệt giặc thu lại quê hương, bờ cõi. Người dân Thái Nguyên tôn thờ Lưu Nhân Chú bởi ông đại diện cho truyền thống thượng võ, hào sảng, xem nhẹ công danh: “Lưu Nhân Chú sau mỗi chiến thắng thường tìm một nơi vắng vẻ thả tâm hồn vào tiếng sáo trong một nỗi nhớ cố hương da diết.”.

Hòa trong các giá trị dân tộc là đặc điểm văn hóa Thái Nguyên, kết tinh của đất địa linh nhân kiệt tạo nên những cốt cách thanh cao và tư tưởng nhân nghĩa thủy chung được nhân dân tôn trọng nhiều đời, cụ thể là qua lễ hội ngày 4 tháng Giêng trên núi Võ.

Từ ánh sáng Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh nhìn lại tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú và văn hóa Thái Nguyên, có thể nhận ra sự tương hợp nhất định.

Trước hết, tư tưởng tính không bàng bạc trong kinh văn Phật giáo nói chung và Duy Ma Cật nói riêng chính là cốt tủy để ngàn đời Thái Nguyên cùng dân tộc giữ vững giáo pháp. Tính không này giúp mở rộng mọi ranh giới không ngăn ngại, giúp Lưu Nhân Chú sau khi cống hiến tuổi xuân và tính mạng, thành công ở đỉnh cao sự nghiệp lại bị vu oan sắp mất mạng, nhưng “Lưu Nhân Chú vẫn không hề thấy đau đớn, lo phiền… ra đi trong một tâm trạng thanh thản”. Cũng như vậy, nhân dân Thái Nguyên trải nhiều cuộc chiến đã không màng thân mạng, hy sinh; có người khi nghiệp thành thì rũ bỏ danh lợi bởi hiểu rõ lẽ không của vạn pháp, như cách mà Lưu Nhân Chú đánh giặc: “người tĩnh tâm, tĩnh trí, đánh giặc bằng gươm đao mà vẫn coi nhẹ gươm đao”. Rồi trong khi mọi người nôn nóng chờ chức phong thì Lưu Nhân Chú mang sáo ra bờ suối an nhiên tĩnh tại.

Thứ đến, tính chất bất khả tư nghì được Duy Ma Cật giảng giải là những việc không thể nghĩ bàn, là pháp môn giải thoát như khi đem núi Tu Di (thiên điều) vào hạt cải (giấc mơ) mà Tứ thiên vương chư thiên không hay biết; chỉ có người đáng độ mới thấy. Với nguyên tắc đó, chi tiết ba cha con Lưu Trung gặp điềm mộng trong miếu, nghe tiếng sơn thần nói chuyện: “Hôm nay thượng đế họp với ba phủ, treo bảng trước điện cho đức Lê Lợi làm vua nước Nam Việt ta” chính là yếu tố kỳ ảo, là phương tiện diệu dụng, được xem như mộng báo của tằng tổ giúp cháu con định hướng. Như vậy, thủ pháp nghệ thuật đã hòa quyện trong tinh thần Phật giáo và văn hóa thờ cúng tổ tiên của người Việt.

Cuối cùng, tư tưởng bất nhị của kinh Duy Ma Cật ẩn chứa trong tiểu thuyết Lưu Nhân Chú thể hiện ở nét đẹp nền văn hóa Thái Nguyên nói chung và Phật giáo Thái Nguyên nói riêng - là nhập thế, phục vụ đất nước xã hội. Bất nhị phá chấp, không phân biệt vạn pháp, nhờ vậy Lưu Nhân Chú không vướng mắc công danh. Từ bố cục tiểu thuyết, giai đoạn làm quan trên đỉnh vinh hiển được lược đi, bởi nó không mấy quan trọng đối với Lưu Nhân Chú - tâm ông không đặt ở đấy; khi tâm đã không còn nhiễm ô trọc thì vạn pháp ô trọc không thể lưu lại vết; đó chính là ý nghĩa quốc độ trang nghiêm sau khi Phật nhấn ngón chân cái xuống cõi ta bà, là hoa trời thiên nữ rắc rơi trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Nhờ tính bất nhị mà kinh Duy Ma Cật đã có những hình tượng nghệ thuật như mùi hương cõi Chúng hương (lầu các, vườn tược, kinh thành đều làm từ mùi hương - Phẩm hương tích Phật thứ mười, Kinh Duy Ma Cật). Tinh thần bất nhị mở lối cho sự nhập thế, dấn thân trọn vẹn của Phật giáo cho sự phát triển chính trị, kinh tế của đất nước. Cần lưu ý là như Duy Ma Cật từng tùy hiện nhiếp độ các đối tượng bằng thân phận đại thần, thương nhân thì “Lưu Trung cùng với con trai là Lưu Nhân Chú… làm nghề buôn dầu để qua ngày tháng.”. Họ dùng đó làm phương tiện để mai danh ẩn tích, tìm minh chủ giúp nước; về sau Lưu Nhân Chú là tể tướng, đứng đầu hàng võ quan. Góc nhìn này giúp hình tượng Lưu Nhân Chú có nhiều lớp chiều sâu và gắn bó chặt chẽ với giá trị văn hóa Thái Nguyên, trường tồn và góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Vấn đề văn hóa Thái Nguyên qua tiểu thuyết Tể Tướng Lưu Nhân Chú nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh được phân tích dựa trên sự tổng hợp và xuyên thấm mang tính liên ngành. Theo đó, ba phương diện nội dung/ tư tưởng/ đặc điểm của Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Phật giáo Thái Nguyên, văn hóa Thái Nguyên, văn học, tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú được xác định. Sau đó các thành tố này được phân nhóm và phân tích làm sáng tỏ sự ảnh hưởng/tương quan với nhau. Kết quả là mỗi tập hợp con có được giá trị trong tương quan với chỉnh thể lớn hơn. Những kết quả và tương quan này cần được lưu ý trong thực tế xây dựng và phát triển nền văn hóa tỉnh Thái Nguyên cũng như sự phát triển văn học nghệ thuật và Phật giáo tỉnh. Những giá trị đã được xác định có ý nghĩa như những điểm tham khảo để tiếp tục vận dụng và theo dõi sự biến chuyển trong tính vận động liên tục của văn hóa, nghệ thuật. Quy trình này có thể được khái quát thông qua Bảng 1- Mô hình các phương diện nghiên cứu.

Bảng 1. Mô hình các phương diện nghiên cứu
Bảng 1. Mô hình các phương diện nghiên cứu

Giá trị nghệ thuật và tư tưởng của Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh và tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú cần được quan tâm nghiên cứu. Vốn được khai thác và đề cao giá trị tư tưởng, nghệ thuật xây dựng kinh văn Phật giáo và tiểu thuyết lịch sử Tể tướng Lưu Nhân Chú nhìn chung vẫn chưa được khai thác đúng mức. Những kết quả này có giá trị đáng chú ý trong việc bổ sung và làm rõ giá trị tư tưởng cũng như tiếp nhận kinh văn, tiểu thuyết trong tương lai.

Hình tượng không gian nghệ thuật là điểm đáng lưu ý trong Kinh Duy Ma Cật, đó là căn phòng nhỏ mà chứa cả ngàn vạn người, thần, bồ tát với hàng ngàn tòa sư tử lớn mà không chật. Tư tưởng bất nhị, bất khả tư nghì trọng tâm được thể hiện qua thủ pháp điệp, lặp nhiều lần dưới nhiều phương tiện, nhiều bình diện và góc độ; thủ pháp này gợi nhớ thao tác quen thuộc lặp lại chi tiết trong các bản kinh truyền miệng truyền thống đồng thời nhấn mạnh chủ đề. Xét trong tương quan tiểu thuyết - kinh Phật thì nhân vật thể hiện rõ tư tưởng Duy Ma Cật nhất chính là Slao khi có khả năng lìa bỏ dứt khoát cả ngã và ngã sở. Cô đã bỏ ngã sở là Lưu Nhân Chú, rồi chủ động bỏ cả sinh mạng tức lìa được ngã; đây là nhân vật hạnh phúc rốt ráo và ấn tượng nhất trong tác phẩm. Hoặc như cách quán chúng sanh mà Văn thù hỏi Duy Ma Cật - như nhà huyễn thuật với người huyễn mình tạo thành, cả trăng hoa đến lông rùa sừng thỏ đều quán huyễn hóa. Quan niệm này hoàn toàn tương đồng với mối quan hệ tác giả - nhân vật văn học.

Giá trị nghệ thuật của tiểu thuyết Tể tướng Lưu Nhân Chú chủ yếu thể hiện ở khả năng xây dựng hình tượng, phát triển hình tượng Slao với “mùi hương sả bay ra từ mái tóc”. Lưu Nhân Chú được xây dựng là một tướng tài với tâm hồn thi nhân và tâm từ bi, nặng lòng với đất nước như Duy Ma Cật và chư bồ tát độ chúng sinh nên vào sinh tử hóa bệnh tật, chúng sinh thoát bệnh tật lìa sinh tử thì bồ tát cũng hết bệnh hết phiền. Nhân vật Nguyễn Trãi nổi bật với tính chất lỗi lạc về văn hóa quân sự nghệ thuật. Đặc biệt, hình tượng Lê Lợi với nhiều chiều kích có thể xem là hình tượng thành công nhất, phức tạp hơn cả nhân vật trung tâm là Lưu Nhân Chú.

Thông qua nghiên cứu Văn hóa Thái Nguyên trong tiểu thuyết Tể Tướng Lưu Nhân Chú nhìn từ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, chúng tôi có một số lưu ý.

Thứ nhất, lưu ý đến tính chất thể loại - tiểu thuyết lịch sử - của tiểu thuyết Tể Tướng Lưu Nhân Chú, có thể thấy Hồ Thủy Giang đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng với đất Thái Nguyên khi xây dựng thành công hình tượng người anh hùng văn tài võ lược Lưu Nhân Chú dựa trên những ghi chép lịch sử lẫn tưởng tượng nghệ thuật. Tuy nhiên, khoảng cách giữa nhân vật lịch sử và nhân vật văn học với tác giả, người đọc nhắc nhở chúng ta rằng nhân vật văn học không trùng khớp với lịch sử, là con người xương thịt chứ không phải tượng thần được thờ trong điện. Tóm lại vấn đề nằm ở cách nhìn đơn giản, trừu tượng hóa lịch sử. Theo đó, Lưu Nhân Chú được nhìn như một người anh hùng toàn vẹn khiến vây quanh ông có một lớp hào quang xa xách với đời sống. Ngược lại Lê Sát dưới cái nhìn phân vai ác kiểu cổ tích thì luôn hiện lên ngay từ đầu đến cuối là một kẻ xấu, gian thần. Lần đầu nhìn Lưu Nhân Chú bắn tên Lê Sát đã “khẽ nhếch mép”; kẻ phản bội bị tế cờ là một người vô tội bị Lê Sát bắt và buộc tội; khi bị Nguyễn Trãi phản đối kế hoạch quân sự, Lê Sát nói như thét trách móc; Lê Sát đòi Slao phải thi hành nghi lễ với Lê Lợi; ông hiềm tị vì Lưu Nhân Chú lãnh vai trò chủ tướng trong trận đánh thành Lam Sơn… Cũng với cách nhìn cách xa kiểu lịch sử, tác giả nhìn viên tướng giặc cũng như vậy - thấp kém, võ biền, tàn bạo, ngu muội… không có diễn biến tâm lý.

Bên cạnh đó, ngôn ngữ của tác giả cũng mang tính phân cấp giá trị cao khi gọi địch là “đám binh sĩ đông nhung nhúc”. Sự phân vai rạch ròi này làm giảm giá trị và tính đa diện, hiện đại của hình tượng, thế nên khi so sánh từ góc độ văn học thì Lê Lợi nhiều góc cạnh hơn Lưu Nhân Chú, nhìn từ góc độ Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh thì Slao đạt giải thoát rốt ráo hơn Lưu Nhân Chú. Khuynh hướng phân biệt này cũng có thể được tìm thấy ngay trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh khi bên cạnh đề cao tính Bất nhị thì các đại diện của Phật giáo Nguyên thủy bị chỉ trích và đưa ra là nền cho sự trình bày quan điểm Đại thừa của Duy Ma Cật.

***

Tóm lại, vận dụng tổng hợp nhóm phương pháp thi pháp, cấu trúc và liên ngành, bài viết đã xác định và làm rõ đặc điểm văn hóa Thái Nguyên từ hình tượng tể tướng Lưu Nhân Chú. Ngược lại, hình tượng này được lý giải và liên hệ với các giá trị văn hóa Thái Nguyên trong ba nội dung cơ bản của Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Bên cạnh đó, cách vận dụng tư tưởng, nghệ thuật kinh Phật vào khảo sát và giải quyết vấn đề văn học nghệ thuật có thể được xem như bước giới thiệu một phương thức phê bình văn học nghệ thuật vốn được thực hành từ lâu nhưng chưa được quy chuẩn hóa - phê bình Phật học. Thông qua các kết quả này, những đề xuất góp phần định hướng phát triển văn hóa, Phật giáo Thái Nguyên được đề cập như là nội dung cho các nghiên cứu trong tương lai.

 

Nguyễn Thành Trung (Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam)

Phramaha Chakrapol Acharashubho Thepa (Trường Đại học Phật giáo Mahamakut,Thailand)

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy