Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
20:51 (GMT +7)

Văn hóa Mỹ ở Việt Nam (tiếp theo)

VNTN - Năm 1911 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc về sau là “Người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”, người thuộc thế hệ kế tiếp của Cụ Phan Bội Châu đã đến nước Pháp để tìm đường cứu nước. Sống ở thủ đô văn hóa thế giới, Paris, chắc chắn Bác Hồ đã tiếp xúc với văn hóa Mỹ, trong đó có bản Tuyên ngôn độc lập 1776 của Jefferson để rồi năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã đưa nội dung của bản Tuyên ngôn này: “Chúng tôi coi những chân lý sau đây là hiển nhiên. Rằng tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng; rằng tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể chối bỏ được, trong những quyền này có quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc  (Tuyên ngôn độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1776) vào bản Tuyên ngôn độc lập đọc trước quốc dân, đồng bào và thế giới ngày 2 - 9 - 1945 tại vườn hoa Ba Đình - Hà Nội. Trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài năm 1960 Bác đã cho biết, lúc ở Pháp Bác đã thích đọc Jack London  “nhà văn vô sản đầu tiên của nước Mỹ”. Đặc biệt là tác phẩm “Gót sắt” (Qua bản dịch tiếng Pháp của Jean Cuturie - bạn của Bác tặng). Và năm 1913 Bác đã đến làm việc ở Boston cách New York 500 km, sống trong cái nôi của văn hóa Mỹ.

Và ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, năm 1946 Bác đã cho xuất bản tờ báo “Hữu nghị Việt - Mỹ” (Frendship). Mặc dù nó chỉ ra được có vài số rồi kháng chiến chống Pháp nổ ra phải đình bản. Và như vậy có nghĩa là tờ báo đối ngoại đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa là tờ báo Hữu nghị Việt - Mỹ.

Đến hết thế kỷ XX, trước khi công nghệ thông tin và Internet phát triển thì việc giao lưu văn hóa nhanh nhất có hiệu quả nhất là văn học. Văn học đưa các dân tộc hiểu biết lẫn nhau. Chính vì vậy mà văn học Mỹ đã sớm đến Việt Nam và có tác động và ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam cả trên hai phương diện. Tích cực và tiêu cực giống như bản chất của nền văn học này.

Văn học Mỹ đã thâm nhập vào nước ta sau thế hệ của Cụ Phan Bội Châu và Nguyễn Ái Quốc ngày càng sâu và rộng hơn từ những năm 30 của thế kỷ trước. Phong trào Thơ mới và Tự lực văn đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ đã tiếp xúc với văn học Mỹ chủ yếu là qua văn học Pháp, không rầm rộ, không ào ạt nhưng đáng kể.

Thế Lữ, một người tiên phong trong Phong trào thơ mới, thừa nhận Chuyện đường rừng của ông cũng thoát thai từ truyện trinh thám (Detective Story) của Allan Edga Poe. Ngọn thi sơn của thơ ca lãng mạn Hàn Mặc Tử ,Chế Lan Viên…chắc chắn đã đọc và học được nhiều không chỉ chủ nghĩa ấn tượng của văn học Pháp mà còn ở văn học Mỹ. Dấu vết của nữ nhà thơ người Mỹ Emily Dickinson (1830 - 1886) trong thơ Hàn Mặc Tử, trong Điêu tàn của Chế Lan Viên là rất rõ rệt(1).

Tuy vậy, có thể nói, 30 năm có mặt của chủ nghĩa thực dân mới (Mỹ) ở miền Nam Việt Nam, có mặt trực tiếp của đông đảo binh lính Mỹ với văn hóa Mỹ, lối sống Mỹ nhưng riêng về văn học Mỹ ở miền Nam không có vị trí to lớn như các nền văn học Pháp và văn học Trung Quốc (cũng là điều hơi lạ). Ngoại trừ sách bán chạy (Best Seller Books) sách giải trí, sách tình dục và vụ án, văn học Mỹ chỉ có thể lọt được vào địa bàn này vài tên tuổi như W. Faulkner, E. Hemingway, J. Dos, Passos… nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức giới thiệu sơ lược. Ảnh hưởng của văn hoá Mỹ ở miền Nam Việt Nam chủ yếu là âm nhạc, điện ảnh, lối sống, trang phục của các phong trào Hippies với những mặt tiêu cực là sa đọa, hưởng lạc và ma túy, mại dâm…

Văn học Mỹ ở miền Bắc bắt đầu từ những tác phẩm ưu tú của các nhà văn Mỹ. Từ các nhà văn hiện thực, những nhà văn giàu lòng nhân đạo, những trí thức ưu tú của nước Mỹ không chấp nhận xã hội tư bản của nước Mỹ. Lần lượt tác phẩm của Mark Twain, T. Dreiser, John Reed, Walt Whitman, Jack London, Hemingway, H.B. Stowe… được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Ngoài những lời giới thiệu đầu tác phẩm  của các nhà xuất bản: Phổ thông, Văn hóa, Văn học,… văn học Mỹ đã bắt đầu được nghiên cứu. Trên các tuần báo Thống nhất, Văn nghệ, Văn hóa, Tổ quốc… có các bài giới thiệu sách văn học Mỹ. Đặc biệt, Ban Văn học Nước ngoài của Viện Văn học và Tạp chí Văn học (nay thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã có nhiều công trình giới thiệu, nghiên cứu văn học Mỹ. Những tiểu luận của Đặng Thế Bính, Nguyễn Đức Nam, Vũ Cận, Đào Xuân Quý, Lê Sơn, Cao Huy Đỉnh… là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho bộ môn nghiên cứu văn học Mỹ ở Việt Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng trở nên khốc liệt, Lá cỏ của Whitman, Chuông nguyện hồn ai, Vĩnh biệt vũ khí của Hemingway, Cái chết của người chào hàng của A.Miller… cũng ra mặt trận trong ba lô của những anh bộ đội miền Bắc. Việc nghiên cứu và giảng dạy văn học Mỹ có vẻ như chững lại vì chiến tranh khốc liệt. Nhân tài, vật lực của cả dân tộc đều dồn ra tiền tuyến “dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ, hơn nghìn trang giấy luận văn chương” (Tố Hữu). Đến đại thắng mùa xuân năm 1975, cả nước ta bắt tay xây dựng đất nước trên mọi mặt của một quốc gia thống nhất. Hệ thống giáo dục được xuyên suốt từ Bắc vào Nam. Rồi đến năm 1986, năm Đảng ta chủ trương Mở cửa và Đổi mới. Điều kiện tiếp xúc với văn học phương Tây và văn học Mỹ được cải thiện. Nhưng cũng theo làn gió “Mở cửa”, nhiều thứ không phải văn học Mỹ chân chính cũng ùa vào. Chúng ta chưa kịp chuẩn bị đầy đủ về mọi mặt đã phải đối phó với tình trạng xô bồ, lộn xộn trong xuất bản. Trong tình hình đó, nghiên cứu phê bình, giảng dạy văn học Mỹ vẫn yếu ớt, mờ nhạt. Mặc dù chương trình giảng dạy văn học nước ngoài từ bậc trung học đến đại học đã có mặt văn học Mỹ. Các luận văn Cao học, luận án Tiến sĩ có mã số. Các trường đại học có giáo viên giảng dạy văn học Mỹ. Các Viện nghiên cứu như: Viện Văn học, Viện Châu Mỹ, các trung tâm nghiên cứu khoa học có bộ môn Hoa Kỳ học, đều có nghiên cứu văn hóa và văn học Mỹ.

Trước hết phải nói đến phần dịch thuật văn học Mỹ. Thế hệ những dịch giả như: Đỗ Đức Hiểu (Túp lều của Bác Tôm), Huy Phương (Ông già và biển cả), Vũ Cận, Đào Xuân Quý (Lá cỏ), Hồ Thế Tần, Nguyễn Thành Vinh (Chuông nguyện hồn ai)… được những thế hệ sau nối tiếp xuất sắc. Những Dương Tường, Bùi Phụng, Nguyễn Tâm, Lê Huy Bắc, Lê Đình Cúc… và nhiều dịch giả khác đã cho ra đời hàng trăm bản dịch các tác phẩm văn học Mỹ. Đến nay có thể thấy phần nhiều tên tuổi các nhà văn Mỹ từ thế kỷ XVII, đặc biệt là từ thế kỷ XVIII đến nay, đã được dịch ở Việt Nam như: Jame Fenimore Cooper (1798 - 1851), N.Hawthorne (1804 - 1864), Edga Poe, H.Melville, Mark Tawin, Faulkner, S. Fitzgerald, Thoreau, Hemingway, Sinclair Lewis, Toni Morrison… Có những nhà văn như Hemingway đã được dịch toàn bộ thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều nhà văn trinh thám được dịch quá nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng trên 1000 đầu sách văn học Mỹ đã được dịch ở Việt Nam với hàng triệu vạn bản(2).

Nhìn vào số lượng sách văn học Mỹ đã được xuất bản ở nước ta, ngoài những kết quả to lớn đã thu được ta thấy những vẫn đề sau:

Sách văn học Mỹ được nhiều người dịch, phong phú đa dạng, nhưng chủ yếu từ sau khi Nhà nước ta có chủ trương Mở cửa và thực hiện Đổi mới. Tinh thần của Đổi mới và Mở cửa chi phối mọi hoạt động của kinh tế, xã hội, văn hóa trong đó có việc tiếp thu văn học nước ngoài.

Vấn đề giảng dạy và nghiên cứu văn học Mỹ cũng qua một quá trình thăng trầm. Ngay năm 1945, trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Bác Hồ đã nhắc đến văn học Mỹ,  nhưng văn học Mỹ được đưa vào giảng dạy ở trong nhà trường Việt Nam thì mãi nhiều năm về sau này mới có. Các giáo trình văn học phương Tây ở các trường đại học có một số chương trình cho văn học Mỹ, bên cạnh văn học Tây Âu. (Ví dụ Giáo trình Văn học phương Tây của nhóm các giáo sư Phùng Văn Tửu, Đặng Anh Đào…) và hàng năm ở các khoa văn của các trường đại học có một số tiết học về văn học Mỹ. Bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học cũng có giờ dạy về Mark Tawin, Hemingway, O. Henry. Ngoài giờ dạy ở các trường phổ thông và các khoa văn của đại học, văn học Mỹ còn có mặt ở các giờ Đất nước học, Hoa Kỳ học của khoa tiếng Anh (khoa Ngoại ngữ) của các trường đại học, và trung tâm ngoại ngữ. Văn học Mỹ đã có mặt trong nhà trường từ phổ thông đại học, đến cao học (cho thạc sĩ và tiến sĩ).

Ngay cả trong thời gian chiến tranh ác liệt nhất, những năm 70 của thế kỷ trước, Viện Văn học đã có người chuyên theo dõi và nghiên cứu văn học Mỹ. Sau thế hệ những năm 60 của Nguyễn Đức Nam, Đặng Thế Bính, Vũ Cận, nay đã có gần 20 người có học hàm học vị. 15 năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu văn học Mỹ xuất hiện thường xuyên hơn: Hành trình văn học Mỹ (Nguyễn Đức Đàn - 1996), Hồ sơ văn hóa Mỹ (Hữu Ngọc - 1995), Tiểu thuyết chiến tranh của Hemingway (Lê Đình Cúc - 1999), Văn học Mỹ (Lê Huy Bắc - 2002), Ernest Hemingway, Núi băng và hiệp sĩ (Lê Huy Bắc - 1999), Văn học Mỹ - Mấy vấn đề và tác giả (Lê Đình Cúc - 2001), Tiếp cận đương đại văn hóa Mỹ (Nguyễn Liên - 2001), Thi pháp tiểu thuyết và sáng tác của Ernest Hemingway (Đào Ngọc Chương - 2003), Tác gia văn học Mỹ (thế kỷ XVIII - XX) (Lê Đình Cúc - 2004), Lịch sử văn học Mỹ (Lê Đình Cúc - 2007), Văn học Mỹ (Huy Liên - 2009)...

Đến nay, có khoảng 10 luận án tiến sĩ và thạc sĩ về văn học Mỹ và hàng chục chuyên luận đã được đăng tải trên các Tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Trên đây chúng ta chỉ dừng lại ở phạm vi xâm nhập của văn học Mỹ. Bên cạnh đó phải thấy là một số lượng rất lớn các ấn phẩm văn hóa Mỹ thuộc các lĩnh vực khác cũng đã đổ vào Việt Nam trong suốt mấy chục năm qua. Sách, Tạp chí, báo tuần, báo ngày, từ Play Boy đến New York Times, từ Tribunal đến New Week từ Time  Life đến Christan Science Monitor … đều có mặt ở Việt Nam. Rất nhiều ấn phẩm về kinh tế, văn hóa  xã hội, chính trị và tôn giáo, giáo dục và thể thao… cũng đã được dịch ra tiếng Việt. Sách của các nhà khoa học, các chính trị gia, các tướng lĩnh tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mc Namara, Taylor, Kitxingơ, Slexingơ, các Tổng thống Mỹ Nicxon, Regean Clinton, Barack Obama… đều được dịch ra tiếng Việt và hàng chục vạn ấn phẩm nguyên bản bằng tiếng Anh đã được nhập và xuất bản ở Việt Nam. Đó là chưa kể hàng nghìn cuốn sách nghiên cứu về văn hóa Mỹ của các nước khác như Pháp, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc… được dịch ra tiếng Việt và nhập nguyên bản vào Việt Nam và chuyển tải trên các trang web hàng ngày được người Việt Nam truy cập và đọc. Quả thực cái bóng khổng lồ của văn hóa Mỹ đã ảnh hưởng và đang tác  động lên nước ta là ghê gớm.

------------------

(1) Xem Lê Đình Cúc Văn học Mỹ những vấn đề và tác phẩm. Tác gia văn học Mỹ thế kỷ XVIII  XX. Nxb KHXH. H. 1999 -  2004 và Lịch sử văn học Mỹ. Nxb Giáo dục. H. 2007

(2) Vì nhiều ấn phẩm Văn hóa Mỹ không được nộp lưu chiểu và nạn in lậu, in chui rất phổ biến nên không có con số để thống kê.

Kỳ trước

Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy