Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:39 (GMT +7)

Văn hóa Mỹ ở Việt Nam

LTS: Người Việt Nam rất ấn tượng với chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu nước Mỹ - Tổng thống Barack Obama. Qua cuộc gặp gỡ với lãnh đạo cấp cao Việt Nam, buổi nói chuyện với doanh nhân, sinh viên, lần lên phố ăn bún chả, uống bia hơi, ghé quán trà đá, thăm hỏi, bắt tay người dân trong một chiều mưa… người ta thấy một con người gần gũi,  thân thiện và trí tuệ. Và đặc biệt qua bài phát biểu của ông, nhiều người dân Việt Nam ngỡ ngàng nhận ra rằng người Mỹ mà hình ảnh đại diện là Obama -  rất hiểu văn hóa Việt. Ít người biết rằng Việt Nam và Mỹ đã có mối lương duyên về văn hóa từ rất lâu. Bài viết sau đây của tác giả Hạnh Liên cho chúng ta hiểu rõ hơn vấn đề này.


Hopkins Miller, một nhà nghiên cứu nổi tiếng của Mỹ trong cuốn Nước Mỹ và Việt Nam 1787 (The United States and Vietnam 1787. Ed. National Defense University Press Washington D.C, 1990), cho biết là sau khi tuyên bố độc lập, chính phủ Hoa Kỳ đầu tiên đã biết tới xứ Cochin  China tức là “Xứ đằng trong”. Tháng 1 - 1787 đại diện Mỹ ở Pháp là T. Jefferson có ý muốn mua gạo giống của Đằng Trong.

Như vậy là từ thế kỷ XVIII nước Mỹ đã biết đến Việt Nam và đã có ý tưởng trao đổi quan hệ với Việt Nam.

T. Jefferson định nhập lúa của Việt Nam “Lúa cạn Đằng Trong nổi tiếng là trắng, thơm, và sinh sản tốt. Dường như nó kết hợp được chất lượng tốt của hai giống lúa mà chúng ta biết. Nếu có thể thay thế chúng được thì thật là đại phúc. Vì như vậy chúng ta loại được những ao tù gây hại cho sức khỏe và đời sống. Nhưng thói quen là một sức mạnh, sở thích con người rất đồng bóng, cho nên không thể tiên đoán được tác động có được như vậy không. Dù sao cũng nên thí nghiệm, dù cuối cùng chỉ sản xuất được phẩm chất loại ba. Tôi sẽ cố cho đem đến ít lúa Đằng Trong. Dù sao kết quả cũng còn mơ hồ và xa xôi”.

Ngay từ lúc đó người Mỹ không chỉ nghĩ đến việc nhập lúa của Việt Nam thuần túy là kinh tế mà đã nghĩ đến “thói quen” và “sở thích” là những phạm trù của văn hóa.

Cũng khoảng thời gian đó Nguyễn Ánh, trên con đường trốn chạy Tây Sơn và tìm cách khôi phục lại vương triều của Chúa Nguyễn đã bắt tay với đế quốc Pháp, gửi con trai là Hoàng tử Cảnh theo Báo Đa Lộc sang Paris để làm con tin và cầu viện Pháp. Ông đại diện của chính phủ Mỹ ở Pháp “có thể là Jefferson có tiếp xúc Hoàng tử Cảnh vì ông có nêu điều ấy trong một bức thư cho Drayton”(1)

Tổng thống Obama phát biểu tại cuộc họp báo ở Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội, sáng ngày 23/5/2016         Nguồn: dantri.com

 

Điều này cho thấy, người Mỹ không những có ý định mua lúa của Việt Nam mà đã có hành động thực tế là gặp gỡ người Việt Nam là Hoàng tử Cảnh. Để rồi 10 năm  sau một thương thuyền của Mỹ đã đến Việt Nam, rồi cuối thế kỷ XVIII thương thuyền của Mỹ đã đến và mua nhiều sản vật như lụa, đường và thóc giống mà ông T. Jefferson kỳ vọng lại bị mọt, mang về Mỹ gieo chẳng mọc lên được cũng như mối bang giao văn hóa Mỹ - Việt cũng bị gián đoạn và thui chột từ đó.

Đến thế kỷ XIX một lần nữa cái “duyên” văn hóa Mỹ - Việt lại lóe lên lần nữa. Nước Mỹ đã bước vào thời kỳ phồn thịnh, trở thành một quốc gia có vị trí quan trọng trên thế giới và đang trên quá trình phát triển về mọi mặt. Vương triều nhà Nguyễn sau khi đánh bại Tây Sơn đã xác lập vị trí của một triều đại thống nhất toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và đang phải đối mặt với cuộc xâm lược của đế quốc Pháp. Trước nguy cơ mất nước, triều Nguyễn trong xu thế bị phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản đánh bại cố gắng tìm mọi phương sách để giữ ngai vàng đã có những biện pháp cụ thể. Trong đó có hé lộ một phương sách là tìm các quan hệ đối ngoại khác ngoài triều đình Mãn Thanh và Pháp. Thế giới thế kỷ XIX cho nhà Nguyễn nhìn ra là ngoài Trung Quốc, Pháp còn có những quốc gia khác. Những nhà trí thức của nhà Nguyễn đã nhìn ra vấn đề cần phải đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Cao Bá Quát đã nhiều lần cùng các đại diện khác đi các nước Đông Nam Á; Nguyễn Trường Tộ sau các chuyến đi châu Âu đã nhìn ra những lạc hậu của phương thức sản xuất phong kiến đã bị chủ nghĩa tư bản vượt xa, ông đã đưa ra nhiều điều quan trọng để cải cách bộ máy quan liêu của triều đình phong kiến Việt Nam. Tiếc rằng nguyện vọng và tư tưởng cách tân của ông đã bị bộ máy quan liêu và lạc hậu của triều đình nhà Nguyễn ngăn chặn để rồi ông chết trong luyến tiếc. Trong số những trí thức quan lại tiến bộ ấy có một người đã đi tìm nước Mỹ ấy là Bùi Viện (1839 - 1878). Có thể coi Bùi Viện là vị đại sứ đầu tiên của nước Việt Nam đến Mỹ, là người Việt Nam đầu tiên, chính thức tìm quan hệ văn hóa với nước Mỹ dưới triều Tự Đức.

Một ông vua có nhiều kiến thức văn hóa, một nhà thơ nhưng cũng là ông vua phải chịu trách nhiệm về sự suy vong của triều Nguyễn và để mất nước vì ngai vàng ích kỷ của mình chính là Tự Đức. Trong sự vùng vẫy mong thoát khỏi cơn bão đế quốc Pháp, ông đã cử Bùi Viện sang Mỹ gặp tổng thống  Grant (Tổng thống thứ 18 của Hoa Kỳ). Bùi Viện đã ra đi vào tháng  7 năm Quý Dậu (1873) bằng đường biển. Không có tài liệu cho biết cùng đi với ông là những ai. Chỉ biết ông sang Mỹ bằng thuyền, qua Hồng Kông rồi sang Nhật. Từ Nhật, ở cảng Yokohama ông sang Vịnh San Francisco rồi đến Washington. Sau gần một năm chờ đợi và tìm người giới thiệu, ông đã gặp tổng thống Grant. Không biết cụ thể Bùi Viện đã thảo luận những gì nhưng chắc chắn là có bàn đến việc đế quốc Pháp đã xâm lược Việt Nam từ 1858 và đã chiếm hết Nam Kỳ đang gấp rút đánh chiếm Bắc Kỳ và Trung Kỳ và mong muốn sự “giúp đỡ” của Mỹ. Trong thời gian này Mỹ đã từng đụng độ với Nhật (1853 - 1858) và đã từng ngấp nghé các nước khác ở châu Á và Đông Nam Á. Họ có tham vọng nhảy vào Đông Dương. Thế là hai bên Mỹ - Việt có chỗ gặp nhau, nhưng oái oăm thay Bùi Viện ra đi không có quốc thư để trình tổng thống Mỹ. Về nguyên tắc ngoại giao là không chính  thức, không thể ký kết được gì. Uổng công của Bùi Viện. Mặc dù trước đó, năm 1832 tổng thống Mỹ lúc đó là Andrew Jackson đã gửi thư cho vua nhà Nguyễn là Minh Mạng và đã cử một đoàn ngoại giao đến Việt Nam để thương thuyết và đã hứa nhiều vấn đề (2).

Hai năm sau, năm 1875 Bùi Viện lại ra đi. Đến Mỹ lần này, ông có Quốc thư của vua Tự Đức mang theo nhưng cơ hội đã không còn nữa. Đế quốc Pháp đã đứng vững ở Việt Nam. Chỉ còn một vài nơi ở Việt Nam là Pháp chưa chiếm được. Đến năm 1885 thì triều đình nhà Nguyễn quỳ gối đầu hàng. Chủ nghĩa tư bản đã cơ bản phân chia xong thị trường thế giới. Nước Mỹ sau nội chiến cần ổn định, không muốn cạnh tranh với ông bạn Pháp nên tổng thống Grant đã từ chối lập quan hệ ngoại giao với cái triều đình nhà Nguyễn thực chất đã sụp đổ. Bùi Viện lại thất vọng ra về và chấm dứt mối quan hệ Việt - Mỹ từ đây để rồi giữa thế kỷ XX cái “duyên” văn hóa  Mỹ Việt đèo thêm món “nợ” lớn. Đến sau 1975 lịch sử văn hóa Mỹ - Việt mới sang trang. Mãi những năm 1995 thế kỷ XX, khi tổng thống thứ 42 của Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước sau 10 năm Mỹ cấm vận Việt Nam thì mới chính thức có quan hệ văn hóa về mặt nhà nước.

Ở trên ta đã tìm hiểu quan hệ và quan hệ văn hóa giữa hai quốc gia, dù Mỹ và Việt Nam không có quan hệ ngoại giao suốt từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, nhưng văn hóa vẫn có con đường đi riêng của nó. Văn hóa Mỹ đã đến Việt Nam qua những ngả đường của Pháp, văn hoá Trung Hoa và văn hóa Liên Xô trước khi đi thẳng trực tiếp vào Việt Nam.

Việt Nam là một thuộc địa của Pháp gần một trăm năm. Trong vô vàn tội ác mà thực dân Pháp gây ra cho dân tộc Việt Nam,  may mắn “chữ duyên còn một chút này” là hoàn chỉnh chữ viết La tinh, trở thành chữ quốc ngữ và đưa văn hóa châu Âu (dù muốn dù không) vào Việt Nam. Nước Pháp với Mỹ vừa là ông chủ cũ (Pháp đã vừa  bán cho Mỹ mấy bang thuộc địa cũ), lại cùng là quê xưa của nhiều công dân Mỹ. Kiều dân Pháp, trước khi trở thành công dân Mỹ không phải là ít. Nhất là thế kỷ XVII -  XVIII. Từ thế kỷ XIX hai nước lại cùng hội cùng thuyền, phát triển chủ nghĩa tư bản và phân chia thuộc địa và vùng ảnh hưởng trên thế giới. Hai nước Mỹ Pháp gần gũi nhau về nhiều mặt: Kinh tế , chính trị, văn hóa… nên thường xuyên ảnh hưởng lẫn nhau. Văn hóa Mỹ đã có tác động ảnh hưởng  và thâm nhập sâu sắc vào văn hóa Pháp ngay từ thế kỷ XIX và XX.  Và qua văn hóa Pháp, văn hóa Mỹ đã vào Việt Nam qua cánh cửa sau.

Với Trung Quốc, văn hóa Việt Nam có lịch sử gắn bó lâu đời. Văn hóa Trung Quốc có ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến văn hóa Việt Nam. Nhiều thế kỷ chữ Hán là chữ viết chính thống trong đời sống văn hóa của Việt Nam. Nhiều thế hệ trí thức Việt Nam được đào luyện qua cửa Khổng sân Trình, sẵn sàng tiếp nhận những gì văn hóa Trung Quốc có được. Nhiều nhà văn hóa Trung Quốc thế kỷ XIX -  XX đã sớm tiếp thu văn hóa thế giới. Chính Montesquieu, J.J. Rousseau đã vào Việt Nam qua con đường văn hóa Trung Quốc với Mạnh - Đức  Tư Cưu và Lư Thoa cũng như Hoa Thịnh Đốn (Washington) của văn hóa Mỹ.

Nhà ái quốc vĩ đại Phan Bội Châu có thể là người Việt Nam đầu tiên ở thời hiện đại tiếp xúc với văn hóa Mỹ. Và người Mỹ đầu tiên có tác động và ảnh hưởng đến cụ Phan là Washington. Từ thế kỷ XVII các giáo sĩ phương Tây khi sang các nước Đông Á truyền đạo đã tuyên truyền hình ảnh Washington Người cha đẻ ra nước Mỹ với tất cả những phẩm chất tốt đẹp và tài năng uyên bác của vị Tổng thống khai sinh ra Hợp chủng  quốc Hoa Kỳ. Từ năm 1838 báo chí Trung Quốc đã đăng tải những bài viết ca ngợi Washinhton. Báo “Đông Tây dương khảo” đã đăng “Giản lược ngôn hành Washington” liên tục trong nhiều tháng; coi Washington như là “Nghiêu Thuấn”.

Phan Bội Châu đến Trung Quốc hoạt động cách mạng đã đọc những số báo này. Trong những trang hồi ký của mình, cũng như qua “Phan Bội Châu niên biểu” cho ta thấy,  trong những ảnh hưởng của văn hóa thế giới đối với cụ, có cả văn hóa Mỹ. Điều này thể hiện rõ nhất ở tác phẩm “Sùng bái giai nhân” được cụ viết năm 1907. Trong tác phẩm này cụ gọi những “anh hùng tráng sĩ Việt Nam chống Pháp” là giai nhân. Cụ cũng gọi Washington là giai nhân, một người Mỹ xa xôi ngang hàng với những anh hùng dân tộc như Cao Thắng. Cụ ca ngợi “Ngày nay tất cả các nước trong năm châu đều công nhận, một vĩ nhân đứng vào bậc nhất thế giới, đó là Washington. Anh em chúng ta say mê muốn học tập, chẳng có ai hơn Washington”. Ở tác phẩm này cụ Phan đã viết lại sự nghiệp và công lao của Tổng thống Mỹ để rồi kêu gọi, thức tỉnh tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam “Ôi, tệ thật! Chẳng lẽ đất nước này không có một Washington hay sao?”. Cụ Phan cũng cho ta biết là cụ đã đọc tác phẩm Washington tự truyện rồi rút ra những bài học thiết thực, nhất là tư tưởng cách mạng của Washington để rồi nêu cao khẩu hiệu “bài Pháp phục Việt” để tổ chức và hoạt động cách mạng. Tư tưởng cách mạng của cụ Phan “Dân trí chấn dân khí” và “khai dân trí” là ảnh hưởng từ Washington.

----------------

(1)  Hữu Ngọc. Sđd. tr.739

(2) Từ điển Bách khoa Việt Nam. Tập 1. Trung tâm biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam. H.1995.tr288

Tiếp theo

Hạnh Liên

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy