DÀNH CHO CÁC EM NHÂN DỊP TẾT TRUNG THU
Ước mơ của mẹ
Trong lúc tôi đang băn khoăn sẽ thực hiện bài Tập làm văn hôm nay cô giáo giao cho thì một giọng nói quen thuộc từ đầu ngõ vọng lại:
- Út Nhỏ ơi! Út Nhỏ có nhà không, đi chơi đi!
Hai Thương đến nhà rủ tôi đi chơi. Vậy là những băn khoăn trước đó về bài tập làm văn gần như tan biến. Tôi nhanh nhảu chạy đi, bằng tất cả sự hồn nhiên của bọn con nít, tôi chẳng thể lo lắng quá lâu về một vấn đề. Vì với chúng tôi, chuyện thường ngày để nghĩ nhiều nhất là sẽ làm gì bây giờ, làm gì cho bớt chán. Và tất nhiên, chúng tôi luôn khám phá ra những điều mới lạ, từ những điều mới lạ ấy rồi vui vẻ tự đến trong tức khắc.
Tôi với Hai Thương cùng chơi đạp xe đua, lúc mệt quá quay về nghỉ ngơi thì lại chơi trò nghề nghiệp. Chúng tôi sẽ đóng giả thành các nghề nghiệp yêu thích của mình, rồi bày tỏ ước mơ lớn lên. Hai Thương là đứa con nít điệu nhất tôi từng gặp nên lúc nào nó cũng kiễng chân cho cao hơn để bước đi rồi mới bắt đầu nói về công việc:
- Hai Thương muốn sau này lớn lên Hai Thương sẽ làm người dẫn chương trình. Hai Thương nhìn các chị dẫn chương trình đều có quần áo đẹp và còn rất xinh nữa.
Hai Thương có đôi mắt sáng rực. Ngay lúc này tôi liên tưởng, thế giới trong đôi mắt đó là cả một vùng trời, ngoài những đám mây lơ lửng tầng không tôi còn cảm giác có cái gì đó như bài thơ. Những bài thơ luôn da diết tình cảm cùng sự tin yêu vào thế giới mình đang sống. Hai Thương cũng nhanh nhảu hỏi lại tôi:
- Thế sau này Út Nhỏ muốn làm gì?
Tôi cũng chẳng có gì đắn đo mà nhanh chóng đáp lời:
- Út thích cô Hương Lan ở lớp mình nên sau này lớn lên Út sẽ làm giáo viên giống như cô. Út sẽ dạy các em nhỏ đọc chữ, học toán và viết những câu văn thật hay nữa.
Nhắc đến cô Hương Lan, tôi lại nhớ về bài tập làm văn chưa biết làm. Đề bài cô giao cho chúng tôi là: “Hãy kể về ước mơ của mẹ em”. Người ta hay bảo trẻ con chúng tôi là đám vô lo, vô nghĩ. Nhưng thật tình thì chúng tôi cũng có ước mơ. Nếu được hỏi về điều đó chúng tôi đều có thể đưa ra nhiều hơn một câu trả lời. Mà người lớn thì ngược lại, chúng tôi chưa bao giờ được nghe người lớn kể về ước mơ của mình, nên đó gần như là một ẩn số với chúng tôi.
- Hai Thương làm bài tập làm văn sáng nay cô giao chưa?
Tôi hỏi trong tần ngần, vì nếu Hai Thương làm rồi thì tự khắc tôi sẽ mang tâm lí hơi lo lắng vì đã đi chơi khi chưa hoàn thành bài tập.
- Hai Thương chưa, Hai Thương chẳng biết mẹ có ước mơ gì để kể cả. Mẹ Hai Thương chưa nhắc đến bao giờ.
Vậy là Hai Thương cũng như tôi, nhưng thật tình chúng tôi cảm thấy đây là một đề văn khó để có thể làm được. Quanh năm suốt tháng, bố mẹ đều đi làm từ rất sớm. Từ khi ông mặt trời vẫn đang say giấc ngủ thì bố mẹ chúng tôi đã ở với đồng ruộng. Bùn đất cộng với những giọt mồ hôi là thứ thường trực nhiều nhất với công việc của bố mẹ. Nhà nào khá giả hơn thì buôn bán. Có vẻ như hai tiếng “ước mơ” là cái gì xa lắm, tôi nghĩ nó giống quãng đường, nhưng nếu là quãng đường mà xa vậy thì mẹ tôi lấy gì mà đi đến nhỉ…
Tôi với Hai Thương kết thúc trò chơi trong sự chóng vánh vì phải trở về nhà làm bài tập ngày mai đến lớp. Hai chúng tôi là hai sự khác biệt, nhưng ngay lúc này thì tôi có thể chắc chắn, chúng tôi đang chung một dòng suy nghĩ, chung một nỗi băn khoăn. Ngay tối đó, tôi phải gặng hỏi mẹ cho bằng được để biết xem, mẹ muốn sau này làm gì hay lúc giống chúng tôi bây giờ mẹ có sở thích giống tôi và Hai Thương hay không.
- Mẹ ơi, ước mơ của mẹ là gì vậy ạ?
Cũng giống như tôi dự đoán, trước câu hỏi đầy xa xôi ấy, mẹ tôi không có câu trả lời nào cụ thể khiến tôi bằng lòng cả.
- Mẹ làm gì có ước mơ – Mẹ cười, vẫy tay cho qua, muốn lảng đi câu hỏi của tôi.
- Không ạ! Con và Hai Thương đều có ước mơ, Hai Thương muốn làm người dẫn chương trình, con muốn làm cô giáo. Chúng con nghĩ mẹ cũng phải có ước mơ chứ, nếu bây giờ không có thì mẹ còn có ngày xưa mà, ngày xưa lúc mẹ bé giống con và Hai Thương bây giờ vậy.
Mẹ tôi trầm ngâm một lúc thật lâu, ánh mắt mẹ chất chứa những suy tư, đến mãi sau này khi có nhiều nhận thức hơn, tôi mới hiểu về ánh nhìn cùng tâm trạng đó của mẹ:
- Lúc như các con bây giờ, mẹ thích đi học, thích lắm, để lớn lên có thể chăm sóc gia đình, giúp đỡ mọi người. Nhưng lúc đó cả làng mình khó khăn, cơm ăn còn chưa đủ no, mọi người chỉ chung một mong muốn là làm sao để có đủ thóc, đủ gạo trong ngày là tốt rồi, cũng chẳng nghĩ đến chuyện gì xa vời hơn.
Nói đoạn, mẹ dừng lại nhìn tôi, những điều mẹ nói sau đó là những điều tôi mang theo suốt năm tháng biết mơ rồi thực hiện của mình.
- Còn bây giờ mẹ cũng có ước mơ, ước mơ các con lớn lên mạnh khỏe và trở thành người biết sống chân thành, tử tế.
Bây giờ tôi mới biết, mẹ cũng có ngày xưa, nhưng ngày xưa của mẹ lại chẳng giống những gì mà chúng tôi vẫn tự hiểu. Lần đầu tiên mẹ nói mẹ có ước ước mơ, lần đầu tiên trong nhận thức của cuộc đời mình tôi biết để ý đến những nếp nhăn trên vầng trán và dưới đôi khóe mắt mẹ. Những nếp nhăn của năm tháng cơ cực in đậm vào lòng của đứa trẻ tập lớn vẫn còn đến mãi về sau.
Nguyễn Minh Phương
3 đã tặng
0
3
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...