Ứng cử viên
VNTN - Khi thầy Hòa hiệu trưởng gọi Nhi lên thông báo về chuyện cô sẽ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố, phản ứng đầu tiên của Nhi là giãy nảy: Không, cháu không đi đâu, chú biết là khó khăn lắm cháu mới được đi dạy, vừa kịp quen với trường với lớp… Bây giờ ra Hội đồng nhân dân, cháu không biết gì về chính trị lại không quen thân ai… Ai người ta cho cháu làm gì, mà có cho làm thì cháu cũng chẳng làm được…
Hiệu trưởng cười ồ: Con bé này… Cháu phải hiểu ra ứng cử chưa hẳn là thành đại biểu. Phải trúng cử mới làm đại biểu, mà làm đại biểu không có nghĩa là sẽ không làm giáo viên nữa. Chỉ là đại diện cho cán bộ giáo viên trong trường đi họp, tham mưu, kiến nghị những vấn đề về chuyên môn… Về tìm hiểu thêm đi. Cháu phải biết cả mấy trường mới được một suất. Cháu là nữ, trẻ, có thành tích… Chú nghĩ cháu là thích hợp nhất. Đây là vinh dự lớn lao đấy. Đừng có mà chưa chi đã chối đây đẩy.
Khi Nhi báo với Tú về chuyện cô sẽ ra ứng cử đợt này, Tú sững người:
- Em tự ra ứng cử à?
Nhi hơi tự ái:
- Sao lại tự? Chú Hòa với chị Hoa vận động mãi đấy. Anh phải biết chú ấy bảo em là giáo viên trẻ, giỏi, có năng lực, có thành tích cao nên mới được nhận vinh dự này... Thực ra chị Hoa chỉ nói thấy cô yêu nghề, yêu trò, có tâm huyết nên giới thiệu Nhi, nhưng nổ tí ti, Nhi nghĩ cũng không sao. Tú không nói gì. Không khí hơi chùng xuống, lát sau anh lại hỏi:
- Em vào Đảng chưa nhỉ?
Nhi cắn môi:
- Chị Hoa nói đợt tới sẽ cử em đi học lớp bồi dưỡng chính trị để làm cơ sở cho việc kết nạp.
- Thế nghĩa là vẫn chưa.
Có cái gì không ổn ở đây. Sau khi được hiệu trưởng, hiệu phó giảng cho một thôi một hồi về ý nghĩa của việc tham gia ứng cử, Nhi đã phải chuẩn bị thái độ để thông báo với Tú một cách bình thản nhất. Tưởng anh sẽ chúc mừng cô như các bạn đồng nghiệp vậy mà… Im lặng một lúc, Nhi lại đành lên tiếng trước.
- Thế sao hả anh?
- Đâu có sao, chỉ là anh hơi bất ngờ. Anh không biết em cũng máu mê quyền lực đến vậy. Thôi, anh sẽ tìm hiểu thêm về việc này.
Vừa về đến nhà, Nhi ngồi ngay vào bàn, mở máy tính gõ chữ bầu cử. Chưa đầy một giây, Google cho ra hơn một triệu kết quả. Lướt qua một loạt bài về trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Nhi tâm đắc nhất với câu: Đại biểu HĐND là đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân địa phương… nhưng cũng băn khoăn về quy trình ứng cử. Thì ra bầu cử không đơn giản chỉ là gạch tên, bỏ phiếu. Người được giới thiệu còn phải qua mấy lần hiệp thương, rồi lấy ý kiến cử tri nơi làm việc, nơi cư trú, rồi vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, lên chương trình hành động. Phức tạp, rắc rối thật. Sắp đến mùa thi rồi, bận lắm chứ rảnh đâu. Chú Hòa bảo: Mọi việc đã có chỗ chị Hoa lo, cháu cứ lên lớp như bình thường. Nhi lên lớp như bình thường thật, chỉ hơi có tí ti lo lắng khi điền vào hồ sơ ứng cử. Đơn ứng cử và sơ yếu lý lịch, tiểu sử tóm tắt thì không có gì khác lắm so với những mẫu hồ sơ xin việc mà trước Nhi đã viết đến mỏi tay, chỉ có bản kê khai tài sản… Chả có gì ngoài mấy thứ nữ trang, cái xe máy và một vài khoản tiền đi dạy thêm. Kê lên thì buồn cười, không kê thì không biết là có thiếu trung thực không. Tuy nhiên mọi việc rồi cũng xong. Thỉnh thoảng Tú lại hỏi:
- Thế cái chuyện ứng cử sao rồi em?
Nhi vừa chấm bài vừa đáp:
- Chẳng sao cả. Chị Hoa nói còn đợi hiệp thương vòng hai.
Thế nhưng khi chị Hoa đi họp hiệp thương về đưa cho Nhi xem danh sách những người ứng cử, Nhi mới tá hỏa: Trời ơi, toàn những người có chức vụ, bằng cấp, tuổi tác hơn Nhi gấp nhiều lần. Nhi phóng ngay vào phòng chú Hòa, quên cả gõ cửa.
- Chú, chú xem này!
Chú Hòa liếc qua:
- Có gì à?
Nhi muốn phát khóc:
- Toàn chủ tịch, bí thư, giám đốc, hiệu phó, hiệu trưởng, tiến sĩ, thạc sĩ… Có người tuổi còn lớn hơn bố cháu…
Chú Hòa cau mày:
- Tuổi trẻ thì thành tích ít. Mà quan trọng không phải là cái bằng, cái chức… Cháu về đọc kỹ những tài liệu về đại biểu dân cử đi! Cuối năm học chú đang còn nhiều việc lắm.
Lủi thủi bước chân ra khỏi phòng hiệu trưởng Nhi bắt gặp ánh mắt quan tâm dò hỏi của các giáo viên khác nhưng cô tảng lờ. May cho cô vừa đến giờ lên lớp.
Tú đọc danh sách, cười nhạt bảo:
- Anh nghĩ em nên rút đi. Trúng thì chỉ tổ thêm việc, mà thua thì chỉ tổ thiên hạ cười.
Thực ra đó cũng là suy nghĩ của Nhi nhưng bây giờ Nhi lại cảm thấy hơi khó chịu khi nghe những lời này từ miệng Tú. Cô cau mày: Không! Em sẽ thử xem sao!
Hội nghị tiếp xúc cử tri nơi cư trú diễn ra dễ dàng thuận lợi hơn Nhi tưởng. Mọi người đều nhìn Nhi với ánh mắt ngưỡng mộ. Chẳng ai chất vấn hay ý kiến gì chỉ phát biểu đại ý tán dương và mong muốn tất cả các ứng cử viên đều đắc cử. Hừ, ai cũng thắng vậy ai thua.
Chiều hôm đó Tú gặp cô với nét mặt khá căng thẳng:
- Chưa hiệp thương vòng ba, theo anh, em nên rút sớm đi.
- Sao vậy anh?
- Bố anh và nhiều người đều nói. Danh sách đưa ra như vậy chứ người ta tính toán hết rồi. Toàn các ông lãnh đạo và con cháu các ông ấy mới trúng cử thôi. Những người như em vào chỉ là để thí tốt, lót đường thôi. Cậu bạn anh còn cá cược với anh là em sẽ thua trắng. Thôi rút lui để đỡ quê mặt.
Nhi cay mũi. Không phải trước đây Nhi chưa từng nghe nói tới chuyện này. Bạn bè cô, cả chị gái, chị họ đều nói; Người ta làm thế cho ra vẻ dân chủ thôi chứ có sắp xếp hết rồi, nhưng nói trắng ra như Tú thì Nhi không chịu được nữa:
- Em nghĩ đại biểu Hội đồng nhân dân là đại biểu của dân, do dân, vì dân. Nó không phải là miếng bánh để người ta tranh nhau, chạy chọt để vào anh ạ!
Tú hơi sững người.:
- Em… em… Thôi được rồi. Hãy đợi đấy rồi xem!
Suốt một tuần sau đó lo ôn thi rồi coi thi, Nhi mệt nhoài. Vậy mà khi cô vừa về đến nhà, chưa kịp tắm gội đã thấy Tú nhắn. Em vào đường link này xem nha; Hóa ra là bảng phân công đại biểu về tranh cử tại khu vục nào. Nhi về đơn vị bầu cử số 4. Một tổ đúng như Tú nói chỉ có Nhi là dân thường. Ngoài ra thì khu vực Nhi vận động tranh cử cũng không có bạn bè, học trò, người thân quen nào cả. Hèn chi suốt hơn tuần giận nhau không liên lạc, Tú lại chủ động làm hòa kiểu: Thấy chưa, anh đã bảo mà!
Đêm hôm đó Tú nhắn:
- Em bỏ cuộc đi, để thời gian công sức lo cho đám cưới. Anh không muốn em phơi mặt ra cho thiên hạ xì xào, bàn tán, bình luận. Anh thực sự chỉ muốn vợ anh là một giáo viên bình thường.
Quen nhau đã mấy năm. Không phải Nhi không mong về đám cưới. Vậy mà sao nhận được lời cầu hôn mà Nhi lại thấy hoang mang, mệt mỏi thế này. May là đã bước sang hè, khi ngồi trên ghế ứng cử viên nhìn những bông hoa phượng rực rỡ ngoài cửa sổ, Nhi thấy lòng thảnh thơi đến lạ.
Giọng của vị đại biểu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc vang lên: Cám ơn phần trình bày của ứng cử viên số 3… và sau đây là phần trình bày của ứng cử viên số 4: Bà Trần Thị Linh Nhi.
Do một chút tự ti, Nhi đã viết bản chương trình hành động khá sơ sài, ngắn gọn. Mấy lần đầu nói nhanh không hết hai phút. Nhưng không hiểu sao buổi tiếp xúc cuối cùng, khi đứng trên bục nhìn sự háo hức, lo âu, khắc khổ trên mặt những cử tri, hầu hết đều lớn tuổi, lòng Nhi lại trào lên một nỗi xúc động. Thế là thay vì đọc, Nhi lại nói chương trình hành động theo cách khác hoàn toàn. Nhi bảo cô không có hiểu biết nhiều về chính trị và với khả năng, thành tích, quá trình cống hiến nhỏ bé của mình, cô không mong có cơ hội thắng cử nên cô không đến đây vận động tranh cử. Cô chỉ muốn một lần chính thức đưa những tâm tư, nguyện vọng của mình tới những vị lãnh đạo đang ngồi ở ghế ứng cử viên như cô. Bởi vì sau lần này chắc cô sẽ khó có cơ hội gặp họ lần nữa. Rất nhiều tiếng ồ à, vỗ tay tán thưởng từ phía dưới. Thế là Nhi nói. Đầu tiên là về mong mỏi có những chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên học nghề. Những biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn để thay đổi quan niệm sai lầm của các bậc phụ huynh khi cứ cố ép con phải vào đại học dẫn đến tình trạng thừa thầy thiếu thợ. Sinh viên ra trường thất nghiệp. Nợ vốn vay đi học không trả được. Sau đó thì Nhi kể về những tháng ngày đạp xe đi tìm việc khó khăn sau khi ra trường. Về nạn bạo hành gia đình ở quê. Nơi mà cô từng chứng kiến cảnh một người cha đánh gẫy chân con, một người chồng đánh vỡ đầu vợ mà chẳng phải chịu một sự trừng phạt nào. Về chuyện những em bé được học ở trường quốc tế giá hàng ngàn đô, đến trường bằng ô tô riêng, đi du lịch khắp năm châu bốn bể nhưng có những em nhỏ bán vé số, ăn xin, xách nước thuê cố gắng mỗi ngày mang về cho bố mẹ vài chục, một trăm ngàn trị bệnh hiểm nghèo do dùng thực phẩm bẩn tràn lan. Nhớ gì Nhi nói đó. Vừa nói Nhi vừa khóc.
Phần trình bày chương trình hành động của mỗi ứng cử viên được quy định tối đa khoảng mười phút. Ai cũng chỉ nói khoảng năm phút. Riêng Nhi, đến khi dừng lại, mới nhận ra đã “cháy giáo án” năm phút. Nhi lí nhí xin lỗi nhưng lời xin lỗi của cô bị lấp trong những tràng vỗ tay kéo dài. Xấu hổ và sợ hãi, Nhi cúi mặt xuống nên không thấy khuôn mặt tươi cười của vị lãnh đạo ngồi kế bên.
Tối hôm đó, chị Hoa gọi điện khen khi xem chương trình thời sự của đài địa phương. Nhi bảo: Phòng trọ không có ti vi, chỗ em còn chưa có wifi nên em không biết người ta phát những gì nhưng chị không cần động viên, trước nay chả ai khóc mà đẹp cả. Nhưng thôi kệ. Thế là xong nhiệm vụ. Từ hôm nay em có thể ngủ yên.
Bây giờ thì Nhi đã là đại biểu Hội đồng nhân dân được một nhiệm kỳ rồi. Bản lĩnh, trình độ lý luận chính trị cũng như chức vụ đã khác 5 năm trước. Đại biểu Hội đồng nhân dân khóa tới này, dù chú Hòa đã về hưu nhưng Nhi vẫn được cử ra ứng cử. Chỉ có điều cả chị Hoa và chủ tịch thành phố khi gặp đều chọc: Lần này đừng có khóc nhè nữa nha!
Truyện ngắn. Bùi Đế Yên
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...