Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:33 (GMT +7)

Tưởng nhớ nhà thơ Thế Chính

VNTN - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh - Báo Văn nghệ Thái Nguyên vô cùng thương tiếc báo tin:

Nhà thơ Thế Chính (tên thật Nguyễn Thế Chính) Sinh năm: 1940 Quê quán: Lỗ Khê, Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội. Hiện cư trú tại: Thanh Xuyên, Trung Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên. Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam; Ba lần đoạt Giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên; đoạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác văn học do địa phương tổ chức. Do tuổi cao bệnh nặng, mặc dù đã được gia đình và các y bác sĩ tận tình chăm sóc, cứu chữa, nhưng đã không qua khỏi; đã từ trần vào lúc 22h46, ngày 18 tháng 02, năm 2019, tức ngày 14 tháng Giêng, Kỷ Hợi. Hưởng thọ 80 tuổi. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, Báo Văn nghệ Thái Nguyên kính báo và gửi lời chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia đình hội viên - nhà thơ Thế Chính!


22h46’ ngày 18 tháng 02, tiếng chuông điện thoại của tôi reo len dồn dập, tôi giật mình: giờ này điện thoại đến chắc có việc gì đột xuất, tôi cầm máy lên nghe trong sự hồi hộp, quả đúng như tôi linh cảm : Máy bên kia Nguyễn Hồng Quang (Hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, ủy viên BCH Hội VHTN thị xã Phổ Yên, nhà ở gần anh Thế Chính) nghẹn ngào: “Anh Thế Chính mất rồi”. Trước Tết âm lịch tôi đã đến thăm anh, biết được tình trạng sức khỏe và hiểu rằng giờ phút vĩnh biệt anh chắc không còn lâu nữa, nhưng sao tôi vẫn thấy bâng khuâng, hẫng hụt như mất đi điều gì thiêng liêng của đời mình.

Hai mươi năm biết và quen anh, bao nhiêu kỷ niệm giờ đây ngồi nhớ lại không biết viết điều gì trước, điều gì sau.

Nhớ lại năm 1999, lần đầu tiên tôi đến thư viện huyện Phổ Yên mượn sách, vốn là người yêu thơ và cũng tập tọng làm thơ, tôi say sưa lần hết quyển thơ này đến quyển thơ khác trên giá sách, giở đến quyển “Quên và nhớ” của tác giả Thế Chính, tôi mở ra đọc. Vốn là người lính, nên những câu thơ “Ngôi sao đỏ trên đầu anh lính trẻ/ Mọc giữa rừng mà sáng cả trời cao”, “Đường con đi bóng mẹ ở trên đầu/ Đêm rạng trăng soi – Ngày che mắt giặc/ Ngắm dừa Phương Nam – Nhớ cau miền Bắc/ Thương mẹ mỗi mùa lại ước có nàng dâu” (Bài “Thư gửi mẹ”), “Đêm Trường Sơn nghe đài báo bão/ Lòng nôn nao chạnh nhớ quê nhà/ Thương mẹ giờ này một mình xoay xỏa/ Đem lưng còng chống chọi với phong ba” (Bài “Nghe đài”), “Thương tôi – Tóc mẹ bạc thêm/ Tôi thương mẹ lúm đồng tiền dài ra” (Bài “Nàng dâu”), “Biên giới mùa này sương rét đậm/ Lính mới chưa quen có nhớ nhà/ Mỗi bước tuần tra trên nẻo vắng /Bước nào gặp lại dấu chân cha”(Bài “Lính mới”)…

Đã lôi cuốn tôi đọc. Ở cuối cuốn sách có bài bình của nhà văn Hồ Thủy Giang về bài thơ “Khi vợ vắng nhà” bài thơ được giải nhất cuộc thi thơ trên báo Văn nghệ Thái Nguyên, đọc xong tôi nhớ ngay đoạn kết “Chiếc lá rơi ngoài ngõ/Ngỡ là em đã về/Giật mình tung cánh cửa/Vập đầu vào trăng khuya” và nhiều câu thơ khác nữa trong tập thơ “ Quên và nhớ” sau đó tôi chép lại trong sổ tay vẫn còn lưu giữ đến giờ.

Thấy tôi say sưa đọc tập thơ, cô thủ thư đến gần và bảo “Tác giả tập thơ là người trong huyện ta đó”, tôi hỏi và biết anh ở phố Thanh Xuyên, xã Trung Thành. Tôi mượn tập thơ về đọc lại nhiều lần. Sau đó gần nửa tháng, tôi tìm đến nhà anh, tôi chỉ ngại anh không tiếp, hoặc tiếp cho qua chuyện, tôi vẫn nhớ tới câu “Thấy người sang …”. Không ngờ anh nói chuyện với tôi một cách thân tình như quen biết đã lâu, anh hỏi tôi ở đâu, làm gì. Lúc đó tôi mạnh dạn nói là đã đọc tập thơ “Quên và nhớ” của anh và tôi rất thích. Anh quay lại giá sách lấy tập thơ “Quên và nhớ” tặng tôi, bút tích còn ghi rõ ngày 18/9/1999.  Trước lúc về, tôi đắn đo mãi mới mở túi sách lấy tập bản thảo của mình mà tôi gọi là “Tập thơ” đưa nhờ anh đọc giúp. Khi ra về tôi mới thấy tự ngượng nhớ lại câu “Đánh trống trước cửa nhà sấm”. Sợ anh cười cho thơ của mình. Nửa tháng sau tôi lại đến gặp anh, tôi nghĩ rằng : Không bao giờ anh đọc “Tập thơ” của mình, không ngờ tôi chưa kịp nói gì, anh đã đem “Tập thơ” của tôi ra và nói “Mình đã đọc hết tập bản thảo của bạn, mình chưa bao giờ sửa thơ của ai, nhưng mình đã đánh dấu ở từng bài theo cảm nhận của mình, bài nào chưa đạt mình đánh (-), bài nào được mình đánh dấu (+), bạn cứ đem về đọc lại và suy nghĩ thêm”. Anh còn nói thêm “Bạn đừng nản chí đấy”. Về đến nhà tôi phấp phỏng đem “Tập thơ” ra xem, trên 60 bài thì hầu hết anh đánh dấu (-), chỉ có 2 bài anh đánh dấu (+), nhưng bên cạnh lại có dấu (-). Tôi hiểu rằng : Hai bài đó lúc đầu anh đánh dấu (-), nhưng có lẽ để động viên tôi sau đó anh cho thêm dấu (+). Hai bài này sau đó tôi sửa lại và được báo tỉnh đăng.

Đầu năm 2004, anh Đàm Thế Du khi đó là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên và anh Hồ Thủy Giang – Thường vụ Hội, xuống gặp các đồng chí lãnh đạo huyện đề xuất ý kiến Thành lập Chi hội VHNT huyện Phổ Yên. Các đồng chí lãnh đạo huyện nhiệt tình ủng hộ chủ trương đó, nhưng khi đặt vấn đề ai là chi hội trưởng lâm thời, biết trong huyện lúc đó chỉ có anh Thế Chính là người làm thơ lâu năm nay, lại là hội viên Hội VHNT tỉnh, nhưng biết anh bị bệnh tim mạch nặng đã lâu, nên mọi người cũng ngại không dám giao cho anh. Không biết ai giới thiệu mà các đồng chí lãnh đạo nhắc đến tôi, có lẽ người ta biết đến tôi chủ yếu là người mê đọc thơ, thế là tôi được các đồng chí lãnh đạo huyện, anh Đàm Thế Du, anh Hồ Thủy Giang gặp động viên tham gia làm chi hội trưởng lâm thời. Thực tình tôi rất lo về khả năng của mình nhưng cũng muốn trong huyện có một Chi hội VHNT. Tôi đến gặp anh Thế Chính nói sự lo ngại và băn khoăn đó, anh động viên tôi cứ nhận nhiệm vụ, anh còn nói “Mình sẽ tham gia Ban chấp hành 1 khóa để xây dựng chi hội”. Chi hội VHNT huyện Phổ Yên được ra đời tháng 4 năm 2005 và anh tham gia Ban chấp hành. Mặc dù sức khỏe yếu, nhưng anh đã cùng Ban chấp hành tổ chức mọi hoạt động và chi hội đã đạt được những kết quả tốt. Cho đến gần đây anh vẫn là một hội viên tích cực của Hội VHNT thị xã Phổ Yên.

Tiếp xúc với anh, bất cứ ai đều có cảm nhận : Anh là người có nhiệt huyết rất cao với thơ, anh có thể say sưa nói chuyện hàng buổi về thơ, nhiều lần anh nói “Thơ với mình như một nhu cầu đời sống, thơ ăn sâu vào máu thịt của mình”. Nhiều lần đến thăm anh ốm ở nhà hoặc bệnh viện, khi nói chuyện đến thơ thì anh lại say sưa đến mức chúng tôi có cảm nhận anh như người đã lành bệnh, thơ như một liều thuốc đặc biệt với anh, đã có đôi lần anh bộc bạch “Nếu không sáng tác thơ, và không có thơ thì chắc mình không sống được như thế”. Tôi nhớ cách đây 3 năm có lần anh nói với chúng tôi “Lúc mình gần 70 tuổi, có bác sĩ điều trị cho mình dự đoán mình sống không qua tuổi 70 và khuyên mình không làm thơ nữa”.

Nhiều năm nay, đi đâu anh cũng đem theo máy đo huyết áp và thuốc điều trị để phòng cơn cao huyết áp đột xuất. Vài năm gần đây bệnh tình của anh ngày càng nặng, cấp cứu đi viện nhiều lần, anh đã nghĩ đến lúc không còn ngồi được để đánh máy hoặc viết sáng tác thơ, anh ước có một cây bút mực chảy ngược để khi anh không ngồi được, mà nằm vẫn sáng tác được thơ. Tôi và nhiều người đều cảm nhận những câu thơ, bài thơ anh viết được chắt ra từ con tim từ máu thịt của anh.

Trước Tết Kỷ Hợi, tôi và Nguyễn Hồng Quang đến thăm anh tại nhà riêng, anh nằm trên giường không tự ngồi dậy được, anh đã yếu lắm rồi, mọi sinh hoạt do vợ anh và các con giúp, nhưng anh rất tỉnh táo, tiếng nói nghe nhỏ nhưng rõ. Cháu Hùng – con trai anh nói “Bố cháu gần đây sống được hoàn toàn là nhờ thuốc, cháu lo bố cháu không qua được Tết này”. Nhưng khi tôi và Nguyễn Hồng Quang nói chuyện đến thơ, nhất là nhắc đến bài thơ “Nắng đêm” anh sáng tác gần đây hưởng ứng cuộc thi sáng tác về đề tài đại đội TNXP 915 Bắc Thái do Hội VHNT tỉnh chủ trì, bài thơ đó đã được giải B của Ban tổ chức, thì như có phép màu, anh nói rành rẽ quá trình sáng tác bài thơ. Anh bảo “Khi nghĩ đến đề tài này, mình như thấy có một nội lực nào đó thôi thúc mình sáng tác, mình sáng tác không phải suy nghĩ nhiều, bài thơ đó để mình tri ân những người đã hi sinh ở ga Lưu Xá”. Cháu Hùng cho biết “Bài thơ bố cháu nghĩ đến đâu được đứa cháu ghi âm lại, rồi sau đó viết ra giấy đọc lại cho bố cháu nghe, trong khi đọc bố cháu đã nhiều lần dừng lại nghẹn ngào cố cầm nước mắt. Bài thơ vừa hoàn thành thì bố cháu lại cấp cứu đi viện”. Đây là bài thơ cuối cùng của anh.

Trước khi về tôi và Hồng Quang có hứa với anh là sau ngày thơ Nguyên tiêu Kỷ Hợi chúng tôi sẽ tổ chức một số người yêu thơ trong Hội VHNT thị xã Phổ Yên đến thăm và đọc lại một số bài thơ của anh. Chúng tôi thấy nét mặt anh ánh lên biểu hiện sự vui mừng.

Không ngờ anh lại ra đi nhanh thế, chúng tôi chưa kịp thực hiện lời hứa với anh.

Một cuộc đời 80 năm trọn vẹn với thơ, anh đã miệt mài phấn đấu trở thành hội viên Hội VHNT Việt Bắc từ năm 1962, hội viên Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam. Anh đã để lại cho đời 7 tập thơ và hàng trăm bài thơ đăng ở nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương. Anh còn viết truyện ngắn và lý luận phê bình văn học. Anh đã 3 lần được giải thưởng VHNT 5 năm của tỉnh Thái Nguyên, 2 lần giải thưởng truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ Việt Bắc và Báo Văn nghệ Thái Nguyên, 7 lần giải thưởng của các cuộc thi thơ, Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam.

Năm 2016, tôi có làm bài thơ “Câu thơ còn xanh” tặng anh, trong đó có đoạn “Dẫu mai sau mây gió về trời/Những câu thơ đi cùng máy đo huyết áp/Những câu thơ chắt ra từ máu thịt/Bên trời/Còn xanh”. Tôi tin đoạn thơ tôi viết hoàn toàn đúng với anh.

Viết ra một vài kỷ niệm với nhà thơ Thế Chính, cũng là nén tâm nhang vĩnh biệt anh về nơi vĩnh hằng. Tôi muốn lấy lại tên bài thơ cho tên bài viết này để nhớ đến anh – Nhà thơ mà 20 năm tôi có may mắn được quen biết, cũng là một trong nhà thơ mà nhiều năm qua tôi vô cùng kính trọng.

Phổ Yên, Nguyên tiêu Kỷ Hợi – 2019

Phan Thức  

Nhà thơ Thế Chính đã tạ thế ở tuổi 80, tạm dừng những miệt mài của một người suốt một đời cần mẫn, lặng lẽ sống và viết.

Nhanh quá, vậy là thời gian mà tôi đã được biết, được gặp nhà thơ Thế Chính đến nay đã 15 năm. Hồi còn là học sinh phổ thông, chẳng biết tìm ở đâu mà tôi đã thuộc và thích những câu thơ của ông: Tôi đất thấp, em trời cao/ Vàng ươm nỗi nhớ cồn cào cơn mưa. Hồi học đại học, tôi không còn tìm đọc những câu thơ tình Thế Chính nữa, mà chuyển sang thuộc những câu thơ triết lí của ông: Có con sâu lột xác để thành người/ Có người thành sâu mà không cần lột xác; Có người hôm qua cắm hoa lên nòng súng/ Bây giờ gí súng vào hoa.v.v..

Người viết thơ rất nhiều, nhưng người trong trẻo và thành tâm, hết sức hết lòng với thơ như Thế Chính, có thể nói là hiếm có. Nghĩ về ông, trong tôi luôn hiện lên một con người tôn thờ, phụng sự chữ nghĩa và thơ ca. Những lần tôi gặp ông, dù là ở một cuộc giao lưu hay hội thảo, dù là ở nhà riêng, bất kì lúc nào, thì cũng chỉ thấy ông nói chuyện thơ và đọc thơ. Ông đọc không phải để khoe thơ mới, mà luôn bắt người đối diện phải nghe cẩn thận rồi cho nhận định, bình luận. Người ta khen hoặc chê thế nào, ông đều nghe rất cẩn thận rồi sau đó trầm xuống nghĩ ngợi. Có khi bẵng đi một thời gian, ông đột nhiên gọi điện lại, bảo câu này giữ nguyên vì thế này, câu kia sửa chữa vì thế kia, và sau đó lại đọc bài thơ mới... Có lần, ông ngồi thâu đêm viết bài bình về một bài thơ, khoảng 4h sáng mới xong, liền bấm điện thoại gọi cho tôi và đọc hết cả bài bình, bảo tôi nghe xem thế nào? Thật lòng, những lần khác thì tôi nghe ông rất chăm chú nhưng riêng lần đó tôi không nghe kĩ, bởi còn giục ông đi ngủ cho lại sức rồi sẽ đọc sau, nhưng ông nhất định không chịu dừng.

Đặc biệt hơn, không chỉ bản thân ông dành trọn cho thơ ca, mà gia đình ông từ người vợ thân yêu đến các con và thậm chí cả cháu ông cũng luôn đồng hành, chăm chú lắng nghe từng vần thơ ông viết. Trong phòng khách nhà ông, tủ sách xếp trang trọng đầy đủ các tập thơ Quên và nhớ; Tiếng lá rơi; Gió trong lòng đất; Nguyện cầu yếm thế; Nơi cánh rừng trụi lá; Cúc đơm thưa. Đó là di sản của ông, và là gia sản của cả nhà. Bất kì lúc nào ông muốn đọc thơ, người vợ thân yêu của ông luôn sẵn sàng trà nước ngồi nghe. Bất kì cuộc gặp mặt, giao lưu hay hội nghị nào về văn học nghệ thuật, con trai ông cũng đưa đón và đi cùng bố một cách rất vui vẻ, tự hào. Mấy năm gần đây, vì mắt kèm nhèm không nhìn được, ông làm thơ trong đầu rồi đọc miệng để cháu gái gõ vi tính, cháu dùng phần mềm đọc tự động để ông nghe lại lúc nào muốn. Lần mọi người trong Chi hội Thơ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đến thăm ông gần đây nhất khoảng cuối năm ngoái, dù đang rất mệt phải nằm trên giường tĩnh dưỡng, nhưng ông đòi bằng được uống thuốc hạ huyết áp, bảo con dìu ra ghế ngồi. Mọi người thì hỏi chuyện sức khỏe, nhưng ông thì… đọc thơ. Đọc xong, nước mắt chảy ra, ông bảo hạnh phúc quá vì vẫn được đọc thơ với mọi người. Vợ ông ngồi cạnh đỡ chồng, con ông rót rượu cho mọi người vừa uống vừa nghe đọc thơ, cháu gái ông ngồi cạnh, bài thơ nào ông không kịp nhớ hết thì bật lên cho ông nghe lại. Tất cả như thể chẳng có chuyện gì về sức khỏe của ông vậy. Tôi nghĩ, chẳng còn gì đáng quý, đáng trân trọng hơn sự yêu thương, thấu hiểu, gắn kết và chia sẻ lẫn nhau như thế nữa.

Vẫn biết đời người hữu hạn và không ai tránh khỏi quy luật sinh tử của vòng vận thế, nhưng mỗi sự ra đi đều để lại cho chúng ta bao tiếc thương, ngẫm ngợi. Xin được kính mừng nhà thơ Thế Chính đã đi trọn con đường chữ nghĩa của mình. Cầu mong ông thanh thản ở cõi cao xanh kia.

Phạm Văn Vũ

 

Nhà thơ Thế Chính đã về với cõi vĩnh hằng ở tuổi tám mươi, đúng vào những ngày cả nước đang tổ chức Ngày thơ Việt Nam; cả đời ông, tới lúc đi xa, duyên nợ với thơ vẫn là vậy.

Chúng tôi tới viếng ông vào lúc chiều muộn, trong lúc ngồi chờ vòng hoa chưa tới kịp, chúng tôi có dịp quan sát, chứng kiến một tang lễ trang nghiêm, thành kính, trật tự, quy củ của ban tổ chức tang lễ và gia đình. Vẫn biết ông là một nhà thơ, đã nổi tiếng từ lâu, xong vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy một phần các tác phẩm của ông, các bài viết về ông trên các trang báo chí, được gia đình lồng vào khung, treo trang trọng trên tường, bên cạnh linh cữu ông, minh chứng cho chặng đường sáng tác văn học của ông, từ những năm 60 của thế kỷ trước. Tiếp chuyện chúng tôi, một người con trai chia sẻ: "Cả đại gia đình chúng tôi, từ vợ, tới các thế hệ con, cháu đều luôn hết lòng ủng hộ, đồng cảm, sẻ chia với từng sáng tác, trong sự nghiệp văn chương của ông... Những năm gần đây, biết chắc chắn một ngày, rồi ông sẽ phải ra đi, ngày đó đến đưa tiễn ông, bên cạnh bà con chòm xóm, gia đình quyến thuộc, đa phần bạn bè còn lại là giới cầm bút, nên chúng tôi đã âm thầm "đặt hàng" trước.

Nhà thơ Thế Chính viết đều đặn và sung sức, ngay cả khi nằm trên giường bệnh, sau cơn tai biến thập tử nhất sinh. Ngày ông mới trở bệnh, anh em Chi hội Thơ, Hội VHNT tỉnh chúng tôi xuống gia đình thăm ông. Tuy tiếng nói bị biến thanh, sinh hoạt tại chỗ, vậy mà khi đoàn đến, ông khỏe hẳn ra, cố gắng ngồi dậy, bắt tay nhớ tên từng người... Ông cố lần ra, ngồi tiếp chuyện với anh em chúng tôi cả buổi, dốc hết mình cho những tứ thơ. Trong buổi chiều ấy, ông cho công bố chùm ba bài mà ông vừa viết trong những ngày qua, trong trạng thái vô thức, nửa tỉnh nửa mê sau cơn tai biến nặng. Không thể viết,  ông đọc thơ cho một người cháu gái ghi âm vào máy tính, máy đã được cài đặt chế độ tự dịch từ tiếng nói ra chữ viết, cháu hiệu chỉnh lại, đọc cho ông, ông lại sửa từng con chữ, cứ thế ròng rã những ngày trên giường bệnh, ông cháu nhà thơ đã hoàn thiện chùm thơ để đời. Chùm thơ đó ngay chiều ấy được nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ, Chi hội trưởng Chi hội  Thơ góp ý để rồi  tham dự cuộc thi viết về Đại đội TNXP 915 Bắc Thái. Và thật xứng đáng, khi tổng kết, một bài trong chùm thơ này đã giành giải cao.

Lần trước nữa, khi ông chưa bị tai biến nhưng sức khỏe đã kém nhiều, chúng tôi gồm một số nhà thơ của Thái Nguyên và Hà Nội rủ nhau tới thăm ông.  Cả buổi sáng ấy, ông như sống lại trong những hồi ức về thời trai trẻ, ông thoát ly vào nghề địa chất, vào bộ đội, vượt Trường Sơn chiến đấu... Ông đã có những vần thơ để đời và giành giải thưởng ngay từ những ngày đầu xa xưa ấy. Buổi sáng quá ngắn cho những dòng tâm sự, truyền cảm hứng thơ cho chúng tôi. Quả thật, nghe danh ông đã lâu, mà bữa ấy mới được ngồi tiếp kiến, nghe và vỡ ra bao điều về văn chương, nghệ thuật, choáng ngợp trước vốn hiểu biết uyên thâm của ông. Ngồi bên ông luôn là người vợ rất mực thủy chung - bà Nguyệt, vợ ông nguyên là một chiến sỹ TNXP thời kỳ chống Mỹ, đã luôn đồng cảm, sẻ chia với mỗi câu thơ, con chữ cùng ông. Có bài thơ bà còn nhớ và thuộc hơn cả ông, bà cùng đọc, nhắc ông mỗi khi ông đọc sai... Hai ông bà tựa vào nhau, ôn lại những kỷ niệm xưa, gắn với đó là những thi phẩm để đời, hình ảnh hai ông bà buổi sáng ấy mãi khắc ghi trong mỗi chúng tôi, không bao giờ quên được.

Có thể nói, suốt đời thơ ông, trong mỗi hơi thở của thơ, bên cạnh những nguyên mẫu mà ngòi bút tài hoa của ông nhắm tới, đều có bóng dáng, sự đồng cảm, sẻ chia tuyệt đối của vợ, tới các thế hệ cháu con trong đại gia đình ông.

Chúng tôi, được may mắn cùng sinh hoạt với ông trong một mái nhà của đội ngũ văn nghệ Thái Nguyên, luôn tự hào đã một thời được sống, viết cùng ông. Trong không khí đau buồn, tiễn biệt người anh lớn về miền cực lạc, tôi cứ nghĩ: sự đồng cảm, sẻ chia tâm huyết tuyệt đối của mọi thành viên trong gia đình, trong mỗi áng văn chương như ông, mấy ai có được.

Nguyễn Minh Trọng

 

Nhà thơ Thế Chính là một trong những người anh lớn của làng thơ Thái Nguyên. Lớp đàn em chúng tôi yêu quý, kính phục anh không chỉ bởi tài năng mà còn bởi sự nhân hậu, bao dung ở con người hồn hậu này.

Tôi và anh em Văn nghệ sĩ Thái Nguyên đến thăm và đàm đạo thơ ca với anh nhiều lần. Nhưng có ba lần đến với anh làm tôi nhớ mãi.

Lần thứ nhất cách đây đã gần hai mươi năm, tôi và nhà thơ Võ Sa Hà đi Bắc Ninh về, qua nhà anh Thế Chính ở Thanh Xuyên - Phổ Yên đã gần hai giờ sáng. Hai anh em gõ cửa nhà anh và ngỡ ngàng bởi sự đón tiếp nồng nhiệt của một nhà thơ với bạn thơ. Chị Thế Chính bán hàng ăn nên chỉ một lát đã có mâm cơm thịnh soạn đặt lên bàn. Đọc thơ, bình thơ sang sảng, đặc biệt chị Thế Chính và bốn người con của anh có tình yêu thơ ca đến kì diệu. Nhìn những đôi mắt đăm đắm đầy ngưỡng mộ của vợ con anh dành cho anh, tôi không chỉ mừng cho anh mà còn vô cùng trân trọng  một gia đình đặc biệt trong thời buổi này  - một gia đình nghệ sĩ có lẽ rất hiếm hoi trong địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Lần thứ hai cách đây khoảng 5 - 6 năm, nghe tin anh Thế Chính ốm nặng nằm cấp cứu ở bệnh viện C Phổ Yên, tôi, nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh và nhà thơ Võ Sa Hà đến thăm anh, phòng điều trị có không khí rất nghiêm trọng. Chị vợ Thế Chính đứng đầu giường nước mắt ngắn dài. Anh Thế Chính nằm thở ô xi trên giường bệnh, gương mặt hốc hác, tái nhợt. Lo lắng lắm, nhà thơ Võ Sa Hà ghé vào tai anh Thế Chính, nói oang oang:

- Chết thế nào được. Anh ơi! Kiệt tác còn chờ đợi anh ở phía trước. Em đọc cho anh bài thơ mới viết nhé.

Rồi cứ thế, Võ Sa Hà đọc thơ lên bổng xuống trầm. Bỗng một điều kì diệu xuất hiện, gương mặt anh đang tái mét bỗng hồng trở lại. Anh tự gỡ ống thở ô xi ra, run rẩy ngồi dậy, dựa vào thành giường, rồi thều thào bảo: Bài thơ hay, nhưng phải sửa chỗ này…

Tất cả kinh ngạc rồi òa lên sung sướng trước sức mạnh kì diệu của thơ ca. Chị Thế Chính cứ ôm lấy anh mà nức nở.

Lần thứ ba đến thăm anh là vào sáng 27 tết năm vừa qua. Anh bệnh nặng đã lâu, ngồi dậy và đi lại rất khó khăn, hai mắt đã không nhìn thấy gì cũng không nói được nữa. Vậy mà khi chúng tôi đến cầm tay anh thăm hỏi, anh ra hiệu cho con trai anh đỡ anh ngồi dậy. Lúc đầu anh nói không ai hiểu gì. Vậy mà một lúc sau anh nói tôi đã nghe được và biết anh đang gắng hết sức trong từng câu nói. Anh vui lắm, gọi con mang rượu ra uống, đòi chụp ảnh cùng chúng tôi, tha thiết hẹn ngoài tết sẽ có một buổi đọc và bình thơ tại nhà anh. Anh bảo con mang thơ tặng chúng tôi, mắt không nhìn được, con anh cầm tay bố đặt vào trang sách, chỉ ước lượng thôi mà anh đề tặng sách và kí rất rõ ràng cho tôi, Võ Sa Hà, Trần Thị Việt Trung.

Vậy mà anh Thế Chính ơi! Có ngờ đâu đó là lần cuối cùng chúng tôi được gặp anh, chén rượu cuối cùng, bức ảnh chụp cuối cùng. Lời đề tặng cuối cùng, trên tập thơ anh viết. Anh ra đi vào 14 tháng Giêng và đúng vào rằm tháng Giêng thì gia đình, bạn bè, địa phương đau đớn tiễn đưa anh về miền cực lạc, đúng vào dịp nhiều tỉnh thành tổ chức ngày thơ Việt Nam. Với anh, thơ không chỉ là duyên nợ mà còn là số phận, đem lại cho anh hạnh phúc sau bao nhiêu đắng cay của cuộc đời. Ở cõi cao xanh, chắc là anh vẫn làm thơ với mong ước giúp con người nhân hậu hơn, giúp cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Vĩnh biệt người anh đáng kính - một nhà thơ luôn sống chết cho thơ và vì thơ. Trong rừng thi ca Thái Nguyên, một cây đại thụ vừa ngã xuống, để lại một khoảng trống mênh mang, nhưng thơ của anh sẽ mãi thay anh sống tiếp với “Thủ đô gió ngàn”, sẽ hát mãi khúc ca nhân ái và hi vọng cho con người.

Nguyễn Đức Hạnh

 

Nguyễn Hồng Quang

Cây bút rơi khỏi tay Mắt ứa lệ cầm tay tôi anh nói: “Vĩnh biệt văn chương Vĩnh biệt nàng thơ Cảm ơn bạn thơ tới Thăm Chính - lúc gần đất xa trời Ước gì… Thế Chính… … bạn thơ ơi!”

Khó khăn lắm anh mới nói thành lời Bàn tay ấm trong lòng bàn tay ấm Thế mà anh đã ra đi.

Thơ xếp hàng nghiêng mình trên giá sách Tiễn anh đi về nơi Ngược Nắng Sáng nay sương đọng long lanh.

Thế Chính ơi, tôi nhớ anh Những ngày vật vã trên giường bệnh Mắt đã mờ cây bút đã thôi đưa Ba lần tai biến Ba lần gượng dậy làm thơ Đọc thơ qua điện thoại Cháu gái chép lại Hình như trong anh có 60 linh hồn liệt sĩ Ipad bừng sáng Nắng Đêm!

Làm xong cháu mail đi gấp Bởi cuộc thi áp chót hạn nộp bài Anh ngoảnh mặt vào tường nấc lên thở dốc Mê sảng với Nắng Đêm.

Con ẵm giải về, mang sách biếu đến bên Anh ôm sách hít hà hương tóc rối Không ngờ Nắng Đêm để lại Một mốc son đặt cuối con đường Thế Chính với cuộc đời, Thế Chính với văn chương.

(*): Bài thơ Nắng Đêm của Thế Chính đoạt giải Nhì Cuộc thi sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 anh hùng

Võ Sa Hà

Ngọn lửa thơ cháy đỏ trái tim Anh Tám mươi mùa xuân vẫn không ngừng trăn trở Thơ đã giúp Anh chẳng bao giờ gục ngã Trái tim đau lại cố đập với đời!

Thơ đã bay tỏa sáng với TÌNH YÊU Yêu Tổ quốc, quê hương; yêu vợ con, bè bạn... Người cựu binh băng mình qua lửa đạn Giữa đời thường luôn hồn hậu bao dung.

Với cháu con, Anh là một Tiên Ông Với bạn hữu, Anh là người minh triết Với nghệ thuật, Anh luôn luôn khác biệt Trong những vần thơ vật vã tận đáy hồn!

Giữa cuộc đời đầy rẫy những bon chen Anh trong vắt cùng thi ca mê mải Lửa thi ca trong lòng Anh sáng mãi Tám mươi mùa xuân - sáng đến phút cuối cùng!

Thơ của Anh còn sống với tháng năm Đời Anh đẹp như những vần thơ đẹp NHÀ THƠ ơi ! Xin nói lời Vĩnh biệt Giữa xuân nồng chồi biếc nụ mầm căng!

(5h sáng rằm tháng Giêng Kỷ Hợi)

     

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục