Tục đeo vòng hạt của người Maasai
VNTN - Người Maasai là một trong những dân tộc ấn tượng nhất châu Phi một phần vì đất nước này gắn liền với các công viên, đồng thời là khu bảo tồn động vật hoang dã lớn của lục địa. Tại đây, về phía bắc Tanzania và trung - nam, bắc Kenya trong thung lũng Great Rift, bạn sẽ thấy bóng dáng của họ ẩn hiện đâu đấy giữa những bầy sư tử, ngựa vằn, linh dương, linh cẩu… với một đặc điểm rất dễ nhận là họ mang chiếc chăn đỏ quấn vai và những chuỗi vòng hạt lao xao đeo ở cổ. Người Maasai là những chiến binh gan dạ, dũng mãnh thường đi săn, tranh giành con mồi với sư tử, song hiện nay đa số đều đã trở thành dân du mục chăn thả gia súc và làm du lịch. Tuy vậy, phong tục, tập quán của họ vẫn không hề thay đổi, nhất là trong lĩnh vực ăn mặc: nam giới vẫn vận màu đỏ, phụ nữ vẫn đeo vòng hạt đủ loại màu sắc, họa tiết, ý nghĩa.
Trang phục, vòng xuyến sặc sỡ đã giúp người Maasai trở nên nổi bật so với nhiều dân tộc. Ở Tanzania, Kenya đều có khá nhiều nét văn hóa, mà mỗi nơi đều ưa thích một số màu sắc riêng. Người Maasai yêu mọi thứ có màu đỏ, xanh lam, xanh lá, tím hồng và vàng cam. Màu thường thấy nhất ở đồ của họ là đỏ rực. Cả hai giới đều quấn một mảnh vải, với nam quấn ở trên vai gọi là shuka còn với nữ thì ở bụng, tạo thành một chiếc váy ngắn, rồi trang điểm quanh người bằng những vòng cổ, vòng tay, vòng chân, khuyên tai, mặt dây, băng đầu, đai cổ, đai tay, thắt lưng, dép xăng đan bằng hạt cây, cườm, gốm, đá, gỗ, xương, thủy tinh, vỏ sò, vàng, bạc, đồng…
Có thể nói những tác phẩm bằng hạt xâu, đính, dán thủ công đóng một vai trò rất quan trọng trong văn hóa Maasai. Người Maasai đã biết xâu vòng hạt và đeo chúng từ cách đây hàng trăm năm. Nó vừa là công việc, vừa là thú vui giải khuây của họ, nhất là phụ nữ. Do đàn ông phải đi suốt ngày (chăn thả gia súc), ở nhà các bà, các chị và các em nhỏ liền lấy hạt ra xâu, kết thành trang sức cho mình, rồi đeo cả cho chồng, cho người yêu làm kỷ vật. Vòng của hai giới họa tiết, kết cấu khá khác nhau, một đằng nữ tính, một đằng nam tính. Nam giới đeo ít vòng hơn, phụ nữ thường đeo rất nhiều vòng, nếu là vòng đơn có khi lên tới hàng chục cái.
Những chiếc vòng hạt Maasai không chỉ đẹp tươi, hấp dẫn mà còn luôn giàu ý nghĩa - biểu tượng, cho thấy độ tuổi, gia thế, vị trí xã hội cùng nhiều quan niệm nhân ái. Thường con gái chưa chồng sẽ đeo vòng to, rộng bản, tựa như một chiếc đĩa quanh cổ; tuy to song nhẹ và khi cử động, đặc biệt múa hát tôn thêm vẻ đẹp ở ngực, hấp dẫn nam giới. Thiếu nữ sắp cưới sẽ đeo những xâu vòng dài với những hạt to thòng lòng qua cổ, trong đó cô dâu vào ngày cưới thường đeo vòng chảy qua đầu gối, cản trở đi lại nhưng lại tạo ra sự đoan trang, thùy mị. Phụ nữ có chồng thường đeo vòng xanh Noborro có hạt nhuộm màu xanh lam.
Màu sắc trên mỗi chiếc vòng cũng phản ánh nhiều về tính cách, bộ tộc Maasai và từng cá nhân. Ví dụ như màu đỏ là màu cho các phẩm chất cao quý như can đảm, đoàn kết, thân ái của người Maasai… Do sống ở vùng sa mạc, giữa bầy thú dữ nên ai nấy từ nhỏ luôn phải rèn luyện ý chí vượt lên cái chết, không sợ đổ máu, không ngại hiểm nguy để có thể sống sót giữa thiên nhiên khắc nghiệt. Đỏ cũng là màu máu bò, vật nuôi sống người dân Maasai hiện nay, và xuất hiện trong nhiều hoạt động từ gặp gỡ, trao đổi, hẹn hò, cưới xin, ma chay tới lễ hội. Lúc ấy, họ sẽ thịt một con bò. Và màu đỏ thể hiện cho sự thống nhất, máu mủ của cả cộng đồng.
Màu trắng lại phản ánh sự hòa hảo, trong sáng, vô tư trong suy nghĩ và sức khỏe dẻo dai của người dân. Ý nghĩa sức khỏe xuất phát từ dòng sữa bò trắng mà trẻ em Maasai thường được uống mỗi ngày. Nhờ thế, nam giới rất cao, mới độ thiếu niên mà đã cao như cây sào.
Màu xanh lam và xanh dương ngụ ý về bầu trời, mây mưa, cỏ cây, đất đai nuôi sống những đàn gia súc, cung cấp thức ăn, thức uống cho người, và nói chung là năng lượng sống, sự hòa đồng, linh hoạt.
Màu cam cho thấy sự hiếu khách, thân thiện, cũng gắn với đàn bò ở chỗ du khách tới thăm sẽ được uống sữa bò từ những quả bầu da cam.
Tương tự màu cam là màu vàng, song còn chỉ sự sang quý, trân trọng khi du khách được ngả mình trên những chiếc giường lót da thú. Cả màu cam và vàng cũng nói đến sự phì nhiêu, dễ sinh sản và lớn mạnh.
Màu đen lại quay về những nỗ lực, nhẫn nại, quyết tâm để vượt qua hoàn cảnh gian khó. Giữa màu đen và màu đỏ trông có vẻ đối lập, nhưng đều phản ánh sức mạnh, nội lực của một bộ tộc kiên cường, anh hùng. Họ đã từng là các chiến binh, thợ săn, theo phong tục nam nhi muốn được công nhận đã trưởng thành phải săn được sư tử và chỉ bằng một cái giáo gỗ (sắt) rất đơn giản. Nhiều người hôm nay đã làm việc chăn nuôi, song vẫn phải đi bộ, băng qua hàng chục kilômét để xua các đàn bò gặm cỏ từ nơi này đến nơi khác của savannah.
Dù say lao động, cả nam lẫn nữ Maasai đều không quên làm đẹp. Cả hai giới đều đeo trang sức rất sặc sỡ, diêm dúa, nhiều tầng lớp, họa tiết, chất liệu. Họ đeo hàng ngày trong những sinh hoạt đời thường lẫn trong các nghi lễ cưới hỏi, hội hè và sẵn sàng tháo ra làm quà tặng quý khách. Sự thực hành văn hóa như vậy đã tạo nên những giá trị rất to lớn cho cộng đồng, và không chỉ vậy còn đưa việc trang sức, trang trí bằng hạt lên quần áo, vật dụng, công cụ thành một vẻ đẹp và biểu tượng của Đông Phi.
Để luôn có vòng xuyến đeo, phụ nữ Maasai ngày nào cũng phải xâu kết hạt. Công việc này với em gái giống như việc học và dệt vải ở các dân tộc khác vậy!. Từ nhỏ, các em đã được bà và mẹ dạy xâu hạt, và dùng các loại vòng xuyến, dây cổ, dây lưng, dép guốc, chuôi dao, bát đĩa, hũ vại… gắn hạt như một của hồi môn cho cả trai lẫn gái. Do trong xã hội Maasai, vàng bạc không quan trọng bằng những xâu hạt sặc sỡ, nên giàu sang, nghèo khó, đẹp xấu phụ thuộc hoàn toàn vào tài khéo tay làm trang sức của các thiếu nữ hay gia đình cô.
Vào ngày cưới, mẹ nàng dâu lẫn mẹ chú rể đều sẽ là người quyết định con phải đeo gì trong ngày trọng đại. Tuy mỗi gia đình có điều kiện khác nhau, song cơ bản sau khi hai bạn trẻ quyết định tiến tới hôn nhân, họ sẽ phải đeo một số vòng hạt sau. Mỗi ngày trước lễ cưới, dâu rể sẽ phải một chuỗi hạt bện xoắn, móc nối với nhau để thể hiện mối lương duyên và tình cảm thắm thiết, không rời. Vào ngày cưới, nàng dâu còn phải đeo thêm một cái đai cổ bằng da hình tròn, đính hạt to bản, đường kính khoảng 30cm, trang trí nhiều hình học rực rỡ, và phía trước trổ ra một ô vuông với nhiều xâu hạt gắn vỏ sò. Toàn bộ đai cổ này hàm nghĩa về một ngôi làng thu nhỏ của người Maasai, phản ánh nơi cô gái sinh ra, lớn lên, ra đi và có thể lại trở về. Làng Maasai luôn có hình tròn, với một hàng rào quây quanh, mà trên đai cổ là một đường diềm mỏng mảnh xen kẽ hạt đen hạt trắng. Phía sau hàng rào là những ngôi nhà, tương ứng với một hình học trên đai, và trung tâm của làng, nơi trâu bò, dê cừu gặm cỏ, chính là lỗ tròn của đai. Vì thế, khi đeo nó, như mang cả xứ sở đi theo để cô gái đỡ nhớ về thân nhân, bè bạn vì có thể chị sẽ phải theo chồng đi rất xa, ở đâu kia ngoài sa mạc. Mọi trang trí của chiếc đai đều đầy tính chất nghệ thuật, phản ánh cả một nền văn hóa, phong tục - tập quán trên trang phục. Không chỉ vậy, những hạt cỏ, hạt đá, thủy tinh trên đó cũng ngụ ý về của hồi môn, hay số tiền mà chàng trai sẽ phải trả khi lấy con họ. Có bao nhiêu hạt đính trên những tua rua là bấy nhiêu bò, dê, cừu… nhà trai phải đưa tới nhà gái. Phần tua rua cũng chỉ lợi tức và cách tính sản vật của dân gian, mỗi khi tính số lượng bò chẳng hạn, không như nhiều nơi ghi vào sổ, người Maasai sẽ thắt một cái nút trên một sợi thừng dài, mỗi nút to và lỏng ứng với một con bò - con bê, mỗi nút nhỏ và chặt là dê, cừu hay một vật tương ứng, do vậy từng dây hạt, tua rua là một dây của hồi môn mà cha mẹ sẽ cho con gái hoặc đòi con rể trả cho mình.
Cô dâu sẽ đeo đai cổ trong suốt ngày cưới để thể hiện chị đã lấy chồng. Tuy nhiên, một số phụ nữ khác cũng có thể có đai giống chị, nhưng không phải là đai cổ ngày cưới mà chỉ là vòng trang sức vì chúng to hơn và không có phần ô vuông hay dây hồi môn. Người Maasai gọi đó là các đai cổ múa chào mừng ngày cưới và các sự kiện vui của cộng đồng. Thường họ sẽ đeo từ tám đến 10 cái lủng lẳng trước ngực, và khi nhảy múa nảy lên rất đẹp. Mỗi chiếc đai này cũng biểu thị cho làng xóm- quê hương họ đang sinh sống, với những họa tiết, màu sắc đặc trưng, và còn có thêm những đường thẳng xuyên tâm, chỉ những cánh cửa vào làng, mà cửa chính (cổng làng) là một đường thẳng đậm nét. Màu sắc, hoa văn trên đó còn nói về các thói quen, sở thích riêng của người đeo, như có người thích ngựa vằn (nhiều sọc đen sọc trắng cách quãng), thích hoàng hôn, mặt trời (nhiều mảng cam) trong khi người khác ưa chuộng mây nước, sông núi (mảng xanh)…
Chú rể có thể không đeo nhiều vòng hạt bằng vợ, song anh lại gây chú ý bởi chiếc giáo và khiên, xưa kia là một vũ khí quan trọng của chiến binh, cũng đính nhiều loại hạt, họa tiết, mà thường nhất là một ngôi sao trắng chỉ sự dũng cảm, khỏe mạnh. Theo lệ làng, đến 18 tuổi một thanh niên sẽ phải săn được một con sư tử, thì mới được coi là đã lớn khôn. Sau khi làm lễ trưởng thành, trên chiếc khiên của anh sẽ được đính một ngôi sao. Ngày nay, luật pháp đã nghiêm cấm việc săn bắn, nên các chàng trai đều phải mượn bờm sư tử để làm lễ, đồng nghĩa với chiếc khiên được đính sao, nếu không họ sẽ khó lòng lấy vợ. Thành thử, những xâu, chuỗi, vòng hạt chính là cả thế giới của họ.
Thủy Trường
(Biên dịch từ Berger Colour Magazine)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...