Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
22:39 (GMT +7)

Tục cúng đồ vật đêm giao thừa

VNTN - Trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán, bên cạnh việc làm lễ cúng tạ ơn tổ tiên, tạ ơn trời đất, cúng ban phát vong hồn, oan hồn, các gia đình trong cộng đồng người Tày - Nùng thường còn làm thêm các lễ cúng tạ ơn đồ vật trong nhà như công cụ, tư liệu sản xuất, lễ thưởng công cho vật nuôi.

Gắn bó hàng ngày, thân thiết với đời sống lao động, mưu sinh, bảo tồn sự sống trong mỗi gia đình là các công cụ sản xuất như con dao, cái cuốc, cái cày, cái nỏ, khẩu súng kíp, cái thớt, cái chổi quét nhà… Đó là những vật dụng đã bền bỉ, cần mẫn, lặng lẽ suốt cả một năm cùng với con người làm ra bao nhiêu của cải, vật chất, nuôi dưỡng, giữ yên bình cho mỗi gia đình. Đó là những đồ vật có công lao. Không ai nghĩ các đồ vật đó có linh hồn, nghe được, cảm nhận được tiếng nói, tình cảm của con người, nhưng trong sâu thẳm tinh thần, mọi người đều thực sự tôn trọng, coi các vật dụng đó như những người bạn thân, cùng chứng kiến, cùng hưởng những vui buồn. Đêm giao thừa là đêm tổng kết một năm thành quả, họ không quên những “đóng góp” của các vật dụng yêu quý đó. Và từng gia đình thể hiện sự trân trọng đó bằng một lễ cúng.

Đồ cúng thường là đồ chay như khẩu sli, khẩu sléc, bánh lam, bánh khảo tự làm. Ba cái bánh chưng cũng đồng thời là ba ống cắm hương. Xếp quanh mâm thờ là các đồ vật quen thuộc như nói ở trên. Bài văn khấn cũng thường ngẫu hứng. Chủ nhà xưng hô “câu mầư” (mày tao) với giọng thủ thỉ, thường là ngợi ca sự gắn bó keo sơn, công lao của các đồ vật với con người, ý chí kiên cường của các vật dụng đó khi gặp khó khăn như “chém phải đinh không mẻ” (với con dao), “cuốc phải đá không kêu rên” (với cuốc, thuổng), “quét phải cứt gà không nản” (với cái chổi), “bắn không trúng cũng làm nó sợ tiếng nổ” (với khẩu súng kíp)… Hết bài khấn, thường người ta đổ một ít rượu, ít nước chè lên các đồ vật đó.

Sau lễ cúng đồ vật là phần thưởng công cho các con gia súc như trâu, ngựa, chó, mèo. Trâu, ngựa thì được ăn cháo nóng hòa với gừng, muối, được dán một mảnh giấy đỏ lên trán hoặc lên sừng. Có nhà còn cho trâu, ngựa uống một ít rượu. Lũ mèo, chó thì được ăn thả phanh.

Tục cúng đồ vật và thưởng công vật nuôi đêm giao thừa đã có từ rất lâu đời trong cộng đồng người Tày - Nùng. Hiện nay, nhiều nơi vẫn còn giữ tục này. Tuy nhiên, nhiều nhà không còn nuôi trâu ngựa làm sức kéo, sức thồ nữa, thay vào đó là những chiếc máy kéo, máy cày hiện đại. Có nhà đã “sáng kiến” cúng những chiếc máy này, cho “ăn”, cho “uống” như các vật dụng khác. Không nên coi đó là hủ tục mà phải hiểu đây là sự trân trọng, sự biết ơn, là tình cảm rất đáng quý của con người được truyền dạy từ đời này sang đời khác đối với các vật dụng, vật nuôi thân thiết với chúng ta.

Triệu Doanh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy