Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
18:42 (GMT +7)

Tư tưởng “Nội thánh ngoại vương” trong bài thơ Phong niên của Lê Thánh Tông

Lê Thánh Tông là một vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Ông không chỉ nổi tiếng ở tài trị quốc, đưa đất nước Đại Việt thời Lê sơ bước vào giai đoạn hưng thịnh bậc nhất một thời, mà còn nổi tiếng trên phương diện văn chương. Là bậc quân vương tôn sùng Nho học, Lê Thánh Tông đã đưa học thuyết này lên địa vị độc tôn trong xã hội, đồng thời với đó là vận dụng gần như triệt để hạt nhân của học thuyết Nho gia vào công cuộc trị quốc an dân cũng như trước tác văn chương.

                                    11-1692244470.jpg
Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị vua nào vừa tài giỏi chính trị lại thiện nghệ văn chương như Lê Thánh Tông

Trong sự nghiệp sáng tác của Lê Thánh Tông, có lẽ Quỳnh uyển cửu ca là thi tập hay nhất và thể hiện một cách toàn diện nhất sự ảnh hưởng của tư tưởng Nho gia trong con người ông. Đối với Lê Thánh Tông mà nói, “nội thánh ngoại vương” là một trong những tư tưởng quan trọng chi phối và ảnh hưởng đến cuộc đời và sự nghiệp của ông.

1. “Nội thánh ngoại vương” - một hạt nhân quan trọng trong tư tưởng triết học Nho gia

Trước hết cần xác định trong tất cả các kinh điển Nho gia chưa hề xuất hiện cụm từ “Nội thánh ngoại vương”. Cụm từ này có nguồn gốc từ thiên Thiên hạ, sách Trang Tử, kinh điển của học thuyết Lão - Trang, trích đoạn cụ thể như sau: “Thiên hạ đại loạn, hiền thánh bất minh, đạo đức bất nhất... thị cố nội thánh ngoại vương chi đạo, ám nhi bất minh, uất nhi bất phát, thiên hạ chi nhân, các vi kỳ sở dục yên, dĩ tự vi phương”. Tức là, khi thiên hạ đại loạn, hiền và thánh không rõ ràng, đạo và đức không thống nhất... thế cho nên đạo nội thánh ngoại vương u ám mà không sáng tỏ, uất kết mà không phát triển, người trong thiên hạ, đâu đâu cũng có ham muốn của mình, tự mình làm theo cách thức của mình.

Có thể thấy, Trang Tử đã đề cập đến thuật ngữ này như một chuẩn mực của đạo đức xã hội, vì thiên hạ biến loạn nên chuẩn mực này mặc dù có tồn tại nhưng u ám mà không sáng tỏ, uất kết mà không phát đạt được. Và những người đạt đến mốc lý tưởng của đạo “Nội thánh ngoại vương” là những người, theo Trang Tử, có thể “Phối thần minh, thuần thiên địa, dục vạn vật, hòa thiên hạ, trạch cập bách tính”, tức: phối hợp được với đấng thần minh, thuần hóa được tự nhiên, giáo dục được vạn vật, hòa hợp với thiên hạ, thấm nhuần được tới muôn dân trăm họ.

Bước đầu có thể thấy, xuất xứ của cụm từ “Nội thánh ngoại vương” là từ kinh điển Lão - Trang, nhưng vì đâu lại nói “Nội thánh ngoại vương” là hạt nhân quan trọng trong tư tưởng học thuyết Nho gia? Trở lại với kinh điển của Khổng giáo là Luận ngữ, trong thư tịch này, Khổng Tử đã từng nhắc đến những khái niệm như “thánh giả” hay “thánh nhân” để chỉ tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của con người, hoặc “tiên vương” hay “vương giả” là những tiêu chuẩn cao nhất của những bậc làm vua, và đó là những ông vua dùng “nhân trị”. Từ đó về sau, Nho gia hướng tới một mục tiêu tối cao trong việc tu dưỡng cá nhân của mỗi bậc quân vương là bên trong có được đạo đức hoàn hảo của thánh nhân, bên ngoài thì thi hành được chính sách “nhân”, tức “tu kỉ dĩ an bách tính” (tu dưỡng bản thân để an định trăm họ) .

 “Nội thánh ngoại vương” là chuẩn mực đạo đức có tính nhất quán của Nho gia, mỗi khi nói đến “nội thánh” là ắt phải đề cập đến “ngoại vương”, mỗi khi nhắc đến “ngoại vương” ắt phải nói đến việc “tự tu thân” làm đầu. “Nội thánh” thể hiện sự theo đuổi nhân cách lý tưởng. “Ngoại vương” thể hiện khao khát để đạt tới một nền chính trị lý tưởng. Điều này rất phù hợp với các phương châm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” của Nho gia. Nho gia cho rằng, “nội thánh” là tiền đề của “ngoại vương”, “ngoại vương” là ý nghĩa vốn có ở “nội thánh”. Cũng như Chu Hy đã từng nói “Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, tức là trước hết phải sửa đổi bản thân mình (trị kỷ), sau đó mới có thể sửa đổi cho người (trị nhân) để thực hiện quốc thái dân an. Đây cũng chính là những câu Khổng Tử trả lời câu hỏi về đạo quân tử của Tử Lộ. Tử Lộ hỏi về quân tử, Khổng Tử đáp: “tu kỷ dĩ kính”.

Vậy, như thế nào mới đạt đến cảnh giới của “Nội thánh ngoại vương”? Có thể viện dẫn 4 câu kinh điển của nhà tư tưởng thời Bắc Tống là Trương Tải, từng được Phùng Hữu Lan mệnh danh là “Hoành cừ tứ cú”, như sau: “vi thiên hạ lập tâm, vi sinh dân lập đạo, vi vãng thánh kế tuyệt học, vi vạn thế khai thái bình”. Chiếu theo triết học xã hội của Nho gia thì có thể thấy, “vi thiên hạ lập tâm” là tông chỉ căn bản của “thiên đạo”, “vi sinh dân lập đạo” là tông chỉ căn bản “nhân đạo” , “vi vạn thế khai thái bình” là tông chỉ căn bản “trị đạo”, và “thiên đạo”, “nhân đạo”, “trị đạo” lại chính là nội dung của “vãng thánh kế tuyệt học” (kế thừa tuyệt học của thánh nhân). Bốn câu của Trương Tải đã thể hiện một cách chính xác tinh thần của Nho gia và ý thức trách nhiệm chủ thể “nhân dĩ vi kỉ nhậm”, “đạo dĩ vi kỉ nhậm”, “thiên hạ vi kỉ nhậm” của Nho gia.

Tổng kết lại 4 câu của Trương Tải ứng với những nội hàm tư tưởng như sau:

- Vi thiên địa lập tâm, tức thiên đạo

- Vi sinh dân lập đạo, tức nhân đạo

- Vi vạn thế khai thái bình, tức trị đạo

- Vi vãng thánh kế tuyệt học: tính chất đặc biệt của triết học xã hội Nho gia, kế thừa đạo của thánh nhân

Theo quan điểm của Nho gia, người làm vua chỉ cần có được đức thì rủ áo khoanh tay mà thiên hạ thái bình thịnh trị. Mô hình nhân cách lý tưởng của hoàng đế Nho gia là “Nội thánh ngoại vương”, đã được Khổng Tử phác thảo ra những bước ban đầu từ trong Luận ngữ, và được xây đắp dần trong lịch sử. Khổng Tử sinh ra trong thời đại biến động lớn của xã hội, tác động đến sức mạnh của những thiết chế cũ kĩ của nhà Chu, khiến nó không còn khả năng ước thúc con người, điều mà Khổng Tử đau đớn gọi là sự băng hoại của lễ nhạc. Thay vì tìm cách sửa đổi văn chế cho hợp với thời đại, với con người thời đại mới thì Khổng Tử lại tìm cách sửa đổi con người, tạo ra các cơ chế ép buộc con người tự điều tiết, tự tiết chế, tự tu dưỡng sao phải thích ứng được và trở lại với văn chế: “khắc kỷ, phục lễ, vi nhân”.

Còn phương diện phát huy ảnh hưởng xã hội, văn chế của nhà Chu chính là học thuyết ngoại vương của Khổng Tử. Khổng Tử và Mạnh Tử quan niệm rằng phương diện nội thánh mà hoàn thành thì phương diện ngoại vương cũng tự nhiên được chu tất. Hai phương diện này hoàn tất mẫu hình nhân cách lý tưởng thánh vương. Nếu nội thánh yêu cầu phẩm chất thuộc về phương diện đạo đức thì ngoại vương thuộc về chính trị - xã hội. Thánh vương Nho gia là người rủ áo khoanh tay mà thiên hạ thái bình thịnh trị - là mẫu hình nhân cách lý tưởng trong thời bình của Trung Quốc.

Như vậy, có thể khẳng định rằng “Nội thánh ngoại vương” mặc dù xuất xứ từ kinh điển Đạo gia nhưng vẫn là hạt nhân quan trọng trong tư tưởng triết học Nho gia.

2. Tư tưởng “Nội thánh ngoại vương” trong bài thơ Phong niên

Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có vị vua nào vừa tài giỏi chính trị lại thiện nghệ văn chương như Lê Thánh Tông. Khi trị vì, ông đã đưa Đại Việt dưới triều Lê bước vào giai đoạn hưng vượng bậc nhất cả về văn hóa, chính trị, kinh tế, lịch sử gọi thời gia đó là “Hồng Đức thịnh thế”. Lê Thánh Tông yêu văn chương và giỏi sáng tác, ông thành thạo cả chữ Hán và chữ Nôm. Mỗi thi tập ông viết ra đều thể hiện được phong cách văn chương và nghệ thuật ngôn từ của một thi nhân bậc nhất thời bấy giờ. Khi nhắc đến thơ văn Lê Thánh Tông, thi tập đầu tiên cần đề cập là Quỳnh uyển cửu ca. Chín khúc ca vườn quỳnh này đại diện cho 9 điểm nhìn của ông trước các sự việc: lịch sử, văn hóa, văn học, nghệ thuật. Mỗi bài thơ đều có ngôn từ xảo diệu, ý tứ phóng khoáng, kèm theo đó là lòng tự hào và hoài bão lớn.

Giống với Nguyễn Trãi ở nỗi lòng “tiên ưu”, lo cho dân cho nước trước tiên, nhưng Lê Thánh Tông cho thấy khả năng hiện thực hóa những lo âu ấy. Ông cho thấy hình mẫu một vị minh quân lấy việc làm vua là trách nhiệm và nghĩa vụ chứ không phải là sự hưởng thụ. Lê Thánh Tông đem đến minh chứng rằng vị thánh quân trong mộng tưởng của Nguyễn Trãi đã thành hiện thực, chí ít là trên phương diện hình tượng văn học.

Lê Thánh Tông luôn cố gắng cho thấy hình tượng vị hoàng đế sống theo đạo trung dung, vui buồn cũng biết chừng mực. Hình tượng nhân vật trữ tình trong thơ Lê Thánh Tông không chỉ là một vị hoàng đế mà còn là một con người bình thường với tất cả những vui buồn cá nhân ở đó. Nho giáo hướng đến con người bình thường, thánh nhân của Nho giáo cũng vẫn là con người bình thường ấy tự hoàn thiện chính mình đến một ngưỡng cao viễn nào đó. Vậy nên, con người, dù là bậc hoàng đế trong quan niệm của nhà Nho hẳn vẫn cứ là con người bình thường với những niềm vui buồn của cuộc sống. Ở một số bài thơ chữ Hán, chiếm số lượng không nhiều trong di sản thơ ca của ông, hình tượng Lê Thánh Tông, dù là một vị hoàng đế đầy quyền lực thì đôi khi vẫn là một con người hay suy tư, thấp thoáng bóng dáng của các nhà Nho từ Chu Văn An, đến Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi... Tuy nhiên, cái suy tư của ông khá chừng mực và đơn giản, tương đồng với nguyên tắc đạo trung dung của Khổng Tử.

Trở lại với tư tưởng “nội thánh ngoại vương”, trong số những trước tác đồ sộ của Lê Thánh Tông, Quỳnh uyển cửu ca là tập thơ thể hiện rõ nhất tư tưởng này. Đúng như tên gọi của nó, tập thơ này bao gồm 9 bài thơ do Lê Thánh Tông sáng tác, các đại thần trong nhị thập bát tú họa lại hoặc phẩm bình câu chữ. Bài thơ đầu tiên trong thi tập vườn quỳnh này là bài Ngự chế Sửu, Dần nhị tuế bách cốc phong đăng hiệp vu ca vịnh dĩ kỉ kì thụy御製丑寅二歲百穀豐登協于歌詠以紀其瑞, gọi tắt là Phong niên 豐年

Quỳnh uyển cửu ca mở đầu bằng một bài thơ vừa thể hiện được quan điểm “đức trị”, “ngoại vương” vừa thể hiện được sự tự hào về chế độ mà Lê Thánh Tông và các vị vua tiền nhiệm đã xây dựng:

Bố đức thi nhân tín vị năng,

Hoàng thiên tích phúc lũ phong đăng.

Đường đường đoan sĩ trâm anh quý,

Tỏa tỏa ngoan phu pháp lệnh thằng.

Hạ huấn Thang Hình thời giám giới,

Văn mô Vũ liệt nhật khôi hoằng.

Lê nguyên bão noãn hưu trưng ứng,

Túc dạ cần cần lũ chiến căng.

Dịch nghĩa:

Ban bố ân đức, thi hành nhân chính, thực sự ta chưa làm được.

Được mùa liên tiếp, ấy là do trời ban phúc cho vậy.

Bậc đoan sĩ đường đường [dòng dõi] trâm anh nên được quý trọng.

Bọn ngoan phu bướng bỉnh đã có pháp lệnh trừng phạt nghiêm minh.

Huấn cáo nhà Hạ, khuôn phép nhà Thương thường xuyên răn giới.

Điển mô vua Văn, liệt chương vua Vũ hàng ngày phát huy.

Dân chúng sống ấm no, điềm lành ứng hiện.

Song ta vẫn khuya sớm chăm chỉ chính sự, nơm nớp lo lắng.

Nhà thơ mở đầu bằng sự khiêm nhường khi ông tự nhận chưa làm được những việc trọng đại như “bố đức”, “thi nhân” và ông tự nhận được mùa là do hoàng thiên ban phúc. Như vậy, trong hai câu thơ khởi đề, Lê Thánh Tông đã phần nào thể hiện được sự thành công của tư tưởng “đức trị”, tức “ngoại vương”. Tuy nhiên, bằng một sự khiêm nhường nhất định, ông lại cho rằng thành quả đó là “hoàng thiên” (trời cao) ban phúc vậy. Trời đại diện cho lực lượng thần linh tối cao, khi được trời ban phúc, tức là việc làm của con người đã hợp với đạo trời. Ở hai câu thơ này, tác giả đã ngầm thể hiện được tinh thần “nội thánh”. Khi một Nho sinh tu tập bản thân, nếu hợp với đạo trời thì sẽ có được thành quả, được thần linh tối cao che chở và phù trợ. Hơn nữa, Nho sinh ấy lại ở cương vị của một vị Hoàng đế, nên sự phồn thịnh của bách tính chính là minh chứng chân thực nhất cho sự hòa hợp giữa Thiên - Nhân.

Lê Thánh Tông không có ý phô trương thành quả của một năm được mùa nhưng ông không giấu nổi niềm vui và tự hào về cảnh giàu đủ của bách tính. Lê Thánh Tông áp dụng điển mô của Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu để trị lý đất nước, lấy mô hình chế độ của nhà Thương, nhà Hạ làm bài học. Có lẽ, đây là khẳng định cho quan điểm “vãng thánh kế tuyệt học”, đã được nhắc đến ở trên.

Và đặc biệt, hai câu kết đã thể hiện rất rõ tính chất “nội thánh”. Câu thơ thể hiện tinh thần ham học hỏi không quản khuya sớm của ông. Câu cuối được trích dẫn từ câu “Chiến chiến căng căng/ Như lâm thâm uyên/ Như lý bạc băng” trong Kinh Thi. Có nghĩa là “nơm nớp lo sợ như đi trên băng mỏng, như sa xuống vực sâu”. Tác giả đã viện dẫn câu thơ cổ này để thể hiện cho tâm tư vì dân vì nước, không quản ngày đêm, không yên giờ giấc chỉ mong muốn xây dựng một đất nước Đại Việt thái bình thịnh vượng. Tâm nguyện này thực sự vô cùng đáng quý và đáng trân trọng từ một bậc minh quân.

Đánh giá lại hai cặp câu khởi đề (hai câu đầu) và kết (hai câu cuối) có thể thấy sự gắn kết chặt chẽ của tư tưởng “Nội thánh ngoại vương”. Nếu như hai câu đầu thể hiện được rõ thiên đạo (vi thiên địa lập tâm) và trị đạo (vi vạn thế khai thái bình) thì câu kết là sự phản ánh chân thực nhất nhân đạo (vi sinh dân lập đạo) trong tư tưởng của Lê Thánh Tông.

Bài Phong niên có thể coi là bài thơ hay nhất trong Quỳnh uyển cửu ca, kết hợp được cả hai phạm trù “nội thánh” và “ngoại vương” và thể hiện trọn vẹn bốn tính chất mà Trương Tải nhắc đến trong Hoàng từ tứ cú. Có lẽ cũng không quá khi nói Phong niên là bông hoa đầu tiên đã nở thơm ngát trong vườn quỳnh của Lê Thánh Tông.

                                    22-1692244870.jpg
Khi nhắc đến thơ văn Lê Thánh Tông, thi tập đầu tiên cần đề cập là “Quỳnh uyển cửu ca”

Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận khi bình phẩm bài thơ này đã có câu viết như sau: “Huống Hoàng thiên chi sở dĩ tích phong niên, bản ư Thánh đức chi sở dĩ cảm, phát đoan chi thủy, tắc khiêm tốn nhi bất cư.”. Có thể hiểu là, huống chi trời cao ban cho năm được mùa vốn là do cảm kích trước cái đức của thánh nhân, do đó lời mở đầu không thể không khiêm tốn. Đây là lời nhận định xác đáng và có lẽ cũng hợp ý Lê Thánh Tông nhất của hai vị tinh tú trong Tao đàn nhị thập bát tú đương thời.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên đánh giá về bài thơ này bằng cách bình phẩm từng cặp câu thơ. Ông nói hai câu mở đầu thể hiện sự khiêm tốn; bốn câu thực và luận thể hiện việc chọn kẻ hiền lương, trừ người gian nịnh. Hai câu kết không thể hiện sự tự mãn, mà là không ngừng suy nghĩ làm cho đất nước tốt thêm. Và ông đánh giá tổng quát toàn bài thơ có ý tứ trong sáng, lời thơ nhuần, ý thơ sâu và thú vị.

Thơ ca của Lê Thánh Tông xét về ngôn ngữ thì điêu luyện, ý thơ trong sáng. Đây là điểm đặc biệt tạo nên phong cách riêng trong sáng tác của ông. Những phạm trù của tư tưởng Nho gia được Lê Thánh Tông vận dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt trong những bài thơ chữ Hán phục vụ cho quan điểm văn trị, dùng đức trị dân của ông. Ông mong muốn làm cho đất nước phồn thịnh, trăm họ giàu mạnh. Và muốn thực hiện được hoài bão đó bản thân ông luôn cố gắng tự mình tu dưỡng bản thân, nâng cao học vấn, chăm chỉ sớm khuya để làm những điều tốt đẹp nhất cho dân. Mặc dù xã hội văn trị ông muốn xây dựng có phần lý tưởng nhưng trên thực tế ông đã đóng góp rất nhiều cho công việc xây dựng triều đại, minh chứng rõ ràng nhất là nhà hậu Lê dưới thời Hồng Đức được đánh giá là một trong những thời kỳ huy hoàng nhất lịch sử phong kiến Việt Nam.

3. Kết luận

Ứng dụng học thuyết Nho gia, Phật giáo hay Lão - Trang vào việc trị quốc không phải là vấn đề cốt yếu mà điều quan trọng nhất là các bậc quân vương phải thể hiện được giá trị của những học thuyết họ đang áp dụng, cũng như chọn lọc được tinh hoa của những học thuyết đó để hướng đến một mục tiêu cao nhất là xây dựng một nền thái bình thịnh trị. Lê Thánh Tông đã vận dụng thành công tư tưởng Nho gia đã xây dựng nên một thời kỳ huy hoàng của thời Lê sơ nói riêng và thời phong kiến trong lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung. Ông luôn cố gắng tu tập bản thân để hướng mình theo hình mẫu “nội thánh”, và từ những giá trị bản thân đó, ông cố gắng thi triển để trị dân, an quốc, theo mô hình của khái niệm “ngoại vương”. “Nội thánh” và “ngoại vương” trong Lê Thánh Tông hòa làm một, cấu thành khái niệm chung “Nội thánh ngoại vương”. Để khẳng định sự thành công của việc vận dụng một mô hình tiêu biểu của học thuyết Nho gia trong trị quốc, Lê Thánh Tông đã tạo tác nên bài thơ Phong niên như một bông hoa nở sớm của vườn quỳnh ngát hương.

Nguyễn Trung

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy