Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
07:43 (GMT +7)

Tự truyện – Hồi ký hay PR?

VNTN - Năm 2006, khi tự truyện “Lê Vân yêu và sống” ra mắt công chúng đã tạo chấn động không nhỏ trong giới nghệ sĩ bởi những gì được viết, được kể. Và đó cũng như một mở đầu cho trào lưu viết tự truyện của showbiz Việt ở tuổi “quá thì”, nhưng rồi có lúc tưởng như đã rơi vào lặng lẽ, thì gần đây lại rộ lên ở giới showbiz Việt trẻ. Tự truyện - Hoài niệm hay bán danh câu view, một hình thức PR?


Tự truyện, như định nghĩa, là những tác phẩm văn học thuộc thể loại tự sự, thường được viết bằng văn xuôi trong đó tác giả tự kể lại và miêu tả cuộc đời mình trong tác phẩm. Loại hình văn học này không phải là hiếm trong văn chương Việt từ xưa đến nay, và thường là ở những nhân vật nổi tiếng đã lớn tuổi, có một sự nghiệp đồ sộ về lĩnh vực nào đó. Nhưng khoảng hơn 10 năm nay lại có vẻ thịnh trong giới showbiz Việt, đặc biệt của người trẻ, kể từ khi NSND Lê Vân tung ra “Lê Vân - Yêu và Sống” tháng 6/2006.

Sau đó thì “tự truyện” của giới nghệ sĩ và showbiz Việt lần lượt được xuất bản theo nhiều loại hình từ đăng báo nhiều kỳ, đến sách, rồi cả phim điện ảnh…, và không chỉ người đã nổi tiếng mà cả người chưa có sự nghiệp gì ngoài scandal cũng viết tự truyện.

Năm 2017 mở đầu cho trào lưu tự truyện của năm là “lột xác” của ca sĩ Lâm Chí Khanh, và nóng nhất trong tháng 10/2017 này là hai cuốn tự truyện của hotgirl, hotboy showbiz Việt đang dậy sóng là Hoàng Thùy Linh - “Vàng Anh và Phượng Hoàng”, Sơn Tùng M-TP - “Chạm tới giấc mơ” với hai cách tiếp cận công chúng khác nhau.

“Mùa” tự truyện của riêng giới nghệ sĩ Việt

Ngay từ phát pháo đầu tiên “Lê Vân - Yêu và Sống” bán hết vèo 20.000 bản đã làm cả giới nghệ sĩ, showbiz Việt “nóng” lên với tự truyện. Không kể những dự định đã thành nhưng ngừng lại như của NSND Thanh Hoa và vài nghệ sĩ đã lớn tuổi khác, thì lần lượt các cuốn tự truyện được ra mắt công chúng.

Đã có những tự truyện - hồi ký của các nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ lớn tuổi hay thành danh trong lòng công chúng như một cách trình bày, chia sẻ trải nghiệm cuộc sống nghệ thuật của mình như NSND Bảy Nam, GS âm nhạc Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy… Tiếp theo là “Sống cho người sống cho mình” của NSND Kim Cương, “Tâm thành và Lộc đời” của NSƯT Thành Lộc, “Chuyện tình không tên” của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Đằng sau những nụ cười” của ca sĩ Khánh Ly, “Để gió cuốn đi” của ca sĩ Ái Vân…, giống như những hồi ức về nền nghệ thuật Việt qua những thăng trầm mà chính họ là một thành tố quan trọng - nhân vật chính trong đó.11

Năm 2007, khi công bố với truyền thông, hoa hậu Hà Kiều Anh cho biết sẽ cho ra mắt cuốn tự truyện với 80% sự thật về cuộc đời của mình đã gây tò mò trong công chúng. Có lẽ sức hút tìm hiểu những bí mật sau hậu trường của các người đẹp, từ tự truyện này, giới showbiz Việt có xu hướng “thịnh”, không biết có phải trào lưu hay không, nhưng như một cuộc đổ bộ ào ạt, lấn sân các cây viết chuyên nghiệp, cùng đua nhau ra tự truyện. Lần lượt siêu mẫu quốc tế Hà Anh, Hoa hậu trái đất Trúc Diễm, người mẫu Thanh Hằng, diễn viên Tăng Thanh Hà, Lương Mạnh Hải, Tina Tình, và hàng loạt ca sĩ như Vy Oanh, Lê Kiều Như, bupbe Thanh Thảo, Long Nhật, Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Lâm Chí Khanh… Ngay cả một diễn viên điện ảnh - sân khấu “già gân” như Thương Tín cũng không cưỡng được sức cám dỗ của tự truyện nói gì đến một “hotgirl” được mệnh danh “Bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh cũng lao xao tham gia.

Lê Huyền Anh ngày ra tự truyện

Điểm lại khoảng 7 năm trở lại đây, nhiều tự truyện của giới showbiz Việt gây xôn xao công chúng, mỗi lần ra mắt đều tạo sóng gió, chẳng khác gì các chiêu trò. Năm 2010, tự truyện của ca sĩ Long Nhật đăng 9 kỳ trên báo với các tiểu mục: Ám ảnh tuổi thơ, Tình đầu nồng cháy, Cây muốn yên, gió chẳng ngừng…, trở thành đề tài bàn tán của dư luận.

Cuối năm 2012, ca sĩ Vy Oanh cũng cho ra mắt tự truyện mang tên “Hành trình lấy lại danh dự”. 2013 ca sĩ búp bê Thanh Thảo ra tự truyện “Chuyện… Bí quyết nghề ca, Scandal và sự thật”. Tinna Tình cũng đã kịp cho ra mắt cuốn tự truyện núp dưới dạng tiểu thuyết “Mặt nạ” mà khi đọc, ai cũng nhận ra mối tình 7 năm giữa cô với đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn… Ca sĩ - diễn viên Lê Kiều Như cũng núp bóng gọi là tiểu thuyết để viết tự truyện “Sợi xích” kể về những nhục cảm bản thân… Không kể một loại tự truyện đặc biệt là làm phim điện ảnh như người mẫu Ngọc Trinh với “Vòng eo 56”.

Năm 2016, cuốn hồi ký hay tự truyện “Thương Tín - một đời giông bão” gây bão giông không ít trong giới và ngoài giới vì những tiết lộ riêng tư liên quan đến nhiều người. Năm này, tự truyện “Lạc giữa thanh xuân” của hotgirl Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng) kể về những mơ ước đôi khi ngông cuồng, đen tối của một cô gái trẻ với danh vọng, địa vị, tiền bạc và cả tình yêu cũng dậy sóng dư luận.

Trước đó, nhiều “sao” trong giới showbiz Việt chọn viết sách như một cách lưu lại cảm xúc, sẻ chia với độc giả những câu chuyện của mình như ca sĩ Hamlet Trương, một ca sĩ thần tượng của nhóm nhạc 365 là Jun Phạm cũng bén duyên với công việc viết sách, với các truyện “Có ai giữ giùm những lãng quên”, “Thức dậy, anh vẫn là mơ”… Đặc biệt những tự truyện như “Trần Lập: Bên kia bức tường” (2013), “Hương Giang Idol - Tôi vẽ chân dung tôi” (2014), Tự truyện “Wanbi Tuấn Anh - Bắt đầu từ một kết thúc” (2014)…, đã có ảnh hưởng rất nhiều trong giới trẻ.

Chia sẻ cảm xúc hay chiêu trò PR?

Tự truyện, trước hết là nhu cầu của chính bản thân tác giả muốn lưu lại cho mình kỷ niệm - hoài niệm. Và xa hơn là chia sẻ với công chúng những điều muốn nói về mình mà trước giờ chưa có dịp. Nhìn ở khía cạnh tích cực, hồi ký hay tự truyện là một cách kể lại những trải nghiệm của cá nhân ở một thời điểm trong quá khứ cho hiện tại hiểu, biết hay lý giải, trải lòng, gột rửa… một số vấn đề chưa rõ ràng. Với showbiz Việt cũng vậy, rõ ràng là có một nhu cầu của công chúng muốn biết điều gì đã xảy ra với những người nghệ sĩ họ yêu thích mến mộ, hay thỏa mãn sự tò mò những “hậu kỳ” của giới showbiz, nhất là các “hot”, “sao”, “thần tượng”…

Năm 2016, khi ca sĩ Ái Vân ra tự truyện “Để gió cuốn đi”, ngoài những câu chuyện về chị và gia đình, thì tự truyện này đã mang lại công chúng nhiều khám phá thú vị về đời sống văn hóa nghệ thuật mấy chục năm về trước ở Việt Nam, mà không phải ai cũng biết.

Bên kia bức tường” của ca sĩ Trần Lập với câu chuyện về tuổi thơ vất vả, thời sinh viên sôi nổi và những bí mật sau ánh hào quang của ban nhạc Bức Tường... Nhưng nó đã vượt ra khỏi một tự truyện, mà như thông điệp đến các bạn trẻ dấn thân vào con đường nghệ thuật, với tinh thần: “Đối với người nghệ sĩ cầm micro đứng trên sân khấu, thì cần cống hiến cho khán giả những điều tốt đẹp nhất. Còn phía bên kia là những gì chúng tôi phải tự vượt qua”, đã có sức lan tỏa.

Wanbi Tuấn Anh - Bắt đầu từ một kết thúc”, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh chết ở tuổi 26, tự truyện là cảm nhận về những khoảnh khắc sống quý báu còn lại, gây cho người đọc trân trọng khi được sống trong cuộc đời. Ca sĩ Hương Giang Idol, Lâm Chí Khanh trong tự truyện của mình viết về những đớn đau trước quyết định “lột xác”, thay đổi giới tính, như một trải nghiệm về hành trình đi tìm con người thật của mình sau đại giải phẫu chuyển giới, cũng tạo nhiều ảnh hưởng hướng thiện, lạc quan sống cho giới “giới tính thứ ba”.

Mới nhất, “Chạm tới giấc mơ” của Sơn Tùng M-TP trở thành một “hiện tượng” khi chỉ sau 2 ngày ra mắt đã phải tái bản vì cán mốc 10.000 cuốn. Cuốn sách cũng chỉ là kể lại chặng đường quá khứ đã đi qua với những thăng trầm và vinh quang của một chàng trai từng bước khẳng định mình. Nhưng, những câu chuyện kể trong cuốn sách được tác giả hướng đến việc truyền cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nên không có yếu tố “sốc - sex - sến” như những cuốn tự truyện gần đây của giới showbiz.

Ở chiều ngược lại, tự truyện như con dao hai lưỡi. Cho dù bán chạy, nhưng việc mang riêng tư gia đình, nhất là chuyện riêng của cha mẹ là những nghệ sĩ lão thành đáng kính ra cho bàn dân thiên hạ bình phẩm, quả là rất khó “yêu” Lê Vân. Và không ít người đã “ném đá” chị như một kẻ đốt đền.

Tự truyện “Một đời giông bão” của Thương Tín cách đây 2 năm khi kể “tuốt tuồn tuột” những câu chuyện “sống để dạ, chết mang theo” những ái, ố cuộc đời, liên quan đến những chuyện nhạy cảm của nhiều người trong giới nghệ sĩ, rất khó mà cảm thương Thương Tín, bởi anh đã vượt qua giới hạn cảm xúc cá nhân gây ảnh hưởng đến cuộc sống yên bình của nhiều người.

Hay việc đưa những mâu thuẫn cá nhân, những giận hờn trách móc, hận tình chưa phai người xưa tình cũ, gây nhiều dị nghị và ảnh hưởng hạnh phúc hiện tại của các “nhân vật” trong tự truyện của búp bê Thanh Thảo, Tina Tình, Lâm Chí Khanh… Hoặc biến tự truyện của mình thành một kiểu “50 sắc thái” thỏa mãn ham muốn không lành mạnh như Lê Kiều Như, Lê Thị Huyền Anh…, dẫn đến sách bị phạm quy.

Cũng không khó nhận ra tự truyện của giới showbiz Việt là chiêu trò PR, khi lấy đó để khuấy động công chúng, điển hình nhất chính là tự truyện của Hoàng Thùy Linh, “móc” chuyện hư hỏng của mình trong sự cố Vàng Anh từ 10 năm trước, để “nhắc khéo” khi cô chuẩn bị tung MV mới như chiêu trò PR mang yếu tố “sốc - sex - sến” câu fan.

Đằng sau mỗi số phận hoặc cuộc đời của mỗi con người trong những cuốn tự truyện, hồi ký là số phận của một cộng đồng, một dân tộc, trong một thời điểm lịch sử, không đơn giản là ai muốn viết cũng được. Riêng với giới showbiz Việt, viết tự truyện phần nào giúp nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, người đọc hiểu được tính cách, những góc khuất, sóng gió người nghệ sĩ đã trải qua, nhưng ranh giới giữa được, mất cũng rất mong manh. Đôi khi vì mục đích khác mà ở một chi tiết hoặc một câu chuyện nào đó bị đẩy đi quá xa, tạo nên những phản ứng trong công luận.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy