Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
06:26 (GMT +7)

Từ “tiến sĩ” đến “ông nghè”: Bằng cấp và năng lực hành chức

VNTN - “Ông nghè” là cách nói của dân gian dùng để chỉ những người thi đỗ tiến sĩ trước đây. Tiến sĩ là học vị cao nhất trong hệ thống thi cử dưới thời phong kiến. Một người muốn có học vị tiến sĩ, phải trải qua ba kì thi do triều đình quản lý: Thi hương, thi hội, thi đình. Thi hương là kì thi chọn lấy tú tài, cử nhân. Thi hội là kì thi chọn trong số những người đỗ cử nhân, tú tài lấy một số người giỏi. Thi đình là kì thi được tổ chức ở sân rồng của nhà vua cho những người đã vượt qua được kì thi hội, để chọn lấy tiến sĩ và trạng nguyên. Thi đình là kỳ thi long trọng nhất, khó khăn nhất đối với sĩ tử. Từ kết quả kì thi này nhà vua trực tiếp chọn ra những tài năng ưu tú nhất của đất nước. Những người đỗ trong kì thi này sẽ được phong danh hiệu tiến sĩ. Người đỗ đầu bảng tiến sĩ sẽ được gọi là trạng nguyên. Triều đình rất sủng ái các tiến sĩ. Những ai đỗ tiến sĩ sẽ được triều đình mời dự yến tiệc, được vua ban phẩm phục. Sau đó địa phương của các vị tiến sĩ sẽ tổ chức lễ đón rước  tiến sĩ rất linh đình và rầm rộ, gọi là “Lễ đón tiến sĩ vinh quy bái tổ”. Sau kì thi, nhà vua bổ nhiệm các tiến sĩ vào những chức quan nhất định.

Như vậy, tiến sĩ là những người thi đỗ trong các kì thi đình do triều đình tổ chức thi và lựa chọn. Tại Văn Miếu  Quốc Tử Giám hiện còn 82 tấm bia  ghi danh các tiến sĩ đã thi đỗ trong các kì thi trải dài suốt 300 năm lịch sử từ năm 1443 đến năm 1779.

Thế nhưng người có học vị tiến sĩ sao lại được dân gian gọi là “ông nghè”?

 Trước hết “ông” trong tiếng Việt có tiền giả định là nam giới. Đã là tiến sĩ thì phải là đàn ông, bởi vì dưới chế độ phong kiến, phụ nữ không có quyền học hành thi cử như đàn ông. Cho nên trong dân gian chỉ có từ “ông nghè” mà không có từ “bà nghè”.

Nguyên nhân sự chuyển dịch tên gọi “tiến sĩ” thành “ông nghè” có hai cách giải thích.

Một số người cho rằng ở cung vua thường có phòng làm việc ở hai bên tả hữu, phòng đó gọi là “nghè”. Các vị tiến sĩ khi vào chầu vua phải đứng tại phòng nghè để chờ lần lượt vào nhận mũ áo vua ban. Tên gọi “ông nghè” từ đấy mà ra (Theo “Đại từ điển Tiếng Việt”, Nguyễn Như Ý chủ biên, 1999)

Một số người khác lại cho rằng “nghè” là bộ phận trong quần thể kiến trúc đình làng. Nghè là nơi trú ngụ của Thành hoàng.  Những người đỗ tiến sĩ sẽ có vinh dự nhận trọng trách đón rước thành hoàng của làng. Lúc này tiến sĩ có sắc phục riêng và có nghi thức rất trang trọng. Vì vậy tiến sĩ được gọi là ông nghè.(Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng,  2001)

Như vậy “tiến sĩ” là học vị cao được triều đình (vua) thi chọn, còn “ông nghè” là cách gọi các tiến sĩ theo kiểu dân gian. Khi gọi tiến sĩ là “ông nghè” thì tên gọi này không được chú tâm lắm đến trình độ học thức, chỉ nhìn  chủ yếu vào phương diện hành chức của tiến sĩ. Thời trước, những người đỗ tiến sĩ sẽ được vua bổ nhiệm một chức quan nhất định. Có người được làm quan ở triều, có người được bổ đi trị nhậm ở địa phương. Nhiều vị quan - tiến sĩ này khi thực hành nhiệm vụ ở địa phương cũng bộc lộ những thói hư tật xấu khiến cho dân chúng ca thán. “Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng” là câu thành ngữ nói về những người chưa đủ điều kiện làm một việc gì đó đã đe dọa người khác. Câu thành ngữ cũng cho thấy các tiến sĩ sau khi được bổ nhiệm chức tước thường hay bắt nạt thường dân. Vì vậy, ông nghè không phải là người được dân chúng hoàn toàn trọng phục. Không phải chỉ là sự hống hách, nhiều ông nghè còn hư hỏng về đạo đức, lạm dụng học vị mình có được mà vụ lợi bất chính:

Tôi là con gái đồng trinh

Tôi đi bán rượu qua dinh ông nghè

Ông nghè sai lính ra ve

Trăm lạy ông nghè tôi đã có con (…)

Đó là nhân dân phê phán những biểu hiện tiêu cực của các tiến sĩ - ông nghè. Cụ Nguyễn Khuyến là người tài cao học rộng nhìn thấu thực chất của một số tiến sĩ -  ông nghè hơn. “Tiến sĩ giấy” hay “Ông nghè tháng tám” là cách cụ Nguyễn Khuyến gọi các “tiến sĩ” vô dụng: Các tiến sĩ có đủ tất cả các tiêu chí hình thức: “cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai…” Nhưng không thực chất, nên “tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi”. Trong tiếng Việt, từ “cũng” bao hàm một sự so sánh, đối chiếu. Ở đây là sự đối chiếu một tiến sĩ cụ thể với tiêu chuẩn (hình thức) của một tiến sĩ thật.

Về bài thơ “Vịnh tiến sĩ giấy” của Nguyễn Khuyến có hai cách hiểu: Một số người cho rằng đó là cụ Nguyễn Khuyến phê phán các tiến sĩ giả, các ông nghè hữu danh vô thực. Lại có người cho rằng, bài thơ là sự dày vò, dằn vặt bản thân chính tác giả khi tự thấy mình không làm được gì cho dân cho nước xứng đáng với học vị mình có, tức là không hành chức được tương xứng với học vị.

Dù hiểu theo cách nào chúng ta vẫn thấy người xưa chỉ phê phán những tiến sĩ khi được nhà nước bổ nhiệm làm quan thì hoặc bất tài hoặc không đứng đắn về đạo đức. Trong tư liệu, chúng ta không thấy nhắc tới một trường hợp nào nhờ gian lận trong thi cử mà trở thành tiến sĩ. Thế mới thấy thi cử dưới thời phong kiến nghiêm túc và chặt chẽ, còn sau khi thi đỗ rồi, ra đời hành nghề, một số tiến sĩ do không tu dưỡng mà trở nên hư hỏng.

Gần đây rộ lên thông tin có 200 triệu, dân buôn gỗ cũng có thể lấy được bằng tiến sĩ y khoa. Tôi nghĩ đó chỉ là câu nói đùa tếu. Nếu câu chuyện đó mà có thật thì… những tiến sĩ đó không đáng làm đồ chơi.

Câu chuyện trên chỉ là tin đồn. Nhưng dư luận có thật được phản ánh trên báo chí cho rằng việc đào tạo tiến sĩ ở nước ta hiện nay đang tồn tại những bất cập, khiến cho các tiến sĩ được cấp bằng có chất lượng không đồng đều, “vàng thau lẫn lộn”. Nhiều tiến sĩ có trình độ và năng lực thật sự, đã cống hiến cho đất nước, cho nhân dân những phát minh khoa học, những giải pháp kinh tế - xã hội hữu hiệu. Tuy  nhiên, thực tế hiện nay, nhiều người vẫn trăn trở: tiến sĩ được đào tạo ở Việt Nam không bằng tiến sĩ được đào tạo tại nước ngoài. Và điều quan trọng hơn hiện nay có rất nhiều tiến sĩ làm những công việc không liên quan gì đến chuyên môn được đào tạo. Có nghĩa là bằng cấp và hành chức hoàn toàn không liên quan đến nhau!

Trên báo VnExpress, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cho biết Việt Nam có 24.000 tiến sĩ nhưng chỉ có 15.000 tiến sĩ công tác ở các cơ sở Đại học và Cao đẳng. Điều đó có nghĩa rằng số còn lại sẽ “kiêm” những công việc không sử dụng đến chuyên môn. Thực tế cũng còn một điều đáng suy nghĩ nữa, nhiều tiến sĩ sau khi lĩnh bằng, không nghiên cứu khoa học, không đề xuất được giải pháp gì cho thực tiễn. Nói cách khác là các tiến sĩ đó đã không hành chức theo văn bằng được đào tạo. Chưa kể rất nhiều người khi đã lấy bằng tiến sĩ chỉ để có bằng cấp tiến thân trên con đường chính trị phục vụ tham vọng cá nhân…

Than ôi! Lấy được bằng tiến sĩ (thật) đã khó, phát huy được tác dụng trong thực hành lại càng khó lắm thay!

Lương Bèn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy