Thứ bảy, ngày 21 tháng 09 năm 2024
00:43 (GMT +7)

Tứ đại khí linh thiêng của quá vãng

VNTN - Kỳ quan chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh, là những báu vật của nước Đại Việt. Trước kia cổ vật ấy có thể chấn hưng cả một quốc gia, quyết định đến sự phồn vinh hay suy vong của cả một dân tộc. Sự xâm thực của thời gian và ngoại tộc đã làm cho những kỳ tích chỉ còn là những niềm luyến tiếc khôn nguôi.


Theo sử sách ghi lại An Nam Tứ đại khí còn được gọi là Nam Thiên Tứ bảo khí hay có tài liệu ghi là Nam Thiên Tứ đại thần khí…, người ta gọi tắt là “Tứ đại khí”. Đó là bốn kỳ quan, bốn bảo vật của nước ta thời Lý, Trần bao gồm: chuông Quy Điền (có tài liệu ghi là chuông Ngân Thiên); tháp Báo Thiên; tượng chùa Quỳnh Lâm và vạc Phổ Minh. Chúng được tôn vinh là “đại khí”, “bảo khí” hay “thần khí”, đều mang ý nghĩa là có thể chấn hưng cả một quốc gia, quyết định đến sự phồn vinh hay suy vong của cả một dân tộc. Đến nay, cho dù ta có lật giở cả Đại Việt sử ký toàn thư cũng không tìm được lời giải thích cho sự ra đời của tứ đại khí này. Quả thật là vương triều Lý, Trần đã để lại trong hồi ức dân tộc là những kỳ quan to đẹp, lộng lẫy nhưng đến nay hầu hết cũng chỉ là ảo ảnh vì những di tích còn lại chỉ là những chi tiết được khơi lên từ đống gạch vụn hay đã bị thay đổi lớn mà thôi.

Để đi tìm lời giải thích cho bốn bảo vật nói trên, chúng ta hãy lần theo những truyền thuyết từ xa xưa để lại. Cho dù có mang sắc màu huyền thoại, có những yếu tố tâm linh khó giải thích, nhưng dẫu sao đó vẫn là một phần của lịch sử mà dân gian vẫn gìn giữ cho chúng ta đến tận hôm nay.

Chuyện xưa kể, cách đây khoảng năm ngàn năm. Sau khi thống nhất sơn hà, vua Thần Nông (là một vị thần huyền thoại của các dân tộc chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa) làm phép thu linh khí Hoa Hạ (nền văn minh Trung Hoa) xuống núi Thái Sơn, khiến đồng đen trong lòng núi Thái Sơn kết tinh thành Trâu vàng. Khi thiên hạ thanh bình hoặc khi có chúa thánh ra đời, thì vào những đêm trăng sáng, Trâu vàng lại ra khỏi núi, bay lơ lửng trên không trung, tỏa sáng cả một vùng. Núi Thái Sơn vốn là nơi có mỏ đồng đen. Các nhà phong thủy Trung Hoa thời đó cho rằng đồng đen rất quí hiếm vì nó còn là mẹ của vàng. Thời nhà Đường, vua Đường Ý Tông sai Cao Biền sang làm Tiết độ sứ tại nước ta. Cao Biền sớm nhận thấy linh khí phương nam cường thịnh nên đã trấn yểm các thế đất, thu tất cả tinh hoa - linh khí của Đại Việt vào bụng ba mươi sáu con Trâu vàng rồi đem về giam dưới núi Thái Sơn cùng với con Trâu vàng của Hoa Hạ.

Đến đời vua Tống Thái Tông, sau khi bại trận trước quân ta ở Chi Lăng và Bạch Đằng, vua Tống sai đào Trâu vàng mang về yểm ở hoàng cung, trong đó có cả con Trâu vàng Trung Hoa và ba mươi sáu con Trâu vàng giữ linh khí Đại Việt. Sau đó, hai vị thánh tăng là Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh vân du đến Trung thổ, các vị đã giúp nhà Tống trừ tà tại hoàng cung nên được vua Tống ban thưởng đồng đen. Hai vị thánh tăng đã làm phép thu hết cả kho đồng đen, đồng thời lấy lại ba mươi sáu con Trâu vàng có chứa tinh anh của dân tộc Việt. Sau khi trở về, Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh đã dùng số đồng đen thu được đúc thành bốn bảo khí giữ nước, được gọi là Nam Thiên Tứ đại thần khí (Tứ đại khí). Đồng đen vốn là tinh hoa trên núi Thái Sơn, mang trong mình linh khí của trời - đất, vậy nên Tứ đại khí của Đại Việt đã mang một sức mạnh thần kỳ, rực sáng cả trời nam.

Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm

Chùa Quỳnh Lâm nằm ở cánh cung Đông Triều, thuộc phường Tràng An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (xưa kia là xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), cách thành phố Hạ Long chừng tám mươi ba ki - lô - mét. Theo sử sách và các nghiên cứu gần đây, chùa Quỳnh Lâm được hình thành từ khoảng cuối thế kỷ V, đầu thế kỷ VI và được tu sửa qua các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần, hậu Lê. Đặc biệt chùa được tôn tạo và hoàn chỉnh vào thời Lý, Trần. Trong các thế kỷ XI-XIV và thế kỷ XVII-XVIII. Chùa là trung tâm của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam do thiền sư Pháp Loa (tổ thứ hai của phái Trúc Lâm) xây dựng. Năm 1947, giặc Pháp ném bom chùa bị hủy hoại hoang tàn. Năm 1990 bằng nguồn tiền công đức của nhân dân khắp mọi nơi, chùa được xây dựng lại nhằm ghi dấu một công trình đã từng vang bóng trong lịch sử. Ngày 15 tháng 11 năm 1991 chùa Quỳnh Lâm được Bộ Văn hóa - Thông tin và thể thao công nhận là di tích lịch sử và văn hóa.

Hai pho tượng lớn ở Chùa Quỳnh Lâm được đúc vào thời nhà Lý và nhà Trần. Có nhiều ý kiến cho rằng pho tượng Phật Di Lặc được liệt trong Tứ đại khí chính là pho tượng được đúc vào thời Lý, do nhà sư Nguyễn Minh Không cho đúc. Pho tượng cao sáu trượng (khoảng 20 mét), được đặt trong một tòa điện cao bảy trượng (khoảng 23,5 mét) che sát đầu tượng. Tương truyền, người đi đường đứng ở bến An Lâm (Bến phà Triều ngày nay) cách mười dặm vẫn nhìn thấy nóc điện. Pho tượng Phật lớn thứ hai của Quỳnh Lâm cũng là tượng Phật Di Lặc được thiền sư Pháp Loa - ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho đúc. Tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng.

Hai pho tượng đồng lớn thời Lý, Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của người Việt trong việc xây dựng những công trình lớn. Rất tiếc hai pho tượng khổng lồ đã bị giặc Minh phá hủy từ thế kỷ XV. Hiện nay các tượng đồng cổ được coi là lớn nhất Việt Nam có lẽ chỉ còn tượng thánh Trấn Vũ ở đền Quán Thánh - nằm ở góc đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên, quận Tây Hồ - Hà Nội), đúc năm 1667 cao gần bốn mét, nặng khoảng bốn tấn; và tượng phật A Di Đà chùa Ngũ Xã, (quận Ba Đình, Hà Nội) đúc năm 1949 - 1952, cao chừng bốn mét, nặng hơn mười tấn.

Tháp Báo Thiên

Tháp Báo Thiên (tên gọi đầy đủ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp), được xây cất ở chùa Báo Thiên, từ thời vua Lý Thánh Tông vào năm Đinh Dậu (1057). Chùa Báo Thiên, nằm trong khuôn viên chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên (nay phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội). Chuyên xưa kể rằng năm đó vua ngự thuyền ra hồ Tây thưởng ngoạn. Bỗng xuất hiện một người lạ trách vua rằng: “Nhà ngươi làm chúa trời Nam sao không lo tu đức, sửa sang chính sự mà lại rong chơi? Như vậy vua làm gương cho kẻ xấu, cho bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá hà hiếp dân lành. Ta là thần giữ việc mưa gió vùng này. Nay thấy dân khổ nên báo ứng cho vua hay.", nói xong người đó biến mất. Vua Lý Thánh Tông vội trở về kinh, chấn chỉnh lại triều chính, đồng thời sai người xây chùa để tạ ơn Trời Phật, vì vậy chùa mới có tên là “Báo Thiên”.

Tháp Báo Thiên

Tháp Báo Thiên cao hai mươi trượng (khoảng 70 mét) và gồm mười hai tầng (có tài liệu ghi là ba mươi tầng). Đỉnh tháp bằng đồng có thể coi là tầng thứ mười ba. Thân tháp được xây bằng những hòn gạch hoa khắc những chữ “Lý gia đệ tam đế, Long thụy Thái Bình (1054-1058), tứ niên tạo”, tạm dịch là "Đúc năm thứ tư niên hiệu Long thụy Thái Bình đời vua thứ ba triều nhà Lý".

Tháp đã cao lại xây trên một gò đất nên càng thêm cao. Từ xa mấy chục cây số, người ta đã thấy đỉnh tháp Báo Thiên cao vút mây trời. Tháp hùng tráng, vĩ đại như vậy nên chùa Báo Thiên đương nhiên cũng nguy nga, tráng lệ. Tầng nền có bốn cửa với tám pho tượng Kim cương trấn giữ bên ngoài, bên trong phần bàn thờ bày tượng tiên, thánh, chim, thú, có giường, ghế, chén, bát đều bằng đá. Từ bốn phía kinh kỳ đều có thể nhìn thấy ngọn đồng của tháp Báo Thiên như cột trụ hùng vĩ chống bầu trời. Nhưng cột chống trời cũng đã lụi tàn cùng với những thăng trầm của lịch sử. Nơi tháp xưa - nay là nhà thờ lớn, thay cho tiếng chuông chùa buông thả vào thinh không là tiếng chuông dồn gấp đổ hồi từ một kiến trúc nhà thờ Tây. Có thể nói, tháp và chùa Báo Thiên là di sản văn hóa lớn của quốc gia Đại Việt.

Chuông Quy Điền

Chuông Quy Điền (chuông ruộng Rùa) thực chất là chuông chùa Một Cột là một quả chuông được xếp vào Tứ đại khí, bảo vật của Đại Việt thời Lý. Chuông được đúc trong lần sửa lại chùa Một Cột vào tháng hai năm Canh Thân (1080) đời Lý Nhân Tông. Chùa Một Cột của thế kỷ XI không phải như bây giờ. Đó là một công trình lớn, có tài liệu cho rằng trước đây chùa được xây dựng từ giấc mơ ly kỳ của vua Lý Thái Tông. Ngôi chùa được xây dựng năm 1049, như bông sen ngàn cánh nở trên mặt nước (Sen là tượng trưng cho tâm, Phật là ở tâm). Lúc đó chùa Một Cột có tên gọi là chùa Diên Hựu (nghĩa là phúc lành dài lâu), nằm ở bên ngoài cửa Bạch Hổ của hoàng thành, về phía Đông Nam trường Thái Hòa. Sau nhiều lần trùng tu, năm 1955, sau khi được phục dựng, chùa Một Cột được coi như biểu tượng của Hà Nội. Ngày nay, chùa Một Cột là một trong những điểm tham quan du lịch được rất nhiều du khách ghé thăm khi đặt chân đến Hà Nội.

Để đúc quả chuông Quy Điền, vua Lý Nhân Tông đã cho sử dụng đến mười hai ngàn cân đồng (tương đương với 7,3 tấn đồng bây giờ). Lạ thay chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng cho rằng nó đã thành khí, không nên tiêu hủy, nhà vua sai người vần ra khu ruộng sau chùa. Vì khu ruộng này thấp trũng, có nhiều rùa đến ở, nên có tên gọi là Quy Điền (ruộng Rùa). Và cái tên chuông Quy Điền có từ đó. Không rõ sự to lớn của chuông đến mức nào, mà chỉ biết rằng để treo chuông, người ta dựng một phương đình bằng đá xanh cao tới tám trượng. Như vậy có lẽ chuông phải nặng chừng hàng chục tấn. Sau này đến thế kỳ XV, chuông bị Vương Thông, tướng giặc Minh sai phá để lấy đồng đúc đạn, trong khi bị nghĩa quân Lam Sơn vây hãm thành Đông Quan. Thế là chuông chùa vĩ đại sau 4 thế kỷ im lặng đã tan thành cát bụi.

Vạc chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh dựng năm 1262 (Nhâm Tuất), cách thành phố Nam Định chừng 5 km (trong khu vực phủ Thiên Trường xưa), là một khu tách biệt với xóm làng để không vương bụi trần. Cảnh sắc nơi đây “nước chảy quanh cung tường, trên bờ sực nức mùi hương, dưới nước thuyền bè đi lại”. Tới ngày nay, chùa Phổ Minh sau nhiều lần trùng tu nhỏ hẹp hơn trước nhiều, nhưng tháp Phật xưa vẫn còn đó, đôi cánh cửa gỗ chạm nổi rồng chầu đã nứt rạn mất đi cái màu của chất gỗ.

Vạc Phổ Minh được đúc cùng thời gian dựng chùa Phổ Minh (tháng 2 năm 1262) đời vua Trần Thánh Tông. Chiếc vạc lớn được khắc bài minh, vạc có độ sâu chừng bốn thước, rộng mười thước, nặng hơn sáu ngàn cân. Tương truyền, miệng vạc dày và rộng đến nỗi hai người có thể chạy nhảy và đi lại trên đó. Theo mô tả, bên ngoài có hình rồng uốn lượn và hình chim âu đang bay, trên thành có một trăm lỗ hình quả trứng tượng trưng cho con Rồng cháu Tiên. Trong mỗi lỗ lại đặt một tượng rồng vàng để tích tụ linh khí của dòng dõi Bách Việt. Bệ vạc khắc tên tất cả các vị vua của dân tộc, từ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, cho đến vua Lý Thánh Tông.

Tục truyền rằng, ngay sau khi vạc được an trí, trên không có tiếng nhạc vang lừng, rồi hàng vạn con hạc từ đâu về bay lượn. Hào quang từ trong vạc phát ra sáng chói một vùng. Ngài Minh Không thấy vậy mới nói rằng: “Không ngờ linh khí tụ nhanh đến vậy. Sau đây trên trăm năm sẽ có giặc phương Bắc, thiên hạ không ai địch nổi. Nhưng nơi đây một vị đại thánh sẽ giáng trần phá tan giặc đó”.

***

Sau những thăng trầm của lịch sử đất nước cả bốn bảo vật hiện nay đều không còn. Đến nay, chúng ta thấy An Nam Tứ đại khí linh thiêng bởi được tạo nên từ hai vị thánh tăng bất tử Nguyễn Minh Không và Từ Đạo Hạnh. Và nó thần thánh, bởi được hội tụ tất cả linh khí và tinh hoa đất trời An Nam. Trải qua bao phong ba, An Nam Tứ đại khí đã chứng kiến những trang sử hào hùng của thời Lý, Trần. Đây cũng là thời kỳ mà những bậc hào kiệt đã xuất hiện làm rạng rỡ non sông, như Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Gia Khánh (nghiên cứu, tổng hợp)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy