Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
12:36 (GMT +7)

Truyền hình thực tế thuần Việt: Ta về ta tắm ao ta

VNTN - Truyền hình thực tế đang là xu hướng của truyền hình thế giới và phát triển như một công nghệ giải trí, mỗi ngày một trò mới. Việt Nam cũng không đứng ngoài trào lưu đó và nhanh chóng ồ ạt mua về các chương trình ăn khách nhất, “nóng” nhất… Nhưng không thể chỉ nhập hàng ngoại, và truyền hình thực tế thuần Việt năm 2015 này đang có đà cạnh tranh mạnh mẽ…


Không phải cho đến năm 2015, mà trước đó 3 năm, có lẽ thấy được tầm quan trọng của việc cần phải có chương trình truyền hình thực tế (THTT) thuần Việt khi gần như các kênh truyền hình VN đều tràn ngập THTT ngoại nhập. Cho dù những định dạng (format) đã được Việt hóa, nhưng do phải giữ nguyên gốc tính chất đặc điểm cũng như bản quyền của chương trình nên sự khác biệt về văn hóa đã tạo ra rất nhiều sự phản cảm không phù hợp với văn hóa đạo đức Việt. Bắt đầu từ 10/10/2012, chương trình gameshow THTT thuần Việt Ước mơ Việt Nam đã chính thức phát sóng trên kênh VTV2. Không chỉ là chương trình từ thiện, giúp các em nhỏ thực hiện khát vọng đến trường, Ước mơ Việt Nam còn mở đầu cho ước mơ xây dựng các gameshows THTT thuần Việt.

Đồ Rê Mí đang ở VTV3 giờ vàng 20 giờ, thì phải ngậm ngùi lui sang VTV6 vào khung 21 giờ                      Nguồn: Internet

Và đến hiện tại cho dù số lượng còn khiêm tốn, nhưng có thể cũng đáng khích lệ với số gameshows THTT thuần Việt hiện có, và đang chuẩn bị lên sóng: Đồ Rê Mí, Bài hát Việt, Sao Mai điểm hẹn, Điều ước thứ 7, Những bài hát còn xanh, Cha con hợp sức, Gương mặt kế tiếp, Cùng xây tương lai, Tuổi 20 hát, Hoa khôi áo dài, Tôi là người dẫn đầu, Vợ chồng mình hát, Ngược chiều, Sống khác, Sinh ra từ làng, Người dẫn chương trình tương lai, Phái mạnh Việt, Vẻ đẹp quyền năng Việt Nam 2015, Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng Bolero, Tôi là diễn viên, Tiếng hát mãi xanh, Cười xuyên Việt, Danh hài đất Việt, Hội quán tiếu lâm, Lần theo dấu vết, Khoảnh khắc sinh tử, ….

Cuộc chiến giữa muôn trùng vây

Sinh sau đẻ muộn, lại ít được ưu ái vì phải bắt đầu từ con số “0” theo kiểu vừa đi vừa mở đường, rồi phải đi tìm nhà tài trợ, mà không phải “nhà” nào cũng tin và mạo hiểm đánh bạc vào “thuần Việt”. Rồi việc làm thế nào để lên sóng, được ở những kênh “hot” và may mắn được vào giờ “vàng”, cạnh tranh với các chương trình “ngoại” đã ăn khách cùng sự bảo đảm cũng như hút rất nhiều spot quảng cáo “khủng” của các “đại gia”, THTT thuần Việt thật sự đối diện nhiều thách thức, y như một cuộc chiến giữa muôn trùng vây.

Đã có rất nhiều trải nghiệm “đắng” với THTT thuần Việt, như Tôi là người dẫn đầu đã không thể cạnh tranh với Cuộc đua kỳ thú  của “ngoại” nên phải tạm dừng bước sau một mùa để tìm cách đột phá mới. Ngay cả một chương trình khá nổi và thu hút khá nhiều khán giả như Đồ Rê Mí đang ở VTV3 giờ vàng 20 giờ, thì phải nhường cho THTT ngoại, ngậm ngùi lui sang VTV6 vào khung 21 giờ, khi phần đông các em bé đã đi ngủ, mà người lớn hay cả các teen đâu phải nhiều người thích nghe nhi đồng hát. Mà ngay cả chương trình tưởng chừng chất lượng cao, hút khách như Bài hát Việt, Sao Mai điểm hẹn cũng bị “điều chuyển” từ VTV3 sang VTV6. Ngay cả một số chương trình THTT thuần Việt khác như Cùng nhau tỏa sáng, Solo cùng Bolero cũng chỉ khu biệt ở một số thị trường khu vực, chứ không đủ để lan tỏa rộng khắp vì gần như không thể “mua” được sóng...

THTT thuần Việt, vì là mới, sự thử nghiệm chưa có, không có chuẩn nào để đánh giá chất lượng, và bản thân chưa tạo nên thương hiệu, nên việc hút khán giả cũng rất phập phù, chủ yếu chỉ là tình cảm kiểu “người Việt dùng hàng Việt”, “ta về ta tắm ao ta” để động viên là chính, trong khi THTT ngoại nhập đều là những chương trình rất ăn khách và nổi tiếng ở rất nhiều quốc gia, và bản thân chương trình đó như một sản phẩm công nghệ giải trí “hàng hiệu” có thương hiệu, nên cuộc cạnh tranh giữa  THTT thuần Việt với THTT ngoại nhập như trứng chọi đá, để trụ lại vài mùa đã là rất khó, mà để song hành cùng THTT ngoại nhập thật sự là bất khả thi.

Ánh sáng cuối đường hầm

Cũng không hẳn quá bi quan khi vấp phải những khó khăn tưởng chừng rất khó vượt qua, và đành buông trôi tự ti về THTT thuần Việt. Thật sự nếu nhìn ra và khai thác điểm mạnh thì có thể THTT thuần Việt vẫn có đường phát triển và cạnh tranh được với THTT ngoại nhập.

Các chương trình THTT ngoại nhập dù đang làm mưa làm gió trên các kênh truyền hình khung giờ vàng, nhưng bản thân nó càng ngày càng lộ ra sự nhàm chán, sức hấp dẫn giảm, đã phải dùng các chiêu trò kỹ xảo tạo scandal hay gây “sóng” trên truyền thông để hút khách, và chính điều này cũng làm giảm đi “uy lực” của nó. Và cũng vì là ngoại nhập, nên cũng có nhiều khác biệt văn hóa, gây hình ảnh phản cảm “chướng tai gai mắt” đến công chúng Việt, có lúc đã tạo nên làn sóng tẩy chay, thậm chí có chương trình bị ngưng phát sóng. Nên ở một mức độ, khán giả truyền hình đang khao khát và ngóng trông những chương trình THTT thuần Việt.

THTT thuần Việt, là niềm tin và một ước muốn của công chúng khán giả “người Việt dùng hàng Việt”, đó là lợi thế để các nhà sản xuất chương trình THTT thuần Việt có hậu thuẫn tinh thần. Lợi thế tiếp theo là không phải mua bản quyền của nước ngoài, không phải Việt hóa các chương trình đó với nhiều ràng buộc bản quyền format gốc tạo nên những khác biệt xa lạ văn hóa Việt, mà ta có thể  sáng tạo đến mức tối đa, hơn nữa, ta lại học được kinh nghiệm từ họ để tạo ra sản phẩm của mình “không đụng hàng” nhưng không kém phần hấp dẫn… Kế tiếp, THTT thuần Việt là để cho người Việt nên  có lợi thế tuyệt đối về đối tượng, rất phù hợp, có thể thích ứng dễ dàng không cần phải mất nhiều thời gian chuẫn bị để tham gia. Một thuận lợi nữa, kho tàng văn hóa dân gian của VN là “bảo tàng” phong phú, đa dạng để các nhà sản xuất chương trình lấy làm ý tưởng xây dựng các gameshow THTT thuần Việt.

Nhưng tất cả những cái gọi là “ánh sáng cuối đường hầm” đó, hay vắn tắt hơn là lợi thế của THTT thuần Việt sẽ không thể phát huy nếu không có sự hỗ trợ mọi mặt của Nhà nước và ngay chính các Đài truyền hình, các doanh nghiệp tài trợ. Nhà nước không tạo điều kiện cho THTT thuần Việt bằng cách có những quy chế chặt chẽ hơn khi mua bản quyền THTT ngoại nhập để bảo vệ “hàng Việt”. Đài truyền hình cũng cần có một số ưu tiên giờ vàng để thu hút công chúng khán giả. Doanh nghiệp, nhất là các “đại gia” cũng nên có sự hỗ trợ cho THTT thuần Việt để tỏa sáng… Tất cả cùng chung tay thì chắc chắn THTT thuần Việt sẽ có ngày sánh vai với các chương trình ăn khách của THTT ngoại nhập, và không khỏi còn có ước mơ bán format cho truyền hình các quốc gia lân cận trong khu vực.

Quan trọng nhất là công chúng khán giả truyền hình VN với tinh thần “ta về ta tắm ao ta” mà ưu tiên, ủng hộ, làm fan ruột của THTT thuần Việt, để nâng tỉ số raiting lên cao, thì cũng là để các vấn đề khác được chú ý như một sự liên kết trong một chuỗi mắt xích không thể thiếu hay bớt đi mắt nào. Hy vọng năm 2015 sẽ là năm tạo đà để THTT thuần Việt lên ngôi.

Hoài Hương

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy