Thứ ba, ngày 17 tháng 09 năm 2024
02:08 (GMT +7)
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về Đại đội TNXP 915

“Trở về” trong hồi niệm

VNTN - Sự hi sinh của 60 thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 trong đêm Noel 24/12/1972 ở khu vực ga Lưu Xá, mất mát ấy mỗi lần nhắc đến như vết sẹo chạm tới còn đau. 46 năm đã qua, trong dòng hồi niệm nhớ quên của những người ở lại - các chàng trai, cô gái ngã xuống ngày đó vẫn luôn hừng hực sức trẻ và lý tưởng, họ mãi mãi sống tuổi mười tám đôi mươi đẹp tươi, vẹn nguyên tình yêu Tổ quốc. 

Mẹ của liệt sĩ Hoàng Văn Tung (xóm Trung Tâm, Yên Lãng, Đại Từ), bà Đỗ Thị Nguyệt năm nay đã 98 tuổi. Khóe mắt nhòe ướt, giọng nói run lên vì xúc động khi chúng tôi nhắc nhớ về con trai bà. Kể chuyện về con, rồi như một phản xạ tự nhiên quên bẵng đi hiện tại, bà hỏi: “các anh chị có biết thằng Tung, có gặp thằng Tung nhà tôi bao giờ chưa?” - “Dạ, chúng cháu gặp bác ấy qua ảnh, bà ạ!”. Câu hỏi của bà, mới nghe ai cũng có thể bật cười bởi sự “ngô nghê”, đãng trí, nhưng thẳm sâu thì hiểu rằng, người mẹ ấy đang thực sự đắm chìm trong ký ức về Hoàng Văn Tung ở cái ngày anh mới 21 tuổi. Thể trạng dù yếu đi nhiều, song tâm trí bà không hề quên những chuyện của ấu thơ, của quá khứ. Ngày ấy, bà cũng nơm nớp lo sợ sự an nguy của con, nhưng khác những bà mẹ khác là đã ủng hộ anh Tung tham gia lực lượng TNXP. Bà bảo: “Chả ủng hộ thì sao được, còn phải nhịn đói để cho con ăn mà đi đánh giặc nữa đấy. Tung nhà tôi vạm vỡ, đẹp trai, chịu thương chịu khó lắm, rất tích cực tham gia phong trào thanh niên ở xã nên ai cũng quý. Mỗi lần tranh thủ về qua nhà, thấy mẹ đang làm dở việc ngoài hợp tác xã là nó lăn vào làm giúp ngay. Lúc nào đi nó cũng dặn, mẹ ở nhà cứ yên trí, làm lụng nuôi các em. Con đi thế này nước Mỹ có bỏ bom chết thì mẹ cũng phải bằng lòng vậy, chứ làm thế nào được”.

Bà Đỗ Thị Nguyệt - mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Tung
Bà Đỗ Thị Nguyệt - mẹ liệt sĩ Hoàng Văn Tung

Tiếp lời mẹ, anh Hoàng Văn Chính (em trai liệt sĩ) nghèn nghẹn:

- Sau trận bom đêm 24/12, đồng đội ở cùng xã với anh tôi là cựu TNXP Hoàng Văn Chấm (nay đã mất) về qua nhà, mẹ tôi dò hỏi tin tức nhưng ông Chấm không dám nói anh Tung đã hi sinh. Bẵng đi 4, 5 ngày sau, bằng thứ linh cảm thiêng liêng của tình mẫu tử, mẹ cứ bồn chồn nghĩ tới chuyện chẳng lành, thế là bà bảo tôi mượn xe đạp chạy về thành phố xem thực hư thế nào. Đường đi toàn dốc đá, mãi trưa mới tìm được đến đơn vị, biết anh đã hi sinh, hai mẹ con lặng lẽ vào thăm/nhận mộ ở Dốc Lim. Cảnh tượng ám ảnh tôi tới tận bây giờ, quần áo, giày dép, dây thắt lưng… loang lổ vết máu, vương vãi khắp bãi cây mua. Mộ phần từng người cắm miếng gỗ chừng hai bàn tay, được ghi tên bằng than. Mẹ tôi khóc anh, gào thét cả nửa tháng liền đến khản cổ không nói thành tiếng nữa mới thôi. Những Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước; Huân chương Chiến công giải phóng; Tổ quốc ghi công; Huân chương Chiến sĩ giải phóng… được Đảng và nhà nước truy tặng cho anh, gia đình chúng tôi luôn giữ gìn như báu vật.

Trong miền nhớ còn khá nguyên vẹn, anh Chính khi ấy 14 tuổi, vẫn thường viết thư tay kể chuyện ở nhà, gửi gắm những lời chúc bình an đến anh trai. Bố mẹ anh sinh được 13 người con cả thảy, nhưng thời ấy đói kém quá nên mất đi 9 người khi còn nhỏ. Bố mất sớm từ năm 1965, anh Tung lớn nhất nên mọi chuyện trong nhà anh xốc vác, lo liệu như người trụ cột thực thụ. Phụ giúp mẹ, nghiêm khắc dạy dỗ các em chả màng gì bản thân. Mỗi lần nhắc chuyện yêu đương là anh gạt phắt. Phút giây gia đình đoàn tụ, là lúc anh Tung về thăm nhà trước khi hi sinh mấy ngày. Vẻ mặt hồ hởi vui tươi, vừa về đến cổng anh đã í ới gọi: Bu ơi có cái gì để ăn với đường không? Thì ra trong chiếc mũ cối anh cầm trên tay có chừng 2kg đường, đó là khẩu phần được phát bồi dưỡng, anh không ăn mà để dành mang về cho mẹ và các em. Nồi ngô bung với đỗ đen nóng hổi được cả nhà quây quần dọn ra, trộn với đường vừa thổi vừa ăn… Kỷ niệm đó không bao giờ anh Chính có thể quên được.

Không còn lại bất cứ hiện vật gì ngoài tấm Bằng Tổ quốc ghi công được truy tặng, những thông tin về liệt sĩ Trần Thị Mai (xóm Quyết Thắng, Yên Lãng, Đại Từ) chỉ là những mẩu ký ức ít ỏi của người em trai Vũ Đức Dậu và người đồng đội Trần Đình Liên (Đại đội 914), hiện ông Liên là Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Yên Lãng. “Ngày đó chị Mai 17 tuổi, có đám nhờ mai mối đến xin gả mà chị không ưng, thế là chị giấu cả nhà tự viết đơn tình nguyện đi TNXP. Lúc gia đình biết thì chuyện cũng đã rồi, cũng không cấm cản gì. Trước khi hi sinh một ngày chị vẫn về thăm nhà, có ai ngờ đó là lần cuối cùng được gặp chị đâu” - ông Dậu xúc động kể lại.

Trong hồi ức của ông Liên, sự gắn bó giữa hai người không đơn thuần là tình bạn, mà đó là những rung động, cảm mến đầu đời. “Mai có tính cách mạnh mẽ như con trai, nghịch ngợm và đặc biệt là rất khỏe. Vật lộn, bế bổng tụi tôi như thường. Lúc chưa đi TNXP, chúng tôi cùng tham gia làm ở lò vôi HTX, cô ấy đập đá còn khỏe hơn khối đàn ông đấy. Có dịp đến thăm nhau khi cả hai cùng ở đơn vị TNXP, chúng tôi thường trêu nhau, câu đùa vui như một lời tín ước: Bao giờ giải phóng thì mình về lấy nhau. Mai hát rất hay, rất đỗi mạnh dạn và tự nhiên trước đám đông. Cánh đàn ông thường thổi sáo đệm cho Mai hát, thế nên ngày ấy Mai cũng có nhiều “cây si” lắm.”

Chuyện kể của ông Liên như đưa tôi lạc vào khung cảnh của những thước phim đen trắng mà mình từng xem từ thưở bé. Cô gái tên Mai líu lo cất tiếng hát những lúc nghỉ giải lao khi mở đường, lấp hố bom, trong những đêm trăng sáng rực cả núi rừng, lán trại, nào “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”… Kết thúc mỗi bài hát là những câu trêu ghẹo dí dỏm, tình tứ của đám trai, những xôn xao giọng nói tiếng cười của đồng đội xung quanh. Chuyện tình cảm chớm nở trong sáng, cái nắm tay vụng về còn chưa dám mỗi lần họ gặp nhau, cùng nhau đi dạo dọc đường ray tàu hỏa, hai người đút chân vào bao tải tránh muỗi, kể biết bao chuyện xóm chuyện làng. Cảnh tượng đẹp biết mấy, bình yên biết mấy…

Cựu TNXP Trần Đình Liên chia sẻ những mẩu chuyện về liệt sĩ Trần Thị Mai
Cựu TNXP Trần Đình Liên chia sẻ những mẩu chuyện về liệt sĩ Trần Thị Mai

Miên man trong những kỷ niệm tươi đẹp, giọng ông Liên trầm xuống bùi ngùi: Khi nghe tin Mỹ dải bom ở khu vực ga Lưu Xá, 60 chiến sĩ TNXP Đại đội 915 hi sinh, đại đội tôi đang đóng quân ở La Hiên (Đình Cả, Võ Nhai). Chúng tôi được lệnh rút về hỗ trợ thu dọn chiến trường. Cảnh tượng hoang tàn đổ nát, tiếng khóc nức nở cứ cuộn trào trong lồng ngực của những người sống. Hai năm sau ngày Mai hi sinh thì tôi lấy vợ. Tôi đã xuống mộ phần trò chuyện, tâm tình với cô ấy, như mong một lời chúc phúc dẫu đã cách biệt âm dương. Mai sống trong tôi mãi hồn nhiên ở cái tuổi 17 ấy, mỗi lần nhắc, lại nhớ những đùa trêu thưở vụng dại. Nếu Mai còn sống, biết đâu…

Bom đạn vô tình đã cướp đi biết bao mối tình chớm nở như thế? Những mối tình hẹn ước bâng quơ, có khi chôn chặt vì ngày trở về mong manh… Những năm tháng ấy, tình yêu lứa đôi luôn phải đặt sau tình yêu Tổ quốc. Cũng có những người vì nhiệm vụ, vì lý tưởng cách mạng mà gác lại niềm vui riêng ngắn ngủi. Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở xóm Tân Lập, xã Cát Nê, huyện Đại Từ, người em trai của liệt sĩ Mai Như Ý - ông Mai Văn Phương mắt ngân ngấn nước, giọng nói như cố kiềm lại niềm xúc động để ngăn những giọt lệ đang chực rơi xuống: “Anh Ý cao to, trắng trẻo và đẹp trai lắm. Hi sinh khi mới cưới vợ được 3 ngày, chị dâu chịu tang xong cũng đi biệt, mấy năm sau thì lấy chồng. Đó là nỗi buồn đeo đẳng gia đình chúng tôi nhiều năm”.

Là con thứ tư trong gia đình có tám anh chị em, ở cái tuổi mười chín nhiều khát khao lý tưởng, chàng thanh niên Mai Như Ý đã tiếp nối bước chân của chị gái cũng là TNXP, rồi hai anh trai là bộ đội, tình nguyện tham gia phong trào “Thanh niên xung kích bảo đảm giao thông vận tải” của Tỉnh Đoàn thanh niên Bắc Thái. Gia nhập TNXP, được biên chế vào Đại đội 915, 19 tuổi và là đối tượng xét kết nạp Đảng, anh giữ vai trò một tiểu đội trưởng gương mẫu, rất được lòng đồng đội.

Những tháng ngày trong khói lửa chiến tranh, người ta luôn mong muốn chu toàn về một sợi dây gắn kết của tiền tuyến - hậu phương, để có thể yên lòng mà sống và chiến đấu. Liệt sĩ Mai Như Ý đã tìm được một người tâm đầu ý hợp để kết duyên, cũng là mong dâu con có thể giúp mẹ cha bớt phần mong nhớ con trai vắng nhà. Và cái lần về phép một tuần để lo chuyện cưới hỏi ấy, anh cùng người thân giết lợn, làm cỗ. Đã hào hứng nhận bao lời chúc phúc, đã nghĩ về những đứa con, về ngày hòa bình thống nhất sẽ tề tựu với những niềm vui đời thường khác. Ngày trở lại đơn vị còn vui vẻ mang theo cặp gà và một ít gạo nếp nhờ các chị nuôi nấu nướng thết đãi tiểu đội. Vậy rồi…, người TNXP ấy vì trách nhiệm tiểu đội trưởng, vì tinh thần hết mình phục vụ tiền tuyến, vừa xuống tới nơi, hay tin có nhiệm vụ đi bốc dỡ hàng là anh xung phong đi luôn. Dự định về một bữa ăn vui vầy cùng đồng đội chưa thể thực hiện, người đã về cõi khác.

Nhắc chuyện đêm 24/12/1972 lịch sử, trong trí nhớ của cậu bé Phương mười tuổi khi đó, là tiếng máy bay ầm ào trên đầu, những luồng sáng chớp lóe nhìn thấy phía đường chân trời. Cả nhà dắt díu nhau chạy ra hầm trú ẩn, nhưng lạ thay, như có thần giao cách cảm, mẹ ông cứ tần ngần đứng ở cửa hầm trông ngóng. Những thanh âm bom nổ vọng lại mơ hồ, bà bất giác thốt lên: “Thế là con tôi chết rồi. Thằng Ý chết rồi!”. Kể đến đây, mắt ông Phương lại nhòa đi. Mẹ ông giờ cũng đã nhắm mắt xuôi tay, nhưng cái ngày ruột gan bà nóng như lửa đốt nhất quyết đòi cùng mẹ cựu TNXP Lê Thị Lương xuống thành phố Thái Nguyên tìm con, mãi in sâu trong tâm trí ông Phương. Bà Lương (khi đó làm chị nuôi của đại đội, nay lấy chồng và sinh sống tại Hải Phòng) không dám nói thật mà chỉ nói anh Ý đã chuyển chỗ, nhưng rồi cuối cùng cũng không giấu được. “Mẹ tôi buồn lắm. Tôi nghĩ khi ấy chắc ruột gan bà như có ngàn mũi dao cào xé. Không biết có phải người mất linh thiêng, vì lo lắng cho mẹ mà trong những giấc mộng mị, tôi luôn nghe anh Ý dặn dò, rằng phải chăm sóc mẹ cẩn thận”.

Ngước nhìn lên ban thờ, nơi đặt tấm Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước và Bằng Tổ quốc ghi công thay di ảnh người đã khuất, ông Phương im lặng như để cất nỗi buồn vào sâu trong đáy mắt.

46 năm trôi qua sau sự kiện đau thương đêm Noel 24/12, nước mắt còn rơi trong những hồi niệm nhớ quên của người thân và đồng đội các liệt sĩ. Giọng kể run run của bà mẹ Nguyệt, phút kiềm nén niềm xúc động của ông Phương…, như cho chúng tôi thấy họ đang trở về, nghe được những tiếng vọng của nhịp thở trong lồng ngực những chàng trai cô gái mười tám đôi mươi tràn đầy xuân sắc ngày ấy. Nhắc nhớ những ảnh hình của họ trong quá khứ, để thấy quý trọng bình yên hôm nay. Xứng đáng lắm chứ, tự hào lắm chứ - về một lớp người kiên trung, đã không tiếc hiến dâng thanh xuân đẹp đẽ cho Tổ quốc.

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước