Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
04:31 (GMT +7)

Trở về

VNTN - Tôi quyết định trở lại bãi Ba Khe lần nữa. Nghe tin đứa cháu đi làm cửu trong bãi về xì xào với nhau tôi biết có nẹp vàng đã bật ra. Với một kẻ đã một lần đổi đời từ cái ánh vàng lóe lên từ đáy máng như tôi thì sức hút ấy mạnh mẽ hơn bất cứ thứ gì. Tôi sẽ bí mật theo thằng cháu vào rừng. Chấp nhận mạo hiểm đi một mình đề phòng lộ bãi nhiều kẻ khác sẽ lao vào tranh cướp. Một kế hoạch trong đầu đã được vạch ra. Bây giờ thì tôi đủ già dơ để đối chọi với những anh hùng hảo hán nơi bãi vàng, chỉ cần nó có dấu hiệu có vàng thì mọi cái như đã nằm trong tầm tay. Chính vàng đã dạy cho tôi bài học phải làm gì để tồn tại nơi bạo lực, lừa đảo, bất nhân của một chốn ô hợp mà thiện ác bị đảo lộn phũ phàng.

***

Bãi Ba Khe là nơi tôi cũng đã từng đặt chân đến từ năm chín mươi. Khi ấy các bãi vàng nổ ra ở nhiều cánh rừng khắp các vùng miền. Tôi đã cùng Khắc dẫn quân đến thăm dò cả tuần nhưng chưa có kết quả thì bãi Trám nổ ra. Chúng tôi tức tốc lao đến bãi Trám tranh giành đón đầu được một đoạn nẹp. Phía trên chúng tôi là lò thằng Năm cụt, nó bị cụt mất hai ngón tay phải vì kíp mìn. Đầu nó luôn chụp cái mũ nồi đen, mép lại để bộ ria con kiến. Mặt lúc nào cũng tỏ ra dữ tợn và sẵn sàng tung những quả mìn nổ trên không để đe dọa các đội xung quanh. Phía dưới chúng tôi là lò thằng Cường trại, gọi là Cường trại vì nó bị ở tù mấy năm vừa ra trại, hay mặc bộ rằn ri, có lúc thì cởi trần khoe thân hình chạm trổ đầy các hình ma quái. Thằng này luôn vỗ ngực khoe cái mác đi tù và hay mượn say rượu để gây sự lấn chiếm các lò bên cạnh. Tôi và Khắc phải căng mình giữ miếng ăn đang mở ra trước mặt. Những đường nẹp đá chạy xiên xiên trong ghềnh trải dài khắp lòng núi mà chỉ có mấy đường kẹp vàng. Một lò tìm ra đường nẹp ấy là các lò khác cứ căn theo độ sâu ấy mà tìm. Lần đầu tiên đi tìm vàng, cứ thấy những đường nẹp hiện ra là bao giấc mơ đổi đời cứ hiện lên. Vậy rồi khi hì hụi tìm kiếm mới biết nó gian nan thế nào. Chính vì vậy khi phát hiện có nẹp vàng sự tranh giành nhau càng khốc liệt. Sau nửa tháng chui vào lòng núi, lò của tôi và Khắc đã bập trúng đường nẹp có vàng. Khi chiếc máng đãi thử dồn đến những động tác cuối, một vệt vàng chạy dọc đáy máng làm tôi và Khắc đều run lên, rồi nhanh tay cho chiếc máng chìm ngay xuống hố đãi. Việc bí mật lúc này là sự tồn tại của mình, ngay cả với những anh em cửu trong lán cũng không được biết. Vẻ ngoài vẫn luôn nhăn nhó, mồm vẫn luôn kêu ca máy chạy hàng ngày chỉ đủ tiền mìn thôi. Tôi và Khắc đều biết các lò cạnh cũng trúng thì mình yên. Nếu lò nó đói, nhất định chúng nó sẽ gây sự để tranh cướp. Thật ra tôi, Khắc và những bưởng khác đều là những thằng cầm cày theo đít con trâu. Chất người vẫn là hạt gạo củ khoai. Giờ vào bãi cũng phải gồng mình khệnh khạng ra oai, mắt luôn gườm gườm, mồm ngậm điếu thuốc lá luôn lệch về bên mép. Hở mồm nói là dọa treo chân sát phạt cửu để ngầm đe kẻ khác, để tự trấn an mình. Nhiều lúc thấy thằng Khắc đối xử với anh em cửu thậm tệ quá tôi can: Chúng nó cũng toàn thằng nghèo mới phải vào đây, mình đừng quá đáng thế. Khắc trợn mắt với tôi: Mềm ở bãi thằng khác nó nuốt mình luôn, mày để mặc tao xử. Tôi đành đồng tình vì lúc này lò tôi đang vào cầu. Nếu không mượn cái mác vừa ở tù ra và sự hung hãn của nó có lẽ khó lòng giữ được. Có lần, mượn cớ thằng cửu non tuổi nhất, mới mười lăm, chuyên đứng bón đất chạy máy sờ tay vào máng hứng vàng, nó liền treo chân lên gốc cây liền đấy nửa tiếng đồng hồ. Tôi thấy thương thằng bé nhưng biết nó làm thế để hăm dọa các lán xung quanh. Ngay tôi cũng có lần là vật hiến thân để giữ lò mình. Có dịp biết lò tôi đang trúng, thằng Năm cụt cho quân đánh chặn vào phần đất chúng tôi. Tình thế mất ăn, thằng Khắc nói nhỏ vào tai tôi: Mày chịu đựng tý nhé! Nói rồi nó đè nghiến tôi xuống đất, kề con dao phát vào cổ quát lớn: Bảo mày trông coi lò mà để chúng nó dám cướp sống thế à! Đồ hèn! Tao xử mày trước rồi đến lượt chúng nó sau. Mấy anh em cửu thấy thế xúm lại van xin. Nó ấn con dao quá mạnh làm cổ tôi bị rách và máu chảy đỏ lòm. Quân tướng thằng Năm cụt thấy thế cũng lặng lẽ rút lui.

Sau trận ấy nó bảo tôi: Mày ở lại trông lò mấy ngày, tao về làm việc để treo niêu bọn này ngay tức khắc. Được chục cây vàng nó cầm về tất. Mấy hôm sau Khắc vào cùng một đội công tác của huyện. Cơm nước xong, đội công tác yêu cầu các lò đang khai thác trong ba ngày phải rời khỏi khu vực, vì Khắc đã làm thủ tục với huyện mua đứt cả dải núi ấy để khai thác và làm nghĩa vụ đóng góp thuế cho huyện. Luật rừng thì cũng thua pháp lý. Vậy là chúng tôi thắng, yên tâm chiếm lĩnh cả vạt núi khai thác hai năm trời. Bùn đất thải ra ảnh hưởng vài sào ruộng ven suối của một lão nông người dân tộc khai phá cũng được chính quyền xã giúp can thiệp êm xuôi. Vẫn bằng lý, lúc đầu lão nông cầm dao quắm dạng chân thách đứa nào đụng đến mảnh ruộng của lão. Cán bộ xã đấu lý ở chỗ lão tự khai phá nhưng không kê khai trong diện nộp thuế hàng năm, vậy là làm chui. Chúng tôi đền bù vài chỉ vàng công khai phá. Biết có kiện tụng cũng chả ích gì, lão nông đành ký biên bản nhận tiền rồi chỉ mặt từng người: Chúng mày vào hờ với nhau để lờ tao. Tôi biết thằng Khắc làm cách nào mà êm xuôi mọi bề như thế. Nó bảo chỉ sợ không có vàng chứ đã nắm chắc sản phẩm hàng ngày rồi thì một chứ mười quả núi cũng mua được.

Những lò khác cạnh bọn tôi hồi ấy cay cú lắm, chúng nó cũng quấy nhiễu, gây khó mấy ngày, nhưng thằng Khắc khôn ngoan cho thằng Năm cụt và thằng Cường trại, mỗi thằng một đoạn ngắn ở hai đầu. Vậy là vẫn được tiếng hào hiệp vừa được yên ổn làm ăn, vừa được mang ơn. Chính chúng nó lại là hai thằng bảo vệ hiệu quả nhất để bọn tôi rảnh tay tập trung vào khai thác, quả là thằng Khắc ranh ma có lõi. Thằng Khắc biết, đứa nào có anh chị đến đâu vẫn phải gờm pháp luật. Nó vừa có máu anh chị lại được vài người cánh hẩu nắm pháp luật đỡ lưng là nó thắng. Bọn kia dẫu biết đường đi nước bước của nó nhưng tỉnh ra thì đã muộn rồi.

Sau hai năm chinh chiến bãi vàng tôi và Khắc chia nhau mỗi người được một ít vốn. Tất nhiên, tôi biết nó vẫn thậm thụt một chút phần hơn nhưng lúc ấy được thế là quá mừng còn suy bì gì nữa. Đầu những năm chín mươi ở quê mà xây được ngôi nhà ba tầng có đầy đủ nội thất xịn bên trong, đi đâu có xe Đờ -rem Thái đập hộp giá sáu bảy cây vàng, áo Na - tô Mỹ mấy chỉ vàng là sang lắm, bất kể lai lịch người đó thế nào. Tôi và Khắc tiếng tăm lan cả một vùng. Đến đâu cũng có người bắt tay rối rít. Xóm tôi là xóm nghèo, xây nhà văn hóa tôi ủng hộ chút tiền, đội văn nghệ lên xã thi tôi bồi dưỡng chút ít tập tành. Vậy rồi bà con đưa lên làm chân trưởng xóm. Rồi vào hội đồng nhân dân. Rồi làm phó chủ tịch xã phụ trách mảng kinh tế. Chỉ một khóa lại lên làm chủ tịch. Hình như cái mác nhà lầu xe đẹp, mặc sang của tôi là tiêu chuẩn đủ tài của một cán bộ địa phương. Đi họp trên huyện hay giao lưu các xã bây giờ người ta cứ nhìn phương tiện để đoán ra năng lực. Mẫu cán bộ nhiệt tình, liêm chính nhưng đi đâu cứ cái xe đạp cà tàng lại kém khoản nâng cốc hay bị phán là bất tài nên cũng lặng lẽ rút dần. Tôi kinh qua những chốn quan hệ phức tạp để tồn tại nên cũng biết chỗ nào phải bắt bằng hai tay, chỗ nào chỉ dùng ngón tay để chỉ. Cần thể hiện sức chịu đựng của rượu, tôi đủ sức chúc tụng cấp trên, hòa đồng với sự tung hô của cấp dưới. Cái khoản đi hát karaoke và vui vẻ với các em lúc nào cũng sẵn sàng. Tóm lại tôi cũng biết nhìn xu thế thời đại để có mối quan hệ làm việc thoáng, hiểu ý nhau để được việc chung, lợi cả việc riêng chẳng ai trách móc gì. Mà nói thật trách cũng chẳng được, cái gì cũng có thống nhất trên dưới rồi, đúng pháp luật rồi còn hiệu quả của nó thì qui làm sao được một mình tôi.

Thằng Khắc thì khác, nó dồn vốn thành lập công ty chuyên nhận các công trình giao thông. Có tiền trong tay, sự giao dịch của nó làm các thủ tục, cả vay ngân hàng ngon ơ. Nghe đâu lúc đầu chỉ nhận các công trình vùng núi, sau có đủ ngón nghề cũng lao vào đấu thầu các tuyến đường thành phố. Nghe bãi nào rộ vàng nó lại có thể kinh doanh thêm nghề khai thác khoáng sản. Ngay cả bất động sản nó cũng nhúng tay vào. Tóm lại là nó đã gây dựng được một mối quan hệ có nơi để tựa lưng lao vào bất cứ lĩnh vực nào ra tiền.

Tôi và Khắc bất đồng không nhìn mặt nhau khi nó xây dựng khu du lịch tâm linh phải mở con đường qua xã tôi. Là một cán bộ địa phương, tôi cũng biết, muốn phát triển nhiều cái phải mỡ nó rán nó, nhưng một doanh nghiệp như Khắc thì lợi nhuận là trên hết. Thằng Khắc nói nhỏ vào tai tôi: Ông cứ danh nghĩa chính quyền mà vận động bà con chấp nhận giá thỏa thuận đi. Ông yên tâm, vẫn có phần của ông nghiêm chỉnh đấy. Tôi biết hai vai cái thằng doanh nghiệp bây giờ kiếm được cái dự án nào cũng phải gánh è bao mối quan hệ. Cứ thẳng thắn, nghiêm chỉnh không chịu luồn cúi thì cứ ngồi đấy mà chờ cơ hội. Thằng Khắc được miếng ăn cũng phải chia năm bảy mối. Những người đứng sau cứ việc đút túi một khoản còn sống chết là việc của bay. Vì thế nó phải tìm cách một mặt đẩy cái thiệt thòi ấy vào những con người chỉ biết làm ăn mà chẳng hiểu gì pháp luật. Một mặt ăn bớt phần vật liệu đầu tư. Những con người nông dân chỉ biết tin vào chính quyền cơ sở như tôi, mà tôi ngoài cái lợi bản thân còn các mối quan hệ khác. Giá như con đường ấy không đi trúng vào khu ruộng của họ mạc nhà tôi thì tôi cũng ngậm miệng ăn tiền. Thôi thì có thương bà con cũng đành lờ đi cho qua chuyện. Đằng này khu ruộng ấy là của cụ kỵ tôi, của ông bà bố mẹ tôi. Dù bây giờ đã là của chú tôi, cô tôi nữa nhưng cứ nghĩ nó đã bao đời nuôi sống cả gia đình họ hàng mình thì tôi xót quá. Xót bởi vì tôi biết cái giá thỏa thuận này nó bất công với chính những người thân của mình. Vì lấy mỡ nó rán nó nên đường có hơn chục mét phải lấy rộng ra mỗi bên hơn ba mươi mét để chia lô bán bù chi phí. Tôi biết chắc xong vụ này mình cũng có một lô nhưng như vậy mình lại ăn vào chính phần đất của cụ kỵ mình thì đau quá. Tôi phản ứng không chịu. Thằng Khắc bảo tôi: Hãy tính kỹ đi! Một là có phần, hai là mất cả chì lẫn chài. Tôi nổi máu yêng hùng: Thằng này sẽ chơi đến cùng. Tiền đền bù vụ đó được nâng lên nhưng tôi bị rơi vào diện không gương mẫu thực hiện sự phát triển của địa phương. Chẳng tổ chức nào bắt làm kiểm điểm nhưng lại như có một cái án kỷ luật vô hình. Mọi người cũng lạnh nhạt với tôi. Biết mình đang bị cô lập dần, tôi chủ động làm đơn rời vũ trường cho danh dự. Bao chuyện nhập nhèm trước đây cũng đành ngậm miệng cho êm vì mình cũng trong cuộc rồi. Riêng thằng Khắc thì tôi cay lắm, nó làm vụ này khác gì mượn thế vây cánh để đuổi tôi khỏi vũ đài. Cái vết sẹo tôi phải hy sinh cùng nó năm nào vẫn còn đây, giờ nó lại cứa vào cổ tôi một vết sẹo khác. Tôi thề sẽ không bỏ qua chuyện này.

***

Thằng bưởng lò ở Ba Khe có lẽ đang khui trúng nẹp nên luôn cảnh giác với những người lạ. Biết tôi người cùng làng với cửu của hắn vừa cho về kiếm thêm người làm hắn càng có vẻ tức tối. Hắn đã cảm thấy bất an cho miếng ăn của mình. Tôi làm bộ thân thiện và tỏ ý để hắn biết rằng vùng bãi này tôi đã đặt chân thăm dò cách đây hai mươi năm. Tôi có thừa các mối quan hệ và cả bản lĩnh bãi vàng.

Biết điều thì êm ấm cùng ăn, đừng giơ nanh ra mà thiệt. Cuối cùng thì hắn vẫn là thằng khôn ngoan chứ không phải anh hùng rơm như một số thằng bưởng khác. Hắn cũng nhận ra sự bất ổn khi thân cô, thế cô ở nơi sơn cùng núi thẳm này. Hắn đang cần vây cánh mạnh đủ tin tưởng để giữ được miếng ăn chứ không cần đao to búa lớn rồi mất tất cả. Nghe cửu của hắn là người làng tôi kể tôi đã kinh nghiệm đầy mình về bãi vàng, lại có vài khóa là cán bộ xã hắn có vẻ yên lòng và đồng ý cho tôi xuống thăm lò, đồng ý cho tôi cạy thử vài đường nẹp với điều kiện bảo vệ được bãi để hai bên chia nhau khai thác. Bãi này ở rất sâu, gần chục cây số chỉ có rừng, không một mái nhà, không một nương bãi, không một dấu vết có người sinh sống. Đây là nơi lý tưởng để khai thác vàng. Tôi lên kế hoạch với hắn về việc triển khai lán trại, đầu tư máy nghiền, đầu nổ, máy phát điện, tắc tế cho sinh hoạt ra sao. Sau đó, tôi về mua các thứ cần rồi bí mật đi thật xa tuyển cửu. Rồi cũng thật bí mật chuyển dần các máy móc vào với ý nghĩ nơi sâu thẳm này có thể khai thác vụng trộm hàng năm trời. Xã biết thì làm luật riêng với xã. Huyện biết thì lại làm luật với huyện. Nhì nhằng đến lúc căng thì cũng đủ tan vạt rừng đó rồi. Nơi xa nhẳng ấy họa chỉ có mấy ông kiểm lâm may ra mò tới. Thôi thì lại làm luật, cây rừng không biết nói rồi thì còn ai ở đấy đâu mà kiện tụng. Cảm thấy đã ổn, tôi lôi trong ba lô chai rượu tây và mấy bịch bò khô ra lai rai với thằng bưởng lán rồi cả hai nằm lăn ra ngủ.

Tôi dự tính nghỉ một lát trưa rồi một mình lên đường trở về. Mới chợp mắt một lúc đã giật mình vì tiếng người oang oang ngoài lán. Tôi lắng tai nghe. Rồi sợ mình đang ngái ngủ nghe nhầm tôi nhổm dậy ghé mắt nhìn qua phên lán. Đúng rồi! Thằng Khắc! Sao nó lại xuất hiện ở đây nhỉ? Chợt nhận ra ba thằng nữa đang ngồi bệt xuống cỏ ôm ba lô lộn, trong đó có thằng cửu là cháu nó. À! Thì ra nó cũng đánh hơi thấy vàng qua thằng cháu về lấy thêm người cho bưởng rồi theo chân chúng nó vào đây. Tôi có cảm giác như túi tiền đang giấu kín của mình bị kẻ cắp phát hiện. Và cái cảm giác sắp rủng rỉnh tiền giờ tan biến giấc mộng vì sắp có kẻ khác giật mất làm tôi sôi máu trong người. Thằng bưởng hỏi tôi: Thằng nào thế sếp? Tôi nói nhỏ trong hai hàm răng nghiến chặt: Một thằng đểu! Một thằng cướp đấy! Phải tống cổ nó ra ngay. Thằng bưởng tung chăn vùng dậy ló đầu ra hỏi thằng cửu: Mày lấy thêm được mấy thằng? Dạ. Hai ạ! Vậy ông kia là ai? Dạ. Chú em ạ! Vào làm gì? Tao dặn chúng mày thế nào? Dạ. Chú em chỉ đi chơi thôi ạ! Đây không có chỗ để chơi. Không làm đúng lời tao, nhận tiền công rồi biến ngay. Lúc này thằng Khắc mới lên tiếng: Chào ông bạn, vội gì mà nóng nảy thế! Trước lạ sau quen, thời buổi bây giờ có lúc còn phải nhờ cậy nhau. Biết đâu tôi lại có thể giúp ông điều gì. Xin giới thiệu với ông, chủ của bãi Trám năm xưa là tôi. Nay tôi đang là giám đốc công ty Liên Thành chuyên thi công các công trình giao thông trong tỉnh. Biết ông bạn cùng một thời bãi Trám cũng đã vào đây nên tôi cũng bỏ một buổi đi vào rừng chơi, thăm lại cái nơi tôi đã một thời đặt chân cho đỡ nhớ. Tôi đang nằm trùm chăn kín đầu nghe nó nói biết mình vào đây mà lộn tiết, bung chăn lao ra cửa lán: Thì ra mày vẫn bám lấy đít tao như thằng mật thám. Tao tưởng mày cướp được tiền thiên hạ thì đi du hí mọi nơi cho sướng vào đây nhòm ngó làm gì? Nó không hề ngạc nhiên khi tôi bất ngờ xuất hiện, lại còn hạ giọng: Chuyện tôi và ông tý về ta nói với nhau sau. Nó quay về phía thằng bưởng: Tôi cũng chỉ là người đi thăm rừng thôi, chẳng động chạm gì đến lò, đến lán ông cả. Nói rồi nó vượt lên đoạn núi ngắm nghía bốn phía như người ta đang ngắm phong thủy cho thung lũng này.

Tôi dặn thằng bưởng cứ yên tâm theo kế hoạch đã bàn rồi khoác ba lô trở ra. Nghĩ bụng mày muốn ngắm gì thì ngắm nhưng tao sẽ về nhanh tay làm luật trước, với thằng này thì chậm một nước nó giật miếng ăn của mình ngay. Vừa đi được một đoạn tôi đã nghe nó gọi sau lưng: Chờ nhau cùng về với, vội gì mà ông đi như trốn chạy ấy. Bất đắc dĩ tôi phải dừng lại chờ. “Ông định làm gì mà vào đây?” Tôi cố giữ cách xưng hô và phủ đầu khi hắn đã đến mặc dù biết tỏng ý định của hắn rồi. “Lại phải lao đầu vào rừng thôi, hai năm vừa rồi gẫy vì bất động sản lê bằng đít rồi”. Hắn trả lời. Tôi liền hỏi lại: “Vậy là ông đã lộ rõ cái ý định chiếm cái bãi này”. Hắn lại phân bua: “Cứ dùng từ chiếm nghe nó nặng nề quá. Tôi đứng ra lo thủ tục trên danh nghĩa Công ty cho nó có trọng lượng rồi ta sẽ bàn cách ăn chia, tôi đã để thiệt ai bao giờ đâu”. “Lại cái cách nhả cho một ít xương còn ông làm cả chứ gì. Với tôi lần này không xong đâu nhá!”. Tôi dằn giọng. Hắn vẫn thản nhiên: “Thì cứ bình tĩnh đâu khác có đó mà”. Tôi liền bảo hắn: “Vậy thì tôi bàn thế này, cái khe này ở heo hút không một bóng người, ta chia ba phần, ông một, tôi một, thằng kia có công khám phá cho nó một, ta cứ lặng lẽ khai thác bao giờ chính quyền lên tiếng hãy hay”. Nó tưng tửng: “Tôi đã điện qua sếp trước lúc vào đây rồi, chỉ thực tế xem bãi thế nào về là quyết thôi”. Tôi bị bất ngờ về các bước đi của nó. Vậy là nó đã nhanh hơn mình, nó đã có đáp án để giải bài toán với mình. Nói tóm lại là nó đã nắm rất kỹ về nẹp bãi, về cả từng bước đi của tôi nữa, nó đã nắm đằng chuôi. Cơn giận dữ của tôi bắt đầu bốc lên, tôi dằn giọng: “Vậy thì ông định ăn chia thế nào nói toẹt ra đi”. “Làm gì có chuyện ăn chia, tôi phải giơ đầu chịu báng thì cũng có quyền phân phát cho các ông một đoạn ngắn thôi chứ, đấy là tình cảm rồi còn gì”. “Vậy khác gì cướp trắng của nhau”. “Ông nói lạ nhỉ? Của là của Trời, nó nằm ở rừng chứ ở vườn của ai mà cướp. Cướp thì pháp luật nào bảo vệ, nói bừa ở đây thì được ích gì”. Tôi sửng cồ: “Ông nên nhớ ở rừng còn có luật rừng nữa đấy! Đừng cậy thế mà ép nhau vào tường thì không xong đâu”. Nó cười khẩy: “Lại thích dọa nhau, trẻ con như xưa nữa đâu mà nói luật rừng. Bây giờ là lý là pháp luật, ai nắm người ấy thắng”. “Mày là thằng ỷ thế có dây có dợ để ăn hiếp thiên hạ chứ pháp luật nào. Nói với vài thằng chân đất thì nói thế được nhá, thằng này cũng nắm quyền một xã chục năm rồi đừng vải màn che mắt thánh”. “Ồ! Làm cán bộ xã rồi càng phải hiểu luật chơi chứ! Chả nhẽ ông chưa có bài học cho cái vụ của ông à!”.

Tôi dừng lại chỉ vào vết sẹo nơi cổ mình: “Mày nên nhớ những cái mày có thấm cả máu tao đây này! Thằng vô ơn, phản bạn, tao không tha cho mày đâu”. Với những ấm ức từ lần dự án làm đường của nó, với sự phẫn uất tột cùng khi miếng ăn đến mồm bây giờ sắp bị giật mất, tôi khùng lên rồi giơ nắm đấm trước mặt nó. Nó gạt tay tôi xuống rồi cũng nghiến răng trợn mắt: “Thích gì thì thằng này chiều tất! Kiểu nào thì thằng này cũng chơi được. Thằng này chưa ngán trường hợp nào đâu nhá”. Nó nói và dí sát mặt vào tôi như thách thức. Chẳng kịp suy nghĩ gì nhiều, tôi đứng ở trên mé dốc dùng hai tay du mạnh vào ngực nó. Nó mất đà ngửa ra sau nhưng vẫn nhanh tay túm được tay tôi. Vậy là hai thằng theo đà trôi tuột xuống theo dốc núi dựng đứng. Được khoảng hơn chục mét hai thằng lăn qua búi dây rậm rồi bỗng hẫng một cái cả hai rơi xuống một hố sâu. Thật may búi dây rừng ở miệng hố đã cứu chúng tôi. Cả hai thằng theo bản năng đã túm được vào những dây leo. Tuy vậy, do sức nặng cơ thể những sợi dây chỉ có thể níu chúng tôi rơi chậm lại cách đáy vài ba mét thì đứt phựt. Thằng Khắc rơi xuống trước tôi đè lên sau.

Khi định thần lại tôi biết hai thằng đã rơi xuống một giếng thăm dò vàng đã lâu nên cây đã mọc che kín miệng hố. Tôi lay thằng Khắc, người nó nhũn như tàu lá héo, tôi sờ ngực nó, tim nó vẫn đập, có lẽ nó bị ngất do va đập mạnh. Mũi nó ri rỉ một dòng máu. Tôi cố gắng vục dậy rồi thử cử động thấy đau cứng một bên đầu gối. Thấy mồm mằn mặn tôi sờ tay lên, hóa ra mồm mình cũng đang chảy máu, cặp môi tê dại sưng vù. Tôi quan sát lại chiếc giếng, thấy nó khá sâu, phải đến sáu bảy mét, đường kính cũng gần hai mét. Thấy thằng Khắc vẫn nằm bất động, tự nhiên lúc này tôi hoang mang tột độ. Ở nơi heo hút mấy cây số chỉ có cây rừng này làm gì có người cứu mình. Nếu thằng Khắc có làm sao thì… Những tức giận thù hằn bay biến hết, lúc này tôi bị bấn loạn hết lay thằng Khắc: Khắc ơi! Tỉnh lại đi! Rồi lại hét lên: Có ai ở đây không… cứu tôi vớ…ới. Tôi gào lên nhiều lần nữa nhưng ở cái lòng giếng giữa mênh mông cây cối này sự lặng phắc đáng sợ càng làm tăng nỗi tuyệt vọng hơn. Thằng Khắc đã ư ứ rên, chỉ ít phút trước tôi muốn nó biến mất trong cuộc đời này thì bây giờ tôi cầu mong nó không bị làm sao. Tôi sợ nó chết. Tôi ôm đầu nó gối lên lòng mình. Tôi sờ khắp người nó: Đừng làm sao Khắc nhá! Tỉnh đi để còn tính cách thoát khỏi chỗ này. Chẳng có ai ở đây mà cứu mình đâu. Tôi đã khóc. Tôi đã thấy mình ác với bạn quá. Tôi cứ ngồi tựa lưng vào thành giếng ôm lấy Khắc như thế, lúc lúc lại gào lên kêu cứu với một hy vọng mong manh. Khoảng mươi phút sau thì Khắc tỉnh, nó mở mắt nhìn tôi vừa rên vừa hỏi: Sao lại thế này. Tôi bảo: Tao với mày bị rơi xuống giếng vàng rồi, mày thấy đau lắm không. Nó sờ soạng khắp người rồi bảo đau nhất bên vai phải, nó ngồi hẳn dậy đưa mắt nhìn ngược khắp thành giếng. Tôi bảo nó: Thành giếng rộng lại nhẵn không bám được để lên đâu. Nó cuống quýt: Điện thoại, điện thoại đâu? Hai thằng cùng vội bấm rồi cùng ỉu xìu. Nó thở dài rồi nhìn tôi đau đớn: Chẳng lẽ cuộc đời tao với mày lại bị kết thúc ở đây sao Chắp ơi! Có nó tỉnh táo lại, tôi thấy có tia hy vọng le lói, ít ra thì không bị cô độc ở cái đáy giếng này. Tôi bảo nó: Bây giờ cũng cuối chiều rồi, ở đây chả có ai mà kêu cứu đâu, hai thằng tạm nghỉ cho đỡ đau, mai lại tính. Nó im lặng đồng tình.

Đêm ấy mỗi thằng theo đuổi một ý nghĩ, nằm dưới lòng giếng như một thế giới âm, tôi nghe gió xào xạc trên cây rừng mà bỗng thấy loài cây cũng có tiếng nói riêng, có sự thương yêu riêng. Cái khoảng cách sáu bảy mét so với mặt đất sao bây giờ cách xa quá, sao bây giờ khát khao quá. Một đêm dài nhất cuộc đời tôi, thi thoảng lại nghe thằng Khắc rên rẩm: Sao lại thế này! Rồi trời cũng sáng, cái ánh nắng bình thường của một ngày mới tôi đã trải qua bao lần trong đời mà hôm nay nó mới lạ làm sao, nó cũng xa vời làm sao. Bây giờ hai thằng tôi chỉ nhìn nó với một ước mơ chứ có lẽ chẳng bao giờ chạm tay vào nó được. Tôi và Khắc bắt đầu cùng đứng lên tìm cách trèo lên. Nếu thành giếng hẹp, có thể dùng hai tay, hai chân dang ra đạp tỳ vào hai bên thành trèo dần lên. Đằng này lòng giếng rộng, thành giếng nhẵn, chúng tôi thử đủ cách mà đều bế tắc. Trong túi đeo của hai thằng đều có dao găm nhưng lại bị văng mất trên miệng giếng. Tôi bàn với Khắc hay xé tất cả quần áo nối thành dây rồi quăng lên may ra nó mắc vào gốc cây nào thì có cơ trèo lên. Hai thằng đã thử mà rồi cũng vô vọng vì giếng quá sâu. Tự nhiên thằng Khắc như con chuột bị rơi trong thùng. Nó nhảy lên cào vào thành giếng rồi lại tuột xuống. Mấy lần như vậy nó khụy xuống thở hổn hển rồi quắc mắt chửi tôi: Mày đã thấy sướng chưa? Thằng khốn! Tao sẽ bóp cổ giết chết mày trước khi tao chết. Nó nói và bò gần lại bên tôi, hai hàm răng nghiến trèo trẹo. Tôi vươn cổ ra: Mày giỏi cứ giết tao đi. Thằng nào còn lại sau ở cái giếng này mới là khốn nạn nhất. Nó đờ đẫn người ra rồi hai hàng nước mắt từ từ lăn trên gò má. Thế là hết tất cả rồi sao Chắp ơi! Quả thật nghĩ đến cái chết bất đắc dĩ trong lòng giếng nơi núi rừng hoang vu không một ai hay biết này nó đau xót, dày vò, ân hận, hoang mang và tuyệt vọng đến tột cùng. Lúc này con người thật của mình như nhìn ra rõ nhất những bóng ma của quỷ đã ẩn hiện trong cuộc đời, nó đã lôi mình vào biết bao tội lỗi. Tất cả mọi thứ tham vọng bây giờ là vô nghĩa hết. Tôi bảo Khắc: Bây giờ chỉ còn cách nằm im mà giữ sức, nếu nghe có tiếng động nào bên trên hãy kêu cứu. Gào nhiều cũng vô ích thôi! Một ngày trôi qua với tất cả hy vọng sao ngắn ngủi vô cùng. Một đêm trôi qua lại như dài vô tận trong tuyệt vọng. Tôi không thấy đói, chỉ thấy ruột gan mình đang vỡ dần từng đoạn, đau thắt, rã rời. Đã qua ba ngày ba đêm, những tia hy vọng cứ tắt dần. Có lẽ hết thật rồi, tôi và Khắc không ai hẹn ở nhà ngày về, lối đi này lại là đường tắt hai thằng tự cắt rừng để đi, làm gì hy vọng có được người qua đây.

Đêm cuối thu chớm lạnh, hai thằng còn mỗi quần lót ôm lấy nhau dưới lòng giếng nhìn lên bóng đêm tuyệt vọng. Ánh nắng ngày thứ tư lại thắp lên hy vọng. Gần trưa, tai tôi bỗng nghe trong gió có tiếng người. Tôi đập vai Khắc chỉ lên phía trên. Cả hai vịn vào thành giếng lẩy bẩy ngóng tai nghe. Đúng rồi! Có tiếng người hú dài. Cứu.. tôi... vơ...ới! Cả hai chẳng bảo nhau mà cùng đồng thanh kêu lên rồi cả hai lại cùng ngã vật ra thở hổn hển. Rồi lại cùng nhau cào vào thành giếng đứng lên dồn hết sức lực gào to. Tai tôi ù đặc không còn nghe thấy gì bên trên, chỉ còn biết nhắm mắt lại để kêu, để gào. Khi có một cảm giác mơ hồ trong linh cảm, tôi mở mắt nhìn lên miệng giếng thì thấy lá cây rung mạnh, một gương mặt hiện ra rồi lại mất hút. Trên miệng giếng có tiếng gọi to bằng tiếng dân tộc. Tôi và Khắc vẫn gắng sức kêu cứu. Ít phút sau nghe tiếng người trên miệng giếng: Mé! Có hẳn hai người. Một khuôn mặt nữa xuất hiện. Tôi nhìn rõ đó là khuôn mặt một thanh niên và một bà mế dân tộc đầu quấn khăn đen có viền đỏ. Tôi và Khắc cùng dựa lưng vào thành giếng giơ tay thều thào vì quá đuối sức rồi: Cứu chúng con với! Bà mế gật gật đầu: Được rồi! Sao lại không cứu. Khổ! Sao lại ngã cả hai xuống hố thế này. Cứ chờ nhá! Phải kiếm cái dây đã! Bà mế và chàng thanh niên lại mất hút. Tôi ôm lấy Khắc: Sống rồi Khắc ơi! Trời vẫn cho mình sống. Thằng Khắc cũng ôm chặt lấy tôi và không biết do quá mừng hay do quá mệt mỏi đói lả, cả hai đều run bắn người lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Sự chờ đợi được trở về với mặt đất với chúng tôi bây giờ là được trở về sự sống. Nó chỉ cách nhau sáu bảy mét mà đủ cho một sự tuyệt vọng, sám hối và hy vọng của một đời người. Tôi và Khắc đã được bà mế và người thanh niên con mế ròng dây rừng được kết ở dưới cẩn thận như chiếc quang, từng người lần lượt ngồi vào đấy bíu chặt hai tay vào dây để kéo lên. Mế còn nghiền chút cơm nắm của mế vào ống nước rồi cho chúng tôi uống dần ít một để chống đói lả. Cả hai chúng tôi tỉnh táo khá nhanh. Nghỉ độ nửa tiếng mế lại cho chúng tôi uống thêm chút nước cơm nghiền nữa. Nhập nhoạng tối thì chúng tôi cũng tập tễnh theo về đến được nhà mế. Thì ra mế và anh con trai đang vào rừng sâu lấy thuốc, may mà anh con trai nhìn thấy chiếc ba lô của chúng tôi khi xô nhau vung trên mặt đất nên linh cảm có sự chẳng lành và mới hú lên để báo hiệu có người. Mế cho ăn cháo nóng, cho thuốc uống, thuốc bóp. Anh con trai cho mượn hai bộ quần áo dân tộc. Mế cứ bảo chắc chúng mày một thằng ngã, một thằng lao vào cứu nó mới lôi tuột cả hai xuống hố thế chứ! Thế còn may đấy! Bố thằng Sắn cũng ngã hố vàng chết đấy! Khổ lắm! Tôi nhìn Khắc và thấy nóng ran người không dám trả lời mế mà vội lảng sang chuyện khác. Hôm sau thì chúng tôi tỉnh táo và lại sức hẳn. Chúng tôi cảm ơn và xin phép mế cùng con trai mế để trở về.

Trên đường về, cả tôi và Khắc đều im lặng. Chân tôi vẫn còn khập khiễng. Cứ gặp một chiếc cầu tạm bắc qua con suối, Khắc lại đỡ lấy tay tôi để cùng dò dẫm vượt qua. Tôi bỗng thấy lòng ấm áp lạ thường, thấy yêu tất cả những gì xung quanh mình, thấy quí giá bao điều mà một thời tôi không để tâm. Lòng tôi dâng lên một cảm xúc lạ kỳ lắm. Nó nhẹ bẫng như vừa trải qua một việc gì hệ trọng. Giờ, thật thanh thản trở về.

Truyện ngắn. Phạm Quý

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước