Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
16:45 (GMT +7)

“Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Có những vầng trăng đã đến và ở lại trong lòng người bởi nghệ thuật ngôn từ.  Trong thơ cổ kim, trăng trở thành biểu tượng cho cái đẹp tinh khiết; là chiếc cầu nối giữa ngoại giới và nội tâm, biểu hiện sự tương giao giữa con người và đất trời.  Hàng trăm năm trước, Nguyễn Trãi đã viết về trăng đầy ấn tượng “đêm khuya nâng chén hớp nguyệt”; Nguyễn Du lồng tâm trạng vào “vầng trăng ai xẻ làm đôi”; Nguyễn Khuyến độc ẩm đối cảnh “làn ao lóng lánh bóng trăng loe”… Đã có biết bao vần thơ trăng đẹp, biểu hiện khao khát giao hòa với tự nhiên, nhưng niềm tự hào làm chủ thiên nhiên vẫn như một di truyền văn hóa, như vô thức sáng tạo. Nên trong nhiều bài thơ, trăng bị động, con người “uống trăng”, “múc trăng đổ đi”, “chở trăng về”, thậm chí “bán trăng” để thỏa mãn cơn dày vò vô thức. Giữa bao nhiêu hình ảnh gợi cảm của trăng trong thơ xưa và nay, Hồ Chí Minh có những tứ thơ trăng độc đáo:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng)

Trăng trong thơ xưa nay không hiếm. Đó là những vần thơ đầy cảm xúc cất lên giữa đất trời rộng mở, nhưng “vọng nguyệt” trong hoàn cảnh lao tù quả là xưa nay hiếm. Hồ Chí Minh có cái nhìn về thiên nhiên đồng đẳng, không chiếm hữu, cũng không lẫn mất trong thiên nhiên. Ở đây, chủ thể trữ tình tương tác với khách thể trữ tình, “nhân - khán minh nguyệt” và “nguyệt - khán thi nhân” trong một khoảnh khắc mất tự do về thân thể, cũng là xưa nay hiếm. Có sự giao cảm kì lạ  không chỉ là một phía mà đây là sự tương giao giữa con người đang khao khát tự do và vầng trăng tự do đang vằng vặc giữa trời, là sự hòa hợp giữa cõi lòng và cõi trời. Động thái “trăng nhòm” nói lên trạng thái lưỡng thể/ lưỡng phân của chủ thể trữ tình trong một hoàn cảnh ngắm trăng đặc biệt, “trong tù không rượu cũng không hoa” và cũng có thể “không trăng”. Chính vì vậy, thơ viết về trăng đã nhiều nhưng trăng nghiễm nhiên soi sáng bốn bức tường vôi lạnh của nhà giam tăm tối thì xưa nay hiếm. Trăng chính là khát khao vô thức, là nỗi niềm riêng, là trạng thái “bóng âm”, bởi có lúc Hồ Chí Minh đau đáu một mảnh tình riêng khi thả hồn theo mảnh trăng thu vời vợi:

Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.

(Trung thu)

Hình ảnh vầng trăng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Bác. Một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng hướng về cái đẹp. Trăng và người tù thi sĩ đã có sự tương giao. Vẻ đẹp lung linh của vầng trăng ngoài ngục tràn vào trong ngục, ánh sáng của trăng hòa hợp với vẻ sáng trong tâm hồn Bác. Trong khoảnh khắc “vọng nguyệt”, “thưởng nguyệt” đặc biệt này, mọi khoảng cách hữu hình đã nhòe mờ; không còn tù nhân, không còn ngục tối, chỉ còn một thi sĩ đang thả hồn mình theo mảnh trăng có có không không. Phải có một tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết Hồ Chí Minh mới cảm giác một cách cụ thể sinh động hình ảnh “trăng nhòm khe cửa”. Đây cũng không đơn giản là biện pháp tu từ nhân hóa thường thấy trong thơ mà là biểu hiện của trạng thái “tâm hồn ở ngoài lao”.

“Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

 Những vần thơ thật bình thường, “vì trong ngục biết làm chi đây”, nhưng lại là trạng thái thăng hoa hiếm hoi, nói lên khát vọng hòa nhập với tự nhiên, vũ trụ. Phải khát đến cháy lòng người-tù-thi-sĩ mới biến những cái không có (không rượu, không hoa, không trăng) thành một khoảnh khắc giao cảm một đi không trở lại. Khát vọng ấy khiến Hồ Chí Minh đã thấu cảm, đã nghe tiếng nói im lặng của tự nhiên, của đất trời. Nếu “làm thơ là cân từng một phần nghìn miligam quặng chữ” (Maiacôpxki) thì tâm hồn thi sĩ của Người đã chắt lọc thành những vần thơ trăng/ thiên nhiên độc đáo.

Thiên nhiên là môi trường sống không thể thiếu của con người và văn chương nghệ thuật. Thơ là tấm lòng, cảm xúc của con người đối với thiên nhiên và cuộc sống. Tự cổ chí kim, thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận chắp cho đôi cánh thơ bay cao. Hồ Chí Minh là con người có trái tim bao la và một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm với những vẻ đẹp của cây cỏ đất trời.

Cảm hứng thiên nhiên bao quát toàn bộ thơ Hồ Chí Minh, ngay cả khi Người làm thơ trong chốn ngục tù, nơi mà cuộc sống dường như thiếu vắng thiên nhiên. Từ cánh chim mỏi giữa mênh mông trời đến hình ảnh “trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”; từ hình ảnh “chòm sao nâng nguyệt vượt lên ngàn” đến “dòng sông lặng ngắt như tờ, sao đưa thuyền chạy, thuyền chờ trăng theo” (Đi thuyền trên sông Đáy)… tất cả đều bộc lộ vẻ đẹp của tâm hồn lớn. Ở đó, Hồ Chí Minh là một thi nhân yêu tha thiết cái đẹp và là một triết nhân tri nhận qui luật thành - trụ - hoại - không của đất trời:

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng

Hoa tàn, hoa nở, cũng vô tình

Hương hoa bay thấu vào trong ngục

Kể với tù nhân nỗi bất bình.

(Cảnh chiều tối)

Thiên nhiên trong thơ Bác luôn hòa hợp với con người. Theo quan niệm của phương Đông “vạn vật nhất thể”, “vật ngã đồng nhất”, thiên nhiên thế giới là đại vũ trụ, con người là tiểu vũ trụ. Bác Hồ là một hồn thơ phương Đông vì thế thiên nhiên trong thơ Bác cũng không ra ngoài qui luật đó. Nhiều bài thơ tứ tuyệt cho thấy con người hài hòa với thiên nhiên hùng vĩ, tương giao tương hợp trong cảnh trời mây sông nước bao la. Nguyên tiêu là bài thơ tiêu biểu khắc tạc khoảnh khắc tuyệt đẹp của mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

(Nguyên tiêu)

Bài thơ là tiếng nói trữ tình của lòng yêu nước, thương dân và tình yêu thiên nhiên luôn hòa hợp trong con người Bác.

Thiên nhiên trong thơ Bác là những bức tranh phong cảnh hữu tình, phập phồng sự sống. Qua nhiều bài thơ ngắn gọn, Hồ Chí Minh đã dẫn người đọc vào một thế giới cổ thi với bức tranh thiên nhiên đậm sắc màu cổ điển, phảng phất nét ước lệ của thơ xưa. Trong thơ Hồ Chí Minh, sương, mây, khói, sông núi, hoàng hôn, bình minh, hoa, ánh trăng... xuất hiện với tần suất cao, biểu hiện vẻ đẹp tâm hồn của một con người cao cả. Dẫu có tính chất ước lệ cổ điển, nhưng khác với những bức tranh thiên nhiên đượm buồn trong thơ xưa, thiên nhiên vũ trụ trong thơ Hồ Chí Minh tràn ngập ánh sáng qua hình ảnh vầng dương, bình minh, nắng ấm.

 Đặc biệt hơn, dẫu bóng tối có xuất hiện đó đây thì tứ thơ lại hướng về ánh sáng. Tính chất hướng về ánh sáng thể hiện rõ ở sự đối lập phổ biến trong thơ Bác với motif quen thuộc: đêm tàn và bình minh, bóng tối và ánh sáng, lạnh lẽo và ấm áp - “Trong ngục giờ đây còn tối mịt, Ánh hồng trước mặt đã bừng soi” (Buổi sớm); “Thuyền về, trời đã rạng đông, Bao la nhuốm một màu hồng đẹp tươi” (Đi thuyền trên sông Đáy); hay trong bài Trời hửng, tự bản thân nhan đề bài thơ đã nói lên sự vận động theo chiều hướng tươi sáng, tốt đẹp “Sự vật vần xoay đã định sẵn, Hết mưa là nắng hửng lên thôi”.

Trong bài Tảo giải, thiên nhiên ở khổ thơ đầu đầy thử thách “rát mặt đêm thu trận gió hàn” nhưng tứ thơ phút chốc lại hướng về mặt trời, ánh sáng: “Phương Đông màu trắng chuyển sang hồng, Bóng tối đêm tàn sớm sạch không, Hơi ấm bao la trùm vũ trụ, Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”. Cảnh biến chuyển nhanh. Đêm tàn, bình minh rạng ngời, tươi sáng. Ánh sáng của màu hồng rạng đông xua tan màn đêm tăm tối. Hơi ấm mặt trời xua tan cái giá lạnh đêm thu. Từ đỉnh núi mùa thu hiu quạnh bỗng mở ra một không gian rộng đến vô cùng. Vũ trụ ấm áp và bừng sáng.

Trong bài Mộ ánh sáng bừng lên từ bếp lửa hồng cũng là ánh sáng ngời lên từ vẻ đẹp tâm hồn Bác. “Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng”. “Hồng” là điểm sáng thẩm mĩ của bài thơ. Con-mắt-thơ đó cho thấy tâm hồn Bác không bận lòng về những gì gian khổ, buồn đau. Sức ấm nóng của bài thơ cũng là sự ấm nồng tỏa ra từ tấm lòng luôn yêu sự sống, yêu thiên nhiên của Hồ Chí Minh.

Thơ thiên nhiên của Hồ Chí Minh là bằng chứng về “thi trung hữu họa” và Hồ Chí Minh là một nhà thơ - hoạ sĩ tài năng. Bút pháp miêu tả thiên nhiên của Hồ Chí Minh mang nhiều đặc điểm của thi ca phương Đông. Đó là lối chấm phá, gợi hơn tả, lấy tĩnh nói động, lấy không nói có; là cách viết nhiều ẩn dụ, nhiều hình ảnh tượng trưng. Những bài thơ hay của Bác hầu hết là thơ tứ tuyệt. Tả cảnh ngụ tình, với ngôn ngữ cô đúc, giàu tính biểu tượng thơ Bác toát lên vẻ đẹp cổ điển, thi vị. Thơ Bác hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”. Có nhiều bài thơ, Bác chỉ phác họa vài nét là đã gợi vẻ đẹp và linh hồn vạn vật.

Trong bài thơ Mộ, chỉ bằng vài nét chấm phá, trên nền bức tranh chiều tối nhà thơ điểm vào hai nét “quyện điểu, cô vân” là đã gợi nên cái hồn cảnh vật: ngày tàn, màn đêm dần buông, bầu trời bao la hơn, cảnh chiều tối ở núi rừng êm ả, tĩnh lặng hơn. Bức tranh chiều tối ở vùng sơn cước được phác họa đơn giản mà tinh tế như một bức tranh thủy mặc cổ điển, đẹp và man mác buồn. “Quyện điểu qui lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không”. Hình ảnh thơ, tứ thơ có âm vang Đường thi Lí Bạch: “Chúng điểu cao phi tận, Cô vân độc khứ nhàn” - Chim bầy vút bay hết, Mây lẻ đi một mình (Độc tọa Kính Đình sơn); có âm hưởng của thơ Thôi Hiệu trong Hoàng Hạc lâu với hình ảnh “bạch vân thiên tải không du du” (ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay) và thấp thoáng khoảng trời xanh ngăn ngắt của Nguyễn Khuyến trong Thu điếu - “tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”. Âm hưởng Đường thi khiến thơ Hồ Chí Minh nhuốm màu cổ điển.

Trong thơ cổ, đăng cao, đăng sơn là để bày tỏ tấm lòng không vướng bụi trần, tìm đến thiên nhiên thanh khiết để thoát vòng danh lợi. Từ Đỗ Phủ, Lí Bạch đến Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát... đăng sơn đã trở thành đề tài phổ biến để các nhà thơ cổ điển gửi gắm tâm hồn vào thiên nhiên cao vời, tinh khiết. Theo quan niệm của người xưa, không gian cao rộng khiến con người gần gũi với vũ trụ, dễ hòa nhập vào cõi vô cùng. Không Lộ thiền sư đời Lý đã từng đăng sơn và để lại những vần thiền bất hủ: “Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng/ Một tiếng kêu vang lạnh cả trời” (Ngôn hoài). Nguyễn Trãi khi “đăng sơn” đã khắc họa: “Một bầu nước biếc gương trong vắt... Vũ trụ bỗng nhiên tan bụi bặm, Lòng sắt son không động phong ba”. Cao Bá Quát đăng sơn trong cái ngạo nghễ của một con người khí phách muốn hòa nhập cùng thiên nhiên, vũ trụ bao la: “Ngã dục đăng cao sầm/ Hạo ca kí vân thủy” - Ta muốn trèo lên đỉnh núi cao ngất kia/ Hát vang để gởi tấm lòng vào mây nước (Qua núi Dục Thúy). Đây chính là sự gặp gỡ tự nhiên giữa những tâm hồn thanh cao, đồng điệu, đồng thời cũng chính là sự gặp gỡ giữa hình tượng thơ trong quá khứ và hiện tại.

Nhưng tâm trạng đăng sơn của Hồ Chí Minh thật đặc biệt. Mới ra tù tập leo núi ra đời như một ngẫu hứng nhưng chất chứa bao nỗi niềm. Không lên núi cao để xa lánh cõi trần, Bác Hồ đăng sơn mà lòng bồi hồi nhớ về Tổ quốc. “Dao vọng Nam thiên, ức cố nhân”. Câu thơ của Bác có âm hưởng Lý Bạch vọng về: “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương - Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương” (Tĩnh dạ tứ). Cảm động thay cái ngoái đầu vọng về Tổ quốc. Đáng trân quý thay một tấm lòng. “Giang tâm như kính tịnh vô trần”- câu thơ tả cảnh sông nước đã mang sắc thái tự biểu hiện. Bức tranh sông nước đẹp như vẽ đã thấp thoáng chân dung tự họa của Hồ Chí Minh. Dù trong bất cứ hoàn cảnh gian khổ nào Người vẫn giữ tấm lòng vằng vặc sáng. Đằng sau bức tranh thiên nhiên hữu tình, đằng sau những trùng điệp núi, chập chùng mây, đằng sau “giang tâm” là tấm lòng tinh khiết, cao vời của một con người mang phẩm chất vẹn toàn.

Thơ Hồ Chí Minh mang một vẻ đẹp riêng. Thiên nhiên trong thơ Bác không đến từ những nhàn du phiêu lãng. Những vần thơ ấy không mang tâm trạng của một Lý Bạch “đăng chu vọng thu nguyệt” (lên thuyền ngắm trăng thu), say trăng, ôm trăng giữa lòng hồ soi bóng. Đây là thơ của một con người không lúc nào nghĩ về bản thân mình. Những vần thơ thiên nhiên đã trở thành một minh chứng đẹp đẽ cho bức chân dung nội tâm tự họa của Hồ Chí Minh. Cuộc đời không thể thiếu thiên nhiên. Con người biết say đắm một chòm mây, một dáng núi, một bóng trăng là con người biết sống và sống đẹp. Những vần thơ về thiên nhiên, vũ trụ của Hồ Chí Minh đã chứng minh cho tâm hồn cao quý và lối sống đẹp của một con người.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy