Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Trái tim của rừng

Truyện ngắn của Lã Thị Thông

Sáng nay, khi những ngọn núi vẫn còn chìm trong sương sớm, ông Minh đã bắt xe ôm từ nhà ra quốc lộ để đón xe xuống thành phố. Đến nhà con gái cũng quá trưa. Sắp xếp lại chút đồ mang theo, ông vội vã vào nghĩa trang liệt sĩ thành phố. Đứa cháu ngoại năm tuổi nằng nặc đòi theo ông bằng được.

Những ngôi mộ của các liệt sĩ từng hàng, từng hàng thẳng tắp trang nghiêm trong mênh mông nắng. Ông lần lượt thắp những nén hương mang theo cho từng ngôi mộ. Mùi hương của muôn loài hoa quyện trong khói hương bảng lảng tạo nên cảm giác trầm mặc, linh thiêng. Ông lặng lẽ cắm những búp hoa đỏ rực trông như “bình hoa lửa”, bày gói xôi ngũ sắc, bánh củ chuối, rượu chuối hột… lên một phần mộ. Bé Hoa ngây thơ hỏi:

- Ông ơi, mộ ai đây?

- Mộ bà trẻ cháu ạ.

- Bà tên là Bà Trẻ hả ông?

- À là vì bà “mãi mãi tuổi hai mươi” đấy cháu.

Tròn xoe đôi mắt đen láy, bé Hoa hỏi tiếp:

- Sao ông không tặng “Bà Trẻ” hoa cúc, hoa hồng, mà ông tặng bà hoa gì đây ạ?

- Hoa này ở trên nhà ông mới có, hoa chuối rừng đấy cháu. Bà trẻ yêu hoa này lắm.

Qua vòng khói lam mờ bay thơm nhẹ, ông nghe từ xa xôi vọng về tiếng những tàu lá chuối lao xao. Thấp thoáng dáng hình mảnh mai, nụ cười thanh thản nở trên khuôn mặt trái xoan trắng hồng của Dương - tên cô gái khắc trên bia mộ. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn một miền ký ức xa xăm.

Năm 1961, khi còn là cậu bé 9 tuổi, ông theo mẹ lên khai hoang, lập nghiệp tại vùng Việt Bắc xa xôi. Hiện hữu trước mắt ông lúc ấy, rừng núi hoang vu, những ngôi nhà sàn chênh vênh ven suối, lưng đồi. Khởi đầu khai hoang, cuộc sống thật gian nan vất vả. Bà con bản địa sẻ chia nơi ăn chốn nghỉ. Mẹ con ông được một gia đình ở địa phương mời về nghỉ tạm tại ngôi nhà nhỏ, nép mình bên núi. Đó chính là gia đình có cô bé tên Dương cùng trang lứa.

Chạng vạng chiều ấy, từ rừng về Dương vác trên vai cây chuối kèm theo bó hoa màu đỏ to như bắp chân. Cô bé cắm những bông hoa màu đỏ tươi vào chiếc lọ sành men nâu đem trưng trong nhà. Còn những bắp hoa màu đỏ đậm mẹ Dương đem chế biến thành những món ăn. Lần đầu tiên ông biết đó là loài hoa chuối rừng và được thưởng thức những món ngon đậm đà nấu từ hoa chuối. Ông cũng đâu ngờ hoa chuối rừng - loài hoa dân dã ấy mãi là hồi ức gắn bó tuổi thơ và đậm sắc màu rực rỡ thanh xuân của ông và Dương đến vậy.

Lần đầu, theo Dương vào khu rừng chuối, ông bồi hồi trước vẻ đẹp thật kỳ ảo của nó. Chuối mọc thành từng bụi lớn nối tiếp nhau chạy dài theo triền dốc. Những búp hoa chuối chắc nịch, tựa như hai bàn tay khum lại hướng lên bầu trời chói ngời sắc đỏ. Dương khoe, hoa chuối rừng nở quanh năm, nhưng rộ nhất là vào những ngày mùa đông giá lạnh. Trời càng lạnh màu hoa chuối càng đỏ tươi. Cô bé cười nắc nẻ khi thấy ông loay hoay bóc vỏ một quả chuối chín vàng nhưng vừa cắn một miếng ông vội nhả ra vì chuối chát lè, đầy nhựa và hạt. Hóa ra quả chuối rừng chín vàng rồi vẫn chưa thể ăn được. Dương vừa cười vừa nói cho ông biết: Khi vỏ chuối chuyển màu xám đen mới gọi là chín. Người già bảo chuối hột rừng khi ngâm với rượu gạo uống thơm, ngọt thanh và còn dùng để chữa rất nhiều bệnh.

Nhìn Dương bước thoăn thoắt xuống núi với buồng chuối đã có quả chín trên vai, chiếc quần vải màu xanh dày dặn của Dương xắn cao để lộ đôi bắp chân trắng nõn như lõi cây chuối khiến ông nhớ đến chuyện mấy hôm đầu mới đến lớp, ông bị một số bạn nhỏ trêu chọc réo tên: “Minh keo bẳm, Minh kha đăm” (Minh nước mắm, Minh chân đen). Chả là, dân tộc thiểu số thời ấy không ăn nước mắm, mắm tôm. Dân khai hoang mới lên rừng ai cũng da ngăm đen rám nắng và bữa ăn thường không thể thiếu nước mắm. Bị trêu nhiều lần, tức quá ông xông vào đánh nhau. Trận ẩu đả hôm ấy ông cũng bị sứt đầu mẻ trán. Dương đã cầm máu vết thương cho ông bằng cách dùng lõi thân cây chuối rừng đập dập đắp vào vết thương. Cảm giác mát dịu và bàn tay mềm mại của Dương đặt nơi vết thương khiến mọi uất ức trong ông tan biến…

Trải qua nắng mưa nhiều mùa, ông và lũ trẻ nơi đây lớn phổng phao như những cây chuối rừng. Sau này, rất nhiều lần ông tự hỏi, không biết đã bao nhiêu lần ông và Dương cùng các bạn nhỏ vào rừng chặt chuối và hái hoa chuối. Nhưng có một lần mãi trở thành kỷ niệm không mờ phai trong tim ông. Hôm ấy, vừa hái tặng Dương mấy bông chuối thì trời đổ mưa, ông và Dương chạy vội đến bên bụi chuối nhờ những tàu lá to thay ô che nước. Mưa lạnh, nhưng nhìn Dương ôm những búp hoa chuối tươi rói khiến ông thấy ấm áp hơn. Những trái chuối non vàng bám quanh bắp hoa như thứ nắng lửa chợt ánh hửng lên. Bất giác ông muốn mình là những bông hoa kia. Tiếng mưa rơi nhảy nhót, lộp bộp trên tàu lá chuối không át nổi tiếng đập của hai con tim. Ngập ngừng ông hỏi:

- Sao em yêu hoa chuối rừng?

Sau phút bối rối trên khuôn mặt đẹp như hoa núi, Dương lẽn bẽn trả lời:

- Người Tày quê em bảo hoa chuối đỏ tượng trưng cho trái tim người. Ai yêu hoa chuối sẽ luôn thủy chung anh à.

Ông run rẩy ôm ghì Dương. Lạ thay, hoa chuối rừng nơi ngực Dương như thắp lửa ấm nồng giữa trời mưa gió. Má Dương hồng rực như màu hoa. Vạt chuối rừng đỏ hoa năm ấy đã chứng kiến một tình yêu tinh khôi của đôi trai gái cho đến tận hôm nay. Hương hoa chuối ngọt ngào năm ấy như vẫn còn thơm mãi trong ông…

Ngày mẹ ông mất do bệnh nặng, bà con địa phương giúp ông tổ chức ma chay. Trước linh cữu mẹ ông cắm 2 cây chuối rừng. Ông càng hiểu sâu sắc hơn cây chuối là thứ vô cùng quan trọng trong các nghi lễ tiễn đưa người đã khuất cũng như trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian nơi đây. Cây chuối đã được các cư dân Tày nâng lên tầm biểu tượng.

Năm 1970, cả đất nước dồn hết sức lực cho chiến trường chống Mỹ. Ông xung phong vào bộ đội. Hình ảnh bông hoa chuối rừng đỏ như làn môi ấm trên tay Dương vẫy chào đã theo ông suốt thời trai trẻ. Vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc, gặp màu hoa chuối rừng khiến lòng ông ấm áp. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt dù không có tin tức của Dương nơi quê nhà, ông vẫn hằng tin một ngày không xa khi trở về sẽ tổ chức một đám cưới thật vui. Một đám cưới có thật nhiều hoa chuối rừng trang trí. Cỗ cưới có những món ăn ngon từ hoa chuối, đậm chất núi rừng.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông trở về quê hương với bao háo hức gặp gỡ người thân. Tim ông như nghẹn thắt lại khi thấy mẹ Dương tóc phơ bạc, ngồi như pho tượng nơi cầu thang. Nhìn thấy ông, mẹ Dương vụt đứng dậy mừng rỡ hỏi:

- Dương đâu sao nó chưa về. Hôm nay nó đi rừng hái hoa chuối mà?

Người nhà Dương cho ông hay, từ khi nhận tin Dương hy sinh, nhớ thương con như đứt từng khúc ruột bà trở nên bị lẫn, nhớ nhớ quên quên. Bà chạy vội vào buồng của Dương lấy ra bộ áo chàm thơm phức đưa ông xem rồi hồ hởi nói:

- Con gái mẹ tự dệt và may đấy, nó bảo đợi anh bộ đội đi xa về nó sẽ mặc trong ngày cưới.

Cầm bộ áo chàm có hình bông hoa chuối đỏ như mắt ai đợi chờ, ông xúc động mạnh. Được biết khi ông ra trận, Dương mong chờ trong nhung nhớ. Mẹ Dương thở dài, thương con gái đêm đêm ngồi bên khung cửi dệt thương nhớ, đợi người đi trong bóng chim tăm cá. Những năm tháng cách xa ấy, biết bao chàng trai để ý, ngỏ lời muốn cưới cô gái sơn cước ngoan hiền. Nhưng trái tim Dương đã in đậm bóng hình chàng trai nơi chiến trường khói lửa. Những mùa cưới qua đi, Dương âm thầm đem bộ áo chàm ra phơi cho thơm mùi nắng rồi lại gấp vuông vắn để vào trong chiếc giỏ đựng quần áo đan bằng mây tre. Cô thầm cầu nguyện một ngày không xa cô mặc nó trong lễ cưới. Nhưng đám cưới mà ông và Dương mong ước mãi mãi chỉ còn trong mơ. Năm 1972, một đại đội thanh niên xung phong của tỉnh được thành lập. Dương cùng nhiều cô gái dân tộc thiểu số đã gia nhập. Một đêm cuối năm 1972, Dương cùng nhiều đồng đội đã hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ giải tỏa hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam. Cô mãi mãi ra đi khi tuổi đời đang tươi trẻ với bao ước mơ và khát vọng còn dang dở… Đau đớn hơn khi ông nhận hung tin thi thể của Dương không còn nguyên vẹn. Bom Mỹ đã cướp đi toàn bộ phần lồng ngực của cô, cái phần thân thể thanh xuân mà khi xưa đã từng thắp lên ánh lửa tình yêu giữa ông và Dương khi cô ôm những bông hoa chuối đỏ tươi trong cái buổi chiều mưa ấy.

Những ngày sau đấy, ông thẫn thờ vào rừng. Hoa chuối vẫn còn đó nhưng ông thấy màu hoa như sẫm lại, khắc khoải trong sương chiều. Một sớm nọ ông tìm đến khu rừng nơi ông ngỏ lời yêu Dương. Những búp hoa chuối chấm vào bình minh sắc đỏ đầy kiêu hãnh. Từng cánh hoa đỡ lấy giọt sương tinh khôi rồi tan ra trong mênh mang núi. Từ trên cao, ông nhìn thấy một cây chuối thân nứt toác, từ kẽ hở trên thân cây nhô ra một búp hoa đỏ như đốm lửa. Cái màu đỏ khát khao rạng ngời tỏa sáng. Bất giác niềm tin mãnh liệt ùa về trong ông: Không! Dương không chết! Bông hoa kia là trái tim của Dương. Trái tim kiên cường, thủy chung của Dương vẫn vẹn nguyên và trở về thắp lửa giữa rừng ngàn xanh.

Trở về bên con suối ven bản, ông lấy bẹ chuối kết thành chiếc thuyền chất đầy cánh hoa chuối đỏ nhờ dòng nước trong veo chở ước nguyện của ông đến nơi Dương đang yên nghỉ cùng đồng đội. Nơi ấy, xa quê, xa cả tầm nhìn về miền chuối đầy nhớ thương của ông và Dương.

Mẹ Dương hôm ấy trở nên tỉnh táo lạ thường nên đã cho người gọi ông về ăn cơm cùng gia đình. Trước khi vào mâm bà rưng rưng trao bộ áo chàm của Dương cho ông như trao một kỷ vật…

Nhấp chén rượu chuối rừng sánh như mật ong cùng các món ăn về hoa chuối, đặc biệt món canh hoa chuối nấu cùng cá suối mang vị chua thanh của mẻ, vị béo ngọt của thịt cá, vị bùi bùi của hoa chuối, vị thơm cay của ớt tươi… ông bỗng thổn thức. Ông nhớ bữa cơm dân dã, chân chất vị nắng mưa mà ngày đầu tiên ông thưởng thức tại nhà Dương.

***

Cháy gần hết tuần hương, ông tưới những giọt rượu thơm lên phần bia mộ như nói lời tạm biệt. Tiếng bé Hoa thủ thỉ:

- Ông ơi, lần sau xuống ông lại cho cháu cùng vào thắp hương “Bà Trẻ” nhé!

- Ông hứa, nếu còn khỏe ông còn xuống với bà trẻ và cho cháu vào dâng hoa bà.

Trả lời cháu mà như ông hứa cùng Dương vậy.

***

Chiến tranh lùi xa sau mấy chục năm. Năm nào người quản trang cũng thấy ông - người lính già năm xưa, ôm những bông hoa chuối rừng đến thắp hương cho những ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong. Chỉ có điều, giờ đây ông không phải vào tận rừng sâu kiếm hoa chuối nữa. Ông đã cùng vợ - cũng là cựu thanh niên xung phong bạn của Dương, đưa cây chuối rừng về trồng ở bản. Đến nay gia đình ông trở thành một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, được nhiều người học hỏi. Sản phẩm chế biến từ chuối rừng của ông nhiều nơi trong nước biết đến. Các thương lái từ miền xuôi thường xuyên lên đây mua mang đi khắp nơi. Nương chuối bạt ngàn quanh nhà ông luôn nở đỏ đầy phúc lộc. Từng đàn chim chào mào bay về gọi mùa chuối chín rộ. Mùi thơm bay nhẹ nhàng trong gió khiến lòng ông bâng khuâng. Tết đến xuân về ông tất bật đón du khách. Họ say sưa ngắm và chọn mua những “trái tim rừng” đỏ tươi về nơi phố thị làm quà xuân hoặc để trưng bày. Song điều ông cảm động nhất là nhiều năm nay, bà vợ hiền lành của ông luôn chọn những bông hoa to đẹp rực rỡ nhất nương để ông về thành phố gặp lại “cố nhân”. Ông tin những bông hoa chuối thắm đỏ như màu cờ, bền vững như tâm hồn ý chí người lính vẫn mãi ngát thơm trong linh hồn Dương.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Bàn chân tìm nhau

Văn xuôi 1 tuần trước

Rủ nhau đi hái măng rừng

Văn xuôi 1 tuần trước

Thong dong mây trắng…

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Sương

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Gió mây vần vũ

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Lời ru từ mặt đất

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Ba mùa hoa gạo

Xem tin nổi bật 1 tháng trước