Trà đã chinh phục thế giới như thế nào?
Từ thế kỉ thứ III trước Công nguyên, trà (chè) xuất hiện và được dùng để uống tại Trung Quốc. Từ lâu, dưới những cách chế biến và cách dùng khác nhau, trà đã là thứ đồ uống không thể thiếu đối với phần đông các gia đình trên toàn thế giới nói chung và với người Việt Nam nói riêng. Và từ lâu, trà đã được coi như là biểu tượng của lòng hiếu khách trong mỗi gia đình Việt Nam. Vậy, chúng ta hãy cùng xem cuộc phiêu lưu khắp thế giới của trà, con người đã làm gì với trà và trà đã chinh phục con người như thế nào nhé…
Từ cuộc chiến độc lập của người Mỹ đến sự kiện phát tán thuốc phiện của người Trung Quốc, thứ nước uống đến từ châu Á này đã khơi gợi biết bao niềm đam mê kể từ khi được nhập khẩu vào châu Âu, từ cách đây 400 năm.
Năm 2011, nhà máy cuối cùng sản xuất trà Lipton và các thứ nước hãm giải nhiệt mác Eléphant đã đóng cửa tại Pháp. Nhà máy thuộc sở hữu của tập đoàn Unilever, một tập đoàn đa quốc gia Anh - Hà Lan. Việc xây dựng các nhà máy tại một địa điểm nào là đối tượng của một trò chơi "đi ăn cỗ về mất chỗ" tầm quốc tế. Hiện tượng này không mới, mà đã mang tính cố hữu trong thị trường trà kể từ ba thế kỷ nay. Là thứ đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên hành tinh, nhưng trà đôi khi để lại một hương vị đắng.
Người châu Âu đã khám phá trà ngay từ thế kỉ XVII, khi những chuyến tàu thủy của hãng Hà - Ấn phương đông, hãng Verenigde Oostindische Compagnie (VOC), từ châu Á trở về và đem theo trong hầm tàu đầy những sản phẩm ngoại lai, như gừng, đại hoàng, gốm sứ hoặc lụa tơ tằm. Trong số hàng hóa đó, trà nhanh chóng chiếm ưu thế.
Hồi đầu, trà xanh chủ yếu do Trung Quốc và Nhật Bản cung cấp. Nhưng nền Đế Chế Trung Nguyên đã trở thành nhà sản xuất duy nhất khi Nhật Bản quyết định thu mình lại (năm 1636). Khi ấy, người ta vận chuyển trà bằng thuyền gỗ từ các cảng Trung Quốc đến Batavia (hiện này là thành phố Djakarta của Indonésia). Sau đó, tàu thủy của hãng VOC sẽ đưa hàng hóa về Amsterdam.
Vào đầu thế kỉ XVIII, các nhà cạnh tranh xuất hiện gây khó dễ cho VOC. Hãng Anh - Ấn phương đông (East India Company) thành lập một chi nhánh ở Quảng Đông, thuộc miền nam Trung Quốc vào năm 1711. Đường vận chuyển trà khi ấy trở nên nhanh hơn. Ngoài ra, người Anh nhập khẩu một loại trà được họ lựa chọn ngay tại chỗ mà không cần phải qua Batavia. Bắt đầu vào tầm giữa thế kỉ XVIII, họ bắt đầu vượt người Hà Lan.
Trà khi ấy chiếm hơn hai phần ba lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ba loại trà được bán cho người châu Âu: Trà xanh, trà đen và trà ôlong. Thứ nước uống này lan tỏa nhanh chóng trong các quốc gia châu Âu và tại các thuộc địa của Anh, chủ yếu trong 13 vùng thuộc địa ở châu Mỹ.
Một sự kiện liên quan đến trà làm thay đổi diện mạo thế giới. Do thiếu tiền, vua Anh quốc, George III, đã ra một sắc lệnh mới về thuế, đánh lên các sản phẩm nhập khẩu bởi các nước thuộc địa. Đó là sắc lệnh Townshend Revenue Act, được bỏ phiếu thông qua vào năm 1767. Trà trở thành sản phẩm bị đánh thuế cao nhất. Một thương gia ở Boston, ông John Hancock, khi ấy liền quyết định tung ra một chiến dịch bài trừ trà do hãng Ấn Độ phương đông bán ra, các hãng này nắm độc quyền về trà, và ông ấy đã thu được thành công lớn: con số nhập khẩu chính thức đã từ 145 tấn tụt xuống còn… 240 kg, khiến cho trà buôn lậu thu lợi lớn.
Vào tháng 5/1773, giai đoạn mới của cuộc "chiến tranh" về trà với việc kí kết Tea Act, cho phép hãng Anh quốc được bán trà của mình trong các quốc gia thuộc địa mà không phải trả thuế. Đạo luật này đã khiến nhiều nhà buôn khuynh gia bại sản. Sự nổi loạn diễn ra triền miên. Ở Boston, ngày 16 tháng 12/1773, ba con tàu chất đầy trà đã bị khám. Hàng hóa trên tàu bị ném xuống biển. Sự kiện này, mà ngày nay được biết đến với tên Boston Tea Party, là một trong những nhân tố khởi đầu của cuộc chiến tranh Độc lập ở Mỹ. Ông John Hancock sẽ là chủ bút cho bản tuyên ngôn độc lập ngày mùng 4 tháng 7 năm 1776, ngày quốc khánh của Hoa Kì.
Cảnh thu hoạch chè ở Nhật Bản, thế kỷ 19 Nguồn: Internet
Sự kiện này thì cũng không ngăn nổi nhu cầu tiêu thụ trà tăng nhanh trên toàn thế giới. Trước sự yêu thích dành cho trà Tàu, nhu cầu về tài chính tăng. Để giải quyết sự thâm hụt thương mại này, người Anh đưa thuốc phiện từ vùng thuộc địa Ấn Độ đến bán lậu tại Trung Quốc: vào năm 1835, Đế Chế Trung Nguyên có đến hai triệu người nghiện thuốc phiện. Ý chí chiến đấu chống thuốc phiện của người Trung Quốc gây ra các cuộc chiến tranh thuốc phiện (1839 - 1842 và 1856 - 1860). Với chiến thắng rực rỡ, người Anh sẽ áp đặt những điều kiện thương mại của họ tại Trung Quốc.
Năm 1834, hãng Anh mất độc quyền. Mười lăm năm sau, bất kì con tàu thủy nào mà gắn một cây cờ ngoại quốc đều có thể bốc dỡ hàng hóa của mình tại một hải cảng của Anh. Giá trà nhập vào Anh được đa dạng hóa theo luật Cung - Cầu. Như vậy, những con tàu nhập cảng đầu tiên có thể bán hàng của họ với giá cao. Tàu của hãng Anh, East Indiamen, được trang bị những cánh buồm khổng lồ, chạy chậm nhưng vững chãi, có khả năng chở đến 1.200 tấn hàng hóa. Họ nhổ neo vào tháng giêng thì tháng chín mới tới Trung Quốc, đóng hàng lên tàu và chuẩn bị hành trình trở về là mất trọn một năm. Trong trường hợp nhanh nhất, một con tàu cũng phải mất hai mươi tháng để đi Trung Quốc và trở về Anh với các hầm tàu chất đầy trà.
Năm 1845, người Mỹ đóng một con tàu buồm tốc hành, mang tên Rainbow, nó chạy từ New York tới Quảng Đông trong vòng một trăm linh hai ngày, rút ngắn được hai tuần so với hành trình thường lệ. Ngày mùng 3 tháng 12 năm 1850, một con tàu buồm tốc hành của Mỹ, tàu Oriental, đã chở trà về đến Luân Đôn sau có chín mươi bảy ngày lộ trình trên biển. Rút ngắn thời gian đến ba lần so với một con tàu già nua của hãng East Indiamen. Sau đó, sự khai thông kênh đào Suez và sử dụng công nghiệp thép trong ngành đóng tàu thủy đã khiến Quảng Đông chỉ còn cách New York tám mươi ngày.
Đến thế kỉ XIX, Trung Quốc mất độc quyền sản xuất trà. Trà được đưa vào trồng tại Ấn Độ trong những năm 1830. Do thiếu số dân công có trình độ và sự kháng cự trước thay đổi khiến việc lai tạo khó khởi động: phải đợi đến tận năm 1880 để trà Ấn Độ có thể được hiện diện trong ấm trà ở Anh quốc.
Trong thời gian đó, sự say mê trà lan tỏa khắp thế giới. Bắt đầu từ những năm 1860, người ta đã thử trồng trà ở khắp nơi. Thi thoảng thành công, như ở nam Phi hay ở Brésil, nhưng rất thường xuyên thất bại, như ở California hay thậm chí ở Pháp. Kế hoạch trồng cà phê ở đảo Ceylan, khi ấy dưới sự bảo hộ của vương quốc Anh, bị mất trắng do một căn bệnh trong những năm 1870. Các chủ đồn điền liền chuyển sang trồng trà và đã gặt hái được thành công lớn. Từ năm 1880 đến 1884, lượng xuất khẩu đến Vương quốc Anh được tăng gấp hai mươi lần. Trà tiếp tục con đường chinh phục thế giới của mình. Vào cuối thế kỉ XIX, trà xanh bắt đầu xuất hiện trên bàn ở Bắc Phi. Loại nước uống này nhanh chóng được cộng đồng Hồi giáo chấp nhận, cho đến mức mà nó trở thành biểu tượng của lòng hiếu khách.
Vào năm 1871, Thomas Lipton (1850 - 1931) mở một cửa hàng đồ khô ở Glasgow. Ông đã tiến hành những chiến dịch quảng cáo mà ông đã chứng kiến tại Mỹ. Thành công ngoài trông đợi. Chín năm sau, ông mở cửa hàng thứ hai mươi. Trong những năm 1890, ông đã sở hữu tất thảy hơn ba trăm cửa hàng.
Vào thời kì này, ông đi du lịch đến Úc. Một chuyến dừng chân tại Ceylan sẽ khiến cuộc đời ông biến chuyển hẳn. Ông đã mua lại năm đồn điền đang bị phá sản. Trà sản xuất được nhằm để bán trực tiếp trong các cửa hàng bán đồ khô của ông. Các hình thức trung gian môi giới bị hủy bỏ. Lời quảng cáo truyền thông khi ấy là: "Direct from the tea gardens to the teapot" (từ đồn điền trà đến thẳng ấm trà). Thành công nhanh chóng lan tỏa toàn cầu. Vào năm 1972, hãng Lipton đã được công ty đa quốc gia Unilever mua lại. Kể từ đó, quá trình toàn cầu hóa tiêu thụ trà cứ không ngừng tiếp tục phát triển.
Quá trình xuất hiện và tiến triển của Trà: Thiên niên kỉ thứ III trước Công Nguyên: Trà xuất hiện và được dùng để uống tại Trung Quốc. Năm 1610: Hãng Hà - Ấn phương đông bắt đầu nhập khẩu trà vào châu Âu. Năm 1657: Trà được bán tại Luân Đôn như là một sản phẩm dược thảo. Năm 1706: Thomas Twining mở cửa hiệu đầu tiên trên khu phố chính tại Luân Đôn. Năm 1835: Đồn điền trà đầu tiên xuất hiện tại Ấn Độ. Năm 1972: Công ty Lipton của Anh quốc được tập đoàn Unilever mua lại. Năm 1998: Đóng cửa các phiên bán đấu giá tại Luân Đôn sau ba thế kỉ tồn tại và phát triển. Năm 2013: Sản xuất trà trên thế giới đạt đến gần 4 triệu tấn. Quốc gia sản xuất nhiều nhất là Trung Quốc, vượt trước cả Ấn Độ. Theo tạp chí báo Le Monde |
Hiệu Constant (sưu tầm và dịch)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...