Chủ nhật, ngày 19 tháng 05 năm 2024
23:52 (GMT +7)

Tôi người Thái Nguyên

VNTN- Một buổi tối ngủ trên bệ cầu, đang ngon giấc thì giật mình hoảng hốt, thấy trong quần có cái gì lục đục quẫy đạp. Người run bắn, cố nới dây lưng thò tay nâng cạp quần thì bỗng nhói đau khủng khiếp...

Tác giả cùng ông Trung, cựu Bí thư Đảng ủy xã Cam Giá sau 50 năm gặp lại, trong ngày khánh thành đình Cam Giá

Nếu tưởng tượng một cách khái quát, bản đồ nước Việt Nam như một người phụ nữ đội nón rộng vành, thì nằm ở gần giữa vành nón là tỉnh Thái Nguyên. Đó từng là thủ phủ của các tỉnh Việt Bắc; là thành phố sớm có hạng cả nước, nơi tập trung rất nhiều trường đại học, cao đẳng chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thái Nguyên có hai công trình từng một thời lớn nhất Đông Nam Á, nhưng lại ít người biết đến.

Đó là Đập Thác Huống, một công trình thủy lợi tuyệt vời, chặn ngang dòng Sông Cầu, dẫn nước chảy vào sông Đào dài hơn 50km (tự tạo, có nơi rộng tới 30 – 40 mét), cùng hàng trăm km kênh rạch mương máng tưới tiêu các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang.

Con đập đó được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Đã trăm năm nay nó vẫn cần mẫn chảy mà không mất một đồng tiền điện nào. Hệ thống thủy lợi đó được xây từ khi mà cả nước Việt cũng chưa hề tự có lấy một nhà máy gang thép. Dòng sông Đào ấy là hệ thống giao thông thủy bộ nối liền nhiều tỉnh với nhiều cầu cống ngầm và cầu cất nâng lên hạ xuống khi tàu thuyền đi qua. Đặc biệt là khu âu thuyền, giúp cho tàu thuyền vượt thác cao tới cả chục mét mà chỉ đứng tại chỗ chờ nước dâng lên, không mất công sức gì vẫn dong buồm xuôi ngược.

Thật kỳ vĩ, bởi 100 năm trước làm gì có điện, làm gì có các phương tiện tiện thi công cơ giới, chỉ toàn bằng chân tay cơ bắp của người dân lao động phu phen, kéo dài từ năm 1922 đến năm 1938 mới hoàn thành toàn bộ. Với khối lượng đào đắp cả một con sông, xây cầu, đập, âu thuyền, đắp đê, làm đường, với dân số ít ỏi, đói nghèo và lạc hậu, mới thấy được công lao to lớn của cha ông.

Hệ thống thủy lợi "cổ lai hy" rất chắc chắn và đẹp đến nên thơ. Đập Thác Huống từng bị máy bay Pháp đánh gãy cầu, vỡ đập năm 1952, nhưng đã được tu sửa lại năm 1955 và sửa chữa lớn vào những năm 90 của thế kỉ trước. Từ bấy đến nay, công trình vẫn “trơ trơ cùng tuế nguyệt”, ngày đêm mang dòng nước tươi mát ngọt lành tưới cho bao làng quê trù phú.

Thời kỳ 1965 - 1968, Mỹ ném bom phá hoại rất ác liệt, tổ dân quân của chúng tôi thường làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ đập.

Một buổi tối ngủ trên bệ cầu, đang ngon giấc thì giật mình hoảng hốt, thấy trong quần có cái gì lục đục quẫy đạp. Người run bắn, cố nới dây lưng thò tay nâng cạp quần thì bỗng nhói đau khủng khiếp. Tôi vung tay, một con rết to hơn ngón tay cái cuốn tròn trên mu bàn tay. Răng bấm chắc với bao cái chân gớm giếc quyềnh quàng ghê rợn.

Gỡ được nó ra thì toàn bộ bầu nọc độc đã vào hết cơ thể. Đã vậy chả ai có kinh nghiệm gì để rửa để nặn bớt nọc độc ra. Chị Mẫn, chị Minh xúm vào dùng đuôi sam tóc chà xát. Đau khủng khiếp, tím tái tê liệt cả cánh tay. Anh Tấn, chị Minh đưa tôi về. Tạt vào nhà ông Trực, ông cũng cuống, lấy đưa tôi cục nam châm bảo đặt vào nó sẽ hút nọc ra (!). Có thật vậy không, bạn đọc tự hiểu!

Chưa hết, đau đến "chết nửa con người", nhà tôi cách cầu 2 km, về tới nhà khuấy động cả thôn quê, mọi người kêu khóc. Ông anh tôi, thượng úy trinh sát Điện Biên, đã đốt cái chén quả hồng để giác. Tức là đốt cồn cho nóng lòng chén rồi úp lên vết cắn để hút nọc ra. Trời ơi, nọc rết quá đau nên tôi không cảm thấy cái bỏng của miệng chén. Nó đã làm chín thịt, phỏng rộp da. Trên tay tôi giờ vẫn rõ một vết sẹo như vầng trăng lưỡi liềm là hình cái miệng chén. Và bây giờ, tôi sợ rết đến mức nhìn đâu đó ai ngâm con rết bồng bềnh trong bình rượu là thấy "tim đập chân run". Sau này ở Trường Sơn, có bị thương, sốt rét, hút chết tôi cũng không sợ bằng!

Đập Thác Huống. Ảnh: tuyengiaothainguyen.org.vn/

Công trình thứ hai cũng là lớn nhất khu vực thời ấy là Khu công nghiệp Gang thép. Đất nước thuần nông nghèo xơ xác, mới hòa bình mấy năm. Vậy mà năm 1959 Chính phủ đã cho khởi công xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên. Bốn năm sau (29/11/1963), Khu Gang thép đã cho ra đời mẻ gang đầu tiên. Đó là niềm tự hào vô cùng lớn. Sau này, nhà máy Gang thép còn được mở rộng, không những chỉ luyện gang, mà còn luyện thép, cán thép và sản xuất được hầu hết các nguyên phụ liệu phục vụ cho nền công nghiệp gang thép, kịp thời phục vụ cho dựng xây đất nước và chiến tranh chống Mỹ.

Bởi thế, suốt những năm Mỹ bắn phá miền Bắc thì Gang thép luôn là mục tiêu số một. Biết bao nhiêu bom đạn đã ném xuống. Bây giờ từ xa đã thấy rõ cái ống khói cao to mà phình một đoạn giữa như bó bột. Đó chính là lỗ thủng từ một quả tên lửa Hoa Kỳ, ống khói không đổ nên ta hàn vá lại, giờ thành chiến tích. Hay như chiếc máy bay Mỹ cắm xuống chợ Tân Long, rất gần trung tâm TP. Thái Nguyên, cũng là một trong những bằng chứng anh dũng kiên cường của quân dân trong tỉnh.

Khu công nghiệp Gang thép nằm trong phường Cam Giá. Tôi và một số người cùng thời gọi láy là phường “Gia Cám”, đùa vui thế chắc có người ưng người không. Nhưng tôi chỉ muốn nói về giác độ ác liệt của chiến tranh. Cam Giá có thể sánh với Quảng Bình Vĩnh Linh, bom đạn cày đi xới lại thành... “Gia Cám”!

Bao nhiêu nhà cháy đổ, các trận địa pháo dày đặc trút lửa đạn lên trời, khiến máy bay Mỹ hoảng loạn ném bom vung vãi, bom bi không đủ độ cao nên không nổ rất nhiều. Ngày 9/10/1966, bốn bé trai San, Huấn, Hiển, Toán, nhặt quả bom gần sân đình làng Lau và bị nổ. Một đám tang tập thể quá đau lòng.

Nhà tôi cách trận địa pháo 57 ly của bộ đội Trung Quốc chỉ 5 thửa ruộng nên nhìn rất rõ. Lại nói về cách bắn máy bay của bộ đội Trung Quốc. Họ cầm quyển trước tác của “lãnh tụ vĩ đại” và hô “giặc Mỹ là con hổ giấy”, nhưng không bắn khi đối đầu trực tiếp. Khi máy bay bổ nhào thì họ chui xuống hầm. Máy bay cắt bom xong, họ mới lên trận địa bắn đuổi theo như vãi đạn.

Hôm ấy, có một “con ma” F4H bay thăng bằng cao tít, pháo Trung Quốc bắn theo khí tài ra đa. Tất cả các nòng pháo đều cùng tầm, cùng hướng, cùng nổ một loạt. Cả trận địa rung chuyển bùng lên khói bụi. Chỉ chờ có vậy, tốp “thần sấm” F105 nhìn rõ trận địa ào tới trút bom rất chính xác. Trận địa mù mịt tan nát, mãi chiều tối hôm ấy, còn thấy những xe chở thương và xác lính.

Bom đạn nhiều, dân quân xã thành lập tổ thu nhặt bom gồm tôi, anh Tần (sau là liệt sĩ) và chị Ninh. Đúng tuổi “17 bẻ gẫy sừng trâu” không biết sợ là gì. Xem bộ đội Trung Quốc dùng xẻng xúc bom con từ trong lòng quả bom mẹ vỡ toạc ở vườn nhà bà Sang, tôi thắc mắc “công binh Trung Quốc cũng phải được học và hiểu nguyên lý nổ của bom bi chứ?”. Tôi đã tự mày mò tìm ra cấu tạo tinh vi của nó. Nguyên lý dựa vào lực ly tâm, bom con phải được văng ra khi bom mẹ nổ, ở độ cao đủ để bom con xoay tít, nhờ những gờ cánh như múi khế. Có lực ly tâm, búa bên trong được nâng lên. Khi bom ngừng xoay, búa hết lực ly tâm nên đập xuống, bom sẽ nổ. Tôi đảm bảo chắc chắn vậy, nên nhặt bom như thú vui. Mỗi ngày bên “thần chết” được tính 1 công điểm, 1 công thời đó được trả chừng 3 – 4 kg thóc.

Đến bây giờ tôi vẫn áy náy bởi đã bỏ nhiều bom bi chưa nổ xuống giếng nhà ông S. (nhà có 2 giếng, cái cũ không dùng và ở ngoài vườn). Số bom đó không dễ nổ, nhưng vẫn là nguy hiểm và độc hại… Nên chăng nay nhận lỗi với dân quê mình!

Rồi có lúc tôi lại tự vấn an mình là “cũng có tí công, xem như bù trừ cái tội”. Vì tôi đã góp phần nhỏ, làm sạch đất vườn, tránh thương vong cho người dân. Ngày đó, tôi còn tham gia cứu giúp người bị thương. Chúng tôi cáng người trên võng bằng hai xe đạp (đòn võng buộc đuôi xe trước và đầu xe sau) rồi đạp đi hàng chục cây số. Một lần, với cách đó, tôi cáng anh Hợp bị thương lên bệnh viện sơ tán ở tận trên xã Vô Tranh (huyện Phú Lương).

Nông dân chuyển dần sang làm ban đêm, công nhân bám trụ 24/24. Mặc cho bom nổ, nhưng những mẻ gang vẫn tuôn chảy. 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 đã anh dũng hy sinh cùng một lúc do bom B52 khu vực ga Lưu Xá, nay trở thành Di tích quốc gia, như một tượng đài sừng sững…

Xin kính cẩn trước bao anh hùng liệt sĩ, trước bao con người đất Thái kiên trung.

Tôi tự hào mình là người Thái Nguyên. Hẹn gặp lại Thái Nguyên yêu dấu!

Trần Quang Thành

Bắc Từ Liêm, Hà Nội

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Cầu Huy Ngạc trong tôi

Xem tin nổi bật 4 ngày trước

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 3 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 4 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Tiếng gọi điều công

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước