Thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2024
13:14 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Cuộc vận động sáng tác văn học, nghệ thuật về Đại đội Thanh niên xung phong 915

Tôi đọc tên đồng đội hàng đêm

VNTN - Ông lặng lẽ đi cùng chúng tôi gần một ngày trời, đến nhà liệt sĩ Nguyễn Thị Loan (xã Côn Minh, huyện Chợ Đồn) và liệt sĩ Hà Văn Ly (xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới). Ông lặng lẽ thắp hương lên bàn thờ đồng đội, lẩm rẩm trò chuyện hồi lâu. Thấy ông kè kè chiếc cặp tài liệu bên mình, tôi đề nghị được xem trong đó có gì. Hóa ra, đó là danh sách đồng đội hy sinh, sơ đồ mộ chí tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Lim, những tấm ảnh kỷ niệm của người sống và người đã mất. Ông là Tống Văn Minh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 915, đơn vị có 59 đội viên hy sinh đêm Noel đẫm máu ngày 24-12-1972 khi làm nhiệm vụ tại ga Lưu Xá.

Nhiều người thắc mắc, Đại đội trưởng 915 chỉ huy bốc dỡ hàng tại địa điểm bị Mỹ đánh bom, sao còn sống? Xin nói thêm để bạn đọc hiểu tường tận sự việc: Đại đội 915 là “em út” của Đội 91, thành lập cuối tháng 6-1972, do đồng chí Triệu Văn Việt, dân tộc Nùng, quê xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn làm Đại đội trưởng, đồng chí Tống Văn Minh khi đó là Đại đội Phó. Do yêu cầu nhiệm vụ, đồng chí Minh được phân công phụ trách nhóm đội viên làm việc nơi khác, nên sau khi Đại đội trưởng Việt hy sinh, đồng chí Tống Văn Minh đảm trách nhiệm vụ Đại đội trưởng 915.

Ông Tống Văn Minh (người đội mũ) bên những đồng đội thoát chết trong trận bom đêm 24-12-1972 tại Ga Lưu Xá
Ông Tống Văn Minh (người đội mũ) bên những đồng đội thoát chết trong trận bom đêm 24-12-1972 tại Ga Lưu Xá

Sinh năm 1946 ở xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, tuổi thơ của cậu bé Minh thật bất hạnh. Mới 3 tháng tuổi cậu đã không được uống dòng sữa ngọt ngào và ngủ trong vòng tay yêu thương của mẹ. Sau khi người mẹ yểu mệnh qua đời, đứa con đỏ hỏn được bà cô nuôi.

Không lâu sau bà cô mất, cậu được anh cả nuôi. Năm 17 tuổi, cậu vâng lời gia đình lấy vợ người cùng làng, cùng cảnh nhà nghèo, cùng chịu khó lam làm, cùng tất tả đầu hôm cuối mai. Vóc người nhỏ bé, nhưng cậu tham gia công tác Đoàn rất sôi nổi. Lấy nhau được 13 ngày, vợ chồng đoàn viên Tống Văn Minh tình nguyện đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Chẳng quản cuộc sống bữa no bữa đói, chẳng quản con nhỏ, nhà nát, cậu xung phong đi đắp hồ Tân Minh, được giao lãnh đạo Đội 202 của đoàn xã. Là ủy viên BCH Đoàn huyện, Bí thư Đoàn xã, năm 1971 (khi đã có 2 con nhỏ), anh Minh xung phong gia nhập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Lúc đầu, anh được phân công về Đại đội 913, giữ chức Đại đội Phó. Khi thành lập Đại đội 915, anh được cấp trên điều động giữ chức Đại đội Phó kiêm Bí thư Chi bộ. Sau sự kiện đêm 24-12-1972 đến khi giải thể đơn vị (30-4-1975), anh Minh là Đại đội trưởng 915.

Có mặt từ những ngày đầu thành lập đơn vị đến giây phút cuối cùng chia tay đồng đội mỗi người mỗi ngả, trong ông chất chứa bao kỷ niệm, bao nỗi nhớ. Hình ảnh đồng đội luôn sống động trong lời kể của ông. Nhà dân chật chội, có khi anh em phải mắc màn ngủ ở bụi tre; đội viên đa phần là người dân tộc thiểu số, tuổi từ 17 đến 20, cuộc sống thiếu thốn đủ bề nhưng ai cũng lạc quan, yêu đời, ngoài giờ làm thì học văn hóa, tập văn nghệ, chơi thể thao. Ông Minh lúc nhập ngũ 25 tuổi, thuộc diện “cao tuổi” nhất Đại đội, “nhưng tôi nói đã có “một trai một gái” thì chị em cứ bảo tôi nói khoác. Có cô tinh nghịch chỉ vào tôi rồi chỉ vào họ nhận “một trai một gái đây chứ đâu nữa”. Trêu đùa tếu táo vậy thôi, nhưng kỷ luật của lực lượng TNXP nghiêm như kỷ luật bộ đội. Không có chuyện yêu đương hò hẹn hoặc đi chơi riêng. Nam nữ thích nhau cũng chỉ dám trao nhau nụ cười, ánh mắt…” - ông Minh kể.

Về thời gian gắn bó với Đại đội, ông Minh nhắc lại sự kiện ngày 13-9-1972, máy bay địch ồ ạt ném bom đoạn đường 16A, nơi Đại đội 915 đang làm nhiệm vụ sửa chữa. Đội viên Hoàng Thị Cát (20 tuổi, mới nhập ngũ được 2 tháng) hy sinh tại chỗ và 8 người khác bị thương. Ông đưa chúng tôi xem tấm ảnh chụp chị Cát, thân người quấn trong chăn, chỉ hở gương mặt rất trẻ. “Tấm ảnh này là lúc đồng đội khâm liệm Cát đấy, bom địch phạt mất nửa thân dưới rồi…”.

Ấy vậy nhưng mất mát, đau thương không làm các đội viên nhụt chí, khi nhận lệnh cấp trên đưa xuống: Đại đội 915 cử 60 người đến khu vực ga Lưu Xá bốc dỡ hàng, thì cả Đại đội xung phong, kể cả những người vết thương chưa lành hẳn.

Ông Minh nhớ lại:

- Đại đội trưởng Việt yêu cầu các tiểu đội chọn đúng 60 người và phân công tôi phụ trách nhóm ở lại làm đường, nấu cơm phục vụ.

Dường như có linh tính gì đó, trước khi đi vài người dặn tôi: “Nếu em chết thì sau 3 ngày anh báo tin cho gia đình em nhé”. Tôi nhớ nhất là cậu Hà Văn Ly (giáo viên Đại đội 915), cậu xuống chỗ tôi, vừa chỉnh trang lại quân phục cho ngay ngắn vừa nói: “Em có mệnh hệ gì anh báo cho mẹ em…”. Biết trước nguy hiểm và có thể hy sinh tính mạng như vậy, nhưng khi xe ô tô chở 60 TNXP chuyển bánh, thì 6 người nữa nhảy lên xe, kiên quyết đòi đi bằng được. Vậy là chuyến ấy có 66 người của Đại đội 915 về làm nhiệm vụ ở ga Lưu Xá.

Chúng tôi bỗng im bặt như không muốn chạm đến thời khắc hãi hùng nhất. Bom rơi và máu đổ. Nỗi đau xé lòng đến tận bây giờ và mãi mãi.

Ông Tống Văn Minh và quyển sổ học bạ ghi lại quá trình học tập của ông tại trường Bổ túc văn hóa TNXP 91, Đại đội 915
Ông Tống Văn Minh và quyển sổ học bạ ghi lại quá trình học tập của ông tại trường Bổ túc văn hóa TNXP 91, Đại đội 915

“Sáng ngày 25-12, tôi và những đồng đội còn lại lao đến chỗ anh em gặp nạn. Tôi được lệnh cấp trên trở về đơn vị (đóng ở xã Linh Sơn, Đồng Hỷ) mang danh sách vào Dốc Lim, chuẩn bị cho việc mai táng. Những cái tên đánh dấu “đã mất” chiếm quá nửa danh sách. Sáu mươi mộ đất đỏ au tươi mới như nắm muối xát vào lòng chúng tôi quặn xé”.

Những ngày sau đó như thế nào chắc mọi người có thể đoán ra. Người còn lại ngơ ngác, xót xa và không khỏi hoang mang, nhưng rồi tất cả lại gắng gượng đứng dậy. Đại đội 915 được bổ sung quân, do ông Tống Văn Minh làm Đại đội trưởng, tiếp tục cùng các đại đội khác giải tỏa, vận chuyển hết số hàng hóa, lương thực còn tồn đọng ở ga Lưu Xá đến nơi an toàn.

Đã gần nửa thế kỷ rồi, kể từ ngày ấy, nhưng ông Minh vẫn rành rẽ đọc tên từng người trong đơn vị. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, cuộc mưu sinh vất vả cuốn mỗi người đi mỗi ngả đời khác nhau, nhưng trong lòng họ vẫn canh cánh nghĩ về nhau.

Ra quân, ông Minh làm nhiều công việc, đến năm 1977 ông mới trở về địa phương. Năm 1978, ông Minh phụ trách 30 người tham gia chiến dịch đào kênh mương Hồ Núi Cốc, đoạn qua xã Điềm Thụy, Phú Bình “tinh thần dũng mãnh như TNXP thuở trước”. Tháng 4-1978, ông được bầu vào Hội đồng Nhân dân xã Thanh Vận (Chợ Mới, Bắc Kạn) và làm 6 khóa liền. Năm 2005 ông Minh về “hưu xã”, toàn tâm chăm chút cho gia đình được 2 năm thì năm 2007, ông được Tỉnh hội Thanh niên Xung phong giao nhiệm vụ Trưởng ban liên lạc 915, ông lại đi các nơi để tìm đồng đội. Lương hưu thấp, con 7 đứa, cảnh nhà chưa hết khó khăn, ông vẫn dành những đồng tiền ít ỏi cho những chuyến đi. Đến Hải Phòng, ông gặp được Vũ Đức Là, vào tận Gia Lai ông tìm được Lý A Píu. Nghe chỗ nào có đồng đội là ông tìm đến. Các huyện của tỉnh Bắc Kạn như Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Phổ Yên, Phú Bình đến chỗ người này ông lại tìm ra người kia. Danh sách đồng đội dài dần, kể cả 59 người hy sinh, nhưng đến con số 101 thì dừng lại, còn 1 người là bà Hoàng Thị Minh không sao bắt được tin tức. Tận đến hôm 2-4-2018, ông vui mừng “khoe” với tôi: Vừa nghe được thông tin, bà Minh ở xã Quy Kỳ, huyện Đại Từ, chưa rõ ở xóm nào. Ông sẽ tìm đến mời bà tham gia Ban liên lạc. Như vậy, 102 TNXP Đại đội 915 đã tề tựu đầy đủ đứng chung đội ngũ như ngày nào.

-Có điều này lạ lắm cô ạ - ông Minh trầm tư giây lát mới kể - thời điểm đi tìm đồng đội, đêm nào nằm ngủ tôi cũng đọc vanh vách tên 60 liệt sĩ. Một lần ngủ cùng phòng với bác Thăng (ông Hà Nhân Thăng, nguyên Chủ tịch Hội TNXP tỉnh Thái Nguyên - người viết), ông Thăng đập đập vào người tôi hỏi, ông đọc cái gì mà to thế, tôi mới choàng tỉnh dậy. Năm 2012, sau khi đơn vị được phong Anh hùng, tôi tham dự lễ cầu siêu và đón các liệt sĩ về Đền Túc Duyên (Thành phố Thái Nguyên), cũng từ đó tôi không đọc tên các liệt sĩ trong đêm nữa.

Hôm cùng chúng tôi đến dâng hương tại Nhà tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP, ông Minh ngỏ ý nhờ chúng tôi chụp cho ông một tấm ảnh và phóng thật to. Nhưng ông muốn, trong khuôn hình đó, mặt ông nhỏ thôi, nằm ẩn trong những dòng thơ khắc trên chiếc chuông đồng treo ở đây, tái hiện khung cảnh bi tráng và sự hy sinh của các đồng đội năm xưa.

Bài thơ thế này:

Ngày 24 ngàn thu nhớ mãi

Gia Sàng nhộn nhịp

kẻ vác người khiêng

Lưu Xá ơi tơi bời bom rơi đạn nổ

Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh

Gần trăm bạn hiên ngang thọ tử

Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ

Khí anh hùng cao vút trời mây.

Tôi hiểu ý ông, rằng ông và đồng đội tuy âm - dương cách trở nhưng không cách biệt; rằng có ông hôm nay là nhờ sự hy sinh của đồng đội. Để mỗi khi tiếng chuông rung lên gọi các linh hồn trở về, thì ngay tức khắc, có ông cùng đứng chung hàng ngũ.

Minh Hằng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 2)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Đại đội 915 còn mãi với nước non (Tập 1)

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 1 năm trước

Phối hợp triển khai sáng tác văn học về Đại đội 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 2 năm trước

Tiếp tục tuyên truyền có điểm nhấn về Đại đội TNXP 915

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Những nụ cười vẫn sáng lên

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Họ đã tham gia cuộc chiến như thế

Cuộc vận động sáng tác VHNT về Đại đội TNXP 915 5 năm trước

Nhật ký cô văn thư

Xem tin nổi bật 5 năm trước