Tóc trắng và thơ
“Bạch phát tam thiên trượng, Ly sầu tự cá trường/ Tóc trắng dài ba ngàn trượng, Sầu ly biệt dài dằng dặc” (Thu phố ca). Để đo nỗi sầu, Lý Bạch đã chọn tóc trắng. Sầu dài như tóc, sầu đầy như tóc, nhưng phải là tóc trắng. Tóc trắng không đơn thuần là hiện tượng vật lí mang quy luật sinh tử, mà là biểu tượng của nỗi “bạch sầu”. Trong thơ, tóc trắng là một biểu tượng thẩm mĩ, không chỉ để nói những tàn phai năm tháng trên mái đầu, mà còn ngầm mang các lớp nghĩa về những ưu tư, sầu muộn. Tóc trắng là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, là kết tinh nghệ thuật của chữ, là nhãn tự của nhiều bài thơ bất hủ trong tiến trình văn học Việt Nam.
“Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên” (Nguyễn Du)
Trong thơ cổ điển tóc trắng thường đi liền với vận nước. Nguyễn Trãi lưu lại những câu thơ vào loại bất hủ về quy luật thời gian “Tuổi cao, tóc bạc, cái râu bạc” (Tự thán). Dẫu nói về quy luật đời người nhưng câu tự thán mang nỗi u hoài, xốn xang của một con người vì nước vì dân, tự thấy mình tuổi cao mà đời còn quá nhiều phiền muộn. Một mình, một bóng, một mái đầu bạc trong gương - “Kính trung bạch phát giai nhân lão, Thân ngoại phù danh mạn nhĩ lao/ Xem gương thấy tóc đã bạc, cũng già như thiên hạ, Danh hão ở ngoài cái thân con người, chỉ đưa đến sự nhọc mà thôi” (Ngẫu hứng ngày thu).
Ưu thời mẫn thế, Đặng Dung mang nỗi niềm của người tráng sĩ nhìn vận nước suy, bao lần mài gươm báu dưới trăng mà lòng quặn đau trước nỗi niềm riêng chung: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma/ Thù nước chưa xong đầu đã bạc, Mài gươm mấy độ bóng trăng cao” (Thuật hoài). Chỉ với một bài thơ, Đặng Dung đã tạc vào lịch sử thi ca hình ảnh một tráng sĩ với mái đầu bạc trắng, mấy độ mài gươm thử kiếm dưới trăng. Ngày qua ngày. Bóng xen bóng. Bóng trăng lẫn bóng thời gian. Lòng dạ xốn xang nỗi “bạch sầu” mà nợ nước còn canh cánh. Hình ảnh ước lệ, đẹp lung linh, toát lên nỗi niềm của người tráng sĩ kiêu hùng “hữu hoài phù địa trục” (ôm hoài bão nâng trục trái đất mà xoay chuyển lại) nhưng “vô lộ vãn thiên hà” đành nuốt hận nhìn bóng thời gian lướt qua mái tóc sớm điểm sương.
Cảm hứng tự trào trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du thường gắn liền với thi ảnh bạch đầu. Hình ảnh mái đầu bạc xuất hiện trong thơ Nguyễn Du ngày càng nhiều. Như trăn trở. Như tiếc nuối. “Trù trướng lưu quang thôi bạch phát, Nhất sinh u tứ vị tằng khai/Thời gian thấm thoắt làm cho mái tóc chóng bạc, Nghĩ mà ngậm ngùi, suốt đời ta chưa hề gỡ được mối u sầu” (Thu chí); “Lưu lạc bạch đầu thành để sự, Tây phong xuy đảo tiểu ô cân/ Xiêu giạt đến bạc đầu mà nào được việc gì đâu, Ngọn gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ” (U cư kỳ 1); “Tự sẩn bạch đầu khiếm thu nhập, Mãn đình hoàng diệp lạc phân phân/ Cười mình đầu đã bạc mà thiếu tài thu xếp, Đầy sân lá vàng rụng bời bời” (Thu nhật ký hứng). Đây là cái cười xót xa cho nỗi niềm ngã ba ngã bảy. Cái thảng thốt “giật mình mình lại thương mình xót xa” thấm vào những vần thơ tóc trắng.“Bạch đầu đa hận tuế thời thiên/Đầu đã bạc, càng buồn vì ngày tháng trôi mau”(Quỳnh Hải nguyên tiêu). Nỗi niềm tóc trắng trong thơ xưa là sự ánh chiếu nội tâm của thi nhân tráng sĩ. Nó không hẳn nói về cái già của quy luật tử sinh mà nói lên những trăn trở nội tâm phức tạp. Những vần thơ tóc trắng thuở xa xưa vẫn còn vọng động đến hôm nay.
“Ta về cúi mái đầu sương điểm” (Tô Thùy Yên)
Trong những vần thơ hiện đại, trở về với mái tóc điểm sương trở thành một kí hiệu thẩm mĩ. Bài thơ Ta về của Tô Thùy Yên mang phức cảm giằng xé của một thân phận lưu vong, tù đày:
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ
(...)
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Tô Thùy Yên - Ta về)
Có những câu thơ chỉ nguyên vẹn ý nghĩa khi đặt trong toàn cảnh bài thơ. Bài thơ Ta về gồm nhiều khổ thơ, nhưng tứ thơ “Ta về - Mười năm” như một vệt thẩm mỹ lan truyền cảm xúc, tạo chiều sâu và sức lan tỏa của toàn bài. Bài thơ không tập trung nói về cái già thời gian mà sâu thẳm một nỗi “bạch sầu”. Bài thơ hay trong cấu tứ, trong ý nghĩa, trong cảm xúc trở về sau những năm tháng không nơi chốn. Trong mạch cảm xúc của bài thơ, “ta về - tóc bạc” là cảm hứng chủ đạo, nó trở thành hình tượng gắn kết trong cấu tứ bài thơ. Mười năm “biển dâu”, dòng đời đã thăm thẳm sâu, dòng thời gian đã dằng dặc dài. Đau đời. Đau cho chính mình. Đau nỗi niềm li biệt tử sinh. Đau trong cảm thức nhân văn, đẹp buồn.
Ta về, một nhan đề thật gọn, một điệp khúc thật ấn tượng; từ cái về đơn giản đó là dâu bể, là mất mát, là hoài niệm, là trú xứ, một cõi về. Về - về với quê hương - về nhà - về với chính mình. “Ta về cúi mái đầu sương điểm”- thời gian mải miết trôi, giật mình nhìn lại đã thấy “lau trắng trong tay”. Chợt không khỏi liên tưởng đến câu thơ của Tuệ Sĩ “Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển, Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa”. Và cũng không khỏi liên tưởng đến ca từ thật đẹp của Trịnh Công Sơn “trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Cái cõi đi về đó thăm thẳm trong thơ Tô Thùy Yên. Ghim đời ông vào thơ ông, ghim thơ ông với thời gian.
Một phần đời của Tô Thùy Yên nằm trong bài thơ, trong thế giới thơ ông, và “tóc bạc” lưu dấu một phần đời gian nan đó. Tóc bạc nói hộ nhà thơ những nỗi niềm thân phận. Đằng sau mái đầu bạc đó là nỗi sầu kí ức. Những chiêm nghiệm thời thế, những ưu tư thân phận, những dài rộng đời người… cùng hội tụ, góp phần tạo nên những tứ thơ độc đáo, khơi gợi những ngẫm nghĩ hiện sinh, những tỉnh thức về kiếp sống. Có thể nói, chỉ với bài thơ Ta về, Tô Thùy Yên đã in dấu tên tuổi mình trong lòng người yêu thơ Việt. “Ta về như lá rơi về cội/ Bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này”.
“Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ” (Tuệ Sĩ)
Nằm trong khí quyển văn học một thời, những vần thơ tóc trắng thường mang nỗi niềm thân phận. Thi ảnh “bạch đầu” xuất hiện với tần suất cao trong thơ Tuệ Sĩ, một phong cách thơ đặc biệt. Tuệ Sĩ nói nhiều về tóc, dường như hiện hữu đời người trong cái nhìn của vị thiền sư thi sĩ dồn vào tóc; và tóc trắng trở thành biểu tượng cho hành trình phiêu lãng, bụi đường bạc trắng bước lãng du. “Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn, Treo gót hài trên mái tóc vào thu” (Mười năm trong cuộc lữ); “Ai tóc trắng sững sờ trên tuyết lãnh, Bước chập chờn heo hút giữa chiều sương” (Không đề). Đi ở đây không phải là bước chân rong ruổi, bước dài theo bước, mà là bước thời gian, bước đời, những bước đường tư tưởng. Phiêu lãng tâm hồn, Tuệ Sĩ xem mình là “con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng”,“cánh hải âu cuối trời biển lộng”, “một chiếc lá xa mùa” hay “một con én một đoạn đường lay lất”, là “liễu lạc hoa phi”. Và cuối đường phiêu lãng là “mái tóc vào thu”, là “những chiều pha tóc trắng”.
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao
Bên cửa sổ bên kia đồi sao mọc
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu
Đi để nhớ những chiều pha tóc trắng
Mắt lưng chừng trông giọt máu phiêu lưu
(Cánh chim trời)
Trong thơ Tuệ Sĩ, hình ảnh tóc trắng là một kí hiệu nằm trong chuỗi thẩm mĩ mang vị thiền. Mỹ cảm sầu tóc trắng khiến thơ tự nhiên mà lung linh cảm xúc. Ta hình dung bóng người lữ khách hòa nhập trong vũ trụ bao la, lặng lẽ ưu tư về cõi người:
Tượng đồng tạc bóng cô liêu
Trời xanh tóc trắng bao nhiêu chuyện rồi
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
(Không đề)
Thơ Tuệ Sĩ đẹp, sang trọng, triết lí sâu xa. Cái đẹp từ tứ thơ, từ hình ảnh, biểu tượng, “Bứt cọng cỏ/Đo bóng thời gian/Dài mênh mang”. Cái đẹp của những ý thơ “bất khả giải”. Cái đẹp u buồn, nhẹ nhàng sâu lắng, truyền lan cảm xúc thẩm mĩ cho người đọc. Như cách Tuệ Sĩ viết về Tô Đông Pha: “Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm”(1). Nếu thơ là cảm xúc được thăng hoa thì ta không có cảm giác Tuệ Sĩ làm thơ, mà tâm hồn cất lên thành câu chữ với cái tâm không, an lạc. Cái u sầu trong thơ Tuệ Sĩ mang tính thẩm mỹ. Đó không phải là nỗi buồn xuất phát từ “khổ”, bởi thi nhân đã nhìn mọi thứ bằng con - mắt -không. Tóc trắng là thi ảnh thể hiện cái nhìn mang tính không đó. Nên “đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ”. Nên tóc huyền bỗng chốc nhuốm sương thu. Có và không hiện hữu trong từng khoảnh khắc, nên tóc huyền - tóc bạc cứ song đôi hoặc đối ảnh trong nhiều tứ thơ.
Tang thương một dải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn xa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu
(Tóc huyền)
Có những bài thơ không có từ tóc trắng vẫn gợi liên tưởng bụi thời gian nhuộm mái đầu xanh: “Một đêm thôi mắt trầm sâu đáy biển, Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa” (Hoài niệm); “Mưa xanh lên tóc huyền sương nặng, Trong giấc mơ lá dạt xa bờ”...
Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người vẫn đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi tóc cũ ngàn năm
(Mưa cao nguyên)
Tuệ Sĩ làm nhiều thơ, nhất là trong quãng thời gian sau 1975. Những bài thơ tóc trắng ra đời trong nỗi niềm thế sự. Tuy vậy, nhớ đến thơ Tuệ Sĩ là nhớ về bài Không đề, bài thơ đã khơi gợi cảm xúc cho biết bao người đọc. Bài thơ không dễ phân tích. Chỉ biết nói theo Bùi Giáng: “Chỉ một bài thơ [Không đề], Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ từ Đường thi Trung Hoa tới siêu thực Tây phương”(2).
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
(Không đề)
Bài thơ là dòng trôi thời gian, nhanh đến thảng thốt “đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ”. Tuổi đời còn mỏng nhưng tuổi sầu thì nghìn thu. Cảm thức về nỗi sầu tóc trắng in hằn qua dấu vết thời gian: “Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang”; “Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?”. Hoài niệm và thảng thốt thời gian. Hư vô, vô thường và hiện hữu. Thiên nhiên vĩnh hằng và đời người ngắn ngủi. Cảm giác như tuổi còn xanh nhưng bạc trắng mái đầu.
Mĩ cảm về thời gian, về cái già là điểm gặp gỡ giữa các nhà thơ luôn đau nỗi đau phận người. Tóc trắng là một hình tượng thơ đặc sắc mang theo nỗi sầu kim cổ.
Những vần thơ tóc trắng thường mang chứa những chiêm nghiệm về sinh tử, hư vô đời người. Đó là những vần thơ mang “tâm thức phổ quát của nhân loại (Krishnamurti)(3).
----------
(1): Tuệ Sỹ. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng. Nhà xuất bản Văn hóa. Sài Gòn. 2008.
(2): Bùi Giáng. Đi vào cõi thơ. Nhà xuất bản Ca Dao. Sài Gòn. 1969.
(3): Krishnamurti (2010), Mạng lưới tư tưởng và thiền, Đào Hữu Nghĩa dịch, Nxb Thời đại, TP. Hồ Chí Minh.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...