Chủ nhật, ngày 22 tháng 09 năm 2024
00:47 (GMT +7)

Tộc “người hươu cao cổ”

VNTN - Tam Giác Vàng đất hiểm trở rộng 200.000 km2, trùm lên lãnh thổ của 4 quốc gia: Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan và Lào. Trong cơn lốc du lịch thời mới, thủ phủ của cây anh túc vừa quyến rũ người ta ở sự ma quái của những câu chuyện liên quan đến thuốc phiện, heroin, “Hoàng Tử Chết” Khun Sa; đến cả những tộc người với các phong tục “độc nhất vô nhị” trên toàn thế giới. Ví như thổ dân Khumlen, bộ tộc Padaung, thuộc dân tộc Kareni (thường gọi là người Kayan, “người hươu cao cổ”, “những bóng hồng cao cổ” hoặc đơn giản là “long neck people” (người cổ dài)). Có người Kayan đã đóng gông, đã lồng nẹp tới 16kg những cái vòng đồng sáng loáng vào cổ mình, để cái cổ tội nghiệp ấy bị mấy chục năm làm người nó kéo dài ra tới… 40cm. Với giới nữ của bộ tộc Kayan sống rải rác trong rừng sâu đất Myanmar và đất Thái Lan kia, cái “đặc sản” cổ dài của họ được xem như vẻ đẹp không gì thay thế được, như biểu tượng của sự giàu có và quyền lực.


Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

Tam Giác Vàng và nụ cười không biên giới

Từ Lào sang Thái Lan, đi bằng ô tô, ngược mãi miền đất Chiềng Rai hiểm trở, qua nhiều bốt gác quân sự với súng ống lăm lăm. Người ta chặn đường lại, bắt xe đi thật chậm qua các ụ chiến đấu lắt léo chữ chi để dễ bề kiểm soát. Đôi khi, đường đi cứ mượt mà trong rừng quốc gia xanh thăm thẳm. Liên tục có biển báo sương mù qua rừng đặc dụng, không được bấm còi và đề phòng có hoang thú băng qua đường (Việt Nam không có biển cảnh báo này thì phải!)…

Tam Giác Vàng hiện ra với những sòng bạc xứ Lào, bức tượng Phật vàng rười rượi, cao vòi vọi của xứ Thái cứ kỳ vĩ nền trời xanh bất tận. Bên Myanmar thì còn thành lập cả thành phố biên thùy, thành phố tên là Tam Giác Vàng hẳn hoi. Nếu như các chuyện ly kỳ và hình ảnh kinh sợ về thuốc phiện và bảo tàng nha phiến là điều đáng nói của của các chuyến khám phá Tam Giác Vàng hôm nay, thì làng cổ dài trên hai quốc gia Thái Lan và Myanmar kia cũng là thứ không thể thiếu được trong bất cứ gợi ý trải nghiệm nào. Qua cửa khẩu Tachiliek để sang Myanmar. Ở ngay tấm biển “City of the golden triangle” (Thành phố của miền đất Tam Giác Vàng) ven sông chỗ dòng Me Sai đổ vào miền nước lớn Mê Kong huyền thoại, khách đã được ôm hôn, chào đón nồng nhiệt nhất. Cảm nhận đầu tiên, là không khí làm du lịch hào hiệp, cầu thị, hồn nhiên.

Đúng là hồn nhiên thật. Những nhà sư áo nâu thâm (khác với sư màu áo vàng cam ở khắp Thái, Lào, Việt Nam) cầm bát tộ đi khất thực ở khắp nơi. Có người hồn nhiên tựa lưng vào tường, ôm cái bát ngồi ven lối đi nhập cảnh của khách để… ngủ. Các chàng trai Miến Điện (theo cách gọi Hán Việt) có nước da ngăm đen, hầu hết là béo tốt với nụ cười thân thiện nhao ra chào khách. Có vài anh bập bẹ tiếng Anh. Họ giơ những tấm bảng khá lớn ra, ở đó có chụp ảnh “chùa Vàng”, các thắng cảnh thờ Phật danh tiếng, toàn cảnh thành phố Tam Giác Vàng, ngã ba sông huyền thoại nơi Mê Kong gặp Me Sai để nhân loại “chết danh” thành tên gọi Thủ phủ Tam Giác Vàng, dĩ nhiên không thể thiếu bộ ảnh về tộc người cổ dài Kayan nữa. Ai chọn thăm cái gì, chỉ tay vào “tấm biển” đó. Cứ chỉ trỏ rồi hai bên cùng hề hề cười, rồi đi. Đúng là, nụ cười không cần phiên dịch, không biên giới.

Có lẽ vì thế mà cả người Thái và người Miến đều đang cạnh tranh nhau, cùng xây dựng “Thành phố của những nụ cười”!

Công nghệ “hành xác” để cổ phụ nữ giống với… cổ Rồng!

Các thắng cảnh lừng danh của Myanmar lần lượt hiện ra. Nhưng dọc đường, ngoài tiếng tuk tuk người Myanmar nào cũng hiểu, nhiều vị khách ngoại quốc cứ liên tục giục giã bằng cách khoát hai tay lên cổ mình rồi một tay kéo xuống ngực, tay kia kéo lên đỉnh đầu. Ý rằng, làng kéo cổ dài ở đâu. Tôi lăn lộn xứ Thái nhiều, nơi có khá nhiều người cổ dài rồi mà cũng cứ tò mò, chứ chẳng cứ gì người phương Tây. Bởi người Kayan ở Thái Lan chỉ là dân tị nạn, chứ quê hương thật sự của người cổ dài là ở Bang Shan, Myanmar này.

Đi qua những vùng dân cư sầm uất, chúng tôi leo dần lên các đỉnh núi cao, rồi vượt qua các cánh rừng rộng, qua cả những sân golf có tên là “Hoàng gia…”. Phía sau sự lộng lẫy phố thị là nơi sinh sống của bộ tộc Kayan. Một quả đồi hiện ra, những dòng chữ Myanmar chúng tôi không đọc được, nhưng đã thấy hình ảnh những cô gái trẻ với cái cổ lóng lánh vàng, “cổ cao ba… mươi mấy ngấn” thật kỳ dị. Cảm giác hiếu kỳ qua nhanh, có thể tôi hơi vô lý, nhưng đúng là rất thương cảm.

Họ sống ra sao, họ nghển cổ mãi thế kia ư, rồi tắm rửa, ngủ nghê, ăn uống, đi xe máy, lái ô tô thế nào? Tôi đã ý nhị xin chụp chung, rồi đã sờ thử vào vòm cổ lanh canh những sắt của một bà cụ. Tôi đo thử chiều dài, dễ phải đến mấy chục xăng ti mét! Chị em người Kayan, có người cổ dài tới 40cm hoặc hơn nữa. Những vòng đồng lạnh toát, to như ngón tay cái (có cái nặng 2kg(!)). Tổng số vòng, có người đã kỳ công cân được 16kg. Thứ kim loại lạnh lùng kia cứ găng cổ chị em ra, găng từ lúc là bé gái 5 tuổi, đến bao giờ thành bà cụ và tạ thế thì mới thôi. Có người được đeo vòng tới 40 lần trong đời.

Một bà cụ ngồi dệt thổ cẩm, cổ bà cứng đơ, chân tay lờ đờ với biết bao vòng vèo nặng trĩu. Cổ bà vươn mãi lên, cái đầu trở nên nhỏ xíu khi cái cổ quá dài. Tài liệu từ khảo sát công phu của một tổ chức quốc tế cho biết, có khi, các vòng cổ nặng trĩu kia còn làm chị em phụ nữ bị sụp, sụn, chệch xương cổ, chèn lấn xương quai xanh, trùm đến tận nửa cái cằm.

Kể từ lúc 5 tuổi “được” (bị?) đeo cái vòng đầu tiên nặng 0,5kg, rồi người ta cứ bổ sung vòng 5 năm một lần, cổ chị em cứ thế giãn dần ra, nó bị cưỡng bức phải dài ra. Song, đó là góc nhìn của những người… ngoài cuộc, chứ bà cụ Phawar That vừa dệt cửi vừa bảo khách (qua phiên dịch): “Người đàn bà không có thật nhiều vòng đeo để cái cổ dài, trông thật xấu xí và khổ sở. Có lần bà đã tháo tất cả mấy chục cái kiềng vòng xếp kín cái cổ của bà ra, bà soi gương và thấy mình xấu xí muốn… chết. Cái cổ mà không có vòng thì không phải là cái cổ người đàn bà đẹp nữa rồi”.

Ngồi trước các bà cụ Kayan, chụp ảnh và vui chơi với các cô gái Kayan ở Myanmar, quả thật là họ rất hồn hậu, sáng trong. Có thể, vài người trong số đó đeo vòng cổ là vì lời dặn của tổ tiên từ trong huyền thoại: bộ tộc Kayan ở giữa rừng sâu, vì sợ thú dữ ăn thịt, vì con hổ hay cắn cổ người để sát hại làm thức ăn, nên họ phải đeo thật nhiều vòng cổ cho hoang thú nó sợ. Nó có cắn thì vòng đồng to lớn và xếp dày xin xít kia cũng sẽ như tấm áo giáp bảo vệ những người yếu đuối nhất (phụ nữ). Thuyết khác lại nói: người Kayan tin rằng tổ tiên của họ là con rồng tuyệt đẹp và rất thiêng. Họ phải hóa trang họ cho giống tổ tiên để bày tỏ lòng yêu kính, tri ân. Họ bọc nơi trọng yếu nhất (yết hầu, cổ) của tài sản quý báu nhất trong bộ tộc (người phụ nữ) thật kín, thật lớp lang, vằn vện, gờ rãnh… cho nó giống cái cổ rồng. Dần dà, mỗi người phụ nữ, họ luôn coi việc có thật nhiều vòng đeo cổ, đeo tay, đeo chân, vòng kéo cho cái cổ càng cao, càng dài thì càng chứng tỏ mình quyền quý, giàu sang, được yêu mến và có uy tín lớn trong cộng đồng người Kayan theo chế độ mẫu hệ.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy