Tín ngưỡng tâm linh trong truyện ngắn của Y Ban
(Qua tập Trên đỉnh giời - Nxb. Phụ nữ Việt Nam, 2024)
Chất liệu văn hóa dân gian, yếu tố tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo, Đạo giáo, đạo Mẫu (tam giáo đồng nguyên) đậm đặc trong các truyện ngắn của Y Ban. Khai thác yếu tố tín ngưỡng tâm linh cũng là cách để tăng tính hấp dẫn của truyện. Bởi lẽ nó chạm đến vùng văn hóa tinh thần nhu yếu của nhân loại, giúp chúng ta sống hướng thiện và nhân văn hơn. Và hơn ai hết, Y Ban hiểu rằng tâm linh như là thuốc phiện đối với đời sống tinh thần con người, nếu dùng đúng liều lượng thì sẽ là thuốc quý mà dùng quá liều sẽ trở thành độc dược. Thế nên, chị đã cao tay khi sử dụng những chất liệu đó như là chất xúc tác, truyền dẫn, chúng vừa là chất liệu nội dung nhưng cũng vừa là thủ pháp nghệ thuật. Nó góp phần “tạo cớ” hợp lí để giúp nhà văn triển khai tình huống truyện, phản ánh nhiều vấn đề của hiện thực đời sống (thời chiến tranh, thời bao cấp, thời kinh tế thị trường); báo động sự xuống cấp của đạo đức lối sống, vén mở bức màn nhân tình thế thái, tạo điều kiện cho nhân vật bộc lộ hành động, suy nghĩ qua những đoạn đối thoại sinh động hoặc độc thoại nội tâm sâu sắc. Để từ đó, người đọc nhận ra hàm ý, thông điệp của tác phẩm. Y Ban đã cung cấp vốn tri thức về văn hóa tâm linh của người Việt một cách rất tự nhiên, găm thẳng vào trí nhớ người đọc.
1. Tác phẩm có đủ cả những chuyện liên quan đến tín ngưỡng của đạo Phật như “quả báo” theo triết lí nhân quả, chuyện tái sinh đầu thai, lễ cầu siêu cho những linh hồn không thể siêu thoát (kể cả chó mèo); rồi những biểu tượng Phật giáo như: cầu Nại Hà, canh Mạnh Bà, địa ngục, quỷ hai đầu, bùa … và cả sự nhìn nhận đánh giá ngầm về sư sãi thời kinh tế thị trường…
Truyện “Sự nhầm lẫn bò cái” phản ánh sâu sắc luật nhân quả. Nhân vật hắn đã bị hai con quỷ hai đầu (dưới địa ngục của Diêm vương) nhầm lẫn là một con bò cái nên đã gắn máy vắt sữa tự động kẹp vào dương vật của hắn để hút sữa trong ba giờ. Tất cả ruột gan phèo phổi của hắn bị nghiền nát cùng máu huyết chảy ra cái xô đựng sữa. Hắn đã chết khi không kịp đi qua cầu Nại Hà, uống canh Mạnh Bà nên hắn vẫn nhớ. Hắn bị trừng phạt vì tội dâm loạn, ngủ với người tình rồi cả con của người tình, thậm chí ngủ với em dâu của vợ, hắt hủi vợ con. Quan niệm quả báo nhãn tiền cũng được đề cập trong nhiều truyện khác nữa…
Lễ cầu siêu cũng là một nghi thức của đạo Phật. Truyện “Biệt đội Thiên Lý” có nói đến lễ cầu siêu cho những linh hồn vì phải mang những bí mật xuống mồ nên chưa siêu thoát. Bí mật ấy nằm trong những bức thư của tiểu đội nữ phải làm nhiệm vụ đặc biệt gửi cho cấp trên của mình. Họ phải núp dưới thân phận những gái bán hoa cho binh lính Pháp để tiếp cận và tìm cách giết họ trong khi đang ân ái. Trớ trêu thay có cô lại yêu “kẻ thù của dân tộc” khi người ấy hiện lên với dáng vẻ của một bác sĩ đẹp trai, lịch lãm, ga lăng và quan trọng là anh ta lại nâng niu trân trọng tấm thân của cô ấy bằng một tình yêu chân thành, tử tế. Chi tiết này cũng cho thấy nhà văn đã nhìn nhận chiến tranh một cách khách quan ở cả những góc khuất lấp.
Truyện “Lễ đặt tên cho các linh hồn” cũng tái hiện cực kì sinh động nghi lễ sám hối cầu siêu để giải oan nghiệp cho các chư linh hồn uổng tử. Y Ban cảm thông với nỗi khổ của người phụ nữ Việt khi những đứa con của họ không được làm người. Có biết bao lí do khách quan và chủ quan để những đứa trẻ đó bị tước mất quyền sống: do thời bao cấp đói nghèo, chính sách sinh đẻ kế hoạch, mẹ đang chờ vào biên chế, mẹ phải vác bao gạo nặng quá sức mà bị sảy thai và do cả cách sống đầy bản năng của cả bố lẫn mẹ chúng… Nhà văn Y Ban thường cúi xuống với những phận đàn bà vất vả, bươn chải, trụ cột, éo le. Khi lo lắng, họ thường tìm đến với tâm linh như một liệu pháp tinh thần. Khi u mê hoặc gặp những vấn đề không thể giải quyết được, họ lại đi bói toán và những kẻ buôn thần bán thánh lại có cơ hội để làm tiền.
Niềm tin Phật giáo và bóng dáng nhà sư xuất hiện nhiều trong tác phẩm của Y Ban. Nếu ai quan tâm đến đạo Phật sẽ thấy nhiều điều rất đáng suy ngẫm. Trong suy nghĩ của chị, chùa vẫn là chốn thiêng trong tâm thức người Việt. Khi buồn khổ, người dân thường đến chùa để thân tâm an lạc. Nhân vật “tôi” dù đang tức tối vì món nợ khó đòi nhưng khi đứng trước cửa thiền, thì: “Tôi niệm Nam Mô A Di Đà Phật rồi vái ba vái. Lòng tôi thanh thản không gợi chút vướng bận gì”. Nhà văn hiểu sâu sắc về ba thứ tam độc đày đọa chúng sinh nên đã để cho nhân vật “tôi” độc thoại nội tâm về cái sự tham như sau: “Phận đàn bà mười hai bến nước, thời nay còn một bến thứ mười ba là bến tham, chị tham em tham, chúng ta tham, tham chi cho lại với giời…”. Cái tham ấy đã khiến cho hai người đàn bà trong truyện: “Ngọc ơi, đã giàu chưa?” đều lâm vào cảnh ngộ trớ trêu: “Dì phải thằng chết trôi, tôi phải đôi sấu sành”.
Y Ban cũng đã dành những lời ngợi ca sư cụ ở làng Cò yên ả, thanh bình của cái thời chưa nhuốm vị kim tiền: “Sư cụ là người hay được nghe sự giãi bày của dân làng. Khi có vụ gì bức xúc quá, sư cụ bảo người đó ra chùa thắp hương cho tĩnh tâm lại, rồi sư cụ phân tích điều hơn lẽ thiệt. Hàng năm, mỗi khi ra giêng cấy cày xong, sư cụ làm cái lễ cầu an cho dân làng rất to ở chùa. Ngày hôm ấy như một ngày hội của dân làng Cò” (“Làng Cò”). Trong kí ức, nhân vật “tôi” (trong “Biệt đội Thiên Lý”) vẫn luôn “nghĩ về một ngôi chùa rêu phong cổ kính ở bên sông. Ngôi chùa rất vắng, mặc cho cái bến đò Nhân Hậu kia tấp nập người qua lại”.
Nhà sư là người gìn giữ không gian thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân. Tuy nhiên, nhân vật nhà sư thời kinh tế thị trường trong tập truyện “Trên đỉnh giời” của Y Ban cũng được đánh giá ở những góc nhìn khác nhau: lúc đáng trọng, lúc băn khoăn, nghi ngờ, lúc tỏ ra mất niềm tin... Chẳng hạn, chi tiết thằng bé con (“đầu thai vào ngay dạ một bà nhà văn” có khả năng nói chuyện với ma) đã nói với một vị sư như sau: “Thầy ơi, thầy tu chùa Người hay thầy tu chùa Phật vậy? Mà thì ai làm ra Phật vậy thầy? Con người, thần thánh hay vũ trụ? Thầy giải thích hộ tôi, rồi tôi tin thầy”. Cũng vậy, truyện ngắn “Con yêu tinh” đã phản ánh giai đoạn làng lên phố, kinh tế thị trường đã phá nát văn hóa, cuộc sống yên lành của một ngôi làng. Và trong vòng xoáy đó, chùa làng cũng biến tướng: “Sư thầy xây thêm nhà, đúc thêm tượng. Các hoạt động tín ngưỡng được mở rộng. Có cả hầu đồng”; “Dân làng nô nức kéo nhau đến xem, từ xưa đến nay mới chỉ nghe thấy chứ đâu đã được chiêm ngưỡng. Sư thầy múa đẹp quá”.
Đoạn văn miêu tả ấy cho thấy việc nhà sư tham gia hầu đồng là một sự lệch lạc, không đúng với giáo lí nhà Phật. Tất nhiên, nguyên nhân Phật giáo suy đồi còn do lỗi của một số Phật tử: họ đến chùa “không phải vì động cơ tu học mà chỉ vì lòng tham, tin vào sự cầu cúng có thể mang lại cho mình được nhiều phước lộc”. Nhà sư trong truyện ngắn “Ngọc ơi, đã giàu chưa?” thì sốt sắng giúp nhân vật tôi bốc bát hương nhà mới (dù chưa xây) rồi: “Xong việc, thầy thì thầm vào tai tôi, hết tất cả mười triệu”, “Tôi nghĩ rất nhanh, thế cũng phải, thầy nuôi một lũ trẻ con ăn học nên cũng cần tiền”. Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ tới bài viết “Lời cảnh báo về nguy cơ tự suy vong của đạo Phật”(1) có nói một ý rằng: vẫn còn một số nơi lợi dụng công tác từ thiện của bá tánh để mượn đạo tạo đời. Tôi cũng đặc biệt lưu tâm đến chi tiết trong truyện “Con yêu tinh”: khi thầy phù thủy được mời đến soi đất, để biết vì sao đất làng dữ, người dân toàn gặp tai ương. Có gia đình đã nhờ nhà sư cúng nửa buổi, đốt cả hình nhân thế mạng, sư cũng nhờ cả âm binh giúp (!) mà vẫn không giải được hạn. Thầy phù thủy sau khi “soi” (biết nhà sư chiếm dụng khoảng đất công để mở rộng chùa), đã phán: “Con yêu tinh này không phải dạng vừa đâu, nó ưa ai thì nó mang lộc mang tài đến cho nhà đấy. Sư làng chị còn tham sân si thế, đã đắc đạo đâu, nên nó nhờn…”
2. Tam giáo đồng nguyên đã ổn định trong tâm thức dân gian Việt Nam từ thời Lý - Trần. Do đó, bên cạnh đạo Phật thì tín ngưỡng tâm linh của Đạo giáo, đạo Mẫu cũng được phản ánh phong phú trong các tác phẩm của Y Ban. Chị thường đưa vào truyện những hình ảnh liên quan đến ông đồng bà cốt, điện thờ cô Chín và các thứ lễ như: lễ trục vong, giam trùng, lễ cắt dây tiền duyên, lễ đội bát nhang; liên quan đến thầy phù thủy có năng lực điều khiển âm binh; tục thờ thần cây theo quan niệm vạn vật hữu linh, tục cầu con, tục kiêng gặp gái, kiêng cắt dây cho người treo cổ tự tử, tục thờ cúng tổ tiên, thề nguyền trước bàn thờ cũng được tái hiện sinh động. Ngoài ra, tâm thức dân gian còn tin vào sự tồn tại của ma, quỷ, yêu tinh cũng như tin vào sự tốt xấu của số 3, số 7 và số 8… Những yếu tố này góp phần làm nổi bật bức tranh tín ngưỡng đa dạng và sâu sắc trong truyện ngắn của Y Ban.
Thờ cúng tổ tiên là phong tục thiêng liêng ngàn đời của người Việt, được coi như một chuẩn mực đạo đức của đạo ông bà. Thế nên khi ông Biên tháo dỡ bài vị bát hương định mang đi trôi sông để cải sang đạo Chúa trời thì bà vợ cầm dao đứng chắn đầu xe: “Ông bê ngay bài vị bát hương vào nhà, bê ngay bỏ vào nhà cho tôi, không thì tôi chém chết. Đừng thách tôi giết người”.
Quan niệm của người Việt: cất lời thề trước không gian thiêng là đã được thần linh chứng giám, nếu làm sai lời sẽ bị nghiệp báo. Truyện “Có thể có, có thể không” đã minh chứng cho niềm tin ấy: cô vợ của Quý dỗi chồng, bỏ hai con ở nhà trọ đi chơi qua đêm, rồi thề với chồng là không trai trên gái dưới gì. Nhưng, khi Quý yêu cầu thề trước bàn thờ gia tiên thì cô ta lại không dám. Chính vì thế, người chồng đã treo cổ tự tử vì thất vọng. Dân gian cũng kiêng cắt sợi dây oan nghiệt ấy (mà phải đốt đi) vì nếu làm thế thì người cắt sẽ “bị dớp” và 7 năm sau cũng sẽ tự tử đúng vị trí đó. Xuất phát từ quan niệm dân gian này, Y Ban đã để nhân vật Quý tự tử bởi 7 năm trước anh ta đã cắt sợi dây thắt cổ cho người hàng xóm và bây giờ đến lượt người chị dâu cũng đang lo lắng “cái dớp” sẽ đến với mình sau 7 năm nữa. Số 7 không lành và số 3 cũng xấu nên Y Ban đã cho các nhân vật lúc thì bị chết trên chiếu bạc vì đánh bạc suốt ba ngày ba đêm không nghỉ, lúc thì cho nhân vật phạm tội hiếp dâm (bị vong oán) nên làm ăn thất bại tới ba lần…
Số 8 là con số phát tài, may mắn trong quan niệm dân gian của người Việt cũng được Y Ban đưa vào truyện “Ngọc ơi, đã giàu chưa”. Nhưng nó chỉ là cái cớ để tác giả nói về nhân tình thế thái trong thời buổi kim tiền. Số 8 trở thành con số phản chủ khiến cho nhân vật “tôi” sợ nhất con số 8: thằng con trai đang học lớp tám, đầu tháng tám ông bố cho đi du học, đi chưa đầy tháng thì bố đột tử ở tuổi 49 âm. Gia đình bị người ta đòi nợ, còn nợ của ông ấy thì người ta ỉm đi không trả. Nhân vật “tôi” thì cho Ngọc vay tám trăm triệu không đòi được, một người bạn cũng cho cô ta vay 16 năm (8 + 8) từ năm 2008 cũng thành nợ khó đòi. Còn bản thân Ngọc thì cũng bị lừa: “khi thị trường viên gỗ nén đang sôi sục. Ngọc gom hai nghìn công ten nơ của tám công ty. Do tin tưởng nhau nên không kiểm tra” hóa ra bên trong là hàng rởm: “một phần ba là viên gỗ nén, hai phần ba là gạch đá bê tông” và tất nhiên: “hai nghìn công ten nơ quay về cảng”.
Quan niệm vạn vật hữu linh, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” xuất hiện qua chi tiết: “Từ ngày dưới gốc bàng có cái bàn thờ, bà bán xôi không hái lá bàng non nữa”. Người Việt ai cũng biết: cây được thờ là cây thiêng, khu vực nào có cây ấy sinh sống sẽ được thần cây bảo hộ. Nếu làm hại cây sẽ chịu những thảm họa (ngay cả những dự án lớn mở đường của nhà nước cũng còn phải né các “cụ” cây). Vì lẽ đó mà nhân vật “tôi” trong truyện “Con yêu tinh” đã không biểu quyết chặt cây dù rằng tại buổi họp tổ dân phố, ai cũng đồng ý chặt. Hậu quả là, con yêu tinh không còn nơi trú ngụ đã hoành hành khiến dân làng sinh ra đủ thứ tệ nạn: cờ bạc lô đề, ma túy, tù tội, ngoại tình, con hư... Qua tín ngưỡng này, Y Ban đã gián tiếp đề cập tới một vấn đề nóng: sự tác động tiêu cực đến văn hóa của cơn lốc đô thị hóa nông thôn.
Và ở một vài truyện khác, nhà văn cũng đã cảnh báo: khi nào con người không còn đức tin tâm linh, không còn tôn trọng thánh, thần, Phật, Chúa thì sẽ đến thời kì mạt pháp, đạo đức con người sẽ sa sút nghiêm trọng. Thật đáng sợ, kẻ thì dám đái vào cả vào gốc cây có bát hương thờ (truyện “Con yêu tinh”), người thì dám quỵt cả tiền nhà chùa vì đã không biết sợ lời răn trong quan niệm dân gian: “Của Bụt mất một đền mười” (truyện “Ngọc ơi, sắp giàu chưa”)…
Cũng cần nói thêm rằng: ngoài khai thác yếu tố tâm linh tín ngưỡng, Y Ban còn khai thác yếu tố thư từ, hình thức trắc nghiệm qua email… như những phương tiện nghệ thuật độc đáo. Chẳng hạn: Thư tuyệt mệnh của Quý viết cho Phú, Thư của Trâm gửi từ châu Âu về cho chồng và thư trả lời của Quý cho vợ trong “Có thể có, có thể không”. Thư của những nữ anh hùng gửi cho Cao - cấp trên của họ trong “Biệt đội Thiên Lý” (những bí mật trong suy nghĩ của các nữ anh hùng được phơi mở). Thư của nhân vật Tha gửi cho em trai sau vụ kiện cáo chia nhà trong “Cái lí của anh cả”. Thư gửi mẹ của nhân vật Ch. trong “Ráng chiều đỏ. Thư đòi nợ của nhân vật tôi với nhân vật Ngọc và thư phản hồi của Ngọc trong truyện ngắn: “Ngọc ơi, đã giàu chưa?” Hoặc là những trắc nghiệm đạo đức qua email trong “Lễ đặt tên cho các linh hồn”,… thủ pháp này có lẽ là thế mạnh được tiếp nối từ truyện ngắn: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ (được giải Nhất cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1990) của chị.
Ngoài ra, đặc điểm giọng điệu của văn chương Y Ban là ngôn ngữ đối thoại có tiết tấu nhanh, thường lược bỏ chủ ngữ, ít lời dẫn truyện và nhiều đoạn độc thoại nội tâm dưới dạng lời tự vấn sâu sắc.
Đặc biệt, yếu tố tâm linh mang căn tính dân tộc và những vấn đề xã hội gai góc đã góp phần làm cho văn chương của chị có vị đậm đà, chân thực mà không nhạt nhẽo, sến súa. Tất cả đã làm nên phong cách tác giả mang thương hiệu Y Ban. Tôi nghĩ, muốn đưa văn chương ra khỏi biên giới thì chỉ những gì là đặc trưng độc đáo của quốc gia mình mới được người nước ngoài háo hức đón đợi.
------
(1): Bài viết “Lời cảnh báo về nguy cơ tự suy vong của đạo Phật đăng trên báo điện tử phatgiaovadoanhnhan.vn (ngày24/6/2024).
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...