Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:52 (GMT +7)

Tìm nhau

VNTN - Lúc nàng đến, Dương đã ngồi chờ sẵn ở ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Dáng ngồi bất động như một pho tượng, chỉ áo và tóc vẫn bay theo chiều gió. Nàng giật mình với ý nghĩ Dương vẫn ngồi đây như thế từ Chủ nhật tuần trước và đợi nàng cho đến Chủ nhật tuần này. Sự cũ kỹ, hao mòn như tạc trên cái dáng ngồi kia. Nàng dừng lại phía sau, hít thở thật sâu. Trong khoảnh khắc ấy nàng nhận ra mái tóc dài của Dương đã mỏng và xơ đi rất nhiều. Nàng thở hắt ra, rất nhẹ. Rồi len lén đưa hai cánh tay ra sau quấn nhanh mớ tóc dày mượt của mình lên sau gáy trước khi vòng ra phía trước mặt Dương. Từ cửa sổ phòng làm việc, Cao nhìn xuống và không bỏ sót bất cứ cử chỉ nào của nàng.

***

Nàng thường buồn u uẩn vào những ngày có kinh nguyệt. Nước không rửa sạch được nỗi buồn. Màu đỏ nhức nhối, nôn nao khiến nàng chìm sâu vào ý nghĩ thế giới này là một màu đỏ cô độc. Màu đỏ là hồi sinh, màu đỏ cũng là chết chóc. Bao nhiêu ý tưởng vĩ đại đều được gợi hứng từ màu đỏ, màu của máu. Nhưng cái màu đỏ ấy, với nàng là một nỗi buồn khôn khuây. Như thể từ nơi thăm thẳm nhất, nơi bản nguyên sâu kín nhất của nàng nỗi buồn ấy đã ngự trị. Mà ai biết nơi đó là nơi nào. Có thể là từ khi mẹ nàng thai nghén, rồi sinh nở ra nàng, nỗi buồn ấy đã được hình thành từ một giọt máu rơi lạc. Nàng luôn có ý nghĩ mình là giọt máu rơi lạc khi biết được người mẹ vì lầm lỡ mà sinh ra nàng. Nàng không có cha. Cũng có thể nỗi buồn ấy được nhen nhóm từ tận đáy sâu nơi mà nàng bẽ bàng nhận ra mình là giống cái.

 

Cao xuất hiện lúc nàng lả đi ngay trước cửa nhà vệ sinh công cộng. Máu ra đỏ hai bên đùi. Làn da trắng ngần nhuốm máu đỏ gợi lên trong trí nghĩ của một vài người có mặt lúc đó về chuyện đàn bà. Trước khi lịm đi nàng thấy mẹ đang quẫy đạp trên nền nhà đầy máu. Mắt nàng hoa dần khi giữa vũng máu mẹ nàng đã mềm đi. Hơi thở mẹ vừa ngưng khi có tiếng khóc thét nói cho cuộc đời biết sự có mặt của nàng. Cao bế xốc nàng lên, máu nhỏ giọt trên mũi giày, máu thấm ướt một bên tay áo. Anh chạy như bay ra đường nơi chiếc taxi vừa dừng, bỏ lại Dương với khuôn mặt tái mét, xanh xao trong công viên đầy gió.

Nàng tỉnh dậy sau giấc mơ màu đỏ. Lần thứ hai nàng gặp mẹ.

Lần đầu là năm nàng mười bốn tuổi. Trong một đêm mùa thu nàng thấy máu và trở thành thiếu nữ. Nàng sợ. Bố mẹ nuôi đi du lịch, chỉ có nàng và gã con trai của bố mẹ nuôi ở nhà. Mà gã thì luôn tìm cách để gây gổ với nàng, nỗi sợ của nàng sẽ khiến gã đắc chí nếu như biết được. Nàng lao vào nhà vệ sinh xả nước và ôm ngực khóc. Cảm giác nhưng nhức nơi ngực áo càng khiến nàng bứt rứt. Chẳng rõ nàng ngồi khóc bao lâu, cho đến khi gã đẩy cửa nhà vệ sinh và hoảng hốt thấy nàng ngồi lẫn với máu và nước, váy áo ướt nhẹp bao bọc thân hình đang run lên. Gã nhìn nàng trân trối hồi lâu rồi lúng búng quay đi. Lát sau gã quay lại đưa nàng gói băng vệ sinh và nói gì đó mà nàng không nghe rõ. Có lẽ đó là cách làm hợp lí của một gã con trai hai tư tuổi với một đứa em gái nuôi ở tuổi vị thành niên. Trong khoảnh khắc ấy, bản năng của người phụ nữ chợt thức và nàng nhận ra mình rồi cũng phải lớn. Đêm ấy, trong mê man nỗi buồn, nỗi sợ nàng gặp mẹ. Mẹ cúi xuống âu yếm vuốt ve nàng:

- Con gái mẹ đã lớn thật rồi.

- Mẹ! Con sợ…

- Đừng sợ, con đã được sinh ra từ máu.

- Nhưng mẹ cũng chết đi vì máu.

Mẹ nàng lặng đi, mái tóc dài lãng đãng khiến nàng không nhìn rõ khuôn mặt. Đám mây màu đỏ ở đâu kéo đến làm mờ tất cả. Nàng thấy ngộp thở, gọi mẹ không thành câu. Khi đám mây qua đi mẹ nàng loãng tan từ lúc nào. Nàng cảm thấy nỗi buồn như nhỏ thành giọt trong cơ thể mình. Nàng ú ớ mở mắt. Gã đang cúi sát trên người nàng. Bàn tay bỏng rẫy trên ngực nàng đau nhức. Ánh đèn nê ông hắt ra những chùm buồn.

***

Nàng vẫn đều đặn vào bệnh viện thăm Dương mỗi Chủ nhật. Dương đang dần tiều tụy theo thời gian, mái tóc mỏng dần như cây liễu mùa thu đang độ phai tàn, không gì có thể níu giữ những chiếc lá ở lại trên cây. Chỉ những câu chuyện về Cao thì Dương vẫn kể không bao giờ dứt. Như thể, Cao là quá khứ, hiện tại, tương lai duy nhất của Dương.

- Cao dạo này bận bịu lắm, ít đến với Dương hơn. Bác sĩ mà, ngày nào cũng có thêm bệnh nhân mới. Mà bệnh nhân cũ như Dương thì cứ chật thêm. Mà Phương biết không, lần Phương ngất xỉu trong công viên là lần đầu tiên Cao đưa Dương đi chơi đấy. Tuy cuộc đi chơi không trọn vẹn nhưng chúng tôi lại có thêm Phương làm bạn.

Nàng ngồi im chăm chú nhìn Dương. Cao từng nói với nàng, những câu chuyện sẽ kéo dài cuộc sống của Dương. Nàng nghĩ, liệu có một ngày nào đó Dương sẽ ra đi với câu chuyện về Cao còn đang kể dở trên môi. Và Dương có biết được cái chết đang rất gần cô ấy. Nàng lại nghĩ đến mẹ. Có khi nào Dương sẽ gặp mẹ nàng ở bên kia, nàng có nên nhắn gửi gì đó để Dương đi tìm mẹ giúp nàng. Những ý nghĩ khiến nàng lẫn lộn không phân biệt được Dương đang ở bên cạnh nàng hay Dương đã sắp sửa bắt đầu cuộc hành trình sang bên kia.

- Phương, có gặp Cao không? Cao nói Phương cần phải uống thuốc đấy, nếu không sẽ dễ bị mất máu nhiều vào ngày đó như lần trước.

- Ừ, Phương vẫn uống đều. Cao luôn bận bịu mà, Phương ít gặp.

Nàng thấy mặt mình như nóng dần lên vì lời nói dối. Cao vẫn thường đứng trước giàn hoa giấy đỏ dưới cửa sổ phòng nàng mỗi tối đó thôi. Lặng im và trầm mặc như thể Cao đã thuộc về phần nỗi buồn của nàng. Và nàng biết nỗi buồn ấy như một mặc định đã sắp đặt. Nàng không thể chạm vào nỗi buồn ấy nhưng cũng không muốn xóa bỏ đi. Đôi khi nỗi buồn tạo cho người ta một niềm khoái cảm âm thầm. Nhưng nàng cũng biết, không có nỗi cô đơn nào hơn giây phút Cao lặng lẽ quay đi dưới giàn hoa giấy đỏ. Đó là khi ánh đèn phòng nàng không còn hắt ra khung cửa sổ khép hờ. Cao đi rồi, giàn hoa giấy đỏ chơ vơ buồn dưới ánh đèn cao áp. Nàng nôn nao nhớ lại năm nàng mười bốn tuổi. Đêm mùa thu ấy nỗi buồn nhỏ giọt trong cơ thể nàng. Màu đỏ, ánh đèn nê ông, và gã.

***

- Con không ở lại với bố mẹ và anh được sao? - Mẹ nuôi ngân ngấn nước mắt hỏi nàng trong ngày nàng tốt nghiệp đại học.

- Mẹ! Con đã lớn rồi, con không thể ở với bố mẹ mãi. Ơn nuôi dưỡng của bố mẹ con xin ghi tạc.

- Con sẽ thường xuyên về thăm bố mẹ chứ? - Bố nuôi không giấu sự nuối tiếc trước quyết định của nàng.

- Chắc chắn rồi, thưa bố. Con sẽ thường xuyên về nhà. Con đi làm trong thành phố thôi mà.

Không khí như chùng xuống, mọi người đều im lặng nhưng nàng nghe ra trong niềm im lặng ấy là muôn vàn thanh âm xáo trộn.

- Chúng ta xin lỗi con vì đã không mang lại cho con một gia đình đúng nghĩa như lời hứa ngày đưa con ở cô nhi về. - Mẹ nuôi nàng nấc lên như thể còn điều gì ẩn khuất sau câu nói ấy và những giọt nước mắt. Nàng, với sự lì lợm của đứa trẻ mồ côi từ lâu đã nhận ra mình sẽ không bao giờ có một gia đình đúng nghĩa thực thụ. Nhưng tuổi 23 dạy cho nàng biết che giấu, biết dằn lòng và biết đứng vững.

- Mẹ! Nơi này là gia đình con. Con sẽ luôn nhớ điều này.

Nàng quỳ xuống, ngả đầu vào lòng mẹ nuôi, đôi mắt nhắm chặt để ngăn những dòng nước mắt hờn tủi và đó là phút giây duy nhất nàng thử tưởng tượng mình đang gục vào lòng mẹ. Nhưng nó vụt tan ngay bởi giọng nói lạnh lùng của gã:

- Chuyện gì vậy? - Gã vừa đi đâu đó về, và hẳn gã chưa được biết về quyết định của nàng. Nàng nhìn gã, từ lâu lắm rồi nàng đã không nhìn thẳng vào mắt gã, nhưng nàng vẫn biết gã luôn nhìn thẳng vào mắt nàng, bởi mỗi lần như thế nàng cảm nhận được khuôn mặt mình nóng ran lên. Có điều gì đó thật bối rối nếu xem gã như anh trai. Và nàng hiểu, gã cũng chưa từng xem nàng như em gái. May cho nàng là những năm tháng qua gã ít ở nhà nên nàng ít khi phải chạm mặt. Sự bất cần của gã càng khiến bố mẹ nuôi khao khát nàng trở thành con gái thực sự.

- Em gái con từ nay sẽ dọn ra ngoài ở. - Mẹ nuôi nàng gạt nước mắt nói. Trên khuôn mặt gã thoáng qua một nét hụt hẫng, có lẽ là vậy, vào chính giây phút nàng nhìn thẳng vào gã. Kể từ đêm mùa thu nàng trở thành thiếu nữ, trong mê man buồn thẳm của nàng, gã đã ở bên, lo âu và hoang hoải.

- Nhà này không đủ rộng sao? - Gã hỏi lại, như thể câu hỏi dành cho nàng. Ánh mắt gã bỏng rát xoáy thẳng vào nàng, giống như một sự gây gổ sau bao năm cả hai đã né tránh. Và nàng không muốn hay nói đúng hơn là nàng đã không còn là đứa trẻ để đối đáp lại sự gây gổ ấy một cách nhiệt tình hào hứng. Nàng quay đi, vừa như lảng tránh, vừa như đó là một câu trả lời.

- Em con muốn tự lập, nhưng nó sẽ vẫn thường xuyên ghé về nhà. Còn con đấy, hơn ba mươi tuổi đầu, cứ như kẻ du thủ du thực. - Bố nuôi nàng bắt đầu những lời nói tuyệt vọng về đứa con trai duy nhất mỗi lần gã trở về sau những ngày bặt tăm.

Gã đi thẳng về phòng. Tiếng cửa đóng sập như một lời đáp của gã về ước vọng một người con trai chỉn chu, đàng hoàng, thấu đáo của bố mẹ gã. Sau cánh cửa ấy là sự lạc lõng, trống vắng của gã khi gã hiểu từ nay cứ không phải trở về là gã sẽ được thấy nàng. Gã là người duy nhất đã chứng kiến nàng lớn lên, trở thành thiếu nữ như thế nào. Đó có phải là một trách nhiệm không mà gã luôn thấy nặng nề và ám ảnh mỗi khi nghĩ đến điều đó. Tại sao không phải là một ai khác, để rồi gã cứ phải luôn nghĩ đến nàng? ***

Nàng thường nghỉ làm vào những ngày thấy máu. Nỗi day dứt bản thể kéo nàng vào những cơn mê man bất định. Như một chuyến tàu phải mang quá nhiều câu chuyện số phận và nó phân rã bởi những hành trình ngắt quãng đến và đi. Con tàu vốn không phải sinh ra để đi thẳng từ đầu đến cuối chặng hành trình của nó mà là để mang theo những vui buồn của những cuộc đời khác. Không có ai nói cho nàng biết nàng đến từ đâu để những lúc này nàng có thể vin vào cội rễ, để những mê man của nàng có căn cớ mà hồi tỉnh. Hồ sơ ở cô nhi viện chỉ viết vài dòng ngắn ngủi, nguệch ngoạc về sự xuất hiện của nàng. Cũng chỉ là lý do nàng được người ta mang tới đó. Ở dòng họ tên cha mẹ người ta không để trống mà điền vào đó chữ “chưa rõ”. Giá như họ để trống để có chỗ cho nàng hình dung.

Nàng mang tên Phương từ ngày ở cô nhi viện. Cũng không rõ ai là người đặt cho nàng cái tên gợi nhiều niềm nỗi. Nàng từng tự hỏi liệu những người phụ trách ở đó có nghĩ ra đủ số tên cho những đứa trẻ để lớn lên chúng có thể biết được mình là ai. Phải, ngoài một cái tên để nhận biết mình thì chúng cũng như nàng không biết mình là ai. Nếu mẹ còn sống thì mẹ có gọi nàng bằng cái tên này không.

Phương! - Chập chờn trong giấc ngủ mệt mỏi ai đó đã gọi nàng. Nàng cố gắng tỉnh táo lại để xem là ai mà mọi thứ xung quanh giống như một thước phim tài liệu tranh tối tranh sáng, quá khứ hiện tại cứ nhập nhằng. Nàng vừa như đang ở trong thước phim đó vừa như đang ở ngoài nhìn vào. Chỉ nhìn thôi chứ nàng không thể làm gì khác. Đến khi nàng cựa mình được và mở mắt thì máu đã ra ướt đầm tấm chăn mỏng nàng quấn chặt quanh người. Rã rời và mê mệt nàng ngồi dậy. Những viên thuốc Cao gửi đến đều đặn hàng tháng chật dần trong hộc bàn để ngỏ. Nàng với điện thoại xem giờ. Có rất nhiều cuộc gọi nhỡ và một tin nhắn. Đều là của Cao. Nàng ấn đọc tin nhắn. “Dương đi rồi”.

Dương được đưa về nghĩa trang của cô nhi viện trong thành phố. Bao lâu rồi nàng chưa trở lại nơi này. Nàng và Dương đều có tuổi thơ gắn bó với nơi đây, rồi bố mẹ nuôi đến đón nàng đi. Nàng và Dương khi gặp lại không còn nhớ được nhau ở đoạn ấu thơ. Chỉ còn bà giáo già còn nhớ nàng trong số rất nhiều đứa trẻ vì một lý do đặc biệt nào đó. Chiều ở nghĩa trang cô nhi lặng gió. Hàng liễu im lìm như mặc niệm những số phận đã dừng lại cuộc hành trình đời mình. Nhưng biết đâu ở nơi nào đó họ vẫn đang tiếp tục. Nàng nhìn ảnh Dương đang mỉm cười. Dương có ra đi với câu chuyện đang nói dở về Cao không? Dương quá trẻ, Dương có kịp nói lời yêu? Ý nghĩ ấy làm nàng buồn bã. Nàng lại nhớ đến mẹ. Mẹ còn để lại nàng trên đời, còn Dương có để lại gì không. Nàng chỉ biết Dương đã mang đi những câu chuyện về Cao. Nếu phút cuối ở cạnh Dương nàng có nhờ Dương đi tìm mẹ?

- Dương có đi tìm mẹ giùm Phương không? - Nàng thì thầm hỏi nhỏ. Cao vẫn lặng lẽ ngồi bên. Bà giáo đang làm một nghi lễ gì đó cho người vừa nằm xuống. Nhưng bà vẫn nghe được câu hỏi của Phương.

- Cô ấy không giúp được con mà là anh trai nuôi của con đã làm điều đó. - Nàng thảng thốt nhìn sang bà giáo như thể nàng vừa nghe được một câu trả lời không phải từ bà mà từ nơi nào khác. Nàng níu chặt tay Cao để không bị choáng vì máu đang ra nhiều và một cơn gió bất chợt thổi qua nghĩa trang. Bà giáo nhìn nàng đầy âu yếm và thương cảm.

Cậu ấy đã thường xuyên đến đây từ nhiều năm trước để xem hồ sơ của con và đi tìm lại mọi dấu tích trước khi con được đưa đến đây. Và có vẻ như đã có kết quả nào đó mà cậu ấy còn chưa kể với ta.

Nàng chợt nhớ lại những ngày tháng gã đi bặt tăm, thi thoảng mới trở về. Những lần gã nhìn nàng tại sao nàng lại không nhìn gã để hiểu rằng gã đã vì nàng không chỉ đơn thuần vì cái cách nàng đến với tuổi thiếu nữ đầy âu lo và bất an.

***

“Phương muốn gặp anh”. Nàng gửi tin nhắn đi và chờ đợi rất lâu trong bóng đêm mâu thuẫn, thăm thẳm. Trong lúc nàng tưởng như dòng tin nhắn ấy đã trôi lạc vào đêm thì giật bắn mình bởi tiếng chuông cửa. Ai mà khua chuông cửa giờ này. Lẽ nào người phụ nữ sống một mình ở phòng bên có chuyện gì chăng? Nàng bật đèn sáng rồi ra mở cửa. Dáng to cao choán ngay ngưỡng cửa đến mức nàng hoảng loạn, tim đập dồn dập. Là gã. Gã nhìn thẳng vào nàng đôi mắt của người đàn ông tuổi ba mươi tư chứ không còn là ánh mắt gây hấn, hoang mang của hơn mười năm về trước. Nàng sững sờ rồi ú ớ:

- Sao anh biết đây…

Nàng còn chưa dứt câu gã đã bước hẳn vào khiến nàng tháo lui. Bóng gã rất nhanh tiến sát đến bóng nàng, rồi hai chiếc bóng gần như hòa vào làm một nghiêng nghiêng trên tường.

- Tôi đã rất nhớ em. Tôi đã mang nỗi buồn của em suốt bao nhiêu năm. Em luôn muốn biết mình là ai nhưng tôi cũng không còn biết tôi là ai khi ở trước em. Nếu tôi tìm được câu trả lời em là ai thì em có thể cho tôi biết tôi là ai với em không? - Gã ôm nàng trong vòng tay rắn chắc và nói gấp gáp như thể sợ nàng sẽ tan đi vậy.

Truyện ngắn. NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 6 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 1 tuần trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước