Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:56 (GMT +7)

Tiếng vỗ tay

Xuôi theo dòng Tô Lịch khoảng năm cây số, rẽ trái về Giáp Bát, ngược Bạch Mai đến khu tập thể Kim Liên, lên được đến phòng hắn thì tôi cũng bải hoải, mồ hôi lấm tấm. Cái hộp cát tông đến hai chục ký vải thiều, vuông trùng trục khiến tôi lúng túng, ôm cũng dở, xách thì không có quai, đành vác lên vai như cửu vạn. Cửa phòng vừa mở tôi đã xả hơi như vặc vào mặt hắn: “Chẳng biết có bõ không chứ tiền tắc xi đã mất cả trăm bạc rồi đấy”.

Biết nết của nhau, hắn nhăn nhở: “Được rồi, dù quà không bõ thì tao cũng đền mày một bữa hải sản đến bõ thì thôi, mà cũng lâu rồi, định quỵt cuộc gặp mặt hàng quý đấy à…”. Đến lượt tôi đầu hàng, đã bị điểm huyệt thì còn biết cựa vào đâu nữa. Hắn nhanh tay dao rạch băng dính, mở hộp quà. Những chùm vải thiều ngon nhất vườn thím tự tay chọn hái, tươi ngon là thế mà giờ tái ngắt. Cũng bởi tại tôi có việc bận, mấy ngày chưa mang sang được. Tiếc thật, kể ra theo giá tại Hà Nội cũng chỉ đến hai ba trăm nghìn, nhưng của một đồng, công một nén, người quê gửi quà là gửi cái tình cái ngãi chứ đâu nghĩ đến thời buổi, đến thị trường đổi màu như hoa tắc kè.

Minh họa: Dương Văn Chung

Đâu ngờ thùng vải thiều đến tay người nhận phải cõng thêm khoản phụ phí gần bằng giá trị bản thân nó nữa, cũng như gửi thư tay cho người nhà ở thành phố, thay vì mươi nghìn chuyển phát nhanh qua bưu điện, có khi người đưa thư mất vài chục nghìn tiền xe ôm. Chắc thím không biết điều ấy, gửi được quà cho con cháu là sướng rồi!. Nhìn mớ vải thiều tôi bấm bụng, kiểu này bỏ thùng rác thôi, trẻ con thành phố mà, là nói con hắn, và con tôi nữa, giờ cũng tính nhà quan, khảnh lắm. Như đọc được ý nghĩ trong đầu tôi, hắn cười khì: “Không sao, để mang cho chị lao công của chung cư, cảnh bò đàn rơm mục, của không ngon nhiều con cũng hết, mà mới héo bên ngoài thôi, ngon chán”, nói rồi hắn bóc một quả, cùi hiện ra trắng như bột lọc, đút tỏm vào miệng ngon lành.

Là thím của hắn, tôi chỉ gọi theo thành quen, thành thân, rồi thành… thật. Song cả hai người đều mặc nhiên công nhận tôi từ lúc nào chả biết, không hề gợn ý bảo “bắt quàng”. Ở quê, nhà thím liền giậu nhà tôi, nhà hắn ở giữa làng, cách vài cái ao nuôi bèo hoa dâu của hợp tác xã. Chúng tôi dính nhau từ thuở cưỡi trâu đánh trận giả, cùng kịp lớn để “dây máu ăn phần”, tham gia vài trận cuối ở biên giới phía Bắc. Quãng đời quân ngũ là liều keo gắn kết có tính khẳng định cuộc đời hai đứa. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, ổn định nghề nghiệp, hắn lần lượt vẽ đường cho tôi, từ cái bằng trung học quèn, học thêm văn hóa, thi đại học liên thông, rồi xin cho vào làm ở cùng công ty hắn đang công tác. Không nói ra lời khách sáo, sợ hắn kiêu, nhưng trong thâm tâm tôi phục hắn sát đất, mang ơn hắn như… bố đẻ, không có hắn chắc giờ tôi đang cầm cày ngắm đít con trâu cũng nên.

Chúng tôi phân công nhau về quê thăm kẻo thím buồn, hắn thì đã đành, với tôi việc thăm thím cũng là số một, họ hàng là phụ. Cuộc nào cũng có quà hai chiều, tôi ăn ngủ nhà thím luôn, đến nỗi mấy người trong họ bật nói kháy “Nó có thím nuôi rồi, cần gì họ tộc nữa”. Nói vậy thôi, họ cũng chả chấp vì biết hai chúng tôi quá thân thiết. Những món quà của thím cũng chia đôi cho hai nhà, ngược lại chúng tôi cũng bảo nhau kiếm những thứ là lạ về biếu thím. Từ hộp sô cô la ngoại đến cân nho Mỹ, túi chà là Cai rô v.v. mua trong siêu thị. Lần nào thím cũng hỏi giá, chúng tôi nói bớt đi một nửa kẻo thím xót ruột, nhưng một lần thím ăn xong rồi đọc được giá của túi se ry 250 nghìn/kg, liền kêu toáng: “Chúng bay đốt tiền, quả này hơn gì quả sung ngoài bờ ao kia”. Hai cô vợ chúng tôi rủ nhau mua tặng thím chiếc áo dài nhân ngày 8/3, đã biết đều chọn gam màu gụ cho hợp tuổi tác, ấy vậy mà chỉ vì mấy bông hoa to hơi sinh động, thím bảo không dám mặc, bắt đem trả lại, lỗ cũng được, áo này mặc vào chùa ngồi với ai!.

Nghĩ cũng tồi tội, chú An chồng thím nhập ngũ từ những đợt đầu của đoàn quân Nam tiến, khi mà đường mòn Hồ Chí Minh đang như mạch nước dò theo vết nẻ hạn hán. Chú ra đi cũng thầm lặng như nhu cầu bí mật của con đường. Biền biệt gần chục năm với vài lá thư đứt nối, chú được ghé qua nhà vào một đêm trăng muộn, trong chuyến ra Bắc lấy hàng đặc chủng cho bộ đội đặc công, mờ đất lại vội đi ngay để kịp chuyến tàu quân sự. Thím cũng chẳng biết việc chú về có cần giữ bí mật không, nhưng vốn tính điềm đạm, kín đáo, thím cũng chẳng khoe ra, chả bõ lũ bạn gái chọc ghẹo tra khảo đến khổ sở, nhất là ở cái thời đàn ông hậu phương như lá mùa thu, như mì chính cánh. Hơn thế, trong tiểu đội nữ dân quân, thím là người sắc nét nổi trội, bên họ thím như nàng chim vàng anh cạnh đám gà rừng, hở lúc nào là chúng lôi thím ra làm trò chơi, tết đôi sam, cài hoa cài lá lên tóc làm cô dâu mới, thò tay vào ngực bóp vú rồi cười phá.

Ngẫm lại thím thấy đó là quãng đời đáng yêu hơn cả, không chỉ vì cái hào quang thời thế trên tờ giấy khen thành tích lao động giỏi, chiến đấu hăng, mà nó là quãng đời người con gái yêu trong đợi chờ, cay đắng xót xa đấy mà cũng ngọt ngào, thi vị đến thao thới cõi lòng đấy. Có điều thím không ngờ, mà không ai có thể học nổi chữ ngờ, chính cái sự giấu giếm chuyến ghé nhà của chú lại là cái mầm họa liền kề. Thím có thai thằng Tâm ngay cái đêm định mệnh. Tình ngay lý gian, thím không thanh minh nổi cái thai là của chú, có ai trông thấy chú về đâu, đã về sao không báo cho làng nước đến chúc mừng… Một ngàn lẻ một lý do chống lại thím. Chi bộ họp kiểm điểm, đình chỉ sinh hoạt đảng, đó chỉ là giải pháp tình huống. Thực ra chi ủy và đảng ủy đều lúng túng, không biết nên làm gì. Khai trừ ư, không đủ chứng lý, mà để tình trạng ấy kéo dài thì sai nguyên tắc.

Sau những suy tính đến mệt nhoài, người bí thư xã gặp riêng thím, câu chuyện nửa tình nửa lý đã đi đến một thỏa thiệp tạm thời, thuận cho cả đôi bên: Thím làm đơn xin ra, hai chú cháu cùng chờ cơ hội để chứng minh sự trong sáng. Cực chẳng đã, thím đành từ bỏ cái lý tưởng xanh biếc màu vinh quang, từng thu hút hết sinh lực một thời. Thím dồn hết những gì còn lại chăm bẵm cho thằng Tâm trong cái nhìn đa chiều của mọi người. Những người hữu trách thấy khó xử, nhìn vào con người thím không ai tin thím có thể mắc lỗi, vả lại cũng không khoanh vùng được đối tượng nào khả nghi là cha đứa trẻ. Phải đến sau ngày giải phóng miền Nam, khi vào một chiều đông có chiếc xe Zép chở mấy sỹ quan từ trại thương binh về nhà thím thì mọi chuyện mới minh bạch, nhưng chú đã là một thương binh nặng, có người phục vụ sinh hoạt cá nhân. Năm sau chú cũng qua đời ở trại an dưỡng. Cái rủi chưa dừng ở đấy, khi thằng Tâm sắp thi tốt nghiệp cấp 3 thì bỗng mắc chứng đau đầu, mắt mờ vô cớ rồi mù hẳn, nó cũng chết sau một tháng điều trị, bác sỹ bảo nó bị di chứng chất độc da cam từ người cha.

Thím như cái cây già bị đốn cụt, không còn chỗ nảy chồi hy vọng, hắn ngẫu nhiên là người thân yêu nhất, thím thành “cao đường” của hắn. Biết hai chúng tôi thân nhau, lại cùng cảnh không còn cha mẹ, thím quý lây cả tôi. Hắn bán nhà ở quê, tôi cũng nhượng cho chú em họ, cùng lên thành phố định cư. Tôi xui hắn đón thím lên ở cùng để cùng phụng dưỡng. Hắn trợn mắt: “Mày tưởng tao chưa thử hả, mày đón nổi tao khao to”. Tôi chưa tin, một lần tôi ngỏ lời, thím nói nhã nhặn nhưng chắc chắn: “Thím cảm ơn tấm lòng của hai anh, nhưng thím không quen, các anh đi làm, trẻ đi học, nhốt thím trong ba lần cửa khóa, chuyện trò với ma à, nói dại, có phải cảm cũng chẳng gọi được ai, vả lại còn nhang khói ông bà tổ tiên nữa chứ…”. Ra là vậy, con người ta sao ràng buộc lắm thứ phi lý thế. Song thím chả bù cho bao kẻ khác, cứ nhao ra thành phố như kẻ rời sa mạc tìm đến nơi bờ biển, không thèm để ý đến cơn bão cát ngược chiều.

Sau vụ ra đi của đứa con trai duy nhất, dần dà thím cũng vượt qua cơn sốc mà đứng dậy. Năng lượng sống như mạch nước ngầm lại trở về mức thăng bằng vốn có. Thím lại lam làm, hăng say và hiệu quả, làm cho vơi đi cái u buồn bất hạnh. Năm sào ruộng vẫn đều hai vụ, vài con lợn gối nhau trong chuồng. Vườn nhà lúc nào cũng đầy hoa màu, hoa trái liên canh, thím tiêu sao hết, vậy làm gì phải vất vả cho khổ. Nhìn lại “nguồn tiêu thụ” của thím chỉ có thể là nhà hắn mà thôi, có điều hắn đâu có thiếu tiền, lương chức giám đốc kinh doanh tới vài ba chục triệu, hàng tháng hắn còn biếu thím vài ba triệu lẻ cơ mà.

Ô, đời hay thật, người ta đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm tiền, nhưng khi có tiền thì thường lại thiếu tình. Phải, thím thiếu một gia đình ấm áp tình chồng vợ, con cái, với thím đó là điều trên hết. Từ ngày thằng Tâm mất, hắn càng quan trọng với thím, là cháu đích tôn, giờ lại độc đinh!. Có thứ gì ngon chả dành cho hắn thì cho ai. Từ mớ khoai Hàm Long bở như đỗ đến củ khoai môn dẻo như xôi nếp, từ mẻ trứng gà ta hồng rực đến những chùm vải sớm để thắp hương, mùa nào thức ấy, hắn cũng bận vì nhận quà. Chúng tôi bảo nhau năng về thăm quê, thăm thím. Trẻ con thì sướng rơn, là dịp hiếm hoi để chúng có cơ hội nhởn nhơ, hít thở không khí trong lành, diều thì không có, nhưng có thể thoải mái lăn kềnh ra bãi cỏ mà không sợ bẩn quần áo.

Có điều muốn hay không cũng khó tránh những điều bất cập, mà thím cũng không lường. Quà của thím cũng có thứ trẻ con không thích, người lớn biết nể, giữ ý, nhưng trẻ con thì không, trước mặt thím nó ngây ngô nói toẹt, rằng khoai lang khó nuốt, bánh đúc lạc không ngon bằng bánh xèo Hà Nội. Còn những quả vải đã tái ngắt, không ngon mắt thì sao ngon mồm. Hơn một lần chúng khiến hai chúng tôi mất mặt. Tôi xui hắn bảo thím từ nay đừng gửi quà nữa, ngoài này thiếu gì, đắt một tý cũng được, còn hơn để thím vất vả. Hắn trừng mắt: “Đừng có ngốc thế, giờ bà chỉ còn cháu chắt và công việc làm lẽ sống, người như bà sợ nhất là vô công rồi nghề, sinh bệnh ngay!”.

Tôi nghe mà chưa tin lắm, người ta về già, chân yếu tay run, ai chả muốn nghỉ ngơi. Nghĩ vậy nên lần ấy tôi từ chối quà thím: “Thím ơi, trên ấy giờ thiếu thốn gì đâu, thím cố làm gì cho cực, cứ nghỉ ngơi chơi bời để con cháu còn báo hiếu với chứ”. “Cha bố anh, biết dạy khôn thím từ bao giờ thế”. Thím cười gượng, trong ánh mắt có đám mây lướt qua, bất giác tôi lảng tránh ánh mắt ấy, chợt hiểu ra mình có gì sai sai!. Song tôi tặc lưỡi, cũng phải thế may ra mới bảo được thím. Nghĩ là làm, sau khi ra khỏi đám cưới, tôi không vào lấy đống quà nữa, đi nhờ xe về thẳng Hà Nội. Vừa thấy mặt hắn đã hỏi: “Quà đâu?”. Với hắn, quà của thím là điều tất nhiên mỗi lần về quê.

Tôi thành thực kể lại đầu đuôi tam quốc rồi tặc lưỡi “Mà có ai ăn, lại mất công đi cho hàng xóm”. Hắn chồm lên như bổ vào mặt tôi: “Đồ Ngu, tao cá với mày bà đang ngồi khóc đấy”. Tôi lờ mờ hiểu ra tính nghiêm trọng. Ừ, mình sao hiểu thím bằng hắn được, nhớ lại bóng mây trong mắt thím mà thấy ân hận. Không phải đợi lâu, hắn bấm điện thoại, bật loa ngoài cố ý cho cả tôi nghe: “A lô, thím à, nó về rồi, tiện xe đi vội để kịp ca đêm, quà cứ để đấy, mai thứ bảy con về/ - Thế hả, đưa cả nhà về nhé, lâu rồi không gặp, nhớ bọn trẻ quá đi!”. Hắn thở phào như cứu được bàn thua trông thấy, tôi cũng nhẹ cả người, nhưng rồi lại bảo hắn: “Tính sao thì tính, nhưng mình đang báo hiếu ngược, không nhẽ cứ để bà vất vả vì những mớ quà ngớ ngẩn ấy ư?”. “Nói thì dễ, chúng mình giờ chẳng có gì ngoài tiền. Tao vẫn gửi biếu đều đều, lúc đầu bà không nhận, sau miễn cưỡng thành quen, cũng chẳng biết bà tiêu gì cho hết, nhưng thôi kệ, nhưng đừng từ chối quà của bà, bệnh hay làm một đời đã thành mãn tính, thành… nghiện, cai là sốc ngay! Được lao động trong sự hứng thú là liều thuốc bổ dưỡng tốt nhất đấy”.

Sắp tới ngày ông công ông táo, tôi tranh thủ về tết thím và họ hàng. Thím chuẩn bị đùm lớn đùm bé cho hai nhà, ngoài ra còn một phong bì giấy báo gửi riêng cho hắn, vội nên tôi cũng chẳng kịp tò mò hỏi han. Mở thư hắn ngỡ ngàng, một sổ tiết kiệm hai trăm triệu đồng cùng giấy trao quyền sở hữu, ngoài ra còn một bản giấy viết tay khác, hắn liếc qua rồi cất vào túi, sắc mặt hoang mang đờ đẫn như có điềm báo.

Té ra lâu nay tiền hắn biếu đều vào sổ tiết kiệm này, nhưng sao phải đưa ngay, cả giấy tờ… có gì không ổn. Hắn túm áo tôi: “mày có thấy gì lạ không, bà có khỏe không?”. Nghe hắn hỏi tôi mới nhớ, đúng, hình như sắc mặt thím không nhuận cho lắm, giọng nói chậm chãi hơn. Hay thím bị bệnh mà giấu khi chưa đến mức cần cho ai biết. Hắn bảo tôi dồn dẹp công việc để về càng sớm càng tốt. Sự nhạy cảm của hắn có lý, xe tới nơi đã thấy họ hàng bên ngoại thím và xóm láng đến thăm khá đông. Từ trong nhà thím hỏi vọng ra: “Đã về đấy các con?”. Hai đứa ào vào như cơn gió, nhận ra, ánh mắt thím rực lên rồi giây lát rồi dịu lại, giọng yếu ớt, lịm dần, bất tỉnh, nửa đêm thím ra đi thanh thản như đã trả hết nợ đời.

Không ngờ đám ma của người độc thân lại đông đến thế, sự lan tỏa đã đến độ chín nhất. Một đoàn tăng ni phật tử chùa xã đến tụng kinh cho người quá cố siêu thoát, sư trụ trì công bố số tiền công đức của thím 5 năm qua tới một trăm hai mươi triệu. Khi ban tổ chức phát loa báo đến giờ hành lễ thì ông chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện chạy vào, tay cầm tờ giấy dấu đỏ rọi, theo sau là đội tiêu binh quân phục trắng cùng quân kỳ. Ông bảo vừa hoàn thành xong giấy quyết định kết nạp thím vào Hội, theo điều lệ mở rộng, dân quân du kích cũng nằm trong đối tượng kết nạp. Đọc quyết định xong, họ làm lễ phủ quân kỳ lên áo quan.

Đội tiêu binh vừa ra khỏi thì ông phó chủ tịch huyện, kiêm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện bước vào, trao cho ông trưởng ban tang lễ hai khung kính, giơ cho mọi người xem, công bố rằng thím đã quyên góp ủng hộ quỹ Chữ thập đỏ 50 triệu trong 3 năm vừa rồi. Trong khung là bằng khen và kỷ niệm chương. Khách nhà đám hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, thật là một đám hiếu đặc biệt trong sự khâm phục của mọi người. Tưởng đến thế cũng là quá ly kỳ, nhưng sau khi đọc điếu văn, qua phút mặc niệm, đến lượt hắn phát biểu lời cảm tạ, dứt lời, hắn rút từ túi áo ra tờ giấy mà thím gửi cho hắn hôm trước: “Kính thưa các quý vị, nhân đây tôi xin công bố một phần di chúc của thím tôi có liên quan đến địa phương, Thím tôi xin hiến tặng một nửa diện tích mảnh đất đang sở hữu là 250 mét vuông cho làng để làm nhà văn hóa”.

00

Không ai lường nổi điều gì sẽ xảy ra, hay dở thế nào, nhất là anh trưởng thôn, không giấu nổi nét vui mừng, anh đang loay hoay đến nhức đầu về đất xây nhà văn hóa. Lão Can - con sâu rượu trong làng, miệng lúc nào cũng nồng hơi men, mọi hôm thường sa đà vào sới “thích hợp”, hôm nay cũng đứng nghe điếu văn nghiêm túc và thành kính như ai. Công bố di chúc của hắn như giọt nước tràn ly, lão vỗ tay đôm đốp, miệng: “hoan hô”. Một phản ứng không điều kiện đã xảy ra trong vô thức, khá nhiều người vỗ tay theo cùng tiếng cười rộ. Khi họ chợt nhận ra sự vô duyên của mình thì sự “đã rồi”… Lạ chưa, nét mặt mọi người lộ rõ sự viên mãn ôn hòa trong cái ngường ngượng, một điều ngường ngượng đáng yêu, hy hữu trong đám hiếu khá ly kỳ nơi nẻo quê bình dị.

Truyện ngắn. Xuân Thắng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 5 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 1 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước