Thứ tư, ngày 08 tháng 05 năm 2024
23:00 (GMT +7)

Tiếng gọi điều công

Ai đã từng sống trong thập kỷ 60 - 70 thế kỷ trước, thì quá quen thuộc với tiếng kẻng gọi đi làm đồng và trở về sau một ngày làm việc mệt nhọc ở quê. Ngày ấy, khi chiến tranh “Chống Mỹ cứu nước” còn chưa kết thúc, Hợp tác xã nông nghiệp đang phát triển ở khắp mọi nơi, phong trào làm ăn tập thể là phương thức hoạt động sản xuất nông nghiệp chính, phần lớn sản xuất bằng công cụ thô sơ “con trâu đi trước, cái cày đi sau”. Ở quê tôi - Xóm Làng, xã Úc Kỳ, huyện Phú Bình - Thái Nguyên đã quá quen với việc điều công bằng tiếng gọi.

/tmp/phpobOgAC

Làng quê Úc Kỳ nay đã có nhiều đổi thay, nhưng vẫn giữ được nét thanh bình như xưa. Ảnh: Kim Ngân
Sáng sớm khi mặt trời còn ngái ngủ trong mây, tiếng ông Nhách tổ trưởng tổ sản xuất của Hợp tác xã (HTX) đã réo rắt vang lên khắp xóm:
- Ông Tài sáng nay đi cày ở ruộng bà The đồng cây Si nhá!
- Bà Cầu, cô Kẹo cắt lúa ruộng ông Phẻn, bà Bỉm đồng Dộc nhá...
- Chiều chuyển rạ ruộng cụ Sim lên bờ, gánh phân chuồng nhà chị Nũa, nhà bà Ban, vãi vào ruộng nhà ông Nấn ở đồng Con Cá nhá...

Cứ như vậy, ông Nhách lần lượt đi từng ngõ ngách trong xóm, điều công cho đến những nhà cuối cùng.
Tiếng ông Nhách không to nhưng cũng đủ cho mọi người nghe thấy, để biết ngày hôm nay mình làm gì, ở đâu. Ai chưa rõ thì hỏi nhà bên cạnh, nhưng cơ bản người nào cũng rõ, chỉ còn việc đánh trâu, mang cày, bừa hoặc quang, gánh, cuốc, xẻng đi làm. Cùng lúc đó tiếng kẻng của bác Tuất tật nguyền báo cho mọi người đi làm vang lên.

Ai vào việc nấy. Mọi người bảo nhau làm thật gọn gàng, ngay ngắn, ai làm ẩu, làm dối dá là bị người khác phê phán ngay, người nọ giám sát người kia để làm thật tốt. Thanh niên khỏe thì đi gánh phân ở chuồng lợn của các nhà, vãi ra những thửa ruộng do ông tổ trưởng tổ sản xuất đã điều hành. Các bà phụ nữ thì đi nhổ mạ, đi cấy, còn các ông đàn ông khỏe mạnh thì đi cày, bừa, tát nước và giúp các bà lôi rạ lên bờ phơi cho bớt nước rồi gánh về sân đình chia cho mỗi gia đình một ít để rắc vào chuồng lợn. Chủ yếu là chuồng nuôi lợn chứ trâu thì đã có chuồng thả tập thể để làm sức kéo và sinh sôi bầy đàn, là tài sản chung của xóm. Bò thì quê tôi ít nuôi, bò không có khả năng kéo cày như trâu, chăn nuôi bò phải có đồi cao vì bò ăn lá cây chứ ít ăn cỏ ở bờ ruộng như trâu, mà nuôi bò để lấy thịt thì nhà quê, nhà nào cũng nghèo túng, đâu có tiền để mua thịt bò về ăn, vì vậy cả làng hầu như không nuôi bò.

Dân làng tôi quen với cách lao động sản xuất tập thể - Hợp tác xã. Sự phân công lao động cũng rất hợp lý, tùy ứng với mỗi công việc nặng nhẹ khác nhau, thì chấm công điểm có khác nhau, phụ nữ và trẻ em luôn được ưu tiên làm những việc nhẹ mà công điểm cũng không thấp hơn việc nặng là mấy. Cách làm việc hối hả, bận rộn nhưng không quá quay quắt, lam lũ. Những giọt mồ hôi luôn lăn dài trên má, trên trán nhưng ai cũng vui vẻ, tiếng nói tiếng cười luôn râm ran trên từng khu ruộng, có lúc các cô thợ cấy còn véo von cất lên giọng hò để trêu chọc mấy bác thợ cày.
Bên cạnh tiếng gọi điều công của ông Nhách, quê tôi còn có tiếng kẻng rất có hồn của ông Tuất.
Khi mặt trời lên đỉnh ngọn tre, bóng người đã tròn dưới chân, tiếng cười nói, tiếng chuyện trò, tiếng quát trâu "Bật", "Diệt" (*) hòa vào tiếng đập đất thình thịch cũng đã giảm dần, bất chợt tiếng kẻng của ông Tuất tật nguyền từ chòm xóm cũng vang lên. Bà con lại hối hả kéo nhau về nhà, ai nấy vội vàng tiếp tục lo cơm, nước, chăn lợn, chăn gà...

Ông Tuất tật nguyền là con trai cả trong một gia đình, ông vừa câm vừa điếc, ông bị điếc bẩm sinh bởi thế ông luôn ấm ớ bật ra những tiếng từ trong họng mà không thành âm vực gì nhưng trời lại cho ông trí thông minh, ông nhanh nhẹn và tháo vát. Người ta quen gọi ông là "Ông Tuất tật nguyền". Ông Tuất đan lát rất giỏi, ông chỉ nhìn qua cách đan của người khác là bắt chước được ngay, ông đan nong, nia, dần, sàng, thúng, rổ, rá, thậm chí đan cả cái bồ đựng thóc, ai đặt đan gì chỉ cần làm động tác bằng tay hoặc lấy que vạch xuống đất hình cái đó là một vài hôm sau đã có sản phẩm chắc đẹp trả cho khách hàng rồi.

Thấy ông nhanh ý nên HTX giao cho ông đánh kẻng và trả công cho ông, nhưng ông nhất định không nhận công điểm. Ông ra hiệu cho mọi người rằng, HTX này là ngôi nhà chung, ông là đứa con trong ngôi nhà ấy nên có trách nhiệm phục vụ. Biết tấm lòng của ông nên không ai dám ép ông nhận công điểm nữa. Ông đánh kẻng rất thuần thục và đặc biệt, buổi sáng và đầu giờ chiều đi làm thì tiếng kẻng của ông rộn rã, thúc giục. Buổi trưa và chiều tối trở về thì tiếng kẻng thong dong, nhàn nhã khiến người nghe như hòa vào cảm xúc nhẹ nhõm, thanh bình trong tiếng kẻng ấy.

Một buổi lao động đã kết thúc. Thời ấy đồng hồ rất hiếm, cả xóm mua cho ông Tuất một chiếc đồng hồ để bàn, nhãn hiệu Liên Xô, để ông biết giờ mà gõ kẻng cho mọi người đi làm, giải lao và về đồng.
Cách điều công bằng tiếng gọi của ông Nhách đã trở thành hình ảnh thân quen và mong đợi của mọi người. Sáng sáng, chiều chiều, tiếng ông tổ trưởng Nhách đi điều công đều đặn, luôn văng vẳng vang lên trong xóm giữa cuộc sống chân chất của người nông dân quê tôi mộc mạc mà thân tình. Từ cách thức làm việc gần gũi như vậy mà dân làng tôi sống ấm áp như chung một mái nhà, ít có chuyện xích mích xảy ra. Ai ốm đau thì cả làng đến hỏi thăm, chăm sóc. Mỗi người mỗi việc giúp đỡ, người lấy lá làm thuốc cho người bệnh uống, người đun lá xông, người xoa bóp, cạo gió, người nấu cháo xúc bón cho ăn. Nhà nào có việc vui, buồn thì cả xóm xúm vào giúp đỡ, tự phân công nhau làm như việc của nhà mình. Ai nuôi con nhỏ, khi gặp bé khóc đòi "măm ti" vì mẹ chưa đi làm đồng về, thì đều có thể vạch ti cho bé bú, khi nào no sữa, bé toét miệng cười mới đưa trả cho chị hoặc cho bà bế bé mới yên tâm đi làm tiếp. Đâu đâu cũng rộn tiếng cười, tiếng nói, tiếng chào hỏi nhau thân thiện đến như anh em ruột thịt.

Tôi được may mắn sống trong tình thân của xóm làng gần mười tám năm, khi học hết lớp 10 phổ thông rồi xung phong vào bộ đội. Tôi đã được đi công tác và ở nhiều nơi: thành phố, đồng bằng, miền núi...

Tuy xa quê nhưng tiếng gọi điều công và tiếng kẻng của HTX cứ thấm sâu vào tiềm thức của tôi, không thể nào quên được. Đến nỗi khi đã thoát ly gia đình, đi công tác mấy chục năm rồi nhưng nhiều lúc trong giấc ngủ lơ mơ, tôi vẫn thắc thỏm chờ nghe tiếng điều công của ông tổ trưởng Nhách và tiếng kẻng của ông Tuất tật nguyền để đi làm, chỉ đến khi bạn tôi hoặc ai đó vỗ vào người bảo, gần sáu giờ rồi vẫn chưa dậy để ăn sáng à, tôi mới giật mình tỉnh giấc, mà vẫn nuối tiếc giấc mơ.
Cuộc sống hối hả nhưng rất thanh bình của vùng quê Việt Nam, tình cảm chân thành ấm áp của người dân quê tôi, Phú Bình - Thái Nguyên luôn như một dấu ấn đậm nét, không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi.

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Đồi Dung

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Chã - nơi ấy có mẹ chồng tôi

Xem tin nổi bật 3 tháng trước

“Người Gang Thép!”

Xem tin nổi bật 5 tháng trước

Một miền quê yêu dấu

Tôi và Thái Nguyên 9 tháng trước

Lũng Luông kỉ niệm

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Phúc Lộc – làng quê êm đềm tuổi thơ tôi

Tôi và Thái Nguyên 10 tháng trước

Mảnh đất cuộc đời tôi

Tôi và Thái Nguyên 11 tháng trước