Tiếng đàn bên sông Cầu
Chiến tranh tao loạn, có những phận người cả đời chìm trong ẩn ức nghiệt ngã. Nhiều lần trở lại con đường này, tôi hoang hoải hình dung về một con phố mấy mươi năm trước. Gốc nhãn cổ thụ, mái đình chợ rêu phong đã nhường chỗ cho một trung tâm thương mại sầm uất. Dãy nhà tre nứa chỉ còn là dĩ vãng. Trong không gian xa vời vợi của dĩ vãng ấy, kí ức của tôi về một người ăn mày không dễ gì phai nhạt. Bởi với tôi, không dám nói là số mệnh, hay gọi là cơ duyên, mà luôn là một điều gì đó...
Không khí đón xuân mới ngập tràn. Gió nhẹ nhàng rắc lên mặt đất những nhành hoa nắng. Tôi bâng khuâng ngồi lại bên bồn hoa rực rỡ, nơi ngày xưa có cây nhãn cổ thụ cha con lão ăn mày ngồi chơi đàn. Không rõ ở nơi xa thẳm kia, hương hồn ông đã có thể ngậm cười…?
***
Chưa năm nào mùa đông lại khắc nghiệt đến thế. Trời mưa lay phay, gió hun hút cắt da cắt thịt. Ô liếp nứa chạy dọc lớp học thi thoảng lại rung lên bần bật trước cơn gió mùa đông bắc. Ngồi trong lớp, dẫu đã khoác chiếc áo bông to sụ bên ngoài áo sợi, tôi vẫn rét run lập cập.
Tan học, thằng Tít lôi bơ sữa bò đục góc bên cạnh, phía trên buộc sợi dây thép đã tra sẵn phoi bào, mùn cưa và gỗ mục châm lửa. Khói vừa bốc lên, mấy đứa bọn tôi vội xòe tay hơ cho bớt cóng. Ngọn lửa phoi bào chừng không đủ bắt cháy đám mùn cưa, gỗ mục, cứ leo lét chập chờn. Tít cầm sợi dây thép buộc ống bơ, ra hiệu cho bọn tôi lùi lại rồi vung tay quay vòng tròn quanh người. Được hút gió, ngọn lửa bén mùn gỗ sáng lên đỏ rực. Mặc khói phả vào mặt cay xè, cả bọn bám theo Tít, vừa đi vừa hít hà. Con đường từ trường về nhà chỉ non một cây số, nhưng với mấy thằng học sinh lớp ba bọn tôi, nhiều khi là cả một chặng đường xa tít tắp.
Tới gần chợ Bến Tượng, Tít ngập ngừng: “Tao đói quá, không biết bố con lão ăn mày có gì ăn không?”. Thì ra Tít nghĩ đến chuyện xin đồ ăn mọi người bố thí cho lão. Tôi nghe nói lão đàn giỏi hát hay, như thể từng là nhạc công của gánh hát nào đó. Chẳng rõ lí do gì lão trở thành người tàn tật, một bên chân teo tóp, mặt nham nhở vết sẹo. Hàng ngày lão ôm cây đàn ghi ta, dắt đứa bé gái chừng bốn tuổi gọi là con, ngồi chơi đàn bên gốc cây nhãn cổ thụ ngay trước cổng chợ. Mấy lần theo mẹ đi chợ, tôi cũng lân la đứng cạnh người lớn nghe. Đứa bé dường như hiểu công việc của bố, nó lăng xăng nghịch ngợm, nhưng thi thoảng biết khoanh tay cúi đầu lễ phép, cảm ơn những người qua lại bỏ vào chiếc thau nhôm vẹo vọ đặt trước mặt bố một thứ gì đó, thường là những đồng tiền xu, hoặc nhiều khi là những củ khoai sắn, gióng mía...
Chúng tôi đến, lão đang đàn hát say sưa một bài hát hình như là chế lời của một bản nhạc nào đó rất vui nhộn. Hôm nay trời rét đậm, lão đốt đống lửa nhỏ trước mặt. Đứa bé choàng chiếc chăn chiên rách lỗ chỗ ngồi bên cạnh. Có lẽ đang buổi trưa nên lão đàn hát nhưng không hề có người nghe. Mấy đứa bọn tôi đến bên xuýt xoa, nhặt nhạnh mấy thanh củi chất vào đống lửa. Tít nhăn nhở: “Cháu chào ông! Ông cho chúng cháu sưởi nhờ một lát ạ!”. Ông lão khẽ cười, gật đầu nhìn từng thằng bọn tôi và tiếp tục đàn hát. Phải một lúc ông mới dừng lại, chụm môi huýt giả tiếng chim lảnh lót và nheo mắt: “Các cháu đi học về hả? Hôm nay rét quá. Có đói không?”. Chưa cần nghe trả lời, ông đã lôi từ chiếc bao tải rách mấy củ sắn nướng bẻ chia cho bọn tôi. Như những kẻ sắp chết đói, không cần khách khí bọn tôi ăn ngấu nghiến. Nhìn sang Tít, tôi sững người. Giời ạ, nó ăn không bóc vỏ và gột lớp than đen, cái mồm cá ngão lem luốc nhọ chả khác thằng hề trong phim hoạt họa. Dù nhiều lần đi mót khoai lang, tôi và nó cũng chỉ kiếm miếng cật tre cạo qua là có thể nhai sống. Tuy nhiên ăn kiểu này thì tôi chưa từng thấy. Bên cạnh, con bé tròn mắt nhìn bọn tôi như gặp người từ hành tinh khác.
Chưa kịp hỏi chuyện ông lão ăn mày câu nào, một tốp đàn ông đã sồng sộc bước đến, người mặc áo đại cán khoác xà cột, đầu đội mũ cát kết đeo băng đỏ lớn tiếng: “Ông kia! Ai cho phép ông hát ở đây? Giấy tờ đâu?”. Lão ăn mày lóng ngóng lôi từ tay nải tờ giấy nhàu nát. Không hề đọc xem tờ giấy viết gì, người đàn ông đã dằn giọng: “Cả nước ra chiến trường đánh giặc, người ở lại đổ mồ hôi, sôi nước mắt xây Chủ nghĩa xã hội. Ông ngồi đây tuyên truyền cho bọn phản động hả? Khôn hồn thì đi chỗ khác”. Lão ăn mày chống chiếc nạng gỗ nặng nhọc đứng lên phân bua: “Em tài hèn sức mọn, lại tàn tật thế này, chả làm gì được cho nước cho dân, sao dám làm tay sai cho bọn nó hại dân. Em chỉ hát những bài ai cũng hát thôi ạ. Em chỉ xin bố thí đủ để nuôi con”.
Không thay đổi nét mặt người kia lại quát: “Ai biết ông có là Việt gian hay không? Tối ngày rên rẩm, thằng chó nào biết ông hát cái gì?”. Như để thỏa cơn bực tức, hắn vung chân đá bay chiếc chậu nhôm làm mấy đồng tiền xu bắn tung tóe. Thấy ồn ào, mấy bà bán hàng xén gần đó kéo tới. Nghe thủng sự việc, bà to béo ôn tồn: “Thôi các chú ạ! Người ta đã ra nông nỗi này, phải đi hát kiếm rau cháo nuôi con, các chú thông cảm, ông ấy chả hát hò gì sai sất”. Người mặc áo đại cán rút còi định thổi, quay sang bà hàng xén: “Không phải việc của bà. Im mồm. Chúng tôi đang thi hành công vụ”. Bà hàng xén cũng không vừa: “Vâng! Tôi biết anh đang thi hành công vụ. Anh ăn cơm của dân mà đối xử với dân như súc vật. Người ta tàn tật, các anh không nuôi được thì để thiên hạ nuôi. Ông cứ ngồi đây hát cho chúng tôi nghe. Thằng nào đuổi đã có cái chợ này…”. Thấy nhiều người kéo đến mỗi người góp một câu phản đối, như để giữ thể diện, người kia vứt lại tờ giấy, phảy tay: “Làm gì thì cũng phải đảm bảo an ninh trật tự. Liệu hồn…”. Mấy người vừa quay lưng, tôi bỗng thấy con bé mặt tái xanh, mắt đỏ hoe nắm chặt cánh tay tôi tự khi nào. Máu đàn anh nổi lên, tôi bế con bé ôm chặt nó dỗ dành: “Em đừng sợ. Mấy ông ấy phét lác dọa tí thôi!”.
Mà quả thực mấy người đó không phét lác thì cũng phách lối. Từ hôm đó, mấy đứa bọn tôi hay đến nghe ông lão ăn mày đàn hát, không phải đến để ăn chực như bữa nọ. Ấn tượng với tiếng đàn và giọng hát của ông, chúng tôi có thể ngồi cả buổi lắng nghe không biết chán. Bàn tay ông lướt trên phím đàn, cùng giọng hát ấm mượt như nhung thật cuốn hút ma mị.
Bọn tôi gọi ông là lão ăn mày, bởi chẳng biết gọi là gì cho phải. Nhìn ông không ai biết ông bao nhiêu tuổi, chỉ đoán già đoán non. Ông thợ cắt tóc quả quyết: “Con còn bé, chắc cũng chạc tuổi tôi. Chẳng qua lão còm nhom khắc khổ nên trông như ông lão”. Các bà tỏ vẻ thương cảm: “Gà trống nuôi con thật tội nghiệp. Thế mới biết giời có mắt. Ông ấy tàn tật mà đứa con thì lành lặn, trông lại hay đáo để!”. Tôi thấy mấy bà hàng xén khen con bé xinh xắn và cưng chiều nó ra mặt. Có bà đến bữa cầm cặp lồng cơm sẻ một nửa cho nó. Không biết tên nó là gì chỉ nghe ông ăn mày và mấy bà gọi là Hĩm. Thi thoảng đến nghe hát và chơi bời quanh chợ, Hĩm tỏ ra thích chơi với tôi, vả lại nó cũng chả có ai chơi. Tổng kết năm học, do thành tích học tập tốt, tôi được nhà trường tặng hộp chì mầu và quyển vở dòng kẻ ô ly, nhớ mấy bận Hĩm tha thẩn cầm mảnh gạch vỡ vẽ trên nền xi măng, tôi mang ngay cho Hĩm. Con bé mừng rỡ kê vở vào gốc cây ngồi hí húi vẽ. Tôi không rõ con bé vẽ gì, chỉ thấy nó bậu môi say sưa như người lớn.
Một lần ngồi nghe ông đàn, như chợt nhớ, ông bảo nhà ông có cây mác mật, quả đã lác đác chín, vào hái ăn cho đỡ phí. Theo ông về nhà cạnh ngôi miếu gần cây cầu treo bắc qua sông, tôi bất ngờ bởi căn nhà ông chả khác lều canh cá, nhưng khá gọn gàng. Vừa giơ gậy kéo chùm quả xuống thấp, ông vừa kể: Ngôi nhà này là lán trú mưa nắng hồi thợ làm cầu treo. Lán bỏ hoang mọi người cho ông dọn về ở. Bà con hàng xóm cũng trông nom, quét tước hộ…
Mặc bọn tôi và cái Hĩm ngồi ăn quả, ông lẳng lặng tựa người bên gốc cây, ánh mắt thất thần nhìn về xa thẳm. Bất giác, ông cầm cây đàn, môi mím chặt, bàn tay như múa. Tiếng đàn lúc trầm đục, lúc giằng xé gào thét. Tia nắng cuối nhẫy hoàng hôn tái lịm. Dáng chiều vỡ trên mặt sóng sông Cầu. Rặng tre pheo chùng xuống, bóng ngả lấp loáng. Tôi ngỡ tiếng đàn đặc lại đan vào hai bờ sông và có thể bước lên đó mà đi…
***
Chiến tranh lan rộng và ngày càng khốc liệt. Thành phố nhỏ của tôi trở thành trọng điểm ném bom hủy diệt của máy bay Mỹ. Nhà trường tôi học sơ tán về dãy núi Linh Sơn. Tôi không còn cơ hội lê la cổng chợ nghe đàn hát. Hình ảnh lão ăn mày và cái Hĩm có thể sẽ nhạt nhòa và chìm vào quên lãng, nếu không có một sự việc bất ngờ.
Sáng chủ nhật ấy, mẹ đưa tôi đi chợ mua quần áo. Vừa đi lòng vòng vài ba dãy hàng, còi báo động đã rúc lên riết róng. Theo hướng dẫn của dân phòng, mẹ con tôi cùng mọi người sơ tán ra giao thông hào xuống hầm trú ẩn. Tôi bất ngờ khi thấy lão ăn mày gửi cái Hĩm cho bà hàng xén rồi tập tễnh chống nạng bước vào chợ. Ngồi trong hầm trú ẩn, tôi hỏi bà hàng xén: “Cháu thấy ông Xẩm (tôi chợt nghĩ ra cái tên ấy để gọi lão ăn mày) đi vào chợ. Sao vậy bác?”. Bà hàng xén ngậm ngùi: “Mỗi lần báo động, ông ấy tự nguyện ở lại trông coi hàng hóa cho cả chợ. Ông ấy bảo ông tật nguyền, lại không có tài sản. Bom nó thả trúng người cũng chả sao. Con bé Hĩm nhờ bà con nuôi giùm…”.
Tiếng bom đạn nổ đinh tai nhức óc, rung chuyển cả căn hầm bê tông cốt thép. Con bé Hĩm sợ hãi khóc ré lên, bà hàng xén ôm nó vào lòng nhỏ nhẹ: “Cháu đừng sợ! Bộ đội phóng tên lửa đấy! - Vuốt mái đầu con bé, bà giãy nảy: Sao cháu tôi nóng hầm hập thế này?”. Mẹ tôi đỡ Hĩm từ tay bà, sờ trán nó một lát và kêu khẽ: “Con bé sốt cao quá. Phải cho cháu đi bệnh viện xem sao bà ạ!”. Còi báo yên, mẹ tôi cùng bà hàng xén xin phép lão ăn mày đưa Hĩm đi bệnh viện. Trưa ấy, ông lão ăn mày chống nạng cà nhắc tới phòng bệnh. Hĩm đang nằm ngủ thiêm thiếp và đã qua cơn nguy kịch, ông lấy từ tay nải ra ba quả trứng đưa cho mẹ tôi, giọng khàn đặc: “Chị giúp tôi nấu cháo hay luộc cho cháu nó”. Mẹ tôi kéo ông ra cửa thì thào điều gì đó, lúc trở vào, nhìn Hĩm hồi lâu, ông ngập ngừng nấc nghẹn: “Tôi đã từng bị coi không là con người, nên lấy chút người cưu mang cháu. Tôi đã gần đất xa trời, sống nay chết mai, chỉ lo cho tương lai của nó…”.
Từ sau ngày đó, hôm nào tôi cũng theo mẹ vào bệnh viện trông nom Hĩm. Chả rõ mọi người bàn bạc ra sao, bà hàng xén nhận Hĩm là con nuôi. Khi Hĩm đỡ, vì nhà gần bệnh viện, bố mẹ tôi đưa con bé về nhà để tiện chăm sóc. Chắp nối lõm bõm những câu chuyện nghe lỏm của người lớn, tôi bất ngờ được biết ông lão ăn mày tên thật là Trân, nguyên là một chiến sĩ quân đội, quê tận miền Trung. Năm mười sáu tuổi, ông đã gia nhập một đơn vị bộ đội. Trong một lần đi trinh sát, ông bị thương và bị địch bắt làm tù binh. Không rõ vì lí do gì, những người Pháp đã tận tình cứu chữa và thay cho ông bộ quần áo lấm lem máu, bùn đất bằng bộ quân phục lính Pháp. Khi quân ta đánh chiếm cứ điểm, ông vẫn còn đang nằm điều trị giữa những người lính phía bên kia bị thương. Ông thanh minh mình là bộ đội ta, nhưng không hề có chứng cứ để lí giải. Đại đội cũ của ông kể cả người chỉ huy trực tiếp hầu hết đã hi sinh, hoặc bị thương không rõ điều trị ở đâu đó. Ông nghiễm nhiên trở thành “tù binh” giữa những người cùng chiến tuyến. Sau nhiều ngày bị đối xử lạnh nhạt như một kẻ phản bội, chán nản, ông lặng lẽ ra bìa rừng tìm đến cái chết bằng quả mìn tự tạo. Thần chết không thèm nhận mặt. Tỉnh lại, ông thấy mình nằm trong căn nhà của ông lão người dân tộc… Mấy năm sau vì nhớ quê quay quắt, ông quyết định trở về làng.
Năm đó, cả làng ông đã vào hợp tác xã. Dù cảm thông và thương ông đến mấy, không ai có cách gì để xin chia đất, hoặc tìm việc làm để chia công điểm cho một người tàn phế không chút giấy tờ tùy thân trở về từ cuộc chiến. Tay chủ tịch xã trưởng thành từ cải cách ruộng đất ra mặt coi ông là tên Việt gian nằm vùng, một phần tử nguy hiểm cần giám sát cách ly… Vào một đêm mưa gió, ông quyết định bỏ quê tha hương. Sau nhiều ngày lặn lội khắp thâm sơn cùng cốc, ông được một cơ sở sản xuất nước mắm lậu nhận vào làm việc, với điều kiện chỉ được nuôi ăn và phải ở tách biệt, không được ra ngoài để tránh bị phát hiện. Ngoài những lúc làm việc, ông chỉ biết cùng cây đàn ghi ta tấu lên những giai điệu học từ đồng đội trong thời gian quân ngũ. Sau vài năm vắt kiệt sức lao động, sợ ông chết vì tuổi già sức yếu, tên chủ kiếm cớ lẳng ông ra đường với mấy đồng thù lao còm cõi.
Vô gia cư đầu đường xó chợ, ông sống bằng sự bố thí của người đời cùng lời ca chắt ra từ cơ thể nhầu nhĩ. Tối hôm ấy đói mệt rã rời, ông lê bước về ga xép của một đường tầu hỏa tìm nơi trú ngụ. Lúc này cả nhà ga vắng tanh. Vài tiếng nữa mới có chuyến tầu chạy qua. Trên hàng ghế phòng chờ, chỉ duy nhất có một thiếu phụ ôm đứa con nhỏ vài tháng tuổi ngồi đợi tầu. Thấy ông, người thiếu phụ mau mắn: “Rõ khổ. Ông vào trong này ngồi nghỉ cho đỡ lạnh. Rét mướt này mà ông ăn mặc phong phanh thế kia!”. Thoáng chút ngỡ ngàng, ông lắp bắp: “Cô là…”. “Dạ! Cháu ở trên Thái. Nghe nói nhà cháu đóng quân ở đây, cháu đưa con bé đến cho anh ấy nhìn mặt con. Đến nơi, anh ấy đã cùng đơn vị lên đường ra mặt trận…”. Không biết nói gì, mặc cảm thân phận mình, ông ý tứ trải tấm bạt nhem nhuốc sát vách nhà và dựa lưng vào tường. Người thiếu phụ nhìn ông ái ngại. Như nhớ ra điều gì, cô lấy từ chiếc giỏ xách tay một túm bọc lá chuối đưa cho ông: “Cháu có nắm xôi từ hôm qua ông ăn tạm…”. Cả ngày chưa được chút gì vào bụng, ông hấp tấp mở gói xôi, không quên chìa lại cho cô: “Đội ơn cô. Cô ăn cùng với tôi”. “Thôi mời ông. Cháu vào làng hỏi thăm đơn vị anh ấy, bà chủ nhà cho ăn rồi ạ!”. “Nghe nói mười giờ mới có tầu. bây giờ còn sớm lắm, cô phải chờ vài tiếng nữa”. “Vâng! Lạ nước lạ cái, cháu phải hỏi đường đi sớm ra đây, sợ tối chả biết mò mẫm thế nào”. Câu chuyện cứ thế không đầu không cuối… Khi nhiều hành khách đi tầu lũ lượt kéo đến thì cùng lúc máy bay địch lao tới gầm rú. Người thiếu phụ ôm con cùng mọi người vội vã chạy ra cửa ga. Với đôi chân tàn tật, ông chỉ biết chống nạng nhìn lên trời.
Vừa lúc đó những chớp lửa bùng lên trước mặt. Ông tỉnh lại giữa đống đổ nát. Bất chợt có tiếng trẻ con khóc trên đống cỏ bên cạnh, ông lê lết tới nơi thì phát hiện đứa bé của người thiếu phụ ban nãy quấn trong tấm chăn chiên nhỏ. Dưới ánh trăng mờ đục, ông bàng hoàng thấy những thi thể người không toàn vẹn vương vãi khắp nơi. Ôm chặt đứa bé, ông gào lên những câu gì không nhớ. Suốt đêm ấy ông ôm đứa bé nhìn thanh niên xung phong gom nhặt thi thể người chết và đưa một vài người bị thương còn thoi thóp đi cấp cứu. Ông không biết người thiếu phụ còn sống, hay lẫn trong số các mảnh thi thể kia. Nhiều ngày sau đó, ông lân la quanh khu chợ gần ga xin sữa những người đang nuôi con cho đứa bé bú nhờ. Ai cũng tỏ ra thương cảm, sẵn lòng gom góp mọi thứ giúp ông chăm sóc đứa bé, nhưng không ai có điều kiện nhận nó thay ông. Khi đứa bé rời vú các bà các cô và ăn được cháo, nhiều người đi qua khu ga xép ngỏ ý xin, nhưng ông dứt khoát từ chối. Ông trời chẳng cho không ai cái gì và cũng không lấy đi của ai tất cả. Ông đã mất hết không còn gì, kể cả nơi chôn rau cắt rốn, chỉ còn chút sự sống le lói này. Trong cái sống chết chỉ cách nhau gang tấc, đứa bé như từ trên trời rơi xuống để cậy nhờ ông, không lẽ gì ông bỏ nó…. Đứa bé ấy là cái Hĩm.
***
Với sự giúp đỡ của những người có sạp hàng xén, ông lão ăn mày được nhận vào làm chân bảo vệ chuyên trông xe đạp, xe ba gác. Những lúc rỗi rãi, ông vẫn ngồi đàn hát cho mọi người cùng nghe, nhưng không còn chiếc chậu nhôm sứt sẹo xin tiền bố thí. Bố mẹ tôi cùng bà hàng xén làm giấy khai sinh cho Hĩm, tên mới của nó là Họa Mi và mang họ của ông Trân. Ai cũng bảo con bé xinh xắn, thông minh, ngoan ngoãn.
Vài năm sau, một người bạn chiến đấu cũ vô tình gặp lại ông. Bằng nhiệt huyết của một thời bên nhau trong máu lửa, ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ đã hoàn tất thủ tục minh oan cho ông.
Họa Mi lớn lên trong tình thương yêu, đùm bọc của bà con khu phố chợ. Cô trở thành giáo viên của chính ngôi trường cấp ba cô từng học.
Năm nay, nhân dịp Tít từ Đà Nẵng ra Bắc dự lễ khánh thành một nhà máy do công ty anh đầu tư, Tít mời mấy người bạn thân thiết hồi nhỏ tới dự buổi gặp mặt thân mật. Ngồi trên xe đến nhà hàng, Tít đề nghị được qua nghĩa trang viếng ông Trân. Đứng trước tấm bia mộ khắc di ảnh ông mặc bộ quân phục được chụp khi ông đã lâm bệnh, tôi không khỏi bùi ngùi xúc động. Bất giác trong gió, có tiếng chim cất lên xen lẫn tiếng ghi ta bập bùng như nảy ra trong tầng trời rơi vào nhành hoa nắng. Châm nén nhang đưa cho vợ mà nước mắt tôi trào ra không thể kìm nén:
- Em thắp hương lên mộ cho bố đi Họa Mi…!
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...