Tiến sĩ, nhà nghiên cứu và tác giả Chèo Trần Đình Ngôn: Cần dạy về nghệ thuật trong hệ thống trường học
VNTN - Một trong những mối quan tâm hàng đầu của xã hội lâu nay là giáo dục. Một nền giáo dục tốt sẽ sản sinh ra những công dân tốt có tri thức, kiến thức khá hoàn hảo. Với những trăn trở của người từng đảm nhiệm nhiều công việc, vị trí trong hoạt động xã hội, tiến sĩ, nhà nghiên cứu sân khấu, tác giả của hơn 200 vở chèo, Phó trưởng Khoa sáng tác văn học (Trường Đại học Văn hóa) Trần Đình Ngôn có quan điểm mới ở riêng lĩnh vực giảng dạy các môn nghệ thuật hiện nay.
Thưa tiến sĩ Trần Đình Ngôn, ông cho rằng phải cấp thiết đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường về nghệ thuật. Chắc hẳn ông có lập luận riêng của mình?
TS Trần Đình Ngôn: Con người từ khi chào đời đến lúc xuôi tay luôn luôn trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp cận với nghệ thuật như: kiến trúc (nhà cửa), âm nhạc, múa, sân khấu, văn học, tạo hình, điện ảnh, văn nghệ dân gian..., hiện nay thêm loại hình có nghệ thuật như truyền hình... Như vậy, con người tiếp xúc với nghệ thuật nhiều hơn so với văn học. Nhưng chúng ta từ xưa đến nay chưa bao giờ trang bị cho con người những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật. Hậu quả ngày hôm nay khi đất nước mở cửa và hội nhập với thế giới, người Việt Nam, đặc biệt là lớp trẻ tiếp nhận các loại hình nghệ thuật bên ngoài du nhập vào đã không có đủ kiến thức, trình độ để phân biệt thế nào là hay là dở.
Ngay cả những người đang làm công tác quản lý cũng do lỗi này mà thiếu sự hiểu biết dẫn đến hiểu lệch, hiểu sai, hiểu không đúng bản chất vấn đề. Cũng từ sự thiếu hiểu biết về nghệ thuật cùng một số yếu tố khác dẫn đến những chủ trương, hoạch định về văn hóa nghệ thuật nhiều khi dở khóc dở cười; đấy là còn chưa nói đến nhiều khi sai lệch cả một chủ trương, chính sách... Như thế đủ thấy tầm quan trọng của môn học này trong nhà trường.
Ông có đề cập đến những khiếm khuyết trên bình diện xã hội rộng lớn, ông có thể cho biết rõ hơn?
TS Trần Đình Ngôn: Nếu chú ý chúng ta sẽ thấy ngay hiện nay các quan chức, công chức, đại gia, người dân... biểu hiện một trình độ thẩm mỹ rất thấp do không được trang bị kiến thức về thẩm mỹ. Họ thấy cái gì hay với quan điểm, cách nhìn của họ là họ mua về, mang về, tìm cách phát huy nó..., dẫn đến thảm trạng gọi là “thẩm mỹ Nghị Quế”. Cứ nhìn vào phố xá, nhà cửa ở các đô thị và làng quê Việt Nam hiện nay thì đủ thấy: lộn xộn, lòe loẹt, phi thẩm mỹ, một sự xuống cấp nghiêm trọng về thẩm mỹ.
Theo tiến sĩ thì cách thức dạy về nghệ thuật trong nhà trường phải như thế nào?
TS Trần Đình Ngôn: Tôi nghĩ rằng không thể chậm trễ hơn được nữa, phải nhanh chóng đưa giảng dạy nghệ thuật vào nhà trường. Vấn đề này không khó, không xáo trộn đến quy trình học. Chúng ta vẫn đang dạy cho học sinh hai môn là học nhạc và học vẽ. Chỉ cần sử dụng thời gian của học nhạc học vẽ vào dạy về nghệ thuật. Nguồn nhân lực thầy cô thì đang rất sẵn, đấy là trường Đại học Sư phạm Nhạc họa trung ương, ngoài ra còn nhiều hệ sư phạm khắp cả nước. Chúng ta cần dạy cho các em biết thế nào là một bức tranh đẹp, bản nhạc hay, điệu múa hay, vở diễn hay..., chứ đừng dạy các em phải hát, phải vẽ. Hát, vẽ, nói chung một số loại hình nghệ thuật đòi hỏi năng khiếu, nhưng phổ cập những hiểu biết cơ bản về nghệ thuật thì chắc chắn các em đều lĩnh hội được.
Được biết ngành sân khấu đã phối hợp với ngành giáo dục triển khai và thực hiện đề án “Sân khấu học đường”?
TS Trần Đình Ngôn: Đúng thế! Tôi thấy tác dụng không là bao, không căn bản. Bắt các em phải đóng những ông hoàng bà chúa, những nhân vật người lớn... Tôi cho rằng đừng bắt các em phải biết diễn sân khấu mà nên dạy các em hiểu về sân khấu như thế nào...
Thưa tiến sĩ Trần Đình Ngôn, đã có những hình thức nào đề cập đến vấn đề này hay chưa?
TS Trần Đình Ngôn: Cho đến nay chưa có cơ quan, tổ chức nào đề cập, bàn về vấn đề này, tôi cũng thấy lạ và hình như người ta quan tâm đến những cái gì cao siêu, lớn lao thì phải. Còn đào tạo một con người hoàn thiện có lẽ người ta cho là đủ rồi.
Vậy theo ông những bước đi khởi đầu phải thế nào?
TS Trần Đình Ngôn: Tôi nghĩ nên tổ chức những hội thảo phối hợp với ngành giáo dục nhằm bàn thấu đáo vấn đề. Nơi có thể chủ trì hội thảo là Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam.
Vâng, xin cảm ơn Tiến sĩ Trần Đình Ngôn!
Cao Minh (thực hiện)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...