Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
09:52 (GMT +7)

Thụy ơi!

Truyện ngắn. Nguyệt Chu

Tôi khoác tay Thụy rảo bước. Đã lâu rồi chúng tôi mới có thời gian đi bên nhau trong đêm như thế này. Thực ra, Thụy chiều tôi chứ vốn dĩ Thụy không thích lang thang dạo phố như tôi, cũng không tùy tiện sà vào hàng quán vỉa hè như tôi. Thụy kĩ lưỡng và cầu kì. Yêu tôi, nhiều khi Thụy cũng cố tỏ ra là một người xuề xòa và dễ dãi. Kể cả việc cố diện bộ quần áo và đôi giày thể thao cho bụi bặm để đi bộ cùng với tôi trong buổi tối hôm nay cũng là một sự cố gắng của Thụy. Vì bình thường Thụy chỉ mặc áo vest, quần âu đã được là lượt phẳng phiu và đi giày đen. Tôi nhìn Thụy, bật cười thú vị.

Phố đã thưa người. Những ánh đèn loang loáng hắt xuống lòng đường. Bóng tôi và bóng Thụy xiên xẹo, dập dềnh, lúc tụ lại, lúc tan ra. Tôi thích cái trò đuổi bắt bóng mình. Đã bao lần tôi hỏi, bóng là tôi hay tôi là bóng? Thụy xua tay, bảo tôi nực cười. Chưa bao giờ Thụy cho tôi một câu trả lời thỏa đáng. Và tôi cũng không còn đem điều đó hỏi Thụy nữa. Những lúc đi bên nhau, tôi ngắm nhìn hai cái bóng đổ dài quấn quýt. Sương giăng như mưa bụi lấp lánh bên những ngọn đèn đường. Một cơn gió vừa thốc tới, thổi đám lá khô bay xào xạc về phía cuối con đường, tôi vội vã xích lại gần Thụy thêm chút nữa. Hơi ấm từ Thụy lan sang tôi, nồng nàn. Những tiếng rao thả vào đêm khắc khoải như tiếng kim đồng hồ chìm lút vào bóng tối. Chiếc đồng hồ lớn của thành phố lặng lẽ trong thanh âm của chính mình. Bỗng một bóng người từ đâu nhào tới giật phăng cái túi xách trên tay tôi và vụt chạy. Quá bất ngờ, tôi ngã khụy xuống. Thụy hô to: “Cướp, cướp” và luống cuống đỡ tôi. Đến lúc tôi định thần lại thì tên cướp đã bị một người đàn ông đưa về chỗ chúng tôi đang ngồi. Người đàn ông trao cái túi xách cho tôi, bảo, kiểm tra lại xem có mất mát gì không. Tôi nhận chiếc túi và cảm ơn người đàn ông lạ.

Đến khi nhìn tên cướp, tôi chợt thở dài, nó chỉ là một thằng bé chừng hơn mười tuổi, mặt mũi lấm lem, đầu tóc rối bù, bộ quần áo sờn rách và cáu bẩn. Nó đi đôi dép tổ ong rách, bàn chân thâm tím vì lạnh. Đột nhiên nó òa lên khóc rồi quỳ xuống xin lỗi rối rít. Chỉ vì mấy bữa nay bà nó bị bệnh mà tiền bán vé số không đủ để đưa bà đi chữa nên mới tính chuyện giật đồ người ta. Tôi nhìn thằng bé, lòng dậy lên một nỗi xót thương. Tôi mở túi, lấy ra mấy tờ tiền và cái cardvisit đưa cho nó, bảo, lần sau không được đi giật đồ nữa nghe chưa, nguy hiểm lắm, em cầm tiền mua đồ cho hai bà cháu ăn, sáng mai đến địa chỉ này chị xem bệnh cho bà.

Thằng bé ngỡ ngàng nhìn tôi. Cả người đàn ông và Thụy cũng ngỡ ngàng. Tôi phải nhắc lại lần nữa thì nó mới dám đưa tay ra nhận lấy rồi lắp bắp cảm ơn. Tôi lặng người nhìn nó lầm lũi đi vào bóng đêm. Thụy bảo, em dễ tin người quá, biết đâu nó lừa em thế thôi. Tôi chưa kịp đáp lại câu nói của Thụy thì một đứa bé gái chừng 5, 6 tuổi từ đâu chạy ào tới, ôm chầm lấy người đàn ông, giọng hờn dỗi: “Bố đi đâu mà lâu thế? Bắp rang bơ vẫn còn nhiều lắm nè”. Người đàn ông cúi xuống dỗ dành đứa nhỏ rồi cả hai quay đi. Tôi vội vã gọi đứa bé lại, bán cho cô hết chỗ bắp rang bơ này được không? Con bé há hốc mồm kinh ngạc. Sau khi nhận xong tiền, bỏ vào cái túi nhỏ buộc ở cạp quần, nó vỗ ngực đầy hãnh diện bảo người đàn ông, bố thấy con bán hàng có tài không? Người đàn ông cốc nhẹ vào đầu nó một cái rồi mỉm cười. Tôi chợt thấy nụ cười của anh thật ấm. Tôi nhìn anh, không quên nói lời cảm ơn. Hai cha con họ đã đi khuất nhưng trong lòng tôi vẫn cứ lâng lâng một cảm giác mơ hồ. Thụy gọi tôi về thực tại. Anh bắt tắc xi và đưa tôi lên xe. Anh phàn nàn rằng tôi hay lo chuyện bao đồng, đã thế lại còn mua một đống bắp rang bơ trong khi tôi đâu có thích ăn đồ ngọt. Tôi lặng im. Tự nhiên thấy xa cách Thụy.

Nhìn con bé mà tôi nhớ lại thời ấu thơ của mình, cũng đã từng lem luốc bẩn thỉu trong trại trẻ mồ côi. Một đứa con gái béo mập chuyên bày trò bắt nạt tôi và kết quả là tôi luôn bị phạt phải quỳ trên sỏi đến bật máu hai đầu gối. Nó nhìn tôi bằng cái nhìn đắc thắng và khoái trá. Tôi đã thề sau này phải trả thù nó cho bằng được. Thế mà nó đã chết vì viêm phổi. Trước lúc ra đi, nó nắm tay tôi và nói lời xin lỗi. Tôi vuốt mắt cho nó. Đôi mắt giàn giụa nước. Nước mắt tôi cũng chảy theo. Rồi tôi được bố mẹ nuôi đón đi, cho tôi một gia đình và học hành tử tế. Vì đứa con gái béo mập và lời xin lỗi cuối cùng ấy mà tôi đã quyết tâm trở thành bác sĩ. Tôi muốn chữa lành những vết thương cho mọi người, cũng như cho chính tôi. Bố mẹ nuôi tôi hỏi tôi có muốn tìm lại cha mẹ ruột của mình không. Tôi lắc đầu, tôi muốn vết thương trong lòng mình đóng sẹo. Họ muốn tôi sang Mĩ cùng họ, nhưng tôi đã xin ở lại Việt Nam, đến khi nào thấy cần phải ra đi thì sẽ đi. Vậy là tôi lại chỉ một mình, cho đến khi gặp Thụy. Có lẽ chúng tôi tìm thấy ở nhau những điều mình không có. Thụy là doanh nhân, lịch lãm và hào hoa. Tôi thèm cái lịch lãm và hào hoa ấy của Thụy, cái mà tôi thấy nó là xa xỉ trong cuộc sống của mình.

Nhưng Thụy không muốn tôi nhắc về quá khứ. Thụy bảo hãy để nó ngủ yên. Hãy coi nó chưa từng tồn tại. Kể cả việc tôi từ chối tìm lại bố mẹ đẻ cũng là do Thụy bảo tôi như vậy. Tôi thấy Thụy thật ích kỷ. Vậy mà tôi vẫn cứ theo ý Thụy. Tôi muốn Thụy vui. Quá khứ nhem nhuốc của tôi không xứng với Thụy. Thụy bảo muốn tôi thật hoàn hảo trong mắt gia đình Thụy. Tôi thấy có điều gì đó sai sai. Nhưng tôi chưa thể cắt nghĩa được. Bởi Thụy nói, anh làm tất cả chỉ là muốn tốt cho tôi mà thôi. Cũng phải, ngoài bố mẹ nuôi thì chỉ có Thụy là người tốt với tôi mà thôi. Tôi luôn tin Thụy bằng cả một lòng tin ngờ nghệch nhất.

Tôi chưa từng nghĩ rằng việc tôi chữa bệnh cho bà của thằng bé giật túi xách của tôi lại khiến Thụy phản ứng một cách tiêu cực như vậy. Thụy nói tôi quá đèo bòng. Nhưng tôi là bác sĩ, lại có phòng khám riêng, tại sao tôi không thể chữa bệnh cho người bà khốn khổ kia khi nó nằm trong khả năng của tôi? Lương tâm nghề nghiệp không cho phép tôi chối từ. Thụy gắt, nhưng em có thể lo hết cho mọi người được không, ngoài kia còn đầy rẫy những người khốn khổ bệnh tật.

Tôi nhìn Thụy một cách khó hiểu. Tôi không thể lý giải được tại sao Thụy lại ích kỷ như vậy. Hay đặc thù công việc khiến Thụy luôn phải tính toán thiệt hơn. Tôi thở dài, bỏ đi. Thụy im lặng, không đuổi theo tôi như mọi khi. Tôi lang thang trên con phố đã lên đèn. Trong lòng rệu rã và trống trải. Tôi cảm thấy mình đã đánh mất một cái gì đó, quý giá, ở Thụy, nhưng không thể gọi tên. Bỗng tôi nghe tiếng gọi lảnh lót, quay lại đằng sau thì nhận ra là cô bé bán bắp rang bơ tôi gặp tối hôm trước.

Con bé nhoẻn miệng cười, để lộ những chiếc răng sún. Đến hôm nay tôi mới nhìn rõ con bé, trên cái má đen nhẻm có một cái lúm đồng tiền rất duyên. Nó mời tôi mua bắp rang bơ. Nó bảo tôi là khách sộp. Tôi vẫy nó ngồi xuống vỉa hè. Đầu tóc nó rối quá. Tôi hỏi nó không ai tết tóc cho em hay sao mà để vậy. Nó cúi mặt, nói lí nhí, bố em chỉ biết buộc vậy thôi. Thế mẹ em đâu? Nó lắc đầu. Hai giọt nước mắt bỗng lăn dài trên má. Tự nhiên, tôi nhìn thấy mình trong đứa bé đang ngồi trước mặt. Tôi im lặng, mở túi xách, lấy cái lược nhỏ và bắt đầu chải tóc cho con bé. Những sợi tóc mỏng, loe hoe và đứt gãy. Mái tóc này đã phải gội quá nhiều nắng mưa vất vả.

Người đàn ông đứng bên chúng tôi tự bao giờ. Chỉ biết tôi ngẩng lên đã thấy anh ở đó. Con bé nhổm dậy, cười tươi gọi bố, khoe mái tóc được tết xinh xắn. Người đàn ông gãi đầu bối rối, phiền cô quá, đàn ông đàn ang không có làm được mấy cái này. Trên mặt anh có một vết sẹo dài, mới nhìn trông dữ tợn nhưng tôi lại thấy nụ cười anh thật hiền. Chúng tôi ngồi nói chuyện mặc cho bóng đêm âm thầm bủa vây.

Tôi trở về nhà vào lúc đêm đã khuya. Tin nhắn của Thụy đến từ bao giờ tôi cũng không hay biết. Thụy nói lời xin lỗi, tất cả là vì Thụy muốn tốt cho tôi. Lại là câu nói quen thuộc của Thụy. Tôi bỏ điện thoại xuống và mở cửa sổ. Những tiếng rao đêm lại len lỏi vào từng ngóc ngách của thành phố. Tôi chợt nhớ về tiếng rao của con bé, cả câu chuyện về hai cha con. Đó là những tháng ngày đau buồn nhưng cũng đầy ý nghĩa của anh khi gặp được con bé. Gần hai mươi năm trước, anh làm bảo kê cho một hiệu cầm đồ, có lần đánh nhau với một đám du côn, lỡ tay đánh chết người. Anh bị kết án tù hai mươi năm. Trong thời gian ở tù, nhờ cải tạo tốt mà anh được mãn hạn sớm. Ra tù, với mong muốn làm lại cuộc đời, anh hăm hở đi xin việc nhưng không ai nhận. Không ai muốn chứa chấp một kẻ vào tù ra tội với chi chít những vết sẹo và hình xăm. Buồn bã, anh tìm đến rượu để quên đi thực tại đắng cay. Một lần, anh gặp con bé bị bỏ rơi ở vệ đường. Thương xót nó, anh mang về nuôi. Thế là từ đó, anh không cho phép mình gục ngã, bởi anh cần phải lo cho đứa nhỏ. Chạy vạy đủ thứ nghề, ai cần gì làm nấy, nào bốc vác, phụ hồ rồi gom góp được số tiền nhỏ mua cái xe máy tàng tàng về chở xe ôm. Thấm thoắt đã 5 năm trôi qua, hai cha con đùm bọc lẫn nhau cùng đi qua những ngày cơ cực.

Hôm sau, Thụy đến gặp tôi, nói rằng cần khám bệnh. Thụy bảo, anh bị đau. Tôi hốt hoảng. Thụy cầm tay tôi đặt lên ngực, tim anh đau lắm. Tôi chợt hiểu và quắc mắt nhìn Thụy. Tại sao Thụy lại bỡn cợt khi tôi đang trong giờ làm việc, có bao nhiêu bệnh nhân đang chờ tôi ngoài kia. Thụy ngượng ngùng trở bước quay ra. Cách làm lành của Thụy nghe chừng hơi vô duyên. Đến lúc tôi hết bệnh nhân, quay trở ra ngoài sảnh thì đã không còn thấy Thụy đâu. Tự nhiên tôi thấy lòng mình nặng nề quá. Tại sao tự dưng tôi và Thụy lại có một bức tường vô hình ngăn cách, muốn nói với nhau mà khó cất lời.

Chiều muộn, tôi nán lại phòng khám, có ý chờ Thụy. Mở điện thoại ra xem, tôi giật mình vì tin nhắn của Thụy đến từ đầu giờ chiều mà tôi cũng không để ý. Thụy nói phải đi công tác nước ngoài một tuần, dặn tôi ở nhà phải tự chăm sóc bản thân. Tôi bấm máy gọi cho Thụy, chỉ nghe được tiếng tút tút khô khốc. Mở zalo, thấy Thụy gửi cho tôi một file nhạc, bài hát Khúc thụy du. Tôi bật nghe, những giai điệu da diết và ca từ khắc khoải

Như loài chim bói cá

Trên cọc nhọn trăm năm

Tôi tìm đời đánh mất

Trong vũng nước cuộc đời

Trong vũng nước cuộc đời

Thụy ơi và tình ơi

Đừng bao giờ em hỏi

Vì sao ta yêu nhau

Vì sao môi anh nóng

Vì sao tay anh lạnh

Vì sao thân anh run

Vì sao chân không vững

Vì sao và vì sao…(1)

Tôi nhớ đến lần đầu tiên gặp Thụy. Tôi bảo, yêu Thụy từ cái tên. Thụy cười, chẳng ai lại đi yêu nhau từ cái tên. Có sao đâu, vì yêu cái tên nên tôi đành phải yêu cả một con người. Yêu không lý do. Yêu không cần trả lời vì sao và vì sao. Tôi cảm thấy Thụy hiện diện trong sâu thẳm nơi tôi.

Vậy mà giờ đây tôi lại phải cất lên câu hỏi vì sao. Lại phải nhọc lòng cắt nghĩa những điều tưởng là tất yếu trong tình yêu của tôi dành cho Thụy. Hai chúng tôi là sự khác biệt, có lẽ như vậy nên sẽ là hai thỏi nam châm trái dấu để hút nhau. Nhưng liệu rằng sự khác biệt nếu quá lớn sẽ có thể lấp đầy khoảng cách?

Tôi tắt nhạc, đóng cửa phòng khám.

Phố đã lên đèn. Ánh sáng giăng mắc chơi vơi. Tôi lầm lũi trở về. Bước vào nhà, chợt thấy sao mà lạnh lẽo. Một mùi mốc mác sực lên làm cay khóe mắt. Căn nhà thiếu vắng hơi người, đúng ra là thiếu vắng hơi ấm của Thụy. Tôi chợt giật mình bởi đã lâu rồi, Thụy không ghé lại, từ cái đêm chúng tôi đi bên nhau và gặp cha con người đàn ông kia. Tôi ném mình xuống ghế. Căn phòng nhỏ bừa bộn những giấy tờ, sách vở, quần áo. Nếu Thụy đến, Thụy đã càu nhàu nói tôi lôi thôi rồi lại tự động dọn dẹp. Tôi lại sẽ nói mình đi suốt ngày, từ sáng đến tối, làm gì có thời gian. Rồi Thụy sẽ lại dịu giọng và pha café vào cặp cốc đôi xinh xắn mà chúng tôi đã mua nhân dịp kỉ niệm 3 năm ngày yêu nhau. Giờ cặp cốc đôi im lìm trên bàn chờ đợi.

***

Ngày hôm sau, tôi bàng hoàng nghe tin con bé bán bắp rang bơ bị tai nạn đang nằm cấp cứu trong bệnh viện.

Lúc tôi chạy đến thì người đàn ông đang ngồi gục trên ghế ở hành lang. Anh ta ngước lên nhìn tôi, khuôn mặt méo mó và đau khổ. Vết sẹo ở má nổi lên như một nhát roi quất vào mặt cháy bỏng. Anh nhìn tôi, đôi mắt tuyệt vọng như muốn van lơn, cầu cứu, hãy cứu lấy con bé, bằng bất cứ giá nào.

Tôi chạy đi tìm bác sĩ, cô là bạn học cùng với tôi. Cô ấy nói rằng con bé bị thương rất nặng và người đàn ông cũng không đủ chi phí lo cho nó. Tôi nắm tay bạn, run run. Đến lượt tôi nhìn bạn bằng ánh mắt van lơn, cầu cứu, hãy cứu lấy con bé, bằng bất cứ giá nào…

Hơn nửa ngày trong phòng phẫu thuật, con bé đã được đưa sang phòng hồi sức. Tất nhiên, chúng tôi không thể vào trong. Tôi mời người đàn ông một tách café trong căng tin của bệnh viện. Đôi tay anh ngập ngừng đỡ lấy. Tôi nhìn đôi bàn tay thô ráp và chai sạn của anh, lại hình dung ra cảnh đôi bàn tay ấy vuốt tóc và chải mái đầu cho đứa con bé bỏng. Đôi bàn tay ấy vô tình giết chết một người nhưng lại xoa dịu nỗi đau và hồi sinh kiếp sống cho một người khác. Bỗng anh lên tiếng phá tan những suy nghĩ lan man trong tôi. Anh cảm ơn tôi vì đã lo chi phí cho con bé và nhất định sẽ kiếm tiền trả lại tôi trong thời gian sớm nhất.

Thế là mấy ngày sau đó tôi thường xuyên đến thăm con bé. Trải qua cơn phẫu thuật, nó vẫn còn yếu nhưng luôn muốn nói chuyện cùng tôi. Tôi ra hiệu cho nó lặng im. Tôi thường hay vuốt tóc nó và kể chuyện cho nó nghe. Nó rất thích truyện Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Nó bảo nó cũng vừa bị hôn mê giống nàng Bạch Tuyết nhưng không phải là hoàng tử đến đánh thức mà chính là tôi. Nếu không có tôi thì nó sẽ ngủ vĩnh viễn và bố nó sẽ buồn lắm. Nó bảo nó muốn khỏi thật nhanh để đi bán bắp rang bơ phụ giúp bố. Tôi bảo, con sắp đến tuổi đi học rồi, không thể đi bán bắp rang bơ mãi thế được. Nó lắc đầu quầy quậy, không, con không muốn đi học, con phải phụ bố kiếm tiền. Ừ thì sáng đi học, chiều bán bắp rang bơ được không, cô sẽ mua hết cho con. Nó nhoẻn miệng cười với tôi. Hơi ấm sực lên làm tôi thấy lòng bình yên đến lạ.

Suốt mấy ngày, tôi chỉ đến phòng khám một lúc rồi lại về nhà chợ búa nấu nướng để mang cơm vào cho con bé. Tôi chợt thấy vui vui vì sự bận rộn này. Cảm giác như mình đang là một người phụ nữ của gia đình. Mẹ nuôi gọi điện về, hỏi tôi chuyện với Thụy. Tôi ngẩn người, ậm ờ cho qua. Chuyện tôi với Thụy bây giờ là như thế nào nhỉ. Mấy hôm nay, con bé đã choán hết chỗ của Thụy trong tâm trí tôi. Chắc là Thụy đang bận lắm nên cũng không có thời gian nhắn cho tôi. Tôi biết mình vô tâm khi để Thụy đi mà không kịp tiễn. Tôi lướt zalo định nhắn cho anh thì có cuộc gọi đến. Là cô bạn bác sĩ của tôi…

Hộp cơm trên tay tôi rơi xuống đất tung tóe. Tôi cuống cuồng lao ra cửa, bắt taxi đến bệnh viện.

Chỉ còn nhịp tim yếu ớt đang vẽ thành một đường nhấp nháy run rẩy trên máy điện tâm đồ. Người đàn ông nằm đó bất động, toàn thân đầy thương tích. Tôi nắm lấy bàn tay anh, đôi bàn tay chai sạn ấm nóng. Từng khắc trôi qua. Sự sống như ngừng lại trên khuôn mặt anh.

Vết sẹo nằm yên, hiền lành và thanh thản. Rồi mắt tôi hoa lên. Cái đường nhấp nháy xanh chỉ còn là một đường kẻ thẳng.Trong tôi như có cái gì vỡ tung ra, vụn nát…

Bạn dìu tôi ra ngoài. Tôi đi mà như muốn khuỵu ngã. Thì ra, vì muốn kiếm tiền để sớm hoàn trả cho tôi mà anh đã đi đòi nợ thuê, rồi ẩu đả đánh nhau và bị chúng nó đâm đòn chí mạng.

Vậy là anh đã đi rồi. Vội vã không một lời từ biệt. Kẻ đâm anh đã bị bắt. Nhưng còn tôi thì luôn bị ám ảnh bởi sự ra đi của anh. Những ngày sau đó, tôi phải nhờ bạn chăm sóc cho con bé ở trong bệnh viện. Còn tôi, cứ nhắm mắt lại là thấy khuôn mặt anh, giọng nói anh và anh nở một nụ cười thật ấm. Tôi đưa tay vuốt nhẹ vào vết sẹo trên má anh rồi khuôn mặt ấy tan biến. Đến khi tỉnh dậy, gối đã đẫm nước mắt.

Bỗng có tiếng chuông cửa. Tôi gượng dậy nhưng không thể nhấc nổi thân mình.

Chợt cánh cửa mở, Thụy bước vào.

Thụy cầm trên tay một bó hoa hồng thật to. Nhưng vừa nhìn thấy tôi, mặt Thụy biến sắc và vứt vội bó hoa xuống bàn, chạy lại ôm chầm lấy tôi. Thụy trách bản thân mình vì giận dỗi mà suốt những ngày qua đã không gọi điện nhắn tin hỏi han để tôi đến nỗi này. Lại trách tôi sao ốm đến thế mà không nói cho Thụy biết. Thụy rối rít xin lỗi và hôn tôi bằng nụ hôn nhòe nhoẹt nước mắt. Tôi òa lên khóc như một đứa trẻ sau một trận đòn roi.

Đêm ấy, tôi nằm trong vòng tay Thụy. Đã rất lâu rồi, tôi mới cảm nhận được hơi ấm của Thụy bao trùm lên tôi và khắp cả căn phòng. Buổi sáng hôm sau, Thụy đặt lên trán tôi một nụ hôn và cốc café đôi lại có việc của mình sau một thời gian nằm dài trên bàn chờ đợi.

Tôi bước ra kéo rèm cửa sổ. Nắng đã lên rực rỡ. Tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Ly café khiến tôi tỉnh táo. Thụy đứng từ đằng sau, vòng tay qua eo ôm tôi. Giai điệu bài hát quen thuộc lại vang lên “Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau”(1). Tôi như ngất ngây trong vòng tay Thụy và muốn thời gian hãy dừng lại mãi mãi ở khoảnh khắc này.

Vậy mà chuông điện thoại của tôi bỗng vang lên, cắt ngang dòng xúc cảm đang tràn ngập trong lòng tôi. Cô bạn bác sĩ thông báo ngày nay con bé được ra viện và gọi tôi đến để giải quyết. Tôi chợt nhận ra, mấy hôm nay đã vô tình quên mất nó. Một cảm giác tội lỗi xâm chiếm toàn bộ ý nghĩ tôi. Tôi vội nói với Thụy là có việc gấp rồi hớt hải đến bệnh viện.

Mấy ngày không gặp con bé, giờ trông nó đã nhanh nhẹn hoạt bát hơn. Đúng là trẻ con phục hồi rất nhanh. Nó giả vờ phụng phịu hờn dỗi vì cả bố nó và tôi đều bận việc mà không vào thăm nó. Nó cứ ríu rít như một con chim sẻ non rồi nắm lấy tay tôi. Nó chưa biết gì về cái chết của bố, tôi sẽ phải mở lời như thế nào để nó chấp nhận sự thật này? Nhìn con bé, tôi chợt nhớ ra cần phải đi mua sắm đồ mới cho nó. Tôi dẫn con bé vào siêu thị, mua quần áo, giày dép và đồ chơi cho nó. Mắt nó tròn xoe, ngạc nhiên và thích thú vì lần đầu tiên được nhiều đồ đẹp như vậy. Nó bảo, giá bố đi cùng thì thích nhỉ. Tôi lại thấy lòng mình nhói đau.

Tôi dẫn con bé về nhà, nói rằng bố bận việc phải đi xa một thời gian. Nó ngoan ngoãn gật đầu. Nó chỉ thắc mắc, sao bố không gọi điện về hỏi thăm nó. Tôi cười, xoa dịu, bảo, bố bận lắm, không có thời gian gọi, khi nào xong việc bố sẽ về…

Thụy không muốn tôi dẫn con bé về nhà. Thụy bảo tôi đưa nó vào trại trẻ mồ côi. Thụy nói chỉ muốn tốt cho tôi. Tất nhiên, lúc nào Thụy cũng chỉ muốn tốt cho tôi.

Đêm, tôi nằm ôm nó ngủ. Tôi vuốt những sợi góc mảnh mai cháy nắng của nó lại như thấy mình mấy chục năm về trước, khi lần đầu tiên, được mẹ nuôi ôm vào lòng và vuốt tóc, tôi đã được ngủ một giấc ngon lành. Bỗng nó mở mắt ra và đột ngột hỏi làm tôi bối rối: “Bố con sẽ không về nữa phải không cô?”.

Tôi ngập ngừng: “Sao con lại hỏi vậy? Xong việc bố con sẽ về”.

Nó cúi mặt xuống, rúc vào lòng tôi. Tôi cảm nhận những giọt nước mắt đang giàn giụa trên khuôn mặt nó. Tôi hoang mang không hiểu vì sao, chỉ biết dỗ dành nó đừng khóc, rồi bố sẽ về.

Nhưng rồi con bé bỗng nín khóc. Nó nói từng câu rành rọt làm tôi giật mình. Thì ra, nó đã biết chuyện bố nó chết rồi, từ hôm nó nghe lén được câu chuyện giữa tôi và bạn trong bệnh viện. Nhưng nó vẫn im lặng và tự mình vượt qua nỗi đau. Tôi ôm nó vào lòng, nghẹn ngào nói lời xin lỗi.

Hôm sau, Thụy hẹn gặp tôi nói chuyện, bảo, đang chuẩn bị cho buổi gặp gỡ giữa hai nhà để bàn chuyện của chúng tôi. Tất cả đều chờ ngày này đã lâu rồi. Chỉ có điều Thụy mong tôi đưa con bé vào trại trẻ mồ côi càng sớm càng tốt. Thụy vừa nói vừa nắm lấy bàn tay tôi. Rồi chúng ta sẽ có những đứa con của riêng mình. Chúng ta sẽ có một ngôi nhà hạnh phúc và ngập tràn tiếng cười con trẻ. Tôi gật đầu rồi vùi mặt vào bộ ngực vạm vỡ của Thụy. Tôi yêu Thụy từ cái tên, từ những gì tôi không có được.

Tối ấy tôi sửa soạn cho con bé một chuyến đi xa. Nó háo hức với va li quần áo, giày dép và đồ chơi. Rồi bất chợt nó hỏi tôi không sắp quần áo cho mình à và nhanh nhảu đã mang mấy bộ quần áo của tôi ra và xếp vào đó thật ngay ngắn. Nó nhoẻn miệng cười, thế là xong, rồi kéo tôi lên giường nằm ngủ. Trong cơn mơ, thấp thoáng hình bóng người đàn ông với vết sẹo dài trên má như một con rết đang đau đớn, quẫy đạp, đôi mắt van lơn, xin hãy cứu con bé bằng mọi giá. Nhưng rồi đột nhiên hình bóng ấy tan biến. Trong mắt tôi bây giờ là Thụy, là tình yêu ấm áp và dịu dàng “Đừng bao giờ em hỏi/ Vì sao ta yêu nhau”(1)

Buổi sáng, tôi bắt xe đưa con bé tới trại trẻ mồ côi. Con bé chưa hay biết điều gì, vẫn vui vẻ hồn nhiên như chuẩn bị được một chuyến đi chơi xa. Đến cổng, xuống xe, nhìn khắp xung quanh, trí nghĩ non nớt của nó mới nhận ra đây là đâu. Mặt nó xịu xuống, một nỗi buồn dâng lên trong đôi mắt. Nhưng nó không khóc, nó nói ráo hoảnh làm tim tôi như thắt lại: “Đáng lẽ con phải đến đây từ lâu rồi đúng không cô?".

Tôi ôm chặt lấy nó, cổ họng nghẹn lại, không nói được lời nào, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Con bé lấy tay vuốt những giọt nước mắt trên má tôi, nó thì thầm: “Con cố tình xếp những bộ quần áo của cô vào va li để mang vào đây cho đỡ nhớ cô đấy!”. Nghe con bé nói, tôi thấy lồng ngực mình như muốn vỡ ra từng mảnh. Không ngờ nó đã biết tất cả, vậy mà nó vẫn có thể bình thản đến nhường này. Rồi nó chủ động gỡ tay tôi ra, kéo va li đi theo người giám hộ. Tôi đứng trân trân nhìn theo nó trong nhòe nhoẹt nước mắt. Bóng nó đã khuất rồi. Chỉ còn lại một niềm day dứt khôn cùng trong sâu thẳm nơi tôi.

Đêm nay, Thụy ở lại cùng tôi. Sau cuộc làm tình, Thụy ngủ ngon lành, hơi thở đều đều thỏa mãn hưởng thụ. Còn tôi tự nhiên thấy cõi lòng trống hoác. Sợi dây liên kết với Thụy đứt gãy tự lúc nào. Tôi chợt giật mình, nhìn Thụy, trào dâng một cảm giác xa lạ. Da thịt trở nên sượng sùng. Đột nhiên trong đầu tôi vang lên câu hỏi nhức nhối : “vì sao ta yêu nhau?”. Rồi hình ảnh con bé ùa vào tâm trí tôi, mái tóc rối bời vì không được chải. Hai đầu gối tím bầm, tứa máu vì phải quỳ trên sỏi. Đôi mắt buồn thẳm sâu của người đàn ông nhìn nó, tội nghiệp. Đôi bàn tay chai sạn giơ ra mà không thể chạm vào con…

Tôi vật vã trở dậy. Trong lòng như lửa đốt. Bùng bùng cháy những mảnh vụn vỡ nát trong lồng ngực. Tôi xếp quần áo vào va li rồi viết thư cho Thụy. Tôi lặng nhìn Thụy trong giây phút cuối cùng.

Một ngày mới.

Có lẽ lúc này Thụy đã đọc thư và đang dáo dác tìm tôi. Tôi chấp nhận có lỗi với tình yêu nhưng không thể chối bỏ quá khứ của mình. Con bé là quá khứ của tôi. Nó sẽ cùng tôi ở hiện tại này và đi đến tương lai.

Tôi đến đón con bé ở trại trẻ mồ côi rồi đưa nó đi viếng mộ bố.

Hai chúng tôi cùng ra sân bay. Tôi nói với mẹ nuôi tôi rằng, đã đến lúc tôi cần phải ra đi.

Tôi cất tiếng gọi Thụy một lần cuối cùng bằng file nhạc gửi vào zalo rồi tắt máy.

Như loài chim bói cá

Trên cọc nhọn trăm năm

Tôi tìm đời đánh mất

Trong vũng nước cuộc đời

Trong vũng nước cuộc đời

Thụy ơi và tình ơi! (1)

Chú thích (1) Lời bài hát “Khúc thụy du” của nhạc sĩ Anh Bằng, thơ Du Tử Lê

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Vị chát trung du

Văn xuôi 5 ngày trước

Gió mùa Đông Bắc se lòng

Văn xuôi 6 ngày trước

Mùa của dã quỳ

Văn xuôi 6 ngày trước

Gánh khoai ngày mưa

Văn xuôi 1 tuần trước

Máu xanh

Văn xuôi 1 tuần trước

Lối của tháng Mười

Văn xuôi 2 tuần trước

Đôi cánh mẹ cho

Văn xuôi 2 tuần trước