Thưởng trà nơi phố huyện
VNTN - Có ai ngờ trong quán cà phê sang trọng nơi phố huyện, lại có một phòng trà “chuẩn” theo mọi nghĩa: Từ bố cục tầm thấp, bài trí tầm cao, dụng cụ pha chế, nguyên liệu hảo hạng… đến người tiếp ẩm am hiểu về trà.
Nếu không có người bạn sành trà - từng “ngồi thiền” chỗ này dăm ba tiếng mỗi lần - đưa đến, thì người viết không có cái may mắn được biết nhiều điều thú vị đến thế, từ một ấm trà.
Đó chính là quán cà phê Nam Phong, số nhà 8E, phố Chợ 2, Thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên). Bước vào quán điều khiến thực khách bất ngờ đó chính là không gian thiết kế hiện đại, cao cấp và lượng khách đông của một quán cà phê phố huyện.
Quyền Phong giới thiệu những chiếc ấm Tử sa
Người thưởng thức có thể đi xuyên qua khu vực của những ly cà phê thơm lừng, rẽ vào gian phòng ngăn cách với bên ngoài bằng vách gỗ lửng màu nâu ấm. Ở đó có hai bàn uống trà. Một là chiếc sập gụ màu cánh dán dành cho người thích ngồi xếp chân bằng tròn; một là bộ bàn ghế sa-lông, lưng tựa có đệm bông êm ái. Điểm nhấn trung tâm là chiếc bàn pha trà. Trên đó, người ta tỉ mỉ xếp đặt những thứ cần thiết cho các “trà nương, trà nô” thao tác. Ngoài cùng của bàn có: Nồi luộc chén; vòi nước “gật gù”; chiếc ấm đặt trên bếp điện tử. Khách ngồi vào bàn, chủ nhà đặt ấm lên bếp, vòi tự động xoay kề miệng ấm, “gật” một cái như ra hiệu, nắp ấm mở ra nhận nước, khi nước đầy nắp ấm tự đóng lại, vòi xoay về vị trí cũ, bếp đồng thời đóng điện đun nước. “Yểm trợ” cho các dụng cụ trên là chiếc chén tống có phễu lọc; chiếc kẹp gỗ (tránh bỏng tay vì nước nóng); thìa gỗ xúc chè; tấm khăn vải sợi thấm nước đáy chén; những chiếc lót chén bằng gỗ chừng vài ba ngón tay. Đặc biệt, trên bàn trà của quán Nam Phong có hai con cóc “phong thủy” được “nuôi” bằng cách tưới nước lên đầu và toàn thân cóc. Mỗi lần được “uống nước” mắt cóc chuyển từ màu xanh sẫm sang màu hồng ngọc nhìn rất sinh động.
Chủ quán là anh Quyền Phong, anh đã đầu tư cho thú thưởng trà thật công phu. Anh bày ra cho khách chiêm ngưỡng gần chục chiếc ấm Tử sa nhiều kích cỡ và màu sắc. Đây là loại ấm nổi tiếng, được làm thủ công, đơn chiếc, từ các nghệ nhân Trung Quốc. Vùng Nghi Hưng được trời ban cho loại đất ngũ sắc để làm ra ấm Tử sa này. Mỗi màu đất khác nhau sẽ đặt tên cho ấm, như hắc sa (màu đen), đoàn sa (màu sáng)… Giá tiền của ấm cao hay thấp phụ thuộc vào danh tiếng của nghệ nhân, tên của họ được khắc ở dưới đáy ấm. Chiếc ấm đắt tiền nhất của anh Phong có là 5,8 triệu đồng, thành ấm khắc một bài thơ. Những chiếc khác giao động từ 3 đến 4 triệu đồng.
Vừa luôn tay dùng chiếc chổi lông âu yếm phất nhẹ lên vỏ ấm, anh Phong vừa giải thích: Đó là cách “dưỡng” ấm. Như phụ nữ dưỡng da làm đẹp hàng ngày. Ấm Tử sa cũng được người dùng nâng niu, chăm sóc bằng cách tráng ấm, dùng giẻ thật mềm để lau cho nước gốm ngày càng sáng bóng lên.
Anh Phong đặt siêu đun nước, chọn chiếc ấm Tử sa xinh xinh đủ cho 3 người uống. Tráng ấm bằng nước sôi, đổ tràn các chén để khử trùng và anh xúc một muỗng nhỏ trà đinh Tân Cương (Thái Nguyên) nhẹ tay duôn vào ấm. Sau khi chuyên nước sôi đến trào ra miệng, anh Phong nhanh tay gạt bọt, đậy nắp, tưới nước sôi lên nắp. Đợi khoảng mươi giây, anh nhanh tay rót kiệt nước từ ấm ra chén tống, chia từ chén tống ra các chén nhỏ, chạm nhẹ đáy chén vào tấm khăn sợi bông cho khô nước, đặt chén lên những cái tách gỗ xinh xẻo, rồi đưa tay mời khách thưởng thức. Ấm Tử sa quả lợi hại, chỉ mươi giây ngắn ngủi nhưng chè đã đủ chín, nước đậm mà màu nước chỉ vàng phớt nhẹ.
Nhấp ngụm trà ngon hảo hạng của Thái Nguyên, trong lòng lâng lâng thư thái, chúng tôi bắt đầu “thâm nhập” kho tàng chè của anh Phong. Không chỉ cầu kỳ trong việc sưu tầm ấm, anh còn tích trữ nhiều loại trà độc đáo. Như trà bánh (trà làm ẩm đóng bánh gói trong gỗ mỏng, để ngoài không khí cho lên men, thức uống làm tan mỡ và đẹp da); trà bao tử quít (quả quít mới ra nhỏ bằng đầu ngón tay cái, sấy khô, cho chè vào trong, gói bằng giấy bạc); trà hoa vàng, sấy khô bảo quản vài năm trong ngăn lạnh… Riêng với chè Thái Nguyên, anh Phong mua hàng tạ chè xuân (chè đốn vào tháng 11 âm lịch cho lứa hái đầu tiên sau tết nguyên đán) bảo quản trong tủ lạnh để uống quanh năm.
Anh Phong chia sẻ: Tình yêu của anh dành nhiều cho chè, nhưng nếu mở quán chỉ để bán nước trà thì chắc không thành công. Bởi ở Đại Từ nhà nào cũng uống trà, mấy ai bỏ ra 100 nghìn đồng để uống 1 ấm trà đinh, 55 nghìn để uống 1 ấm trà tôm nõn? Thế nhưng, không ít người Đại Từ sau khi uống trà ở quán, đã thốt lên rằng: Hóa ra mấy chục năm qua họ chưa biết uống trà và chưa hiểu nhiều về chè.
Sinh năm 1971, lên 5 tuổi, anh Phong theo bố mẹ từ Hà Nam lên xã Bản Ngoại (Đại Từ) sống. Học xong cấp 3, anh vay mượn tiền đi Đài Loan (Trung Quốc) xuất khẩu lao động. 3 năm trở về với số nợ không nhỏ, bù lại anh có vốn tiếng Trung khá. Anh mon men làm phiên dịch cho khách Trung Quốc sang Việt Nam mua chè và khách Việt Nam muốn bán chè sang Trung Quốc. 6 năm làm trung gian giữa người mua và người bán, Phong thông thạo các vùng chè trong nước.
Tác giả bài viết và bánh trà Phổ Nhĩ (Trung Quốc)
Đợi khách uống nhạt tuần trà đinh Tân Cương, anh Phong mới lấy ra một cái bát miệng loe có nắp đậy, pha mời chúng tôi thưởng thức trà Ô-long. Nước pha loại trà này lần đầu phải sôi sùng sục, mới nở hết viên chè xoắn chặt, nhưng nước thứ hai lại để “nguội” bớt, tầm 80 độ cho cánh chè không chín nát - Anh Phong vừa làm vừa thuyết minh như vậy.
Đã nhiều lần uống trà Ô-long, nhưng ấm trà có nguồn gốc từ Lâm Đồng này thơm mùi bơ sữa, như ta đưa cái bánh trứng lên miệng chứ không phải chén trà. Thì ra trà Ô-long “xịn” phải từ cây giống đến khâu chăm sóc, chế biến, mới đứng được ở thị trường Trung Quốc.
Câu chuyện của chúng tôi trở về với chè Đại Từ như Khuôn Gà, Làng Thượng. Đặc biệt chè La Bằng nổi danh được chọn làm quà tặng cho các đại biểu dự hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017. Đến nay quán của anh Phong đã trở thành địa chỉ để một số cơ quan, đơn vị của huyện mời khách đến thưởng trà, quảng bá về chè.
Còn riêng người viết, thì tách trà uống giữa bạn bè đến hôm nay vẫn còn ngọt dịu. Tất cả những gì đã thấy không hẳn là sự cầu kỳ ẩm thực, mà còn bộc lộ tình yêu với trà của một người Đại Từ. Đâu giản đơn là một thứ nước uống, trà đã cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ để rồi thấy cuộc đời thật đáng yêu và đáng sống.
Minh Hằng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...